Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 - 05:43 pm
Tựa sách “21 Lessons for the 21st” lấy ý tưởng từ cuốn “12 Rules for Life” (12 quy tắc thành công cho cuộc sống”) của Jordan Peterson. Sách là tuyển tập nhiều tài liệu trước đó được xuất bản hoặc trong bài giảng, được tổ chức thành năm phần: Thách thức về công nghệ, Thách thức chính trị, Tuyệt vọng và Hy vọng, Chân lý và chương cuối Khả năng phục hồi – những lời khuyên của ông về cách thức tốt nhất cần làm trong tương lai mà chúng ta phải đối mặt.
“Làm thế nào để bạn có thể sống trong một kỷ nguyên đầy hoang mang, khi những đại tự sự cũ đã sụp đổ, và không có đại tự sự mới nào xuất hiện để thay thế ? ”- câu trả lời cuối cùng là tất cả chúng ta nên đi tìm trong truyền thống Phật giáo như Harari đang làm. “Đó là cách duy nhất để chúng ta biết về tâm trí của chúng ta” ông nói.
Review 21 bài học cho thế kỷ 21 (2)
Bốn quan điểm tôi thấy hay trong “21 bài học cho thế kỷ 21” của Yuval Noah Harari
Tôi đã chờ cuốn sách này từ rất lâu rồi. Đã mua bản tiếng Anh, nhưng đọc không nắm được mấy, đặc biệt là các phần viết về tôn giáo, tâm lý học, lịch sử hay kinh tế. Ngay khi bản tiếng Việt được xuất bản, tôi đã phải xin được cầm cuốn sách này ngay để thỏa lòng mong chờ. Quả nhiên, Yuval Noah Harari vẫn xuất chúng như vậy.
Robot mãi mãi là tay sai cho con người.
Từ khóa ở đây chính là “tư duy”. Robot sẽ không bao giờ có tư duy, ham muốn thống trị, mà chúng sẽ mãi chỉ là những kẻ thực thi mệnh lệnh (ở đây là mã nguồn) do một con người nào đó lập ra. Còn con người có tư duy. Một binh đoàn robot sẽ không có ý thức MUỐN thống trị. Việc chúng tàn sát (nếu xảy ra) sẽ dừng lại ngay nếu như chúng đã giết hết mục tiêu. Chứ, bọn chúng sẽ không có ham muốn được làm bá chủ. Mà dục vọng đó chỉ là của con người thôi.
Tác giả có dẫn chứng về Vụ thảm sát Mỹ Lai (do binh đoàn lính Mỹ thực hiện) và cuộc thảm sát của lực lượng người Serb ở Bosnia. Một sự kiện không hề tuân theo chiến thuật nào, mà bột phát do nỗi sợ hãi kết hợp với sự dã man của lính Mỹ, và một là một chiến dịch có tính toán kỹ càng. Hai cuộc thảm sát do người và máy thực hiện. Nhưng cuộc thảm sát Mỹ Lai có thể đã không xảy ra nếu như binh lính là những con robot và Mỹ Lai không nằm trong lập trình. Cuộc thảm sát ở Serb ở Bosnia (nhằm thanh lọc sắc tộc) có lẽ sẽ còn tồi tệ hơn nhiều nếu như binh lính là những con robot. Bởi robot sẽ không chùn bước trước trẻ con, người già…Nhưng xét cho cùng, chúng cũng vẫn sẽ chỉ là tay sai.
Con người (có thể) sẽ là nô lệ của công nghệ (A.I. khác với robot nhé!)
Sẽ có lúc A.I hiểu chúng ta hơn bản thân ta hiểu mình.
Sẽ có lúc chúng ta buồn, chiếc máy tính hay điện thoại sẽ cho luôn 1 playlist nhạc buồn/vui tùy theo tính cách của chúng ta (vốn đã được nó thu thập dữ liệu từ trước qua việc đo xúc cảm khi thấy các ảnh/video hiện lên)
Sẽ có lúc chúng ta phải hỏi A.I rằng hôm nay tôi nên ăn gì, mặc gì, nên xem phim gì, nghe nhạc gì…và đi theo những gợi ý mà A.I sắp sẵn, dựa vào những thông tin ta đã vo tình/cố tình cung cấp trong suốt cả một quãng thời gian dài.Con người sẽ phải nương theo tập thể
Yuval nói một câu chuyện rất hay trong lịch sử là ngày xưa, người ta biết nhiều thứ. Một người phụ nữ vừa có thể biết may vá quần áo, thêu thùa, đi làm ở công sở, hoặc làm nông, hiểu về việc tưới tiêu, rồi bao công việc khác nữa, nhưng ngày nay, chúng ta biết ít hơn chúng ta tưởng, nhưng lại tưởng là chúng ta biết nhiều hơn. Chúng ta phải cần đến người khác làm những việc mà trong quá khứ 1 người có thể tự làm được. Nhưng lại không coi đó là vì chúng ta đang biết ít đi. Trái lại, bản thân chúng ta tưởng chúng ta biết nhiều hơn.
Sự tưởng bở này dẫn đến một thực tế mà Rolf Dobelli cũng đã nói trong cuốn “The Art of thinking clearly” là cái bẫy kiến thức. Tức là suy nghĩ “Ai cũng sẽ hiểu được điều mình nói như mình hiểu và đang nói ra điều đó.”
Ví dụ giải thích cho một người không cùng ngành nghề, chúng ta dễ mắc tật là nghĩ họ cũng biết về ngành nghề ấy y như mình. Hãy thử nhìn cách bạn giải thích một vấn đề cho một đứa trẻ. Bạn chuyển ngôn ngữ của bạn thành ngôn ngữ dễ hiểu đối với bọn trẻ con, hay vẫn giữ nguyên cách diễn đạt kiến thức người lớn vì nghĩ rằng “đứa trẻ chắc sẽ hiểu được.” Ví dụ rõ nhất chính là lúc bạn giải toán cho học sinh lớp 3, nhưng lại dùng các phép tính của học sinh lớp 5.
Chính vì ta biết ít hơn nên ta sẽ phải dựa vào tập thể nhiều hơn và sẽ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ của tập thể nhiều hơn.Khủng bố sẽ mãi chỉ là bọn tép riu
Yuval có đưa ra so sánh con số thương vong giữa những vụ khủng bố với các vụ chiến tranh, nạn đói, thảm họa thiên nhiên để cho thấy việc khủng bố chỉ khiến chúng ta sợ chứ thực chất chúng không hề đáng sợ. Đúng như thế. Lượng người chết trong một vụ xả súng còn xa mới theo được vụ sóng thần ở Srilanka. Hay một vụ đánh bom còn lâu mới sánh ngang được nạn đói lịch sử về con số thương vong. Cái cốt lõi của khủng bố chỉ là để reo rắc nỗi sợ hãi cho chúng ta, vì không biết lúc nào chúng sẽ hành động. Cộng thêm với mạng xã hội, nó khiến cho chúng ta càng hoang mang mỗi khi truyền hình, mạng xã hội đưa tin trực tiếp về một vụ khủng bố nào đó. Fareed Zakaria đã nêu quan điểm này trong “Thế giới hậu Mỹ” cách đây vài năm và đến bây giờ, nó càng ngày càng đúng.
Còn nhiều quan điểm khác của Yuval cũng làm tôi thấy bị cuốn hút như quan điểm về di dân tị nạn, về tôn giáo, về giáo dục, nhưng có duy nhất một tiếc nuối là anh lại chọn “Thiền” là nội dung kết thúc cuốn sách. Nó như một động tác điều hòa, kết thúc bài tập thể dục buổi sáng vậy. Đang cao trào mà kết thúc như vậy, quả là hơi bị hẫng.
Nhưng vẫn hay và đáng đọc!
Điều đầu tiên thì mình không thích bìa của cuốn sách này, dòng chữ tên sách in màu phản quang giống Sapiens nhưng rất dễ xước, mình thử cà chìa khoá lên 2 cuốn thì cuốn Sapiens màu vẫn y nguyên. Thứ hai là gáy sách, mỏng hơn nhiều so với 2 cuốn trước, đọc được 100 trang thì bắt đầu xuất hiện nếp nhăn trên gáy sách, phải hết sức nâng niu. Phần in ấn bên trong thì ổn, chỉ có 1 lỗi đánh máy thừa ra dấu “)” gần cuối trang 292. Góp ý mong nhà xuất bản cải thiện.
Về nội dung thì như tên sách, 21 bài học được tác giả chia thành 5 phần, vẫn lối viết phân tích lập luận sắc bén đan xen những câu chuyện lịch sử, cùng những ví dụ thực tế thú vị hài hước đã tạo nên thương hiệu của ông. Cuối cuốn Homo Deus thì Harari đã come out với độc giả khi ông gửi lời cảm ơn mẹ chồng rồi, còn đầu cuốn này có ghi gửi tặng chồng. Hơi funny một chút khi có đoạn ông viết cà khịa chồng mình và cả ông bố chồng “tư bản” lợn, chứng tỏ chàng dâu này cũng đanh đá phết.
Sau đây là những bài học mà mình tâm đắc và có thể ứng dụng được.
– Bài học số 2 và 19: “Khi con lớn lên, có thể con sẽ không có việc làm”.
Công nghệ robot, học máy, cùng sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) đang đe dọa lấy đi công việc của rất nhiều ngành nghề từ sản xuất sữa chua đến dạy chơi cờ, sáng tác nhạc. Ở Việt Nam thì có lẽ quá trình này sẽ diễn ra chậm hơn, nếu bạn đã là phụ huynh khi đọc cuốn này sẽ có một cách nhìn khác về việc dạy bảo con cái.Trong kỷ nguyên số có quá nhiều thông tin, thay vì nhồi nhét dữ liệu, chúng ta cần khả năng hiểu được thông tin, kiểm chứng thông tin, chọn lọc những thông tin quan trọng và hữu dụng. Nên nhớ AlphaZero của Google chỉ cần 4 tiếng tự học chơi cờ để vô địch cờ vua, chúng ta không chạy đua được, chúng ta cần thích nghi, “thay đổi” là hằng số duy nhất.
Bên cạnh đó ta nên giảm bớt các kĩ năng kĩ thuật và nhấn mạnh vào các kĩ năng sống đa mục đích 4C (critical thinking, communication collaboration, creativity), rèn luyện khả năng đối phó và thay đổi, học điều mới, duy trì cân bằng tâm lý trong các tình huống xa lạ.
– Bài học số 7,8: Chủ nghĩa dân tộc; Chúa phụng sự quốc gia.
Đầu thập niên 1990 khi gói TỰ DO được “tân trang” lại, kì vọng xóa bỏ mọi ranh giới quốc gia thì giờ đây thời đại Trump đang đi ngược lại, người bỏ phiếu mất niềm tin vào toàn cầu hóa. Mỹ muốn “make American great again” như năm 1980 hay 1950, Anh tách khỏi EU muốn sự “cô lập huy hoàng” như thời nữ hoàng Victoria, Nga muốn về thời vinh quang của Sa hoàng.
Sang thế kỉ 21, tôn giáo không cầu được mưa, không chữa được bệnh, không làm ra bom, nhưng nó vẫn hiệu quả trong việc định hình trật tự xã hội, quyết định “chúng ta” là ai và ai là “họ”. Bởi vậy chỉ cần một chút tưởng tượng + tái diễn dịch, tôn giáo gần như luôn có thể kết đôi với các món đồ công nghệ mới nhất và các thể chế hiện đại phức tạp nhất. Công nghệ đỉnh cao kết hợp truyền bá tôn giáo đỉnh cao: Israel đưa Chúa trở lại, Trung Quốc củng cố Khổng giáo, Bắc Hàn truyền bá cho dân chúng hệ tư tưởng Juche, thần đạo Shinto như hòn đá tảng của bản sắc Nhật.
Đại dịch Covid-19 đang cho thấy các nước chuyên quyền sẽ dễ dàng xử lý thông tin và đối phó dịch bệnh hơn. Nước ta cũng một trong các nước có lợi thế về tập hợp thông tin, điều này giúp cho AI có thể phát triển tốt hơn nhờ học máy. Chính phủ cùng nhân dân ta đã làm rất tốt trước đại dịch, mình thấy hạnh phúc và tự hào là người Việt Nam.
– Bài học số 15,17: Ngu dốt và Hậu sự thật.
Homo Sapiens là loài duy nhất có thể nói về những thứ chưa từng nhìn thấy, chừa từng chạm hay nếm, chúng ta chinh phục trái đất nhờ khả năng sáng tạo và lan truyền những câu chuyện hư cấu. Tác giả đưa ra nhiều ví dụ về việc những tin fake đã tồn tại lâu như thế nào, ám ảnh nhất là cái chết của cậu bé Hugh vùng Lincoln, Matthew Paris bịa chuyện khiến 19 người do thái bị xử tử, tin đồn này đã tồn tại 700 năm chỉ đến năm 1955, nhà thờ lớn Lincoln mới bác bỏ câu chuyện vu vạ hiến tế đó.
Trách nhiệm của chúng ta là đầu tư thời gian và công sức vào việc phát hiện các thiên kiến và kiểm chứng nguồn thông tin của mình. Ta cần thời gian, ta cần thử nghiệm với những con đường không đích đến, khám phá các ngõ cụt, chừa chỗ cho sự nghi ngờ và nhàm chán, cho phép những hạt mầm thấu tỏ lớn lên và nở hoa. Nếu ta không được phép phung phí thời gian, ta sẽ không bao giờ tìm được sự thật.
– Bài học số 20, 21: Ý nghĩa cuộc đời; Thiền
Chủ nghĩa tự do đã chối bỏ màn kịch vũ trụ, nhưng lại tạo ra màn kịch bên trong mỗi con người : vũ trụ không có cốt truyện, vì thế con người chúng ta phải tạo ra cốt truyện, tạo ra ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Đạo Phật từ hàng ngàn năm trước đã đi xa hơn chủ nghĩa tự do, phủ nhận không chỉ mọi màn kịch vũ trụ mà cả chính màn kịch bên trong do con người tạo nên nữa. Đạo Phật nói rằng vũ trụ không có ý nghĩa, và cảm xúc của con người cũng không mang ý nghĩa nào cả. Chúng chỉ là các rung động thoáng qua, xuất hiện và biến mất chẳng vì mục đích cụ thể.
Ta cần hiểu được mình, tâm trí mình và những khao khát của mình, hơn là cố thực hiện bất cứ ảo mộng nào xuất hiện trong đầu. Ta dành quá nhiều thời gian để xây đắp và đánh bóng một bản thể hoàn hảo trên mạng, rồi bị chính những sáng tạo của mình hấp dẫn và đánh đồng nó với sự thật về bản thân, quả thật vừa thú vị vừa kinh hoàng.
Ngoài ra còn nhiều thứ hay ho về tôn giáo, chính trị, thuyết âm mưu, thuật giả kim…giúp mình có nhiều góc nhìn mới mẻ về các giả định trong tương lai gần. Các bài học khác có lẽ phù hợp hơn với các chính trị gia và những chủ doanh nghiệp lớn.
– Xuân Nam
Tóm tắt 21 bài học cho thế kỷ 21
Phần 1: Thách thức Công nghệ
Loài người đang mất niềm tin vào câu chuyện của chủ nghĩa tự do, huyền thoại đã thống trị nền chính trị toàn cầu trong những thật kỷ gần đây, đúng khi sự hợp nhất giữa công nghệ sinh học và công nghệ thông tin đang đặt ra các thách thức lớn nhất mà con người từng gặp phải.
Chương 1 –Thôi mê muội
Sự chấm dứt của lịch sử đã bị trì hoãn
Một
Năm 1938, loài người có 3 câu chuyện “cổ tích” thế giới. Giới tinh hoa từ New York, London, Berlin, và Moscow sáng tạo ra 3 đại tự sự để giải thích quá khứ và dự đoán tương lai: Fascist, Communist, Liberalism. Đến 1968, sau thế chiến thứ II, người ta chỉ còn 2, đến 1998, người ta chỉ còn 1. Đến năm 2018, chúng ta chỉ còn con số không. Niềm tin vào chủ nghĩa tự do đang lung lay tận gốc. Với những hỗn loạn trong các chương đầu của thế kỉ 21, câu chuyện của chủ nghĩa tự do, thứ “thần thoại” đã thống trị phần lớn thế giới trong 20 năm qua, đã bắt đầu rạn nứt, để lại những hoang mang tột cùng. “Cảm giác đột nhiên sống mà không có câu chuyện nào thật đáng sợ. Chúng ta không hiểu thế giới thực sự đang vận hành như nào”.
