Viết lên hi vọng là cuốn nhật kí kể lại hành trình “đương đầu” với một lớp học sinh cá biệt của Erin Gruwell, một giáo viên ngữ văn rất trẻ tràn đầy lý tưởng. Tại ngôi trường mới, cô giáo trẻ phải đối mặt với những học sinh ngỗ nghịch, chúng gây cho cô nhiều rắc rối lẫn phiền muộn. Thay vì bỏ cuộc hoặc xin chuyển lớp, Erin hạ quyết tâm phải mang đến sự giáo dục bình đẳng cho những học trò vốn bị mọi người đánh giá là “hết thuốc chữa”. Cô mang trong mình niềm tin mạnh mẽ rằng giáo dục có thể chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất.
Review Viết lên hi vọng
Có bao giờ bạn đọc một quyển sách rồi thấy nó khác hẳn với những gì bạn biết về một vùng đất? Nếu chưa thì đọc quyển này để biết nhé.
Rồi bạn sẽ phải thốt lên rằng “Đây là nước Mỹ ư? Nước Mỹ của tự do, dân chủ mà người ta vẫn hay gọi là miền đất hứa thật sao?” Còn điều gì ta chưa kịp biết? Còn bao nhiêu thứ khiến ta phải chợt rùng mình để rồi rung động?
“Viết lên hi vọng” là một câu chuyện có thật, được viết bởi Erin Gruwell và những nhà văn tự do, cũng là những học sinh đầu tiên của cô. Cuốn này đã được chuyển thể thành phim điện ảnh hơn 2 tiếng từ 460 trang sách, với cái tên “Những nhà văn tự do”.
Erin – một cô giáo người Mỹ, 23 tuổi đã bắt đầu sự nghiệp dạy học ở một trường cấp 3, trong một lớp học của những đứa trẻ 14, 15 tuổi “hết thuốc chữa”, “ những đứa trẻ sẽ nghỉ học và cô đi dạy sẽ thoải mái hơn”.
Khi mà 14, 15 tuổi, mình sống trong sự đủ đầy và một Việt Nam bình yên đến tuyệt vời. Còn với những đứa trẻ trong sách, từng tuổi ấy họ đã quá quen với nào là sự phân biệt màu da, chủng tộc, nào là mà tuý, là súng và băng đảng,… Chúng không hề tin vào điều tốt đẹp, vào lẽ phải, công bằng mà chỉ tin vào việc bản thân phải chiến đấu, phải mạnh mẽ để dù chết, cũng chết như một “anh hùng”, một chiến binh thực thụ vì băng đảng của mình. Sự chiến đấu hơi ngu muội bởi mong muốn thể hiện bản thân, cái tôi và sự phân biệt nhau bởi chủng tộc.
Không ai tin vào những điều cô gái ấy làm được. Cô nói cho chúng nghe về nạn diệt chủng với người Do Thái, cho chúng đọc về nhật kí Anne Frank, nhật kí Zlata Filipovic, về sự mất mát nhưng đáng để kể lại, thay vì “dạy đời” chúng với những quy định và ngôn từ sáo rỗng.
Ban đầu, khi Erin tới, cái mà mình đọc được trong đầu những đứa trẻ là “Tôi không thể tốt nghiệp cấp 3”, “Tôi chẳng mấy hi vọng mình sẽ sống đến năm 18 tuổi”, “Tôi phải chiến đấu”, “Chẳng còn hi vọng đâu, rồi cái thế giới không công bằng này sẽ vùi dập mọi thứ. Chẳng có gì tốt đẹp, cũng chẳng có ai quan tâm thật lòng”.
Và rồi sự thay đổi cũng sẽ đến, khi người ta đọc được những câu chuyện viết lên bằng trái tim, tự mình viết ra từ trái tim và lắng nghe trọn vẹn với trái tim của mình.
Tình yêu, niềm tin và hi vọng qua năm tháng đã được nhen nhóm. Chúng học cách nói lên sự thật và yêu thương nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Mình nghĩ đó là biểu hiện của một cuộc sống tử tế, xa hơn là một cuộc đời tử tế.
Mình không muốn tóm tắt, nhưng lại chẳng biết review như nào. Mình chỉ viết ra những suy nghĩ vụn vặt về cuốn sách này. Hi vọng có ai đó cũng đọc nó, hoặc xem phim để thấy hạnh phúc với những gì mình đang có và từng có.
– Thuy Le