Lần cập nhật gần nhất December 16th, 2019 - 01:45 pm
Chúng ta thường nghe cũng như đọc nhiều về gương thành công, về những vĩ nhân. Chúng ta thường không thích nói về thất bại, như thể chúng ta đã được “lập trình” để tránh thất bại… Lẽ nào “thất bại” chẳng có chút giá trị nào sao? Quyển sách này đề cập đến một mặt khác của câu chuyện thành công. Đó là một phương diện chúng ta cần thật sự học hỏi. Đối với những ai đã từng cố gắng và từng thất bại, quyển sách này đứng về phía bạn. Dám thất bại, bạn sẽ dễ dàng thành công sau này…
Review - Trích dẫn
Cuốn sách không dày, có 200 trang thôi, với bìa sách tông màu xanh rêu khá hợp sở thích của mình, dòng chữ “Dám thất bại” được làm nổi bật ngayngiữa trang. Tựa tiếng Anh của cuốn sách kỹ năng này là “Dare to fail”.
Lại là một cuốn sách về kỹ năng nữa ư? Ôi quả thật tủ sách của mình có nhiều loại sách thế này lắm. Mà vậy có sao đâu , đọc nhiều sẽ mở mang nhiều, tư duy vì thế cũng sáng rộng và tích cực hơn nữa mà, hí hí :D.
Tác giả cuốn sách “Dám thất bại” là ông Billi P.S. Lim – một doanh nhân người Malaysia và cũng là người sáng lập ra Viện Hardknocks (Hội “Những người khó thất bại”) và chương trình hội thảo nổi tiếng “Sinh ra để tự do” (Born to be free) có tầm ảnh hưởng khá lớn ở khu vực Châu Á. Qua 4 chương sách đầu tiên, ông tự thuật về cuộc đời mình với những biến cố lớn. Ông từng có một tuổi thơ đầy khó khăn với những lần bị bạo hành và đối xử bất công. Một bước ngoặt lớn đối với ông khi ông bị thu hút bởi một cuốn sách “Think and grow” (cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới của tác giả Napoleon Hill) nói về cách làm thế nào để thành công và đạt những điều mình mong muốn. Chính vì vậy, ông quyết định tranh cử vào chức vụ cao nhất trong Đoàn Chủ tịch của Hội sinh viên Đại học Malaysia vì cho rằng đó mới là “chỗ xứng với tôi”. Ông đã thành công bất ngờ với tổng số phiếu bầu chọn cao thứ ba, trở thành thư ký của Hội sinh viên mặc dù khi đó ông không hề biết Hội sinh viên được thành lập để làm gì và nhiệm vụ của thư ký là gì. Tất cả chỉ là ông muốn khẳng định mình. Và ông đã nổi tiếng! Cuốn sách “Think and grow” cùng với hội thảo “Dám trở nên vĩ đại” đã làm thay đổi cuộc đời ông.
Sau đó ông thành lập công ty cùng một vài người bạn chơi từ thưở nhỏ, rồi có cơ hội được diễn thuyết cùng Phó Thủ tướng nhưng trong ông luôn tồn tai nỗi sợ hãi và một sự rỗng tuếch về “thành công”. Công ty ông bị phá sản. Nhưng ngược lại, ông thấy “sự thành công”thật sự khi rơi vào hoàn cảnh tuột dốc trong công việc làm ăn, ông vui vẻ vì nhận ra mình đã sai ở chỗ nào. Ông bị khánh kiệt vì nợ nần, áy náy vì chưa thực hiện được các giao ước với các cổ đông, ông thấy xấu hổ khi không thể thực hiện ước mơ cùng với họ, phải chịu đựng những tin đồn thất thiệt từ phía người khác, rồi bị cô bạn gái quay lưng…tất cả làm ông “rơi vào địa ngục tình cảm”.