Hai
Đóng góp không nhỏ cho cảm giác “khó ở” của các công dân hiện đại là những đột phá trong công nghệ. Tuy chúng ta vẫn hoài nghi khi các lãnh đạo nước nhà nói về cách mạng 4.0, kể cả các chính trị gia phương Tây cũng không khá hơn nhiều. Cuộc bầu cử tổng thống 2016, Clinton và Trump cãi nhau về nhiều thứ, về biên giới, về nhập cư, về mất việc, nhưng ít ai nói về tác động của AI, thuật toán, hay tự động hóa. “Donald Trump cảnh báo người Mexico và Trung Quốc sẽ cướp việc của người Mỹ, và vì vậy họ nên xây một bức tường biên giới với Mexico. Nhưng ông lại chẳng cảnh báo các cử tri rằng các thuật toán sẽ thế chỗ họ, cũng như gợi ý xây một bức ‘tường lửa’ ở biên giới với Califonia.”
Ba
Chủ nghĩa tự do, với Combo: dân chủ, quyền con người, thị trường tự do, nhà nước phúc lợi, toàn cầu hóa… đang đối mặt với cuộc khủng hoảng niềm tin, cho dù nó vẫn là câu chuyện phổ biến nhất và mang lại cuộc sống vật chất, sự hòa bình, y tế, giáo dục… tốt nhất hiện nay. Phải chăng chúng ta nên bỏ “quách” 1 ý thức hệ phổ quát và mỗi quốc gia nên tập trung vào chuyện của riêng mình? Chính xu hướng này đang diễn ra, cụ thể là nỗi thương nhớ quá khứ, trên quy mô toàn cầu. Tổng thống Trump thì kêu gọi “Make Amercian Great Again”, như thể nhiệm vụ của tương lai chỉ là lặp lại quá khứ hoàng kim những năm 1980, hay 1950 thời nước Mỹ có phong độ đỉnh cao. Những người “Brexiteer” thì mơ về Anh như một cường quốc độc lập, thời mà “mặt trời chưa bao giờ lặn trên đế quốc Anh”. Tập Cận Bình thì kêu gọi Trung Hoa khám phá lại giá trị truyền thống của nhà nước phong kiến và văn hóa Khổng Tử. Giấc mơ của Putin là phục hưng lại đế chế Nga hoàng xưa kia. Không đâu hung hãn bằng Trung Đông khi những người Hồi Giáo cực đoan còn muốn sao chép lại mô hình được nhà tiên tri Muhammad tạo ra tại Medina cách đây 1400 năm.
Bốn
Giống như Cuộc cách mạng công nghiệp đã giúp sinh ra 3 ý thức hệ mới lạ của thế kỉ 20, cuộc cách mạng trong công nghệ thông tin và sinh học của thế kỉ 21 có thể sẽ đòi hỏi một chủ nghĩa mới.
“Liệu chủ nghĩa tự do có thể tái sinh, như khi gặp khủng hoảng những năm 1930 và 1960, và tái xuất phong độ hơn trước? Liệu tôn giáo truyền thống và chủ nghĩa dân tộc sẽ cung cấp câu trả lời mà chủ nghĩa tự do đã bế tắc, liệu họ có thể dùng trí tuệ cổ xưa để cập nhật một thế giới quan mới?” Giống như cái chết của Chúa, sự ngấp ngoải của chủ nghĩa tự do chắc chắc sẽ đem lại những hỗn loạn, và có lẽ thế hệ của chúng ta đang sống trong 1 thời kỳ “kích thích” nhất, vừa hồi hộp nhưng vừa lo âu. Các chương tiếp theo sẽ làm rõ những mối quan ngại mới mà chúng ta đã và sẽ đối mặt và làm sao để vượt qua (hoặc ít nhất là suy nghĩ trưởng thành hơn) về nó.
Chương 2 – Việc Làm
Khi lớn, có lẽ con sẽ chẳng còn việc mà tìm
Một
Loài người có 2 loại khả năng: thể lực và trí lực. Chúng ta đã chấp nhận phần thua khi cạnh tranh máy móc thế kỉ 19, 20 về thể lực và nhường lại các công việc đòi hỏi sức mạnh cơ bắp cho chúng. Máy móc “ngày nay” bắt đầu cạnh tranh với những năng lực mà chỉ loài Sapiens mới có: học hỏi, phân tích, giao tiếp và hiểu cảm xúc con người và tin buồn là năng lực của Trí tuệ Nhân tạo (AI) hẹp – chỉ tập trung vào giải quyết 1 vấn đề như chơi cờ, giải toán – đang bắt đầu vượt con người ở các kỹ năng này. Con người vẫn chưa đào ra đâu được năng lực thứ 3 để làm lợi thế cạnh tranh. Trực giác (human intuition) trên thực tế chỉ là khả năng nhìn nhận mẫu hình (pattern recognition), và nếu vậy thì với AI chỉ là chuyện nhỏ. Trực giác của thầy giáo có thể đoán được học sinh nào đang buồn ngủ, nhưng “trực giác” của 1 hệ thống AI với hệ thống sinh trắc gắn trong cơ thể người có lẽ còn có thể xác định được bao nhiêu học sinh sắp ngáp trong khoảng bao nhiêu giây nữa.
Hai
AI hơn loài Sapiens ở 2 khả năng: kết nối và cập nhật. Một tài xế có thể “kết nối” thô xơ với 1 vài lái xe khác trong tầm mắt, nhưng 1 chiếc xe tự hành có thể kết nối với 1 triệu chiếc xe ô tô khác cùng 1 lúc trong Hà Nội. Vì vậy, thật sai lầm khi so sánh cuộc đấu giữa AI vs Người là cuộc đấu tay đôi (1 bác sỹ thường và 1 bác sỹ AI) mà là 1 bác sỹ và 1 mạng lưới bác sỹ AI được nối mạng toàn cầu. Nếu cần thay đổi luật giao thông, 10 triệu chiếc xe tự lái chỉ mất vài phút để cập nhật hệ điều hành, 100 triệu bác sỹ AI chỉ cần vài giây để cập nhật quy trình khám bệnh, với con người thì thời gian phải tính bằng tháng và năm.
Ba
Bạn có thể lập luận “nhưng nghệ thuật thì sao mà cho máy làm được? Nó có biết sáng tạo đâu?” Nhưng “nếu nghệ thuật được định nghĩa bởi sự tác động lên cảm xúc con người, điều gì sẽ xảy ra một khi các thuật toán ngoại lai có thể hiểu và thao túng cảm xúc con người tốt hơn Shakespeare, Frida Kahlo hay Beyoncé?”. Suy cho cùng, cảm xúc cũng chỉ là quá trình xử lý sinh hóa, vì vậy một khi đã hiểu được cảm xúc vận hành như thế nào, thì việc thao túng nó ra sao là bước tiến đương nhiên. Ngày nay, dù chưa có những dữ liệu sinh trắc, thì Youtube đã có khả năng gợi ý bài hát khiến nhiều người phải thốt lên: “Sao nó biết mình thích nghe lại nhạc này nhỉ”. Tưởng tượng trong tương lai, Spotify biết được nhịp tim bạn đập rộn ràng khi nghe đến đoạn dạo đầu của bài hát, huyết áp tăng cao khi nghe đến đoạn kỉ niệm với người yêu cũ được nhắc đến trong điệp khúc, và chán nản khi kết bài lại không như kỳ vọng. Sau đó, tổng hợp dữ liệu của hàng triệu người cùng nghe ca khúc đó lại, tìm ra những giai điệu mang lại những con sóng cảm xúc mãnh liệt nhất, và soạn nó thành một bài hát được chứng nhận về mặt thống kê là tạo ra những thay đổi sinh học mạnh mẽ nhất khi người ta nghe nhạc. Đó có lẽ là lúc đến Sơn Tùng cũng không thể đọ nổi khả năng sản xuất hit với AI.
Bốn
Cho dù những công việc mới với sự cộng tác cùng AI (thay vì cạnh tranh với AI) sẽ xuất hiện, chúng ta vẫn sẽ đối mặt với một tầng lớp vô dụng mới (The Useless Class). Bố bạn có thể bỏ nghề nông, vào nhà nước bán xăng rồi lại chuyển sang làm marketing cho Bác Tom, nhưng để có thể ngồi phân tích dữ liệu cho VinEco vào những năm 2050 thì đỏi hỏi một sự học hỏi gần như bất khả thi. Nếu chính phủ cung cấp chương trình đào tạo nghề hay trợ cấp thất nghiệp để con người có thời gian rèn luyện thêm kỹ năng của mình, thì tình hình có khá lên không? “Tuy vậy, ngay cả khi đủ sự giúp đỡ của chính phủ sắp tới, thật khó để biết liệu hàng tỷ người có thể liên tục tái tạo lại bản thân mà không làm mất đi sự cân bằng tinh thần của họ hay không. Do đó, mặc dù người ta có nỗ lực đến đâu thì một tỷ lệ lao động đáng kể vẫn bị đẩy ra khỏi thị trường việc làm, và chúng ta sẽ phải khám phá các mô hình mới cho các xã hội hậu–công việc, các nền kinh tế hậu–công việc và chính trị–hậu công việc. Bước đầu tiên là thành thật thừa nhận rằng các mô hình xã hội, kinh tế và chính trị mà chúng ta đã thừa kế từ quá khứ không còn đủ để đối phó với một thách thức như vậy.” Vì vậy, câu hỏi không hẳn là chúng ta cần bảo vệ các công việc bị máy móc cướp đi, mà là bảo vệ con người khỏi sự vô dụng & thừa thãi. Với những người không còn giá trị kinh tế, chúng ta sẽ làm gì với họ? Hoặc họ sẽ làm gì với chúng ta: một cuộc cách mạng mới của tầng lớp “mất việc” chống lại tầng lớp có việc?
Chương 3 – Tự do
Dữ liệu lớn đang quan sát bạn
Một
Nền tảng của chủ nghĩa tự do nằm ở ngay trong tên gọi của nó: Sự tự do quyết định của con người. Khi quyết định Anh có rời EU hay không, người ta không hỏi Nữ hoàng, giáo sư Oxford, Nghị Viện, mà tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để hỏi người dân họ “cảm thấy” thế nào? Không phải suy nghĩ thế nào, không, đây là câu hỏi của trái tim chứ không phải quyết định của lý trí. Nếu cần dùng lý trí, thì rõ ràng giới trồng hoa so với dân Oxford khác nhau một trời vực về kiến thức kinh tế và khoa học chính trị. Nhưng nếu dùng cảm giác làm tiêu chuẩn chung thì dù là Einstein hay Mozart hay bác chăn vịt thì tất cả đều ngang nhau.
Hai
Sở dĩ chủ nghĩa tự do đặt lòng tin vào con người đến thế bởi vì cho đến giờ, bạn vẫn là người hiểu bạn nhất. Cho dù một điệp viên CIA có theo dõi bạn 24/24, 365 ngày, anh ta vẫn không thể hiểu được những cảm giác bạn đang có khi đọc bài viết này, thứ mà duy nhất mà bạn cảm nhận được. Vì vậy, khi quyết định chọn việc, chọn nhà, chọn vợ… mọi người vẫn hay khuyên bạn “Hãy lắng nghe tiếng nói bên trong con” bởi vì cho đến giờ bạn vẫn là người có nhiều thông tin về mình nhất. Nhưng với các dữ liệu số bạn để lại trên điện thoại, Facebook, Web, cộng thêm các dữ liệu sinh học về nhịp tim, hoạt động não, huyết áp, phản ứng khuôn mặt… và khả năng lưu trữ, xử lý dữ liệu lớn, trong tương lai, một “Siri” theo dõi bạn cả trong lẫn ngoài có thể hiểu bạn hơn cả chính bạn, và vì vậy có thể còn quyết định tốt hơn bạn.”Khi cuộc cách mạng công nghệ sinh học kết hôn với cuộc cách mạng công nghệ thông tin, nó sẽ tạo ra các thuật toán Big Data có thể theo dõi và hiểu cảm xúc của tôi tốt hơn tôi, và sau đó thẩm quyền có thể sẽ chuyển từ con người sang máy tính. Ảo giác về ý chí tự do của tôi có khả năng bị tiêu tan khi tôi hằng ngày phải đối mặt với các tổ chức, tập đoàn và cơ quan chính phủ có thể hiểu và vì vậy thao túng những gì cho đến nay vẫn thuộc về thế giới trong mà tôi không thể tiếp cận được”.
Ba
Ngày nay, có thể một cậu bé lớp 3 sẽ tin Google hơn bố mẹ nó khi giải bài tập lịch sử, một người nước ngoài sẽ tin Google Maps hơn một chú xe ôm khi hỏi đường, một chàng trai sẽ tin vào kết quả tìm kiếm hiện lên số 1 trên Google khi mua hàng hơn là lời giới thiệu của người quen. Và trong tương lai, khi phải quyết định phải yêu ai, làm việc gì, học ngành nào, nên nuôi chó giống nào, nên đi nghỉ ở đâu… và tưởng tưởng một đứa trẻ được theo dõi (cả trong lẫn ngoài) từ 0 đến 24 tuổi, 24/7, thì lúc nên ra quyết định, nó sẽ trầm tư quay vào “bên trong” để nghe linh tính mách bảo hay nghe Siri tư vấn? Nhưng khi nghe lời AI, nếu khi AI quyết định cho chúng ta tốt hơn chính mình, thì toàn bộ cấu trúc vận hành của thế giới hiện tại phải thay đổi.
Giả sử như trong bầu cử, dự trên toàn bộ 100 TB dữ liệu của Google gợi ý rằng bạn nên bỏ phiếu cho Trump, thay vì Clinton, nên yêu Tuấn thay vì Linh, nên làm Marketing thay vì Sales, thì bạn có nên nghe theo nó hay nghe mình?
Và nếu nghe theo nó, thì vai trò công dân & con người của bạn còn là gì?
Chương 4: Bình Đẳng
Ai nắm dữ liệu sẽ nắm lấy tương lai
Một
Ngày nay, 1% giới giàu nhất chiếm giữ 1/2 tái sản thế giới, và 4 tỷ người nghèo nhất có số tài sản còn không bằng top 100 đại gia giàu nhất toàn cầu. Mọi chuyện có thể còn sớm tồi tệ hơn. Trong lịch sử, giới tinh hoa vẫn nghĩ mình có những năng lực thiên phú hơn người phàm, nhưng điều này chỉ là một sự phóng đại. Tuy nhiên với sự phát triển của công nghệ sinh học, họ sẽ có thể không chỉ mua được sức khoẻ, tuổi thọ mà còn có thể dùng tiền để nâng cấp trí nhớ, năng lực trí tuệ, sức dẻo dai. Hay tóm lại là nâng cấp phiên bản Homo Sapiens mà họ đã không được lựa chọn khi sinh để trở thành Homo Deus (Người thần thánh). [Đọc quyển 2]. “Tới 2100, giới 1% giàu có nhất không chỉ sở hữu gần như mọi của cải thế giới, mà còn sở hữu sắc đẹp, sự sáng tạo và sức khoẻ ở Level cao nhất”.
