Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 - 06:09 pm
“Những điều giữ tôi còn sống – Reasons to Stay Alive” là chặng đường vượt qua trầm cảm của tác giả Matt Haig. Căn bệnh mà, với Haig, “không phải là một lời dối trá. Đó là thứ thật nhất tôi từng trải qua. Đương nhiên, nó vô hình.”
Không chỉ viết về trầm cảm, Matt Haig còn viết về tình yêu, tình thân. Về cái cách mà thế giới này vận hành. Về ranh giới nhạt nhoà giữa hi vọng và tuyệt vọng. Rằng vì sao cuộc đời đáng sống đến thế, mà cũng khiến ta đớn đau đến thế. Sau tất cả, đây là cuốn sách chứa đựng rất nhiều ấm áp và hi vọng, từ những điều tuyệt vọng nhất – đúng như tinh thần MGR luôn muốn gửi đến bạn.
Review Những điều giữ tôi còn sống (3)
Có bao giờ bạn tự hỏi điểm chung của Vincent Van Gogh, Enest Hemingway, Oscar Wilde, Sylvia Plath, Abraham Lincoln, Stephen King, Isaac Newton, Mark Twain, F. Scott Fitgerald, Jim Carrey, Robin William, Wolfgang Amadeus Mozart, … và rất nhiều những cái tên nổi tiếng trên thế giới là gì không? Tất cả những con người này đều đã nhiều lần có ý định tự tử, và sự thật là không ít người trong số họ đã thực sự tự tử thành công. Đó là kết quả mà căn bệnh trầm cảm đem lại.
Chúng ta thường hay nghĩ (và tin) rằng, người trầm cảm luôn muốn chết, đó là lí do họ luôn tìm đến với các phương thức tự tử. Nhưng sự thực là, dù trầm cảm khiến họ cảm thấy như lạc trong đường hầm tối tăm, như có một vụ nổ Big Bang diễn ra trong đầu, họ không muốn sống nữa, chỉ là không muốn sống thôi, chứ họ rất sợ chết, nói đúng hơn là người trầm cảm cũng rất sợ chết, như chúng ta- những người bình thường vậy, chỉ là căn bệnh trầm cảm cứ từng bước chế ngự hoàn toàn cuộc sống, nên tự tử là lối thoát duy nhất cho những người mắc căn bệnh đó.
Trầm cảm có thể xảy đến với bất kỳ ai, bạn cũng có thể thấy điều đó khi nhìn vào những cái tên được nhắc đến trên kia. Cho dù bạn có một tuổi thơ êm đẹp, cho dù bạn có giàu sang, dù bạn là người bình thường hay bạn nổi tiếng, bạn sống ở ngoại ô hay đô thị, thì điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì. Trầm cảm vẫn có thể đến với bạn bất cứ lúc nào. Đương nhiên Matt Haig cũng không ngoại lệ, anh đã từng là nô lệ của “con chó đen” ấy, anh đã chịu đau đớn và giày vò suốt nhiều năm tháng tuổi trẻ của mình. Anh không thể ở nhà một mình, cũng chẳng thể tự mình đi đến quán tạp hóa, phải dùng những thuốc trị liệu loại nặng nhất, anh khiếp sợ mọi thứ, và đã nhiều lần có ý định tự tử.
Nhưng trong cái rủi vẫn có cái may (dù cái may này phải trả giá quá đắt, và những cái rủi vẫn cứ là những cái rủi, Matt Haig đã nói vậy), sau khi vượt qua được căn bệnh ấy nhờ vào tình yêu thương và sự thấu hiểu sâu sắc của bố mẹ và Andrea, việc nhận ra được ý nghĩa thực sự của cuộc sống và đâu là điều quan trọng nhất với mình- là thứ có ý nghĩa vô cùng to lớn với anh. Những điều tưởng giản đơn như ánh sáng, như mùa hè, sách, ngủ, viết, yoga, những chú chó, những mùi bánh mì,… là những điều đã giữ anh còn sống trên cuộc đời.
Mình đã có ý định drop cuốn sách này sau khi đọc những trang đầu tiên, bởi phần mở đầu này khiến mình cảm thấy khá rời rạc, và thậm chí thấy như một bài nghiên cứu về tâm thần học khi cũng cấp thông tin về những con số và sự thật. Nhưng mình đã không làm thế, mình đã tiếp tục đọc. Và càng đọc, câu chuyện về căn bệnh trầm cảm của Matt Haig càng lôi cuốn mình. Những lời chia sẻ của anh chẳng những có thể giúp mình hiểu hơn về những người mắc căn bệnh ấy mà còn biết cách để cùng với họ vượt qua những ngày tháng bị con chó đen đó gặm nhấm.