Trong chúng ta chắc hẳn có người đã từng xuất hiện trạng thái sợ hãi trước những thành công mà mình đạt được, vì cho rằng không có điều gì là tốt đẹp mãi mãi, chúng ta trở nên hoài nghĩ về điều đó, mơ hồ và trốn rỗng trước những cái gọi là thành công mà bản thân có được…
Nói về thất bại…dường như chúng ta có phần e ngại và né tránh vì con người thường muốn thể hiện và phô bày những gì tốt đẹp và đáng tự hào nhất. Vì vậy mà khi bàn về chuyện thất bại người ta lại có những suy nghĩ kiểu như chạm phải một cái gì đó đen tối, tồi tệ và tiêu cực vậy. Con người có xu hướng muốn tôn vinh những gì đẹp đẽ nhất. Có số ít những người dám thừa nhận những thất bại của mình. Ta chỉ thấy những thành công rực rỡ của họ mà không thấy được phần con người từng thất bại của họ. Những cuốn sách viết về thành công ngày càng nhiều, chúng ta quen với những câu chuyện kể về những người vượt qua khó khăn giành chiến thắng, những người bước qua thất bại để chạm tay đến vinh quang. Không câu chuyện thành công nào mà không có sự xuất hiện của đôi lần thất bại. Dễ thấy rằng, muốn đạt đến sự thành công, con người ta cần đi qua những thất bại như một lẽ tất yếu. Vậy, thất bại có phải thực sự tối nghĩa như chúng ta vẫn tồn tại suy nghĩ như vậy về về nó. Chúng có giá trị hay không mang ý nghĩa gì? Nếu không, tại sao chúng lại hiện diện trong cuộc đời những người thành công xuất chúng.
Tác giả nhận định rằng “Giá trị của sự thất bại lớn hơn nhiều so với sự thành công” và “Người chiến tháng vĩ đại là người hiểu được thất bại thật sự là gì”. Giá trị của thất bại được minh chứng qua rất nhiều câu chuyện thực tế mà tác giả lồng ghép đưa vào trong mỗi chương sách, giúp người đọc có cái nhìn thiết thực và sâu rộng hơn để thay đổi cách nhìn nhận về sự thất bại.
“Một mình ánh nắng không làm cuộc sống ta hạnh phúc được. Trong cuộc đời của mỗi người, phải có vài cơn mưa đổ xuống”
Nếu có một cách khác để thừa nhận thất bại một cách dễ chịu hơn thì không nên cố kết đó là lỗi lầm mà “Hãy gọi đó là sự rèn luyện” như cách mà nhà khoa học Thomas Edison đã nói với các trợ lý của ông khi họ đa trải qua 700 lần thí nghiệm mà chưa có câu trả lời.
“Thất bại duy nhất trong cuộc đời một người là sống mà không học hỏi”
Xuyên suốt 12 chương còn lại của cuốn sách, tác giả luận bàn về giá trị to lớn của thất bại, kèm theo những câu chuyện có thật về những tấm gương được coi là vĩ nhân của thế giới vì “càng chịu nhiều thất bại, họ lại càng trở nên vĩ đại hơn”, qua đó khéo léo gài gắn vào tâm trí người đọc lối tư duy tích cực và thẳng thắn hơn khi nhìn nhận sự thất bại và đừng sợ hãi thất bại.
Có thể nói, “Dám thất bại” là cuốn sách thú vị đề cập đến khía cạnh khác so với sự thành công, tôn vinh những thất bại và giá trị của nó mang lại. Theo mình, cuốn sách còn góp phần khẳng định lại một lần nữa rằng dám thất bại thì con người ta mới dám thành công.
Mình sẽ trích dẫn một vài điều tâm đắc ở một số chương sách mà lúc mình đọc mình có highlight lại nhé ^_^
Chương 7: Nỗi sợ hãi thất bại
“Rủi ro càng cao thì thời cơ càng thuận lợi vì rất ít người dám trải qua thử thách ấy”
“Người thiếu can đảm để bắt đầu thì xem như đã kết thúc rồi”
Chương 13: Các đau đớn, rắc rối, khó khăn và đau khổ
“Đôi lúc cuộc sống thật khắc nghiệt, rắn như thép đã tôi. Nó có những lúc ảm đạm và đau đớn. Như bất cứ một dòng chảy nào của một con sông, cuộc sống cũng có những lúc khô cạn và những khi triều cường. Cũng như sự thay đổi theo chu kỳ từ trước đến nay của các mùa, cuộc sống có cái ấm áp dễ chịu của những mùa hè và cái rét buốt của những mùa đông…Nhưng chúng ta có thể tự nâng mình lên khỏi nỗi chán chường và tuyệt vọng, vươn đến sự vui vẻ của hy vọng và biến đổi các thung lũng hoang vắng, tăm tối thành những lối đi chan hòa ánh nắng của sự thanh bình sâu lắng”
_Martin Luther King JR._
“Không phải vì ta nhớ được, nhưng nỗi đau mà mỗi người trong chúng ta phải nếm trải khi chui ra khỏi bụng mẹ là không thể tưởng tượng nổi. Nhưng vì ta đã chui ra được và đã sống sót nên ta vẫn còn sống đến ngày hôm nay. Hãy nghĩ dến hàng triệu đứa trẻ chết khi mới sinh ra, và bạn sẽ hiểu được…”
“Thành công không được đo bằng các đỉnh cao một người đạt được, mà bằng các chướng ngại người đó đã vượt qua bằng tài năng của mình”
Đối với một rắc rối, “Nếu ta nhìn thẳng vào nó và cố thoát ra khỏi nó, nó trở thành một tình huống. Nếu ta tiếp tục phân tích “tình huống” này và nghĩ cách làm thể nào để ta có thể vượt qua nó, “tình huống” trở thành một ” thử thách”. Và khi ta nghĩ đến khả năng để chiến thắng nó, nó trở thành một “cơ hội”. Vì thế, một rắc rối thật sự có thể trở thành một cơ hội!”