Hai
Sự kết hôn giữa Kỹ thuật y sinh (Bioengineering) và AI sẽ tạo ra một giai cấp mới: giai cấp vô dụng hay thừa thãi, khi họ không còn giá trị về mặt kinh tế. Nếu trong thế kỉ 20, nhà nước cần đầu tư vào giáo dục, y tế công, phúc lợi xã hội vì họ cần công nhân trong nhà máy, người lính trong quân đội, kế toán trong công ty, thì khi “quần chúng mất giá trị kinh tế và sức mạnh chính trị, nhà nước có thể mất một phần động lực đầu tư vào sức khoẻ, giáo dục, và phúc lợi của họ”. Giới tinh hoa, tuy trong TK 20 vẫn cần những con người lam lũ để lao động, mua hàng, thì nay có thể vất họ đi như túi rác dùng 1 lần. Trong cuốn sách, Harari dùng “chúng ta” để nói về tương lai của loài người. “Nhưng có lẽ sẽ không có chúng ta nữa. Có lẽ một trong những vấn đề lớn nhất của ‘chúng ta’ là những nhóm người khác nhau sẽ những tương lai hoàn toàn khác nhau. Có thể, ở một góc nào đó của thế giới bạn nên dạy con mình lập trình, trong khi ở một góc khác bạn nên dạy con mình rút súng và bắn trúng”.
Ba
Thời cổ đại, người ta hơn nhau ở đất đai, có đất là địa chủ, không có thì là nông dân tá điền. Thời Karl Marx, người ta hơn nhau ở máy móc và nhà xưởng, có công cụ sản xuất là tư bản, không có là giới vô sản. Thế kỉ 21, ai sở hữu dữ liệu sẽ nắm lấy tương lai. Trong ngắn hạn, nạn nhân đầu tiên chính là ngành quảng cáo, PR. Giả sử, 2050, Siri có mọi dữ liệu về bạn, từ những gì bạn tìm kiếm trên Google đến những dữ liệu về nhịp tim, huyết áp đo qua Apple Watch đến những lượt ‘Like’ trên các Fanpage về Smartphone. Điều gì sẽ xảy khi bạn hỏi, “Hey Siri, dựa trên tất cả những gì mày biết về điện thoại, và những gì mày biết về tao (bao gồm thu nhập, nhu cầu, thói quen, quan điểm của tao về Trung Quốc và nhạc Sơn Tùng, nhịp tim của tao khi lướt Lazada xem các mẫu điện thoại trưng bày, và tổng hợp dữ liệu của mày dựa trên 10 triệu người dùng khác về sự thoả mãn khi dùng Apple, Samsung, Xiaomi) – Đâu là chiếc Smartphone tốt nhất cho tao?” Nếu Siri đưa ra được câu trả lời, và bạn tin vào Siri như tin vào cha mẹ mình, thì đó là ngày tàn của Quảng cáo, PR, Truyền thông hay các thể loại tác động đến hành vi mua hàng.
Bốn
Trong dài hạn, những ai sở hữu lượng dữ liệu khổng lồ này sẽ không chỉ dừng ở việc đưa ra sự lựa chọn giúp bạn (Tối nay tôi nên ăn gì?) hay thao túng sự lựa chọn của bạn (Uống Milo, chứ không phải Ovaltine mới tốt cho bạn!), mà “thậm chí quan trọng hơn, họ có thể giải mã những cơ chế bí ẩn của tất cả các cơ thể và bộ não, và vì vậy đạt được sức mạnh để tạo nên sự sống mới”. Vì vậy, mỏ vàng mới của thế giới sẽ là dữ liệu. Ngày nay, chúng ta sẵn sàng chia sẻ đống vàng này cho Google, Facebook, Youtube… một cách hoàn toàn miễn phí để đổi lấy email, hài nhảm, hay video mèo kute. “Chuyện này cũng không khác gì những bộ tộc châu Phi hay người Mỹ bản địa vô tình cá độ đất nước mình cho những nhà thực dân châu Âu để đổi lấy một vài chiếc hạt lóng lánh và đồ trang sức rẻ tiền.” “Chúng ta sẽ quy định việc sở hữu dữ liệu của mình như thế nào?” có lẽ sẽ là câu hỏi chính trị quan trọng nhất của thời đại này.
Phần 2: Thách thức Chính trị
Sự hợp nhất của công nghệ thông tin và công nghệ sinh học đang đe doạ những giá trị cốt lõi của tự do và bình đẳng. Bất cứ giải pháp cho thách thức công nghệ cần phải đòi hỏi sự hợp tác toàn cầu. Nhưng chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo và văn hoá đang phân chia loài người thành những nhóm thù địch và khiến việc hợp tác quốc tế cực kỳ khó khăn.
Chương 5: Cộng Đồng con người có cơ thể
Một
Con người là loài động vật xã hội, chúng ta khó có thể sống hạnh phúc mãi mãi một mình, và có lẽ nhu cầu tìm một cộng đồng để mình thuộc về vẫn cần thiết vào năm 2018 như cách đấy 70,000 năm. Facebook, về mặt lý thuyết, đang là nơi gắn kết lớn nhất con người lại với nhau, nhưng dường như họ đang làm chúng ta ngày càng xa cách, phân mảnh, và đơn độc hơn. Chamath Pallihapitiya, người từng giữ chức vũ phó giám đốc tăng trưởng người dùng tại Facebook từng gây bão cộng đồng mạng khi thừa nhận rằng chính “Mạng xã hội này đang xé nát cộng đồng con người”.
Hai
Facebook nói rằng các cộng đồng online sẽ giúp phát triển các mối quan hệ offline. “Điều này đôi khi đúng. Nhưng trong nhiều trường hợp người ta phải đánh đổi giữa online và offline và có sự khác biệt cơ bản giữa chúng. Các cộng đồng offline có chiều sâu mà những cộng đồng ảo không thể sánh bằng, ít nhất là trong tương lai gần”. Thế giới mạng không chỉ làm con người xa lánh các mối quan hệ thực mà còn xa lánh chính họ. Con người có thân thể. “Các chuyên gia thường đổi lỗi cho cảm giác chơi vơi (alienation) khi những mối liên kết tôn giáo và dân tộc từng giúp chúng ta gắn kết với nhau nay ngày càng yếu dần, nhưng mất liên lạc với chính cơ thể bạn còn quan trọng hơn. Con người đã sống hàng triệu năm mà không có tôn giáo và quốc gia – họ có thể vẫn sống hạnh phúc mà không có chúng trong thế kỉ 21. Tuy nhiên, chúng ta không thể sống hạnh phúc nếu bị mất kết nối với chính cơ thể mình. Nếu bạn không thể cảm thấy “tự nhiên như ở nhà” trong cơ thể của mình, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thoải mái (at home) trong thế giới.”
Chương 6: Văn minh
Chỉ có một nền văn minh trên thế giới
Một
Trong cuốn “Sự Va Chạm Của Các Nền Văn Minh”, Samuel P. Huntington cho rằng thế giới xung đột do sự khác nhau căn bản của các nền văn minh lớn, bao gồm: văn minh phương Tây, văn minh Nho giáo, văn minh Nhật Bản, văn minh Hồi giáo, văn minh Ấn giáo, văn minh của người Slavơ–Chính thống giáo, văn minh Mỹ Latinh, văn minh châu Phi. Mặc dù được nhiều người tin vào, luận đề này rất có vấn đề. Đúng là con người có những nền văn hoá khác nhau, nhưng tất cả chúng chỉ là những câu chuyện được tô vẽ, chứ không được quyết định bởi gene. Một bầy tinh tinh không thể một ngày bỏ phiếu để chuyển sang hệ thống thê thiếp như những con khỉ đột, bởi “nền văn minh” của chúng được quyết định từ trong gene và đã không thay đổi trong hàng trăm nghìn năm. Con người thì khác. Trong TK 20, người Việt chuyển qua rất nhiều hệ thống hoàn toàn khác nhau: phong kiến, chế độ thực dân, nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Mặc dù có thể vẫn có một đặc trưng gọi là “người Việt”, hay “văn minh nước Việt” xuyên suốt những biến động đó, nhưng cuộc sống, giá trị, văn hoá… ở mỗi hệ thống khác nhau có sự chia cắt lớn. Giống như người bà cụ Đức, nếu sống đến 100 tuổi, cụ sẽ trải qua 6 hệ thống hoàn toàn khác nhau: Đế quốc Hohenzollern, Cộng hòa Weimar, Đệ tam Đế Chế, Cộng hòa Dân chủ Đức (hay còn gọi là Cộng sản Đông Đức), Cộng hòa Liên bang Đức (còn gọi là Tây Đức), và cuối cùng nước Đức thống nhất. Vậy, khi hỏi cụ “Văn hoá nước Đức” rốt cục là gì, thì cụ sẽ lựa chọn thời kỳ nào?
Hai
Lấy ví dụ như liên minh châu Âu, nơi thường hay định hình bản sắc của mình bằng cái nôi của Athen dân chủ, tự do và quyền con người. Nếu thế thì làm sao có thể giải thích sự tồn tại của “Sparta và Julius Caesar, của cuộc Thập tự chinh và những Chinh tướng, của những toà hình án xử dị giáo và nạn buôn bán nô lệ, của vua Louis XIV và Napoléon, của Hitler và Stalin? Phải chăng tất cả chúng chỉ là những kẻ xâm nhập từ một nền văn minh nước ngoài nào sao?” “Sự thật là, nền văn minh châu Âu là bất cứ điều gì châu Âu định danh cho nó, cũng giống như Kitô giáo là bất cứ điều gì Kitô hữu định danh cho nó, Hồi giáo là bất cứ điều gì người Hồi giáo định danh cho nó, và Do Thái giáo là bất cứ điều gì người Do Thái định danh cho nó.
Và từ đó họ đã tạo ra những sản phẩm văn minh khác biệt đáng kể qua nhiều thế kỷ. Các nền văn hoá được định nghĩa bởi những biến cố mà họ trải qua hơn bất kỳ một sự liên tục lịch sử nào, nhưng họ vẫn cố để tạo nên bản sắc cổ xưa nhờ vào kỹ năng kể chuyện của mình. Cho dù có trải qua cuộc cách mạng nào, họ thường có thể thuê dệt những câu chuyện cũ và mới thành một tác phẩm mạch lạc.”
Ba
Chó với mèo không thể kết hợp với nhau để tạo ra một nền văn minh mới hay một bản sắc mới, mang tên Cún-lai-mèo. Nhưng con người thì có thể, bởi họ có khả năng lắp ghét các dữ liệu, loại trừ những mảnh ghép không khớp và tạo ra một câu chuyện thống nhất. Ví dụ, câu chuyện về một nước Đức hiện đại là sản phẩm của combo: Saxons, Phổ, xứ Swabian, và xứ Bavaria. Nước Pháp là thập cẩm của những xứ Franks, Normans, Bretons, Gascons and Provençals, hay nước Anh là sự kết hợp giữa Channel, English, Scots, Welsh, và Irish. Miễn là người ta vẫn còn những thần thoại, đóng vai trò như loại keo con voi để giữ các mảnh ghép lại với nhau, thì sự hợp nhất này vẫn còn kéo dài.
Bốn
Hãy thử tượng tượng tổ chức World Cup vào năm 1016 sẽ khó khăn như thế nào để thấy chúng ta đang sống trong cùng một nền văn minh, thay vì sự đụng độ giữa các “câu chuyện” ra sao.
“Để bắt đầu, vào năm 1016, Nhà Tống sẽ không chấp nhận thực thể chính trị nào trên trái đất sánh ngang mình. Do đó, sẽ là một sự sỉ nhục không hề nhỏ khi để cho phái đoàn Olympic của họ có cùng vị thế như các đoàn đại biểu của vương quốc Koryo, Hàn Quốc hoặc của vương quốc Đại Việt – chưa kể đến những đoàn người man rợ nguyên thủy từ khắp các vùng biển.” Năm 1016, đội tuyển “Anh” có thể đem theo lá cờ to nhất của mình để đòi treo cho nổi bật, đội tuyển “Đức” có thể đòi hát quốc ca trong 15’ với rất nhiều nhạc cụ cổ truyền khác nhau, đội tuyển “Việt Nam” có thể đòi mặc trang phục truyền thống của mình khi đá bóng. Đến phút 90’ của trận chung kết, cảm thấy đội mình sắp thua, đội chủ nhà có thể đem quân bao vây khán đài, bắt trọng tài công nhận mình chiến thắng, rồi “thuyền ai người nấy về”. Nhìn lại World Cup năm nay, 2018. Các đội tuyển đều có những bài quốc ca “na ná” như nhau, với những quốc kỳ cũng không quá khác biệt. Tất cả đều chấp nhận chơi cùng một bộ luật và dù thua có “cay cú” đến mức nào thì vẫn chấp nhận cúp vàng thuộc về đội chiến thắng. Luật là luật. “Vì vậy, khi bạn xem Thế Vận Hội Tokyo vào năm 2020, hãy nhớ rằng sự cạnh tranh giữa các quốc gia thực ra lại đại diện cho một sự đoàn kết toàn cầu đáng kinh ngạc. Đối với tất cả những ai cảm thấy lòng tự hào quốc gia khi phái đoàn của họ thắng một huy chương vàng và cờ của họ được treo lên, chúng ta có lý do lớn để cảm thấy tự hào rằng nhân loại có khả năng tổ chức một sự kiện như vậy.”
Năm
Khi IS đánh chiếm Syria, Iraq, chúng giết người, đập tượng, đốt nhà, nhưng khi “các chiến binh của họ tiến vào các ngân hàng địa phương và thấy có những đồng đô la Mỹ bao phủ với khuôn mặt của các tổng thống Mỹ và với khẩu hiệu bằng tiếng Anh ca ngợi những lý tưởng chính trị và tôn giáo của Mỹ – họ không đốt cháy những biểu tượng của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.” Đó là sự thống nhất của thế giới. 1000 trước, nếu bạn bị ốm, việc bạn sống ở đâu rất quan trọng, vì mỗi nơi sẽ có một kiểu thầy lang, một phương thuốc, một lộ trình điều trị hoàn toàn khác nhau. 2018, khi bạn bị ung thư, “nơi bạn sống sẽ không tạo ra sự khác biệt quá lớn [tuy rằng sẽ có khác biệt lớn nếu bạn có nhiều hay ít đô la]. Tại Toronto, Tokyo, Tehran hoặc Tel Aviv, bạn sẽ được đưa đến các bệnh viện tương tự như nhau, nơi bạn sẽ gặp các bác sĩ mặc áo trắng, những người đã học được các lý thuyết khoa học tương tự trong cùng một trường đại học y khoa.
Họ sẽ thực hiện theo các quy trình giống hệt nhau và sử dụng các xét nghiệm giống hệt nhau để đạt được các chẩn đoán tương tự nhau. Sau đó, họ sẽ phân phối cùng một loại thuốc được sản xuất bởi cùng một công ty dược phẩm quốc tế. Vẫn còn một số khác biệt nhỏ về văn hóa, nhưng các bác sĩ người Canada, Nhật Bản, Iran và Israel sẽ có cùng quan điểm về cơ thể và các loại bệnh ở người.” Đó là sự thống nhất của thế giới. Tương tự vậy, trong giáo dục, sẽ không có môn gọi là vật lý Đông Lào, hoá học Campuchia, hay sinh học Thái Lan. Lấy ví dụ các chương trình hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên. “Toàn bộ vấn đề nằm ở chỗ người Iran và Bắc Triều Tiên có cùng quan điểm về vật lý y như người Israel và người Mỹ. Nếu người Iran và Bắc Triều Tiên tin rằng E = mc⁴, Israel và Hoa Kỳ sẽ không quan tâm đến một tí tẹo nào về các chương trình hạt nhân của họ.” Mọi người vẫn có các tôn giáo khác nhau và bản sắc dân tộc. Nhưng khi nói đến những thứ thực tế – làm thế nào để xây dựng một nhà nước, một nền kinh tế, một bệnh viện, hoặc một quả bom – hầu như tất cả chúng ta đều thuộc cùng một nền văn minh.