Matt Haig đã thực sự thành công khi truyền tải thông điệp về tình yêu, về lòng thấu hiểu, về sự dũng cảm của con người. Matt Haig nợ Andrea một cuộc đời, còn những người có cơ hội được đọc sách của anh, bao gồm mình, nợ anh một lời cảm ơn từ tận đáy lòng, khi mà nhờ anh và cuốn sách này đã giúp mình phần nào hiểu được đâu là điều đã giữ mình còn sống.
Matt Haig, tác giả của cuốn sách “Những điều giữ tôi còn sống” đã chia sẻ về quãng thời gian bị trầm cảm của mình, đại ý rằng, giữa những hỗn độn của tâm trí, giữa những lộn xộn và hỗn mang khi không có một điều gì níu ông lại, thì những cuốn sách đã mang đến cho ông hi vọng, chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ lý do để giữ ông lại trên đời. Ông nói rằng “Một cái mác sáo rỗng gắn liền với các mọt sách là “những kẻ cô đơn”, nhưng đối với tôi sách là cách để tôi khỏi cô đơn.”
Mình đã thực sự tin vào điều đó, khi vào những giai đoạn tăm tối nhất của cuộc đời, một trong những điều khiến mình cảm thấy được vỗ về nhất chính là những trang sách.
Năm 1915, Kafka ra mắt tiểu thuyết “Hóa thân” kể về một anh chàng tên Samsa bỗng nhiên biến thành một con bọ. Cho đến tận sau này, người ta vẫn luôn sử dụng hình ảnh này để ám chỉ về những con người buồn bã đến mức biến dạng hình hài.
Gabriel García Márquez đã từng khởi sinh ra ngôi làng Macondo như một miền đất hứa của cặp tình nhân muốn “chạy trốn vào cõi cô đơn”, dù sau cả trăm năm cuối cùng cũng hóa vào gió bụi, nhưng suốt những thời đoạn sinh tồn, cuộc sống nơi đây vẫn có sự lảnh lót đầy mê hoặc.
Trong những tác phẩm của Banana Yoshimoto, niềm đau lớn nhất, nuối tiếc lớn nhất không nằm ở việc cuộc sống vần vò ta ra sao, mà nằm ở chỗ “dù cho có chuyện gì xảy ra, cuộc sống vẫn không có gì thay đổi và chỉ trôi đi mãi, không ngừng.” (trích câu cuối tác phẩm Amrita). Và dù cho như thế, cuối cùng vẫn luôn là sự thứ tha, mỗi nhân vật của Banana đến chặng cuối của hành trình, họ đều vẫn thấy “cuộc sống thật tuyệt, tình yêu thật tuyệt”.
Không khó để bạn tìm được những tác phẩm và những câu chuyện về nỗi buồn, sự u uẩn và cô đơn của con người trong suốt chiều dài lịch sử. Nếu đúng như Shakespeare nói, rằng: “Mục đích của nghệ thuật là để tạo cho cuộc đời một dáng hình”, thì những cuốn sách và văn chương đang làm rất tốt vai trò của nó, khi hiện thực rõ hơn hình dáng của sự cô độc, của những nỗi buồn, để bạn biết rằng mình không cô đơn, rằng luôn có người hiểu bạn và luôn có một điều dể bám víu, an ủi. Để sau đó, sẽ là những chương mới nhiều niềm vui hơn.
Có lẽ là rất nhiều hoặc một vài những giây phút trong cuộc đời mình, bạn từng nhen nhóm ý định về một cái chết, những lúc như vậy, hãy luôn giữ cho mình một điều tốt đẹp để tiếp tục với những điều (có thể là) tốt đẹp hơn, dù là những cuốn sách hay bất kì thứ gì khác. Hay như chính Banana trong một cuộc phỏng vấn đã nói: “Tôi không nghĩ có thể ngăn người ta tự sát, nhưng hy vọng nếu họ đọc tác phẩm của tôi, họ sẽ hoãn lại việc tự sát trong 10 phút hoặc một đêm. Có thể sự hoãn lại ấy là cơ hội để tiếp tục sống.”
- Thư Vũ
Tại sao trầm cảm kéo đến? Trầm cảm hủy hoại con người như thế nào? Và điều gì giữ ta còn sống?
Đây không phải chỉ là một bài review, cái mình muốn, nhiều hơn, là đem đến cho bạn một giá trị nào đó sau khi bỏ thời gian ra để đọc.