Chương 7: Chủ nghĩa dân tộc
Vấn đề toàn cầu đòi hỏi giải pháp toàn cầu
Một
Trước khi bàn về vấn đề này, chúng ta cần phải giải ảo một khái niệm. “Trái ngược với cách nghĩ thông thường, chủ nghĩa dân tộc không phải là một phần tự nhiên và vĩnh hằng của tâm lý con người, và nó không bắt nguồn từ sinh học của con người.” Giải phẫu một người Việt, cho dù bạn tìm kiếm vất vả đến đâu cũng không thể tìm thấy một thứ gọi là “hồn Việt”. Và kể cả bạn có cơ may tìm thấy một bằng chứng gì đó cho sự tồn tại của nó, thì một ‘người Việt’ ở những năm 1500, 2018, 2100, bạn sẽ tìm thấy “bản sắc người Việt” là những thứ hoàn toàn khác nhau. Tại sao? Như trong cuốn Sapiens đã nói, khái niệm “hồn Việt” không tồn tại trong gene, trong tế bào, mà trong một thực tại “liên chủ quan” mà con người cùng xây dựng lên: trí tưởng tượng của người Việt. Một con tinh tinh có thể hiểu bạn đang ăn chuối, đang quan hệ tình dục, đang đánh nhau, nhưng nó không thể nào “hiểu” được bản sắc Việt Nam cho dù bạn có dành hàng nghìn giờ để giải thích cho nó giá trị của người Việt Nam là như thế nào. Đơn giản, vì “ngôn ngữ của nó” không cho phép sự tồn tại của một khái niệm trừu tượng.
Hai
Có 3 thách thức toàn cầu lớn mà hiện nay con người phải đối mặt. Nếu Việt Nam nói mình không quan tâm đến chiến tranh hạt nhân, chúng ta vẫn có thể bị thổi bay bởi nó. Nếu Việt Nam nói mình không quan tâm đến biến đổi khí hậu, chúng ta vẫn có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng cao, các cơn bão lớn, hiện tượng thời tiết khắc nhiệt bất thường… Nếu Việt Nam nói mình không quan tâm đến sự phát triển công nghệ AI và sinh học, thì chúng ta vẫn có thể mất hàng triệu việc làm bởi Robot hay bị đe doạ sự tồn vong bởi AI. Éo le hơn là, nếu Việt Nam nói mình thực sự quan tâm và rất quan tâm đến việc giải quyết vấn đề này thì một mình chúng ta cũng không thể làm được gì nhiều. Chiến tranh hạt nhân, cuộc đại diệt chủng thứ 6, sự xuất hiện của giống loài Homo Deus, tất cả những thách thức toàn cầu trên đều đòi hỏi một giải pháp toàn cầu và rất tiếc là đến giờ chúng ta vẫn chỉ đang “thân ai người đấy lo”.
Ba
Cách tốt nhất để khiến con người hợp tác là tìm cho họ một kẻ thù chung. Như trong các bộ phim người ngoài hành tinh xâm chiếm Trái Đất, đột nhiên bạn sẽ thấy cảnh các quốc gia hợp tác với nhau hết mình để cứu sống sự tồn vong của loài người. “Một kẻ thù chung là chất xúc tác tốt nhất cho việc giả mạo một bản sắc chung, và loài người bây giờ có ít nhất ba kẻ thù như vậy – chiến tranh hạt nhân, biến đổi khí hậu và đột phá công nghệ. Nếu bất chấp những mối đe dọa chung này, con người ưu tiên dành sự trung thành của mình cho quốc gia, kết quả có thể tồi tệ hơn nhiều so với năm 1914 và 1939.” Bạn có thể nghi ngờ rằng thật khó để chúng ta có thể viện trợ cho người nghèo của nước Mỹ hay Anh trước khi xây nhà xong cho những người vô gia cư ở Hà Nội. Tình cảm với người dân trong nước vẫn phải đặt lên trên trước sự đau khổ của dân Tây. Làm sao để khiến một người Việt quan tâm đến tất cả công dân trên thế giới được? Nghe thì có vẻ bất khả thi, nhưng không phải không thể. Với sự phát triển của các nhà nước quốc gia, chúng ta đã mở rộng vòng tròn thương cảm của mình từ gia đình, anh em, bộ lạc đến hàng trăm nghìn người (câu chuyện về đồng hương) đến hàng triệu người (câu chuyện về dân tộc) đến hàng trăm triệu người (câu chuyện về các khối hợp tác, như ASEAN hay EU). Tinh thần anh em thế giới thực sự cần một huyền thoại mới con người lột chiếc vỏ bọc “quốc gia” để giải quyết các vấn đề nhân loại trước khi quá muộn.
Chương 8: Tôn giáo
Các vị thần linh bây giờ phụng sự quốc gia
Một
“Để hiểu vai trò của các tôn giáo truyền thống trong thế giới của thế kỷ 21, chúng ta cần phải phân biệt giữa ba loại vấn đề:
Các vấn đề kỹ thuật. Ví dụ, làm thế nào nông dân ở các nước khô cằn đối phó với hạn hán nghiêm trọng gây ra bởi sự nóng lên toàn cầu?
Các vấn đề về chính sách. Ví dụ, các biện pháp chính phủ nên áp dụng để ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu trước khi quá muộn?
Các vấn đề danh tính. Ví dụ, tôi có nên quan tâm đến vấn đề của nông dân ở phía bên kia của thế giới hay tôi chỉ nên quan tâm đến vấn đề của những người từ bộ tộc và quốc gia của tôi? ”
Hai
Trong thời cổ đại, tôn giáo chịu trách nhiệm cho rất nhiều vấn đề kỹ thuật. Nếu mùa màng thất thu, có thể năm đó họ đã làm gì có lỗi với vị thần lương thực và họ phải cúng tế để chuộc tội. Trong thời hiện đại, giải pháp của tôn giáo đã không còn nhiều liên quan khi khoa học lên ngôi. “Nếu Ai Cập bây giờ bị tấn công bởi một bệnh dịch hạch, Ai Cập cũng có thể yêu cầu Thánh Allah giúp đỡ – tại sao không? – nhưng họ sẽ không quên kêu gọi các nhà hóa học, côn trùng học và nhà di truyền học phát triển các loại thuốc trừ sâu mạnh hơn và các giống lúa mì kháng côn trùng. Nếu đứa trẻ của một tín đồ Hindu bị bệnh sởi nghiêm trọng, người cha sẽ cầu nguyện cho thần Dhanvantari và tặng hoa và bánh kẹo tại đền thờ địa phương – nhưng chỉ sau khi anh ta đã đưa đứa trẻ đến bệnh viện gần nhất và giao phó cậu bé cho các bác sĩ ở đó chăm sóc. Ngay cả bệnh tâm thần – pháo đài cuối cùng của những người chữa trị bằng tôn giáo – đang dần sang tay các nhà khoa học, khi thần kinh học thay thế quỷ học và Prozac thay thế trừ tà”.
Ba
Về các vấn đề chính sách, tôn giáo cũng không giúp được gì nhiều. “Khi Ayatollah Khamenei cần đưa ra quyết định quan trọng về nền kinh tế Iran, ông sẽ không thể tìm ra câu trả lời cần thiết trong Kinh Qur’an, vì người Ả Rập TK 7 biết rất ít về các vấn đề và cơ hội của nền kinh tế công nghiệp hiện đại và thị trường tài chính toàn cầu… Vì vậy, ông, hoặc trợ lý của ông, phải chuyển sang đọc Karl Marx, Milton Friedman, Friedrich Hayek và khoa học kinh tế hiện đại để có được câu trả lời. Sau khi đã quyết định tăng lãi suất, giảm thuế, tư nhân hóa độc quyền của chính phủ hoặc ký thỏa thuận thuế quốc tế, Khamenei có thể sử dụng kiến thức tôn giáo và thẩm quyền của mình để nguỵ trang các câu trả lời khoa học vào câu Kinh Qur’an này hoặc kia, sau đó trình bày cho quần chúng như ý muốn của Thánh Allah. Nhưng đó chỉ sự tô vẽ bề ngoài. Khi bạn so sánh các chính sách kinh tế của Iran Hồi giáo Shiite, Ả Rập Xê Út Hồi giáo Sunni, Israel Do Thái giáo, Ấn Độ Hindu giáo và nước Mỹ Ki-tô giáo, bạn chỉ không thấy sự khác biệt đó. ”
Bốn
“Vì vậy, trong thế kỷ 21 các tôn giáo không mang mưa, không chữa bệnh, không giúp chế tạo bom – nhưng xác định ai là ‘ta’ và ai là ‘nó’, chúng ta nên chữa bệnh cho người nào và đánh bom kẻ nào. Như đã nói ở trên, về mặt thực tế, có rất ít sự khác biệt đáng kể giữa Iran Hồi giáo Shiite, Ả Rập Xê Út Hồi giáo Sunni, Israel Do Thái giáo. Tất cả đều là các quốc gia với bộ máy hành chính quản lý đất nước, tất cả đều theo đuổi ít nhiều chính sách tư bản, tất cả trẻ em được tiêm chủng ngừa chống bại liệt, và tất cả đều dựa vào các nhà hóa học và vật lý để chế tạo bom. Không có thứ gì gọi là bộ máy hành chính Shiite, chủ nghĩa tư bản Sunni, hay vật lý Do Thái. Vì vậy, làm sao để mọi người cảm thấy mình là duy nhất và trung thành với một bộ tộc mình và hằn thù với bộ tác khác?” Câu trả lời là tôn giáo. Chúng ta đến từ đâu, đang ở đâu, sẽ đi về đâu và ai được định nghĩa là “chúng ta” đều có thể tìm đấy câu trả lời trong các tôn giáo. Tuy nhiên, giống như chủ nghĩa dân tộc, tôn giáo được sử dụng như một công cụ chính trị, hơn là một giải pháp cho các vấn đề toàn cầu mà con người phải đối mặt trong TK21. “Mặc dù nhiều tôn giáo truyền thống tán thành các giá trị phổ quát và khẳng định vũ trụ về phe mình, hiện nay chúng được sử dụng chủ yếu như kẻ hầu của chủ nghĩa dân tộc hiện đại – cho dù ở Bắc Triều Tiên, Nga, Iran hay Israel. Do đó, chúng thậm chí còn khiến việc vượt qua sự khác biệt quốc gia và tìm một giải pháp toàn cầu cho các mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, sự sụp đổ sinh thái và sự đột phá công nghệ, khó khăn hơn rất nhiều”.
Chương 9: Nhập cư
Một số nền văn hoá có thể tốt hơn những số khác
Một
Các tranh cãi về nhập cư thường xoay quanh 3 hiểu nhầm to lớn. Để mọi người thực sự hiểu mình đang tranh cãi gì về vấn đề này, cần nhìn từng Luận điểm một cách tách bạch. Tranh luận về cho phép hay ngăn chặn người nhập cư thường xoay quanh 3 điều khoản. Điều khoản 1: Nước chủ nhà có/không có nghĩa vụ cho phép người nhập cư vào. Điều khoản 2: Đổi lại, những người nhập cư phải tuân theo các tiêu chuẩn và giá trị cốt lõi tối thiểu của nước chủ nhà, ngay cả khi điều đó có nghĩa là từ bỏ một số chuẩn mực và giá trị truyền thống của họ. Điều khoản 3: Nếu những người nhập cư đồng hóa đủ lâu, theo thời gian, họ sẽ trở thành những thành viên bình đẳng và đầy đủ của nước sở tại. ‘Bọn nó’ trở thành ‘chúng ta’.
Hai
Với Điều 1, thế nào là cho phép. “Những người ủng hộ nhập cư dường như nghĩ rằng các nước có nghĩa vụ đạo đức không chỉ chấp nhận người tị nạn, mà còn cả những người từ các vùng đất nghèo đói tìm kiếm việc làm và một tương lai tốt đẹp hơn. Đặc biệt là trong một thế giới toàn cầu hóa, mọi công dân Trái Đất đều cần có nghĩa vụ với nhau, và những người trốn tránh những nghĩa vụ này là những kẻ ích kỷ hoặc thậm chí là những người phân biệt chủng tộc.” “Những người chống nhập cư nhấn mạnh rằng một trong những quyền cơ bản nhất của mỗi tập thể người là bảo vệ chính mình chống lại cuộc xâm lược, dù dưới hình thức quân đội hay người di cư. Người Thụy Điển đã làm việc rất chăm chỉ và thực hiện nhiều hy sinh để xây dựng một nền dân chủ tự do thịnh vượng, và nếu người Syria đã không làm được như vậy, thì đây không phải là lỗi của dân Thụy Điển.Nếu cử tri Thụy Điển không muốn nhiều người nhập cư Syria hơn – vì bất cứ lý do gì – đó là quyền của họ khi từ chối cho người Syria nhập cảnh. Và nếu họ chấp nhận một số người nhập cư, thì phải hiểu rõ ràng rằng đây là nghĩa cử cao đẹp, mở cửa tấm lòng hơn là một nghĩa vụ mà nước họ phải thực thi. Điều này có nghĩa là những người nhập cư được phép vào Thụy Điển nên cảm thấy vô cùng biết ơn vì bất cứ điều gì họ nhận được, thay vì mang theo một danh sách các nhu cầu như thể họ là chủ nơi này.”
Ba
Với Điều 2, thế nào là hoà nhập. “Những người ủng hộ nhập cư cho rằng châu Âu rất đa dạng, người dân Euro có nhiều luồng ý kiến, thói quen và giá trị. Đây chính là điều khiến cho châu Âu trở nên sôi động và mạnh mẽ. Tại sao những người nhập cư buộc phải tuân thủ một số bản sắc châu Âu trong tưởng tượng mà chỉ có một vài người châu Âu thực sự sống theo? Bạn có muốn ép buộc những người nhập cư Hồi giáo đến Vương quốc Anh để trở thành Kitô hữu, khi nhiều công dân Anh hầu như không bao giờ đi nhà thờ? Nếu châu Âu có giá trị cốt lõi thực sự, thì đó là những giá trị của sự khoan dung và tự do, ngụ ý rằng người châu Âu nên thể hiện lòng khoan dung đó đối với những người nhập cư, và cho phép họ tự do theo đuổi truyền thống của họ, miễn là chúng không gây hại cho quyền tự do và lợi ích của người khác.” Những người phản đối không chỉ cáo buộc rằng cho phép những nhóm nhập cư không tôn trọng các giá trị tự do và bao dung không chỉ khiến châu Âu trở thành xã hội bớt bao dung đi, mà khiến bản sắc của người châu Âu sẽ bị mai một. Vấn đề là thực sự người châu Âu có biết được nhân dạng (identity) của mình không? “Chừng nào người Châu Âu còn chia rẽ cay đắng về câu hỏi này, họ khó có thể có một chính sách rõ ràng về nhập cư. Ngược lại, một khi người châu Âu biết họ là ai, 500 triệu người châu Âu sẽ không gặp khó khăn trong việc hấp thụ một triệu người tị nạn – hoặc đuổi họ đi. ”
Bốn
Với Điều 3, thời gian để từ hoà nhập đến sát nhập là bao lâu? 10 năm, 1 thế hệ, 3 thế hệ? Hay câu hỏi gần gũi hơn là “Bao nhiêu năm thì một người Thanh Hoá được gọi là một người Hà Nội gốc?” Vấn đề cốt lõi nằm ở khung thời gian tham chiếu. Nếu lấy điểm quy chiếu là thời gian con người, một ông chú gốc Nghệ An sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đã 40 năm mà vẫn không được gọi là trai Hà thành thì quả thật là bất công. Nhưng nếu nhìn từ quan điểm của một tập thể, 40 năm là quá ngắn so với một Hà Nội ngàn năm văn hiến. “Các nền văn minh trước đây từng đồng hóa người nước ngoài và đối xử với họ như những công dân bình đẳng – Đế Chế Rome, Đế chế Hồi giáo ‘caliphate’, các đế quốc Trung Quốc và Hoa Kỳ – tất cả đã mất hàng thế kỷ hơn là hàng thập kỷ để hoàn thành việc chuyển đổi gốc gác.”
Phần 3: Thất vọng và Hy vọng
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức chưa từng có với những bất đồng rất căng thẳng, loài người có thể vượt qua cơn bĩ cực này nếu chúng ta kiểm soát được nỗi sợ và khiêm tốn hơn một chút về quan điểm của mình.
Chương 10: Chủ nghĩa khủng bố
Đừng Hoảng Loạn
Một
Nếu bạn đã nghe đến cụm từ “khủng bố tinh thần” thì đó chính là sức mạnh và bản chất của khủng bố. Nỗi sợ là thứ mà chúng muốn kích hoạt, chứ không chỉ quả bom. “Kể từ ngày 11 tháng 9 năm 2001, hàng năm những kẻ khủng bố đã giết chết khoảng 50 người ở Liên minh châu Âu, khoảng 10 người ở Mỹ, khoảng 7 người ở Trung Quốc và 25.000 người trên toàn cầu (chủ yếu ở Iraq, Afghanistan, Pakistan, Nigeria và Syria). Ngược lại, mỗi năm tai nạn giao thông giết chết khoảng 80.000 người châu Âu, 40.000 người Mỹ, 270.000 người Trung Quốc và 1,25 triệu người trên toàn thế giới. Bệnh tiểu đường và lượng đường cao giết chết tới 3,5 triệu người mỗi năm, trong khi ô nhiễm không khí giết chết khoảng 7 triệu người. Vậy tại sao chúng ta lo sợ chủ nghĩa khủng bố hơn đường, và tại sao chính phủ lại mất ghế vì các cuộc tấn công khủng bố rải rác chứ không phải do ô nhiễm không khí kéo dài? ”
Hai
Chiến thuật là reo rắc nỗi sợ, còn phương pháp là gì khi bọn chúng không có lực lương quân đội lớn? Mượn tay những kẻ tiêu diệt mình để tiêu diệt lại thế giới. “Những kẻ khủng bố giống như một con ruồi cố gắng phá hủy một cửa hàng gốm sứ. Con ruồi quá yếu đến nỗi nó không thể di chuyển được ngay cả một tách trà. Vậy làm thế nào một con ruồi phá hủy một cửa hàng đồ sứ? Nó tìm một con bò đực, chui vào bên trong tai, và bắt đầu ù, ù. Con bò phát điên với nỗi sợ hãi và giận dữ, và phá hủy cả cửa hàng. Đây là những gì đã xảy ra sau ngày 9 tháng 11, khi những người theo chủ nghĩa Hồi giáo đã kích động con bò Mỹ phá hủy cửa hàng Trung Đông. Bây giờ họ phát triển mạnh trong đống đổ nát. Và thế giới không thiếu các con bò đực nóng tính như thế”.
Ba
Bởi vậy, hãy nghĩ về những kẻ khủng bố như những bậc thầy sân khấu thay vì một lực lượng quân đội. “Nếu bạn hỏi mọi người điều gì đã xảy ra vào ngày 11/9, họ có thể nói rằng al-Qaeda đã hạ gục tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới. Tuy nhiên, cuộc tấn công không chỉ nhằm vào các tòa tháp, mà còn vào hai địa điểm khác, đặc biệt là một cuộc tấn công thành công vào Lầu Năm Góc. Tại sao lại rất ít người nhớ điều đó? Đó là bởi vì Lầu năm góc là một tòa nhà tương đối bằng phẳng và khiêm tốn, trong khi Trung tâm Thương mại Thế giới là một “phallic totem” khổng lồ, khiến sự sụp đổ của nó tạo ra hiệu ứng nghe nhìn to lớn. Không ai nhìn thấy toà tháp đôi đổ sụp mà có thể quên được. Bởi vì bằng trực giác chúng ta hiểu rằng những kẻ khủng bố là những bậc thầy sân khấu, chúng ta đánh giá nó bằng tác động cảm xúc chứ không phải bằng tác động vật chất.”
Bốn
Nếu vậy, tại sao các nhà nước không thể ngồi im như một khán giả rồi hành động một cách lặng lẽ nhưng hiệu quả, mà lại nổi điên như con bò bị chú ruồi vo vo trong tai? Bởi vì tính chính danh của nhà nước hiện đại dựa trên lừa hứa bảo vệ nhân dân khỏi bảo lực chính trị. “Ở Pháp, ví dụ, hơn 10.000 trường hợp hãm hiếp được báo cáo cho chính quyền mỗi năm, có thể hàng chục nghìn trường hợp khác không được báo cáo. Những kẻ hiếp dâm và những ông chồng bạo hành, tuy nhiên, không được coi là mối đe dọa tồn vong đối với nhà nước Pháp, bởi vì trong lịch sử, nhà nước đã không xây dựng chính nó trên lời hứa loại bỏ bạo lực tình dục. Ngược lại, các vụ khủng bố, tuy hiếm hoi, nhưng lại được coi là mối đe dọa chết người đối với Cộng hòa Pháp, bởi vì trong vài thế kỷ qua, các quốc gia phương Tây hiện đại đã dần dần thiết lập tính hợp pháp của mình dựa trên lời hứa rõ ràng rằng sẽ không để bạo lực chính trị xảy ra trong biên giới của họ.”
Năm
“Một cuộc đấu tranh chống khủng bố thành công nên được tiến hành trên ba mặt trận. Đầu tiên, các chính phủ nên tập trung vào các hành động bí mật chống lại các mạng lưới khủng bố. Thứ hai, các phương tiện truyền thông nên đưa tin có suy nghĩ và tránh chứng cuồng loạn. Nhà hát khủng bố không thể thành công nếu không ai biết đến nó. Thật không may, các phương tiện truyền thông lại thường xuyên cung cấp sự truyền thông này miễn phí. Họ đưa tin một cách điên cuồng về các cuộc tấn công khủng bố và thổi phồng lên những nguy hiểm từ chúng, bởi vì các báo cáo về khủng bố bán báo tốt hơn nhiều so với các báo cáo về bệnh tiểu đường hoặc ô nhiễm không khí. ” “Mặt trận thứ ba là trí tưởng tượng của mỗi chúng ta. Những kẻ khủng bố nắm giữ trí tưởng tượng, và sử dụng nó chống lại chúng ta. Một lần nữa chúng ta luyện tập cuộc tấn công khủng bố trên sân khấu của tâm trí mình – nhớ lại 9/11 hoặc các vụ đánh bom tự sát mới nhất. Những kẻ khủng bố giết chết một trăm người – và khiến 100 triệu người tưởng tượng rằng có một kẻ giết người ẩn nấp đằng sau mỗi cây. Trách nhiệm của mọi công dân là lôi những kẻ khủng bố ra khỏi trí tưởng tượng của mình, và nhắc nhở bản thân về những khía cạnh thực sự của mối đe dọa này. Chính nỗi kinh hoàng bên trong của chúng ta khiến cho giới truyền thông bị ám ảnh về chủ nghĩa khủng bố và chính phủ thì phản ứng quá đà”.
Chương 11: Chiến Tranh
Đừng đánh giá thấp sự ngu ngốc của con người
Một
Nếu trước đây chiến tranh như một hình thức kinh doanh, tuy man dợ, nhưng lợi nhuận mang lại cực lớn thì trong TK 21 các cường quốc thật khó có một cuộc chiến có lãi. Một lý do là sự thay đổi trong nền kinh tế. Nếu xưa kia, của cải quốc gia chủ yếu là tài sản, đất đai… thì đánh chiếm, cướp bóc là một chiến lược hợp lý, nhưng trong TK 21, sự giàu có quốc gia nằm ở kỹ thuật, công nghệ và bạn không thể lấy được tri thức bằng chiến tranh. “Trong thời đại hoàng kim của những nhà chinh phục, chiến tranh là một thương vụ thiệt hại thấp nhưng lợi nhuận cao. Trong trận Hastings năm 1066, Kẻ chinh phạt William đã giành được toàn bộ nước Anh trong một ngày với chi phí vài ngàn người chết. Ngược lại, vũ khí hạt nhân và chiến tranh mạng là các công nghệ mang sát thương cao, nhưng lợi nhuận thấp. Bạn có thể sử dụng những công cụ như vậy để tiêu diệt toàn bộ các quốc gia, nhưng đây không phải là cuộc làm ăn nhiều lợi nhuận”.
Hai
Tuy vậy, chúng ta cũng đừng bao giờ đánh giá thấp sự ngu ngốc của loài người. “Sự ngu xuẩn của con người là một trong những tác nhân quan trọng nhất trong lịch sử, nhưng chúng ta thường coi nhẹ nó. Các chính trị gia, tướng lĩnh và các học giả coi thế giới là một trò chơi cờ vua tuyệt vời, nơi mọi chuyển động đều tuân theo các tính toán hợp lý cẩn thận. Điều này là đúng một phần. Rất ít các lãnh đạo trong lịch sử thực sự điên khi điều con tốt và quân hậu một cách ngẫu nhiên. Tướng Tojo, Saddam Hussein và Kim Jong-il có lý do hợp lý cho mọi nước cờ của mình. Vấn đề chỉ là thế giới phức tạp hơn nhiều so với bàn cờ, và khả năng lý trí của con người chưa đủ tầm để hiểu được sự phức tạp đó. Do đó ngay cả các nhà lãnh đạo lý trí thường xuyên đi làm những việc rất ngu xuẩn”.
Chương 12: Khiêm Tốn
Bạn không phải là cái rốn của vũ trụ
Một
Hầu hết các nền văn minh đều tin rằng mình là là trung tâm của vũ trụ, và nhân loại sẽ sống trong cảnh ngu dốt và mê muội cho tới khi có những sáng tạo vượt bậc trong nền văn hoá của họ xuất hiện. “Nhiều người Hy Lạp tin rằng lịch sử bắt đầu với Homer, Sophocles và Plato, và tất cả những ý tưởng và phát minh quan trọng đều được sinh ra ở Athens, Sparta, Alexandria hay Constantinople. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc trả lời rằng lịch sử thực sự bắt đầu với Hoàng đế (Yellow Emperor) và triều đại Xia và Shang, và bất cứ thành tựu người phương Tây, người Hồi giáo hay người da đỏ nào đạt được đều là một bản sao nhợt nhạt của những đột phá nguyên thủy của Trung Quốc. Những người theo đạo Hồi Ấn Độ bác bỏ sự tự hào của Trung Quốc, và lập luận rằng ngay cả máy bay và bom hạt nhân được phát minh bởi các nhà hiền triết cổ ở tiểu lục địa Ấn Độ lâu trước cả Khổng Tử hay Plato, chưa kể Einstein và anh em nhà Wright.”
Hai
Tuy nhiên, “tất cả những tuyên bố này đều sai. Chúng kết hợp giữa một sự thiếu hiểu biết cố ý về lịch sử với một chút sự phân biệt chủng tộc. Không có tôn giáo hay quốc gia nào ngày nay tồn tại khi con người xâm chiếm thế giới, thuần hóa thực vật và động vật, xây dựng những thành phố đầu tiên, hoặc phát minh ra chữ viết và tiền bạc. Đạo đức, nghệ thuật, tâm linh và sáng tạo là khả năng phổ biến của con người được nhúng trong DNA của chúng ta. Nguồn gốc của chúng là ở thời kỳ đồ đá châu Phi. Do đó, thật là một sự tự cao thô lỗ khi cố gán cho mình vai trò quan trọng hơn người khác trong chiều dài lịch sử, dù là Trung Quốc trong thời đại Hoàng đế, Hy Lạp ở thời Plato, hay Ả Rập trong thời đại Muhammad.”
Ba
Để dẫn chứng về chủ nghĩa tự cao dân tộc của mình, tác giả xin chỉ trích chính những sự ảo tưởng tại quê hương Israeli của mình, trước khi phê bình những đất nước khác. Ví dụ như trong giáo dục. “Trẻ em Israel thường kết thúc 12 năm học mà không có trong đầu một bức tranh rõ ràng nào về các quá trình lịch sử toàn cầu. Chúng gần như không được dạy dỗ gì về Trung Quốc, Ấn Độ hay châu Phi, và mặc dù tìm hiểu về Đế chế La Mã, Cách mạng Pháp và Chiến tranh thế giới thứ hai, những mảnh ghép bị rời rạc này không tạo thành một mach truyện bao quát nào. Thay vào đó, lịch sử mạch lạc duy nhất được cung cấp bởi hệ thống giáo dục của Israel bắt đầu bằng Cựu Ước, tiếp tục đến thời kỳ Đền Thờ Thứ Hai, bỏ qua thời các cộng đồng Do Thái trong thời gian lưu vong, và lên đến đỉnh điểm với sự nổi lên của Chủ nghĩa phục quốc Do Thái, Holocaust và sự thành lập nhà nước Israel. Hầu hết các học sinh sau khi tốt nghiệp tin rằng đây phải là cốt truyện chính của toàn bộ câu chuyện về con người”.
Bốn
Tuy đạo Do Thái khai sinh ra đạo Kitô và ảnh hưởng đến sự hình của đạo Hồi, nhưng “lời ca tụng cho những thành tựu toàn cầu của Kitô giáo và Hồi giáo – kèm theo những tội ác mà nó gây ra – thuộc về các Kitô hữu và người Hồi giáo, chứ không phải là người Do Thái”. Giống như mẹ của Freud có công sinh ra Sigmund Freud, cha đẻ của phân tâm học, nhưng “khi viết lịch sử của phương Tây hiện đại, không ai mong đợi một chương toàn bộ về mẹ của Freud. Tương tự như vậy, nếu không có Do Thái giáo, bạn sẽ không có Kitô giáo, nhưng điều đó không xứng đáng với tầm quan trọng của Do Thái giáo khi viết lịch sử thế giới”.
Năm
Đạo đức con người, thứ mà Do Thái giáo vẫn cho là công lao của mình thực ra lại không phải. “Tất cả động vật có vú xã hội, như chó sói, cá heo và khỉ, đều có quy tắc đạo đức, thích nghi qua quá trình tiến hóa để thúc đẩy hợp tác nhóm. Ví dụ, khi đàn sói chơi với nhau, chúng có quy tắc ‘trò chơi công bằng’. Nếu một con sói cắn quá mạnh, hoặc tiếp tục cắn một đối thủ đã đầu hàng, những con khác sẽ ngừng chơi với nó.” “Các bộ lạc săn bắn hái lượm thời đại đồ đá có quy tắc đạo đức hàng chục ngàn năm trước Abraham. Khi những người định cư châu Âu đầu tiên đến Úc vào cuối thế kỷ thứ mười tám, họ chạm trán những bộ tộc thổ dân có quan niệm đạo đức rất phát triển mặc dù hoàn toàn không biết gì về Moses, Jesus và Muhammad”. “Khổng Tử, Lão, Phật và Mahavira đã thiết lập các quy tắc đạo đức phổ quát rất lâu trước Thánh Paul và Chúa Jesus, mà không biết gì về xứ Canaan hoặc các nhà tiên tri của Israel. Khổng Tử dạy rằng mọi người phải yêu thương người khác như anh ta yêu bản thân mình vào khoảng 500 năm trước khi Rabbi Hillel the Elder nói rằng đây là bản chất của Torah. Và vào lúc Do Thái giáo vẫn hiến tế động vật và tiêu diệt một cách có hệ thống toàn bộ quần thể loài người, Phật và Mahavira đã hướng dẫn những môn đồ tránh làm hại không chỉ tất cả mọi người, mà là bất cứ chúng sinh nào, kể cả côn trùng.”
Sáu
Đúng là trong thế kỉ 19, 20, người Do Thái có đóng góp rất nhiều cho nhân loại, ví dụ “khoảng 20% người đoạt giải Nobel trong khoa học là người Do thái, mặc dù họ chiếm dưới 0,2% dân số thế giới. Nhưng cần nhấn mạnh rằng đây là đóng góp của cá nhân hơn là của Do Thái giáo như một nền tôn giáo hay văn hóa. Hầu hết các nhà khoa học Do Thái quan trọng trong 200 năm qua đã hành động bên ngoài lãnh địa tôn giáo Do Thái. ” Lấy ví dụ. “Einstein là người Do Thái, nhưng lý thuyết tương đối không phải là ‘vật lý Do Thái’. Niềm tin vào sự thiêng liêng của Torah liên quan gì với cái nhìn sâu sắc rằng năng lượng bằng khối lượng nhân với vận tốc ánh sáng bình phương? Hay thử so sánh, Darwin là một Kitô hữu và thậm chí còn bắt đầu học hành tại Cambridge để dự định trở thành một linh mục Anh giáo. Liệu nó có ngụ ý rằng lý thuyết tiến hóa là một lý thuyết Ki-tô giáo? Thật là lố bịch khi liệt kê lý thuyết tương đối như là một đóng góp của người Do Thái cho nhân loại, cũng như thật vô lý khi ngợi ca Ki-tô giáo với lý thuyết tiến hóa. Tương tự vậy, thật khó để thấy bất cứ điều gì đặc biệt trong đạo Do Thái liên quan đến việc phát minh ra quá trình tổng hợp amoniac của Fritz Haber (Giải Nobel Hóa học, 1918); về phát hiện kháng sinh streptomycin của Selman Waksman (Giải Nobel về Sinh lý học hoặc Y học, 1952); hoặc về việc khám phá ra các tinh thể quasic của Dan Shechtman (Giải Nobel Hóa học, 2011).”