“Những điều giữ tôi còn sống” giống như một câu chuyện, kể về hành trình vượt qua trầm cảm của chính tác giả Matt Haig, về quá trình kể từ khi trầm cảm kéo đến, dày vò Matt, cho đến khi nó rời đi. Trong bài viết này, mình cũng sẽ tập trung nói với bạn về quá trình đó.
1. Khi trầm cảm tìm đến
“Tôi muốn chết. Không. Nói thế cũng không phải lắm. Không phải tôi muốn chết, mà là tôi không còn muốn sống. Cái chết vẫn là điều gì đó khiến tôi sợ. Và cái chết chỉ xảy ra với những người đang sống. Chắc chắn có nhiều người còn chưa bao giờ sống trên đời. Tôi muốn được như họ. Cái điều ước kinh điển xưa cũ ấy. Tôi ước mình chưa bao giờ được sinh ra.”
Trầm cảm giống như một vị khách không mời, bất ngờ tìm đến Matt theo cách đó, nó đến một cách tự nhiên, không lường trước, vào một ngày khi anh 24 tuổi. Cũng giống như bạn mình, khi 24 tuổi, cậu ấy cũng luôn mang những suy nghĩ đáng sợ ở trong đầu. “Tại sao mình lại được sinh ra?”, “Có phải mình vô dụng lắm không?, “Ai cũng sẽ chết, vậy người ta sống để làm gì, sống có ích gì, vì cuối cùng cũng chết?”.
Cứ như thế, người trầm cảm phải đối diện với hàng tá những lo âu và suy nghĩ tiêu cực, mỗi ngày.
Khi lý giải về nguyên nhân trầm cảm, Matt viết:
“Cơn trầm cảm không phải lúc nào cũng có nguyên nhân nhãn tiền. Nó có thể nhắm đến bất kỳ ai – triệu phú, người có mái tóc đẹp, người có hôn nhân hạnh phúc, người vừa được thăng chức, người vừa biết nhảy tap dance vừa làm được mấy trò ảo thuật với bài tây và còn chơi được cả guitar, người có lỗ chân lông hơi dễ nhìn thấy một tẹo, người thường phô diễn hạnh phúc trên mạng xã hội – những người mà, nếu nhìn từ bên ngoài, chẳng có lý do gì để mà khốn khổ
Đây vẫn là điều bí ẩn, ngay cả với những người đang phải chịu đựng cơn đau này.”
2. Trầm cảm hủy hoại con người như thế nào?
Với Matt, đây là những triệu chứng mà anh liệt ra khi bị trầm cảm:
“Sợ khoảng trống. Sợ bị chia lìa. Cảm giác hoảng sợ liên tiếp. Tinh thần kiệt quệ. Một xúc cảm râm ran gần như đau đớn trên cánh tay, bàn tay, ngực, cổ họng và sau gáy. Không có khả năng suy nghĩ về tương lai. Sợ mình sẽ nổi điên, bị nhập viện tâm thần, bị đưa vào phòng có tường bọc đệm của trại thương điên trong chiếc áo trói tay dành cho bệnh nhân tâm thần. Thấy mình vô dụng. Nỗi buồn vô hạn. Cảm giác mất kết nối, bị cắt đứt khỏi một hiện tượng thực khác. Khao khát được là một người khác/ bất cứ ai khác. Nhìn thấy quầng tối xung quanh vùng quanh sát của mình. Ham muốn được rũ bỏ chính mình trong một thời gian, một tuần, một ngày, một giờ, hay một giây thôi cũng được,…”
Mình liệt đến đây thôi, chắc bạn cũng đã đủ hiểu trầm cảm làm cho con người mệt mỏi cỡ nào rồi. Trong sách, Matt viết ra những điều cụ thể hơn, chi tiết hơn nữa.
3. Điều gì giữ ta còn sống
Với hàng tá những thứ trên, điều gì đã giúp Matt chọn tiếp tục sống và chiến đấu với trầm cảm thay vì kết liễu cuộc đời.
“Tình yêu đã cứu vớt tôi. Andrea. Khi cơn trầm cảm kéo đến, Andrea đã ở đó vì tôi! Cô ấy đã cứu vớt tôi. Tình yêu của tôi dành cho em và của em dành cho tôi. Cũng không phải chỉ cứu tôi một lần. Liên tục. Hết lần này đến lần khác.”
“Tôi nghĩ cuộc sống luôn mang đến những lý do ngăn ta không chết, nếu chúng ta lắng nghe đủ kỹ càng. Những lý do này có thể xuất phát từ quá khứ – có thể là từ người nuôi dưỡng chúng ta, hay bè bạn, hay người yêu; hoặc đến từ tương lai – những cơ hội đã bị chính chúng ta tiêu trừ.”