Chương 13: Chúa
Đừng nhân danh Chúa trong hư vô
Một
Có hai vị chúa. Một vị Chúa của các triết gia, mỗi khi chúng ta nhìn lên bầu trời đêm đầy sao và tự hỏi cuộc đời là gì, thứ gì đã định hình những quy luật vật lý, ý thức sinh ra từ bộ não như nào và nghĩ nát óc không tìm ra câu trả lời, và chúng ta quy những bí ẩn này về một vị Chúa. Có một vị Chúa khác, đem lại những luật lệ cho thế giới này, quan tâm đến thời quan, ăn uống, tình dục, chính trị, trao thưởng cho những kẻ sùng đạo và xử tội lũ vô thần. Tuy nhiên, khi những tín đồ đánh tráo 2 vị chúa này làm một, họ tạo ra một vị Chúa mới đầy mâu thuẫn: vừa là người đứng sau những bí ấn lớn lao của vũ trụ [Vì chúng ta không hiểu về vụ nổ Big Bang, nên đó hẳn là hành động của Chúa], vừa quan tâm đến đời sống của đám Sapiens. Lạ cái là “những bí ẩn của vũ trụ càng sâu xa, càng ít có khả năng là bất cứ điều gì (hay ai) chịu trách nhiệm với nó lại thèm quan tâm đến các quy tắc trang phục nữ giới hoặc hành vi tình dục của con người”. “Khi tôi sử dụng từ ‘Thượng đế’, tôi nghĩ về Thượng đế của Nhà nước Hồi giáo, của Thập tự chinh, của những toà hình án xử dị giáo, và biểu ngữ ‘God ghét lũ gay’. Khi tôi nghĩ về bí ẩn của sự tồn tại, tôi thích sử dụng các từ khác, để tránh nhầm lẫn. Và không giống như Thiên Chúa của Nhà nước Hồi giáo và Thập tự chinh – người quan tâm rất nhiều về các tên gọi và trên tất cả về tên linh thiêng nhất của Ngài – bí ẩn của sự tồn tại không quan tâm một iota nào đến những cái tên chúng ta, lũ ape, đặt cho họ/nó”.
Hai
Phải chẳng Chúa đã chết thì nền đạo đức cũng tiêu tan, vì không còn ai giám sát những kẻ phá luật và khen thưởng những kẻ giữ luật? Đúng là niềm tin vào các thần thánh rất cần thiết cho trật tự xã hội, nhưng không nhất thiết phải vậy. “Ở người, đạo đức có mặt trong mọi xã hội, mặc dù không phải tất cả mọi người đều tin vào cùng một vị thần, hay bất kì vị thần nào. Kitô hữu hành động thiện lành ngay cả khi không tin vào đền thờ Hindu, người Hồi giáo coi trọng sự trung thực mặc dù từ chối sự thần thánh của Chúa Jesus, và các nước thế tục như Đan Mạch và Cộng hòa Séc cũng không bạo lực bằng các quốc gia mộ đạo như Iran và Pakistan.” Hơn nữa, “Đạo đức không có nghĩa là ‘tuân theo các mệnh lệnh thiêng liêng’. Nó có nghĩa là ‘giảm đau khổ’. Do đó để hành động một cách đạo đức, bạn không cần phải tin vào bất kỳ câu chuyện hay câu chuyện nào. Bạn chỉ cần phát triển một sự nhận thức sâu sắc về đau khổ. Nếu bạn thực sự hiểu một hành động gây ra đau khổ không cần thiết cho bản thân hoặc cho người khác như nào, bạn sẽ tự nhiên kiêng nó. Người ta vẫn giết người, hãm hiếp và ăn cắp chỉ vì họ có một sự hiểu biết bề ngoài về nguyên nhân của sự đau khổ này. Họ được lập trình để thỏa mãn ham muốn hoặc tính tham lam ngay lập tức của mình, mà không cần phải lo lắng về tác động lên người khác – hoặc thậm chí là ảnh hưởng lâu dài đến bản thân họ.”
Ba
Nếu họ hiểu rằng làm hại người khác cũng là đang làm hại chính mình, ví dụ như khi bạn căm giận ai đó, chính sự an nhiên của bạn cũng đang bị tổn thương nhiều nhất, thì có thể họ sẽ thôi làm điều xấu đi. Và nếu họ hiểu rằng nguyên nhân của bạo lực xuất phát từ bên trong, thì họ sẽ đi vào bên trong để loại bỏ tham, sân, si. [Quan điểm có tính phật giáo của Harari].“Mọi hành vi bạo lực trên thế giới đều bắt đầu với một ham muốn bạo lực trong tâm trí của một ai đó, làm rối loạn sự yên bình và hạnh phúc của họ trước khi nó làm rối loạn sự yên bình và hạnh phúc của bất cứ ai khác. Vì vậy, người ta hiếm khi ăn cắp trừ khi họ hình thành cảm giác tham lam và ghen tị trong tâm trí của họ trước. Mọi người thường không giết người trừ khi họ tạo ra sự tức giận và hận thù trong họ trước. Những cảm xúc như tham lam, ghen tỵ, tức giận và hận thù là rất khó chịu. Bạn không thể trải nghiệm niềm vui và sự hài hòa khi bạn đang sôi nổi giận dữ hay ghen tỵ. Do đó trước khi bạn giết bất cứ ai, cơn giận của bạn đã giết chết sự an nhiên của chính bạn rồi”.
Chương 14: Chủ nghĩa thế tục
Thừa nhận bóng tối của bạn
Một
Giống như tôn giáo, chủ nghĩa thế tục cũng có những “đức tin” của nó: không tin vào sự độc quyền chân lý, không tin vào đạo đức đến từ một vị thần linh nào đó, không tin rằng con người chỉ hạn hẹp trong chọn lựa: học là người Hồi giáo hoặc là không… Tuy nhiên, “giống như tất cả các quy luật đạo đức khác, những tiêu chuẩn thế tục là một lý tưởng để khao khát hơn là một hiện thực xã hội. Cũng giống như các xã hội và các tổ chức Ki-tô giáo thường đi chệch khỏi lý tưởng Ki-tô giáo, vì vậy các xã hội và thể chế thế tục hiếm khi sống theo những lý tưởng mà nó đề ra.”
Hai
Lý tưởng thứ nhất là sự vững tin vào sự thật, dựa trên quan sát và bằng chứng, thay vì niềm tin không xác thực. “Niềm tin vào sự thật này chính là nền tảng của khoa học hiện đại, cho phép nhân loại phân chia nguyên tử, giải mã bộ gen, theo dõi sự tiến hóa của cuộc sống, và hiểu được lịch sử của nhân loại.” Lý tưởng thứ hai là sự thương cảm với nỗi đau khổ của con người. “Ví dụ, những người thế tục tránh tội giết người không phải vì một số cuốn sách cổ đại cấm nó, mà vì giết người gây đau khổ to lớn cho chúng sinh. Bởi thật có vấn đề và nguy hiểm khi con người ta không giết người chỉ vì “Đức Chúa Trời phán như vậy”. Những người như vậy được thúc đẩy bởi sự vâng lời hơn là từ bi, và họ sẽ làm gì nếu họ tin rằng thần của họ ra lệnh cho họ giết người dị giáo, phù thủy, kẻ ngoại tình hay người nước ngoài? ” Lý tưởng thứ ba là sự bình đẳng, giữa người với người, giữa các nền văn hoá với các nền văn hoá. “Đau khổ là đau khổ, bất kể ai trải nghiệm nó; và tri thức là tri thức, bất kể ai phát hiện ra nó. Đặc biệt hoá các trải nghiệm hoặc phát minh của một quốc gia, tầng lớp hoặc giới tính cụ thể nào chỉ khiến chúng ta vô cảm và vô minh hơn. Người thế tục chắc chắn tự hào về tính độc đáo của quốc gia, đất nước và văn hóa cụ thể của họ – nhưng họ không nhầm lẫn ‘tính độc đáo’ với ‘ưu thế’”. Lý tưởng thứ 4 là sự tự do suy nghĩ, khám phá và trải nghiệm. “Những người thế tục trân quý tự do, và không coi bất kỳ văn bản, tổ chức hay lãnh đạo nào như là vị thẩm phán tối thượng về điều gì là sự thật và điều gì đúng. Con người nên giữ sự tự do nghi ngờ, để kiểm tra lại, để nghe ý kiến thứ hai, để thử một con đường khác.” Lý tưởng thứ 5 là sự dũng cảm chống lại định kiến ở người khác và ở chính bản thân mình. “Giáo dục thế tục dạy chúng ta rằng nếu chúng ta không biết điều gì đó, chúng ta không nên sợ thừa nhận sự ngu dốt của mình và tìm kiếm bằng chứng mới. Ngay cả khi nghĩ rằng mình biết điều gì đó, đừng nên sợ nghi ngờ chính ý kiến đó và tự mình kiểm tra lại. ” Lý tưởng thứ 6 là gánh vác trách nhiệm. “Họ không tin rằng đang có bất kỳ quyền lực cao hơn nào chăm sóc thế giới, trừng phạt kẻ ác, khen thưởng người công chính, và bảo vệ chúng ta khỏi nạn đói, bệnh dịch hay chiến tranh. Chúng ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm cho bất cứ điều gì chúng ta làm – hoặc không làm. Nếu thế giới đầy đau khổ, nhiệm vụ của con người là tìm ra giải pháp. ”
Ba
Tuy nhiên, khi đặt nhiều mục tiêu quá cao… đến mức bất khả thi với năng lực của con người, thì sự cam kết vào một lý tưởng đẹp đẽ đến mức hoàn hảo đó lại trở thành vật cản. Nguy hiểm hơn nữa, mỗi khi bạn mắc sai lầm, bạn chỉ cần nói “Oh, lý tưởng thì vẫn đúng, chỉ là mình đang làm sai cách mà thôi”. “Ví dụ, Ki-tô giáo là nguyên nhân của những tội ác lớn như những toà án dị giáo, Thập tự chinh, sự đàn áp của các nền văn hóa bản địa trên toàn thế giới, và sự mất quyền lực của người phụ nữ. Một Ki-tô hữu có thể cảm thấy xúc phạm về những cáo buộc này và bẻ lái rằng tất cả những tội ác này là kết quả của một sự hiểu lầm hoàn toàn về Ki-tô giáo. Chúa Jesus chỉ rao giảng tình yêu, và những toà án dị giáo dựa trên sự biến dạng kinh khủng của những giáo lý của Ngài. Chúng ta có thể thông cảm với lời tuyên bố này, nhưng thật sai lầm nếu để cho Ki-tô giáo chối tội dễ dàng như vậy. Những người Ki tô giáo cảm thấy kinh hãi bởi tội ác của những toà án dị giáo và cuộc thập tự chinh không thể chỉ rửa tay, làm ngơ những tội ác này – họ nên tự hỏi mình một số câu hỏi khó. Chính xác thì ‘tôn giáo vì tình yêu’ của họ sao lại để bản thân bị biến dạng theo cách như vậy, và không phải một lần, nhưng nhiều lần? Những người Tin Lành cố đổ lỗi cho tất cả những người theo chủ nghĩa cuồng tín Công giáo nên đọc một cuốn sách về hành vi của những người theo đạo Tin Lành ở Ireland hoặc ở Bắc Mỹ. Tương tự như vậy, các nhà Mác-xít nên tự hỏi về những lời dạy của Marx đã mở đường cho các trại Gulag, các nhà khoa học nên xem xét làm sao các dự án khoa học lại có thể đóng góp cho sự mất ổn định hệ sinh thái toàn cầu, và đặc biệt các nhà di truyền học nên rút ra bài học từ cách phát xít biến tướng các học thuyết Darwin”.
Bốn
Tuy nhiên, chủ nghĩa thế tục có một lợi thế so với các tôn giáo truyền thống đó là biết nhận lỗi, và tin rằng mình không hoàn hảo. “Nhận thức được sự không hoàn hảo của mình, chủ nghĩa thế tục hy vọng sẽ có những thay đổi gia tăng nhỏ, nâng mức lương tối thiểu lên một vài đô la hoặc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em xuống một vài điểm phần trăm. Dấu hiệu để nhận biết một ý thức hệ giáo điều là khi họ thường xuyên thề thốt những điều không thể bởi sự tự tin quá mức vào năng lực của mình. Các nhà lãnh đạo này nói thoải mái về ‘sự vĩnh cửu’, ‘thuần khiết’ và ‘cứu chuộc’, như thể chỉ bằng cách ban hành một số luật, xây dựng một số đền thờ, hoặc chinh phục một số lãnh thổ thì họ có thể cứu cả thế giới bằng một phẩy tay. Khi đến lúc đưa ra những quyết định quan trọng nhất trong lịch sử cuộc đời, cá nhân tôi [Harari] sẽ tin tưởng nhiều hơn vào những người thừa nhận sự thiếu hiểu biết hơn là những người tuyên bố không thể sai lầm. Nếu bạn muốn tôn giáo, ý thức hệ hay thế gian quan của bạn dẫn dắt thế giới, câu hỏi đầu tiên của tôi với bạn là: ‘Sai lầm lớn nhất mà tôn giáo, tư tưởng hoặc thế giới quan của bạn đã mắc phải là gì? Điều gì đã làm nó sai?’ Nếu bạn không thể đưa ra một cái gì đó nghiêm túc, cá nhân tôi sẽ không tin tưởng bạn.”
Phần 4: Sự Thật
“Nếu bạn cảm thấy choáng ngợp và bối rối bởi những vấn nạn toàn cầu mới, bạn đang đi đúng hướng. Quá trình toàn cầu hoá đã trở nên quá phức tạp với khả năng hiểu biết của bất cứ ai. Làm thế nào bạn có thể biết sự thật về thế giới, và tránh là nạn nhân của tuyên truyền và thông tin sai lệch?”
Chương 15: Vô minh
Bạn không giỏi như bạn nghĩ
Một
Cá nhân con người không lý trí và tư duy độc lập như họ nghĩ. “Các nhà kinh tế học hành vi và các nhà tâm lý học tiến hóa đã chứng minh rằng hầu hết các quyết định của con người đều dựa trên các phản ứng cảm xúc và các lối tắt kinh nghiệm quá khứ [heuristics] thay vì phân tích hợp lý, và mặc dù chúng có lẽ phù hợp để giải quyết các vấn đề cuộc sống trong thời kỳ đồ đá, ở thời đại Silicon, chúng là những công cụ quyết định thiếu sót đầy nguy hiểm. Không chỉ tính lý trí, nhưng tính cá nhân cũng là một huyền thoại. Con người hiếm khi tư duy một mình. Thay vào đó, chúng ta nghĩ theo nhóm. Cũng giống như phải cần cả một bộ lạc để nuôi một đứa trẻ, chúng ta cũng cần một bộ lạc để phát minh ra một công cụ, giải quyết xung đột hoặc chữa bệnh. Không có cá nhân nào biết mọi thứ cần biết để xây dựng một nhà thờ, bom nguyên tử hay máy bay. Bí quyết vượt trội của Homo sapiens so với tất cả các loài động vật khác và biến chúng ta thành bậc thầy hành tinh không phải là tính lý trí của mỗi cá nhân, mà là khả năng suy nghĩ tuyệt vời cùng nhau trong các nhóm lớn.
Hai
Với những người nắm quyền lực, họ không chỉ mắc những vấn đề cơ bản như quyết định cảm tính và tư duy nhóm, mà chính quyền lực lại là một cản trở khác khi họ khám phá sự thực. “Sức mạnh là chuyện thay đổi thực tại hơn là nhìn thấy thực tại như nó là. Khi bạn có cây búa trong tay, mọi thứ trông giống như một cái đinh; và khi bạn có sức mạnh to lớn, mọi thứ giống như đang muốn lao vào can thiệp việc của bạn. Ngay cả khi bằng cách nào đó bạn vượt qua sự cám dỗ này, những người xung quanh bạn sẽ không bao giờ quên cái búa khổng lồ mà bạn đang nắm giữ.” Vì vậy, quyền lực giống một lỗ đen hút tất cả mọi thứ lại. “Nếu bạn thực sự muốn sự thật, bạn cần phải thoát khỏi lỗ đen của quyền lực, và cho phép mình lãng phí rất nhiều thời gian lang thang ở vùng ngoại vi”.
Chương 16: Công Lý
Cảm giác công lý của chúng ta có thể đã hết hạn
Một
Cảm giác bẩm sinh của chúng ta về “công lý” hiện nay có thể đã lỗi thời. Bởi vì công lý được sinh ra để giải quyết các vấn đề với số lượng tối đa khoảng 150 người trong một bộ lạc, nhưng ngày nay khi các vấn đề liên quan đến hàng chục triệu người ở khắp mọi nơi trên thế giới, cảm giác đúng sai của chúng ta có thể đã hết hạn. Công lý đòi hòi nhận thức được chuỗi nhân quả, nghĩa là xác định được đâu nguyên nhân của vấn đề này, hay ai là người sẽ chịu hậu quả từ hành động kia. “Nếu bạn đi hái nấm để nuôi con của bạn và bây giờ tôi lấy cái giỏ nấm đó bằng vũ lực, nghĩa là tất cả công việc của bạn làm đều vô ích và con bạn sẽ đi ngủ với cái bụng rỗng, điều đó là không công bằng. Thật dễ dàng để nhận ra điều này, bởi vì thật dễ dàng để thấy các mối quan hệ nhân quả. Thật không may, một đặc điểm vốn có của thế giới toàn cầu hiện đại của chúng ta là quan hệ nhân quả của nó quá rối ren và phức tạp. Tôi có thể sống một cách hòa bình ở nhà, không bao giờ giơ ngón tay lên làm hại ai, nhưng theo các nhà hoạt động cánh tả, tôi là một kẻ thông đồng với những sai lầm gây ra bởi những người lính Israel và những người định cư ở Bờ Tây. Theo các nhà xã hội chủ nghĩa, cuộc sống thoải mái của tôi dựa trên lao động của trẻ em trong các nhà xưởng tồi tệ ở các nước nghèo. Những người ủng hộ phúc lợi động vật nhắc nhở tôi rằng cuộc sống của tôi đi kèm với một trong những tội ác kinh hoàng nhất trong lịch sử – sự đầy đoạ hàng tỷ động vật trang trại vào một chế độ khai thác tàn bạo”.
Hai
Ngày nay, gần như không một ai có thể hiểu được sự tình các vấn đề đạo đức lớn trên thế giới vì nó quá phức tạp. “Mọi người có thể hiểu được mối quan hệ giữa 2 kẻ hay 20 kẻ cùng đi săn bán hái lượm, hoặc giữa hai bộ tộc láng giềng. Nhưng họ không được sinh ra để hiểu được mối quan hệ giữa vài triệu người Syria, giữa 500 triệu người châu Âu, hoặc giữa tất cả các nhóm chính và nhóm phụ đan xen lẫn nhau của hành tinh.” Để giảm sự choáng ngợp, họ nghĩ ra 4 giải pháp. Các thứ nhất là giảm “size” vấn đề từ XXL xuống cỡ S: đây chỉ là cuộc đối đầu giữa 2 phe: một xấu, một tốt. Cách thứ hai là tập trung vào 1 câu chuyện cảm động, và bỏ qua sự khổng lồ của vấn đề. Một triệu người chết chỉ là số liệu, nhưng một em bé Nepal đau đớn vì bỏng bom có thể làm chấn động cả thế giới. Cách thứ ba là tạo ra những giả thuyết âm mưu, như thể tất cả những khổ đau của thế giới này đều do một vài ông trùm, như “Thanos” đứng sau. Tuy nhiên, “đây gần như luôn là một giả thuyết vô căn cứ. Thế giới đương đại quá phức tạp, không chỉ đối với cảm giác công lý mà còn với khả năng quản lý của chúng ta. Không ai – kể cả các tỷ phú, CIA, Hội Tam Điểm và những Nhà Thông thái Do Thái – thực sự hiểu những gì đang xảy ra trên thế giới. Vì vậy, không ai có khả năng thao túng thế giới một cách hiệu quả”. Cách thứ 4 là chọn một tín điều, tin tưởng tuyệt đối vào nó, và “thoát nợ” khỏi thực tại phức tạp. “Các giáo điều tôn giáo và các chủ nghĩa vẫn còn rất hấp dẫn trong thời đại khoa học của chúng ta chính xác bởi vì chúng cung cấp cho chúng ta một nơi trú ẩn an toàn khỏi sự phức tạp khó chịu của thực tế. Như đã nói ở trên, các phong trào thế tục cũng không miễn nhiễm khỏi nguy hiểm này. Ngay cả khi ban đầu bạn từ chối tất cả các giáo điều tôn giáo và cam kết hoàn toàn vào chân lý khoa học, sớm hay muộn, sự phức tạp của thực tế sẽ vượt ngưỡng chịu đựng và khiến người ta phải hướng đến việc sinh ra một học thuyết có thể giải thích mọi thứ. Trong khi các học thuyết như vậy cung cấp cho con người sự an ủi trí tuệ và niềm tin đạo đức, thì liệu nó đem lại công lý hay không là câu hỏi còn bỏ ngỏ”.
Chương 17: Hậu Sự thật
Một số “tin giả” tồn tại mãi mãi
Một
Năm 2018, chúng ta lo lắng khi sống trong một thế hậu sự thật, nhưng sự thực là con người luôn sống trong thời đại của hậu sự thật. “Homo sapiens là một loài hậu sự thật, có sức mạnh phụ thuộc vào việc tạo ra và tin tưởng những hư cấu. Kể từ thời kỳ đồ đá, những huyền thoại mà con người lan truyền đã phục vụ cho sự đoàn kết các tập thể con người. Nhờ đó mà Homo sapiens đã chinh phục hành tinh này dựa trên hết là khả năng để tạo ra và truyền bá những hư cấu. ” “Vì vậy, nếu bạn đổ lỗi cho Facebook, Trump hay Putin vì đã mở ra một kỷ nguyên mới và đáng sợ, hãy nhắc nhở chính mình rằng hàng thế kỷ trước hàng triệu Kitô hữu đã tự giam mình bên trong một bong bóng thần thoại tự huyễn hoặc, không bao giờ dám đặt câu hỏi về tính xác thực thực sự của Kinh Thánh, trong khi hàng triệu người Hồi giáo đặt đức tin không chút nghi ngờ của họ vào Kinh Qur’an. ”
Hai
Không chỉ trong tôn giáo và ý thức hệ, các công ty thương mại cũng phải phụ thuộc vào “Fake News”. “Xây dựng thương hiệu thường liên quan đến việc kể đi kể lại cùng một câu chuyện hư cấu, cho đến khi mọi người trở nên tin rằng đó là sự thật. Đầu bạn hiện lên hình ảnh gì khi nghĩ về Coca-Cola? Bạn có nghĩ về những thanh niên trẻ khỏe chơi thể thao và vui đùa cùng nhau không? Hay bạn nghĩ về các bệnh nhân tiểu đường thừa cân nằm trên giường bệnh?
Uống nhiều Coca-Cola sẽ không làm cho bạn trẻ, sẽ không làm cho bạn khỏe, và sẽ không làm cho bạn có dáng thể thao – thay vào đó, nó làm tăng nguy cơ bạn bị béo phì và tiểu đường. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ, Coca-Cola đã đầu tư hàng tỷ đô la vào việc thuê dệt câu chuyện về giới trẻ, sức khỏe và thể thao – và hàng tỷ con người đã vô thức tin vào mối liên kết này.”
Ba
Sự thực là con người chưa bao giờ ưu tiên sự thực, mà chúng ta luôn cố pha chế một câu chuyện có sự kết hợp tinh tế giữa sự thật và hư cấu. Nếu biến tướng thực tại quá nhiều, bạn sẽ gặp vấn đề. Cứ thử không tin vào trọng lực, và nhảy từ cửa sổ trong căn chung cư của bạn, bạn sẽ hiểu tại sao. “Hai nghìn năm trước đó, cuộc nổi dậy vĩ đại của người Do thái chống lại người La Mã đã được truyền cảm hứng tương tự bởi một niềm tin hăng say rằng Đức Chúa Trời sẽ chiến đấu cho người Do thái và giúp họ đánh bại Đế chế La Mã dường như bất khả chiến bại. Họ thất bại, dẫn đến sự tàn phá của Jerusalem và sự lưu đày của người Do thái. ” Mặt khác, chỉ có sự thật sẽ không khiến bạn thu phục được người khác. Bạn phải có một câu chuyện, một truyền thuyết để tập hợp mọi người. Bởi vậy, “nếu bạn muốn đánh giá lòng trung thành của nhóm, yêu cầu mọi người tin vào một sự vô lý là một thử nghiệm tốt hơn nhiều so với yêu cầu họ tin vào sự thật. Nếu một vị tù trường nói rằng ‘mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở phía tây’, chẳng cần lòng trung thành để khiến các thành viên vỗ tay. Nhưng nếu vị lãnh tụ nói rằng ‘mặt trời mọc ở phía tây và lặn ở phía đông’, chỉ những người trung thành thực sự mới vỗ tay.
Tương tự như vậy, nếu tất cả những người láng giềng của bạn tin vào cùng một câu chuyện bịa đặt, bạn có thể dựa vào họ để tin tưởng nhau trong thời gian khủng hoảng. Nếu họ chỉ sẵn lòng tin vào những thứ được công nhận, điều đó chứng minh điều gì? ”
Bốn
“Tất cả điều này không có nghĩa là tin tức giả mạo không phải là một vấn đề nghiêm trọng, hay các chính trị gia và linh mục có thử tự do nói dối. Cũng thật sai lầm khi kết luận rằng mọi thứ chỉ là tin giả, rằng bất kỳ nỗ lực nào để khám phá sự thật đều thất bại, và rằng không có sự khác biệt nào giữa báo chí nghiêm túc và sự tuyên truyền ” Có 2 kinh nghiệm để thoát khỏi “Fake News”. Đầu tiên, hãy trả tiền cho thông tin. “Nếu bạn nhận được tin miễn phí, bạn cũng có thể là một sản phẩm. Giả sử một tỷ phú âm mưu nào đó đem đến cho bạn thỏa thuận sau: ‘Tôi sẽ trả cho bạn 30 đô la một tháng, và đổi lại, bạn sẽ cho phép tôi tẩy não bạn một giờ mỗi ngày, cài đặt trong tâm trí của bạn bất kỳ thành kiến chính trị và kinh tế nào tôi muốn.’ Bạn có chấp nhận không? Rất ít người lý trí làm vậy. Vì thế, vị tỷ phú mưu mô này cung cấp một thỏa thuận hơi khác: ‘Bạn sẽ cho phép tôi tẩy não bạn trong một giờ mỗi ngày, và đổi lại, tôi sẽ không tính phí bạn bất kỳ dịch vụ nào.’ Bây giờ, thoả thuận nghe hấp dẫn hơn hẳn với hàng triệu người. Đừng noi gương họ.” “Nguyên tắc thứ hai là nếu bạn thực sự quan tâm đến vấn đề nào đấy, hãy cố gắng đọc các tài liệu khoa học liên quan. Ý tôi là các bài báo được đánh giá ngang hàng (peer-reviewed articles), các cuốn sách được xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật nổi tiếng và các tác phẩm từ những giáo sư đến từ các tổ chức có uy tín. Khoa học rõ ràng có những hạn chế của nó, và nó đã có nhiều điều sai trái trong quá khứ. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học là nguồn tri thức đáng tin cậy nhất trong nhiều thế kỷ qua”.
Chương 18: Khoa học viễn tưởng
Tương lai không giống như phim ảnh
Một
Bởi vì “rất ít người đọc các bài báo mới nhất trong các lĩnh vực máy học hoặc kỹ thuật di truyền. Thay vào đó, các bộ phim như Ma Trận và Her và TV series như Westworld và Black Mirror định hình cách mọi người hiểu những phát triển kinh tế, xã hội và kinh tế quan trọng nhất của thời đại chúng ta. Điều này cũng có nghĩa là khoa học viễn tưởng cần phải có trách nhiệm hơn nhiều trong cách mô tả thực tế khoa học, nếu không sẽ làm mọi người có ý tưởng sai lệch hoặc tập trung sự chú ý vào những vấn đề sai lầm”. Một trong những sai lầm của các bộ phim viễn tưởng như Kẻ huỷ diệt nằm ở sự “lo ngại về một cuộc chiến trong tương lai giữa robot và con người, trong thực tế chúng ta cần phải lo sợ một cuộc xung đột giữa một tầng lớp siêu nhân nhỏ được trao quyền bởi các thuật toán, và một tầng lớp Homo sapiens lớn ở dưới bị tước quyền. Khi nghĩ về tương lai của AI, Karl Marx vẫn là một nguồn chỉ dẫn tốt hơn Steven Spielberg. ”
Hai
Một chủ đề khác mà các bộ phim khoa học viễn tưởng như Ma Trận hay The Truman Show thường hay khai thác đó là đề tài con người thường sợ hãi mình bị công nghệ thao túng và chỉ khi phá vỡ được vòng kìm kẹp này thì họ mới tìm được bản chất đích thực (authenticity) của mình. Nhưng rốt cục, authenticity cũng chỉ là một huyền thoại. Bộ phim Inside Out của Disney là một sự cuộc chuyển biến cách mạng khi thẳng thừng đập tin huyền thoại này. Trong truyền thống của Disney, khi các anh hùng đối mặt với khó khăn, họ hay vượt qua sóng gió bằng cách lột bỏ lớp mặt nạ, sống thật với bản thân mình và đi theo những ham muốn của ý chí tự do. Trong Inside Out, khi cô bé 11 tuổi Riley gặp khó khăn gia đình và nhìn vào bên trong để tìm sự chỉ dẫn, chúng ta chỉ thấy “cô ấy không có bản thân đích thực và rằng hành động của cô ấy hoàn toàn không có chút gì là tự do lựa chọn. Riley thực ra là một robot khổng lồ được quản lý bởi một tổ hợp các cơ chế sinh hóa xung đột mà bộ phim nhân cách hoá thành những nhân vật hoạt hình dễ thương: Niềm vui màu vàng và vui vẻ, Nỗi buồn màu xanh và buồn bã, Tức giận màu đỏ và dễ phát điên… Bằng cách thao tác một số nút và cần gạt trong Trụ sở chính, đồng thời quan sát mỗi bước di chuyển của Riley trên màn hình TV lớn, những nhân vật này kiểm soát tất cả tâm trạng, quyết định và hành động của Riley. ”
Phần 5: Sức Bật
Bạn sẽ sống sao trong kỷ nguyên của rối loạn, khi những câu chuyện cũ đã sụp đổ và chưa có một câu chuyện nào mới xuất hiện để thay thế chúng?