Lối viết của Matt Haig trong cuốn sách này rất nhẹ nhàng, như một lời tâm sự với những trái tim đang bị tổn thương, một sự đồng cảm và trải lòng vô cùng chân thật. Cuốn sách đồng thời cũng chỉ ra: “Những điều bạn không nên nói với người trầm cảm”, “ Làm thế nào để sống?”, “Làm gì khi cơn trầm cảm kéo đến?” “Những điều giúp tôi (bạn) (đôi khi) cảm thấy khá hơn”, “Những người trầm cảm tin vào điều gì để sống?”,…
Mình đọc “Những điều giữ tôi còn sống” trong vỏn vẹn 3 tiếng đồng hồ, tại The Coffee House Cầu Giấy, ngay khi bạn shipper của Tiki vừa giao sách tới. Lúc ấy, người bạn thân nhất của mình đang bị trầm cảm và chúng mình thì đã nhiều ngày không nói chuyện với nhau. Ban đầu mình chỉ định lật qua vài trang để biết được nội dung của cuốn sách là gì thôi vì đang ngồi làm việc ở quán, nhưng khi đọc rồi thì lại không dứt ra được nữa mà cứ thế đọc cho đến hết. Cuốn sách làm mình hiểu ra rất nhiều điều, về trầm cảm, về những gì mà người yêu mình đang gắng gượng để trải qua.
Mình nghĩ, “Những điều giữ tôi còn sống” là cuốn sách rất cần cho hai đối tượng:
Đầu tiên là những người đang bị chới với và bất lực mỗi ngày khi phải chống chọi với trầm cảm và đang có mong muốn được thoát ra.
Sau đó là chúng ta, những người có bạn bè, người thân, người yêu, đang bị trầm cảm. Người trầm cảm cần sự can đảm. Và người đồng hành cùng họ thì cần nhiều hơn sự can đảm đó. “Những điều giữ tôi còn sống” sẽ giúp bạn hiểu hơn, và giúp bạn tìm ra cách để ở bên một người trầm cảm.
Trích dẫn Những điều giữ tôi còn sống
“Tâm trí bạn là một thiên hà. Nhiều phần tối hơn là phần sáng. Nhưng những ánh sáng trong ấy mới khiến nó có giá trị. Điều này ý là, đừng kết liễu bản thân mình. Ngay cả khi bóng tối bao trùm. Luôn biết rằng cuộc sống không đứng yên một chỗ. Thời gian là không gian. Mình đang bay qua thiên hà ấy. Hãy đợi cho đến lúc những vì sao xuất hiện.”
“Không có gì là mãi mãi. Nỗi đau này sẽ không kéo dài mãi. Nỗi đau nói với mình rằng nó sẽ còn kéo dài. Nó nói dối đấy. Kệ đời nó đi”
“Cuộc sống là những người yêu thương bạn. Không ai đời nào chọn sống chỉ vì một chiếc iPhone. Mà là vì những người đã dùng chiếc iPhone để liên lạc.
Và một khi chúng ta đã hồi phục, và sống trở lại, chúng ta sẽ bắt đầu với nhãn quang mới. Mọi sự trở nên rõ ràng hơn, và chúng ta ý thức được những điều trước đây ta chẳng thể nhận ra”
“Rồi một ngày, mình sẽ trải nghiệm sự hân hoan tương xứng với nỗi đau này. Mình sẽ rơi những giọt nước mắt vui sướng khi nghe The Beach Boys, mình sẽ ngắm nhìn khuôn mặt của một đứa bé con đang nằm ngủ say trong lòng, mình sẽ gặp những người bạn tuyệt vời, mình sẽ ăn những món ăn ngon mình chưa từng nếm thử, mình sẽ có thể nhìn một cảnh tượng từ trên cao và không phải liên tưởng đến chuyện ngã xuống chết. Có thật nhiều cuốn sách mình cần phải khám phá, thật nhiều bộ phim mình phải vừa xem vừa ăn mấy xô bỏng ngô siêu-lớn, và mình sẽ nhảy múa, sẽ cười, sẽ làm tình và đi chạy bên bờ sông, sẽ tham gia những buổi chuyện phiếm đêm khuya và cười cho đến đau cả bụng. Cuộc sống đang chờ đợi mình. Mình có thể sẽ bị kẹt ở giai đoạn này mất một khoảng thời gian, nhưng thế giới này sẽ không biến mất đi đâu cả. Mình phải trụ vững nếu có thể thôi.
Cuộc sống luôn xứng đáng với nỗ lực này.”