Chương 19: Giáo dục
Thay Đổi là thứ duy nhất không thay đổi
Một
Nếu bạn sống vào năm 1018, bạn sẽ không phải lo lắng lắm về tương lai… bởi vì 50 năm tới cũng chẳng có gì khác hiện tại. “Do đó vào năm 1018, cha mẹ nghèo Trung Quốc dạy con cái cách trồng lúa hoặc dệt lụa, và cha mẹ giàu có dạy con trai họ cách đọc sách kinh điển Nho giáo, viết thư pháp, hoặc chiến đấu trên lưng ngựa và dạy các cô gái của họ thành những bà nội trợ biết điều và vâng lời. Rõ ràng những kỹ năng này vẫn cần thiết vào năm 1050. Ngược lại, hôm nay chúng ta không biết Trung Quốc hay thế giới sẽ trông như thế nào vào năm 2050. Chúng ta không biết người ta sẽ làm gì để kiếm sống, chúng ta không biết quân đội hay nhà nước sẽ hoạt động như thế nào, và chúng ta không biết quan hệ giới sẽ như thế nào. Một số người có thể sẽ có tuổi thọ vượt xa mức giới hạn của ngày nay, và bản thân cơ thể con người có thể trải qua một cuộc cách mạng chưa từng có nhờ vào kỹ thuật sinh học và sự tương tác trực tiếp giữa não và máy tính. Phần lớn những gì trẻ học hôm nay có thể sẽ không còn liên quan vào năm 2050″.
Hai
Ngày xưa, thông tin quý như vàng bởi vậy học thuộc được đề cao nhằm lưu trữ đống vàng đó. Ngày nay, bạn có thể dành cả đời chỉ để đọc Wikipedia mà vẫn không thể đọc hết, vì hàng trăm trang mới được sinh ra mỗi giây. “Trong một thế giới như vậy, điều cuối cùng mà một giáo viên cần dạy cho học trò của cô ấy là có thêm thông tin. Chúng đã có quá đủ rồi. Thay vào đó, mọi người cần khả năng xử lý thông tin, để nhận thực được sự khác biệt giữa cái gì quan trọng và cái gì là rác, và trên hết là kết hợp nhiều thông tin thành một bức tranh rộng lớn về thế giới. ”
Ba
Nếu không phải thông tin thì thứ nhà trường nên dạy học sinh là gì? “Nhiều chuyên gia sư phạm cho rằng các trường nên chuyển sang dạy ‘bốn C ’- tư duy phê phán, giao tiếp, hợp tác và sáng tạo. Nói rộng hơn, các trường học nên giảm thiếu việc dạy các kỹ năng kỹ thuật và nhấn mạnh các kỹ năng sống phục vụ nhiều công việc. Quan trọng nhất sẽ là khả năng đối phó với sự thay đổi, học hỏi những điều mới, và duy trì sự cân bằng tinh thần trong những tình huống mới lạ. Để theo kịp với thế giới năm 2050, bạn sẽ không chỉ cần phải phát minh ra những ý tưởng và sản phẩm mới – bạn sẽ cần phải tái tạo lại chính mình liên tục”.
Bốn
Lời khuyên mà Harari có thể dành cho con bạn là gì? “Vậy nên lời khuyên tốt nhất mà tôi [Harari] có thể cho một đứa trẻ 15 tuổi bị mắc kẹt trong một ngôi trường đã lỗi thời ở đâu đó Mexico, Ấn Độ hay Alabama là: đừng dựa vào người lớn quá nhiều. Hầu hết người lớn có ý nghĩa tốt thôi, nhưng vấn đề chỉ là họ không hiểu thế giới. Trong quá khứ, nghe theo người lớn là lời khuyên an toàn, bởi vì họ biết thế giới khá tốt, và thế giới thay đổi chậm chạp. Nhưng thế kỷ 21 sẽ khác đi. Do tốc độ thay đổi ngày càng tăng, bạn không bao giờ có thể chắc chắn liệu những gì người lớn đang nói với bạn là trí tuệ vượt thời gian hay những định kiến đã lỗi thời”.
Năm
Một công việc quan trọng khác bạn cần làm trong thế kỉ này đó là: hãy hiểu chính mình. “Trong hàng ngàn năm, các nhà triết học và tiên tri đã thúc giục mọi người phải hiểu chính họ. Nhưng lời khuyên này không bao giờ cấp bách hơn trong thế kỷ 21, bởi vì không giống như trong những ngày của Lão Tử hay Socrates, bây giờ bạn đã có một cuộc cạnh tranh nghiêm túc. Coca-Cola, Amazon, Baidu và chính phủ đều đang chạy đua để hack bạn. Không phải điện thoại thông minh của bạn, không phải máy tính của bạn, càng không phải tài khoản ngân hàng của bạn – họ đang đua nhau để hack bạn và hệ điều hành hữu cơ của bạn. Bạn có thể đã nghe nói rằng chúng ta đang sống trong thời đại hack máy tính, nhưng đó đã là chuyện của quá khứ. Thực ra, chúng ta đang sống trong thời đại của hack con người”.
Chương 20: Ý Nghĩa
Cuộc Đời Không Phải Một Câu Chuyện
Một
Con người là một loài động vật kể chuyện và câu chuyện lớn nhất họ phải sáng tạo ra đó là ý nghĩa cuộc đời mình. Một câu chuyện về ý nghĩa cuộc đời phải thoả mãn ít nhất 2 điều kiện. Thứ nhất, bạn phải đóng một vai trò nào đó trong câu chuyện này. “Một bộ lạc người New Guinea không thể tin vào chủ nghĩa phục quốc Do Thái, hay chủ nghĩa dân tộc Serbia, bởi vì những câu chuyện này không quan tâm đến New Guinea và người dân của họ. Giống như các ngôi sao điện ảnh, con người chỉ thích những kịch bản mà họ có vai trò quan trọng”.Thứ hai, câu chuyện phải mở rộng cái hữu hạn của đời người. “Câu chuyện phải mang lại cho tôi một bản sắc và ý nghĩa cho cuộc sống của tôi bằng cách nhúng tôi vào một cái gì đó lớn lao hơn bản thân mình.” Bạn không thể chết, và thế là hết.
Hai
Câu chuyện ý nghĩa này không cần đúng, nó chỉ cần giúp tôi trả lời câu hỏi “Tôi là ai” và khiến tôi cảm thấy đời mình có ý nghĩa. “Thật vậy, với sự hiểu biết khoa học tốt nhất của chúng ta, không ai trong số hàng ngàn câu chuyện mà các nền văn hóa, tôn giáo và bộ lạc khác nhau đã phát minh ra trong suốt lịch sử là sự thật. Chúng chỉ là những phát minh của con người. Nếu bạn hỏi ý nghĩa thực sự của cuộc sống và nhận được câu trả lời, hãy biết rằng đó là câu trả lời sai. Chi tiết chính xác không thực sự quan trọng. Bất kỳ câu chuyện cũng đều sẽ sai, chỉ đơn giản vì đó là một câu chuyện. Vũ trụ không hoạt động như một câu chuyện”. Không chỉ cá nhân con người cần câu chuyện để định nghĩa mình là ai, các thể chế tập thế cũng được xây dựng dựa trên nó. “Do đó, nghi ngờ câu chuyện là một việc cực kỳ đáng sợ. Trong nhiều xã hội, bất cứ ai cố gắng làm như vậy đều bị tẩy chay hoặc bức hại. Ngay cả khi không, người đó phải có thần kinh mạnh để đặt câu hỏi về cấu trúc xã hội đang vận hành. Vì nếu thực sự câu chuyện là sai, thì toàn bộ thế giới như chúng ta biết không có ý nghĩa gì cả. Luật pháp bang, các tiêu chuẩn xã hội, các thể chế kinh tế – tất cả đều có thể sụp đổ.”
Ba
Đến 2018, những câu chuyện mà con người kể để an ủi cho sự vô nghĩa của cuộc đời đều đã rạn nứt, và bóng đen của sự vô nghĩa ập đến chân cửa khi con người không còn câu chuyện nào để trình bày về ý nghĩa cuộc đời mình. Phật giáo cổ đại từ lâu đã vượt trước thời đại khi phủ nhận rằng vũ trụ này không có ý nghĩa, con người cũng vậy. Đó là sự thật. Thôi thàn phiên đi. “Đức Phật dạy rằng ba thực tại cơ bản của vũ trụ là mọi thứ liên tục thay đổi, không cái gì có bản chất vĩnh viễn, và không cái gì là hoàn toàn thỏa mãn. Bạn có thể khám phá những nơi xa nhất của thiên hà, của thân thể bạn, hoặc trong tâm trí bạn – nhưng bạn sẽ không bao giờ gặp cái gì đó không thay đổi, có bản chất đời đời, và điều gì đó hoàn toàn thỏa mãn bạn. Đau khổ xuất hiện bởi vì mọi người không chịu hiểu điều này. Họ tin rằng có một số bản chất vĩnh cửu ở đâu đó, và nếu họ chỉ có thể tìm thấy nó và kết nối với nó, họ sẽ mãi mãi hạnh phúc”. “Theo Phật, cuộc sống này không có ý nghĩa, và mọi người cũng không cần phải tạo ra bất kỳ ý nghĩa nào. Họ chỉ cần nhận ra rằng không có ý nghĩa, và do đó được giải thoát khỏi sự đau khổ gây ra bởi những chấp trước và gắn bó với sự vật. “Con nên làm gì?” mọi người hỏi, và Đức Phật khuyên: “Không làm gì cả. Tuyệt nhiên không làm gì.” Toàn bộ vấn đề nằm ở việc chúng ta liên tục làm điều gì đó. Không nhất thiết ở cấp độ chân tay – chúng ta có thể nhắm mắt, ngồi bất động trong nhiều giờ – nhưng ở mức độ tinh thần, chúng ta vô cùng bận rộn tạo ra những câu chuyện và bản sắc, chiến đấu và chiến thắng. Thực sự không làm gì có nghĩa là tâm trí cũng không làm gì cả và không tạo ra gì cả”.
Chương 21: Thiền Định
Chỉ quan sát thôi
Một
Trong chương cuối, Harari kể chuyện cá nhân của ông về hành trình tập thiền đã 15 năm nay, thiền Vipassana (Thiền Minh Sát Tuệ) – có nghĩa là nhìn sự vật như nó là, một trong những phương pháp thiền cổ xưa nhất tại Ấn Độ. “Tôi nghĩ rằng mình đã học về bản thân và về con người nói chung bằng cách quan sát cảm giác của mình trong 10 ngày này [Khoá tập thiền đầu tiên của ông khi mới ra trường] nhiều hơn tất cả những gì tôi đã học được trong suốt cuộc đời của mình cho đến thời điểm đó. Và để làm như vậy, tôi không phải chấp nhận bất kỳ câu chuyện, lý thuyết hay thần thoại nào. Tôi chỉ phải quan sát thực tế như nó là. Điều quan trọng nhất mà tôi nhận ra là nguồn gốc sâu nhất của sự đau khổ của mình là trong những khuôn mẫu của tâm trí tôi. Khi tôi muốn điều gì đó nhưng không đạt được, tâm trí tôi phản ứng bằng cách tạo ra đau khổ. Đau khổ không phải là một điều kiện khách quan ở thế giới bên ngoài. Đó là một phản ứng tinh thần được tạo ra bởi tâm trí của tôi. Hiểu được điều này là bước đầu tiên hướng tới việc ngừng tạo thêm đau khổ. ” Từ khóa học đầu tiên vào năm 2000, tôi bắt đầu thiền định hai giờ mỗi ngày, và mỗi năm tôi phải nhập thất thiền định một hoặc hai tháng. Đây không phải là sự trốn thoát khỏi thực tại. Đó là thời gian để tôi kết nối lại với thực tế. Ít nhất là hai giờ một ngày, tôi thực sự quan sát thực tế như nó là, trong khi 22 giờ còn lại tôi bị choáng ngợp bởi đống email, tweet và các video dễ thương. Nếu không có sự tập trung và rõ ràng nhờ thực hành thiền, tôi không thể viết cuốn Sapiens hay Homo Deus. Ít nhất đối với tôi, thiền không bao giờ mâu thuẫn với nghiên cứu khoa học. Thay vào đó, nó đã là một công cụ có giá trị khác trong bộ công cụ khoa học, đặc biệt là khi cố gắng hiểu tâm trí con người. ”
Hai
Ngày nay, khoa học nghiên cứu rất nhiều về bộ não, nhưng chúng ta biết rất ít về tâm trí. Nếu giải phẫu một con người, bạn có thể tìm thấy chỗ nào của não bị tổn thương, nhưng công nghệ hiện đại nhất ngày nay cũng không giúp một nhà khoa học hiểu được cảm giác của một người “tổn thương” khi bị biết vợ mình ngoại tình như nào. “Tính đến năm 2018, tâm trí duy nhất tôi có thể truy cập trực tiếp là của riêng tôi. Nếu tôi muốn biết những gì chúng sinh khác đang trải qua, tôi chỉ có thể được nghe kể lại, một việc vốn tự nhiên có nhiều biến dạng và hạn chế”. Vì vậy, “trong trường hợp không có các phương pháp hiện đại để quan sát trực tiếp tâm trí, chúng ta có thể thử một số công cụ được phát triển bởi các nền văn hóa tiền hiện đại. Một số nền văn hóa cổ đại đã dành rất nhiều sự chú ý đến nghiên cứu về tâm trí, và họ không dựa vào việc thu thập các báo cáo, mà đào tạo mọi người cách quan sát tâm trí của mình một cách có hệ thống. Các phương pháp mà họ phát triển được nhóm lại với nhau thành một thuật ngữ chung gọi là ‘thiền’. Ngày nay thuật ngữ này thường gắn liền với tôn giáo và chủ nghĩa thần bí, nhưng về nguyên tắc thiền là bất kỳ phương pháp nào giúp quan sát trực tiếp tâm trí của chính mình. ”
Ba
Tuy công sức để rèn luyện thiền định bỏ ra rất lớn, nhưng nó cũng rất đáng để chúng ta nhọc công tìm hiểu 1 trong những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ: Tâm Trí Con Người. “Các nhà nhân chủng học và nhà động vật học bỏ nhiều năm nghiên cứu trên những hòn đảo xa xôi, tiếp xúc với rất nhiều loại bệnh và nguy hiểm. Các phi hành gia dành nhiều năm cho các chế độ đào tạo khó khăn, chuẩn bị cho chuyến du hành nguy hiểm của họ ra bên ngoài Trái Đất. Nếu chúng ta sẵn sàng thực hiện những nỗ lực như vậy để hiểu các nền văn hoá, những loài chưa biết đến và những hành tinh xa xôi, chúng ta cũng đáng bỏ công sức để hiểu được tâm trí chính mình. Và tốt nhất là chúng ta nên hiểu tâm trí của mình trước khi các thuật toán tự sinh ra các”
Trích dẫn 21 bài học cho thế kỷ 21
“Một lời nói dối nói ra một lần mãi là lời nói dối, nhưng một lời nói dối nói đi nói lại một ngàn lần sẽ trở thành sự thật.”
“Ta sống ra sao trong một thời đại của sự hoang mang, khi các câu chuyện cũ đã sụp đổ và chưa có câu chuyện mới nào xuất hiện để thay thế chúng?”
“Đạo đức không có nghĩa là ‘tuân theo các mệnh lệnh thiêng liêng’. Nó có nghĩa là ‘giảm bớt sự đau khổ’. Do đó, để hành động một cách đạo đức, bạn không cần phải tin vào bất kỳ huyền thoại hay câu chuyện nào. Bạn chỉ cần phát triển sự nghiên cứu về đau khổ. “
“Trong một thế giới bị bao phủ bởi những thông tin không liên quan, sự rõ ràng là sức mạnh.”
“Cần rất nhiều can đảm để chống lại những thành kiến và chế độ áp bức, nhưng cần phải có sự can đảm lớn hơn để thừa nhận sự thiếu hiểu biết và mạo hiểm vào những điều chưa biết.”
“Con người luôn giỏi hơn nhiều trong việc phát minh ra các công cụ hơn là sử dụng chúng một cách khôn ngoan.”
“Những tội ác lớn nhất trong lịch sử hiện đại không chỉ xuất phát từ lòng thù hận và lòng tham, mà thậm chí còn nhiều hơn từ sự thiếu hiểu biết và thờ ơ.”