Chương 15: Khi tất cả đều thất bại.
“Khi một cung thủ bắn không trúng đích, anh ta quay lại và tìm khuyết điểm bên trong bản thân mình. Việc không bắn trúng đích chẳng bao giờ là lỗi của tấm bia cả. Để cải tiến mục tiêu của bạn – hãy cải tiến bản thân”
_Gilbert Arland_
“Những vấn đề đáng kể mà chúng ta đang có không thể được giải quyết ở cùng một cấp độ với suy nghĩ đã tạo ra chúng”
_Albert Einstein_
Có lẽ câu hỏi tiêu đề của chương cuối cùng là câu khiến độc giả suy tư nhiều nhất chăng: BẠN SẼ LÀM GÌ KHI BẠN KHÔNG THỂ THẤT BẠI?”
Hãy tìm đọc “Dám thất bại” và bạn sẽ có những góc nhìn mới mẻ hơn thì sao nhỉ.
– Thu Hương
Tóm tắt
Giá trị của thất bại – bài học rèn luyện để thành công
Như là định mệnh, tôi đã bắt gặp quyển Think & Grow Rich (Cách nghĩ để thành công) của tác giả Napoleon Hill, tôi không thể cưỡng lại sự cám dỗ của nó, tôi đã thật sự vận dụng những điều học được từ sách. Tháng giêng 1977, chúng tôi bắt đầu thành lập tập đoàn Fortiss, một công ty bán hàng trực tiếp, và thêm công ty chuyên huấn luyện doanh nhân. Tất cả các bạn thưở nhỏ của tôi đều giữ những vị trị chủ chốt trong công ty và mời thêm một số người danh tiếng cộng tác. Chúng tôi đang bay vút trên cao. Nhưng đến tháng 8. 1983, công ty phá sản.
Sau hai tháng ví tiền đã cạn, tôi quyết định đi xin việc. Việc làm công cho người khác là viên thuốc vừa đắng vừa khó nuốt mà tôi phải cố nuốt.
Hai năm sau, tôi bắt đầu “ngứa nghề” trở lại, tôi cùng một số người cũ đã gây dựng một công ty, một trong những công ty tỏa sáng của Malaysia.
Theo tôi, chiến thắng và thất bại không phải là việc một sớm một chiều. Chiến thắng và thất bại là việc suốt đời. Nhờ những bài học từ thất bại mà ta trở thành người chiến thắng vĩ đại hơn!
Vậy giá trị thật sự của những bài học thất bại là gì?
Cuộc sống không phải là trốn chạy những sai lầm hay từ bỏ mọi thứ khi ta thất bại, mà là học cách làm thế nào lợi dụng chúng để đạt được mục đích của mình. Chỉ khi trải qua những kinh nghiệm gian nan và đau khổ, tâm hồn ta mới trở nên cứng rắn, trí óc mới trở nên tinh tế, hoài bão được hình thành. Những lần khó khăn, gian khổ sẽ rèn luyện bạn cũng như lửa thử vàng. Thực tế, trong những cuộc khủng hoảng và chiến tranh lớn các vĩ nhân được sinh ra. Thước đo thành công không phải là địa vị ta đạt được trong cuộc sống, mà là các trở ngại ta đã vượt qua để đạt tới vị trí đó. Chỉ có thất bại duy nhất trong cuộc đời một người là đã sống mà không học hỏi.
Thực ra, giá trị của thất bại cao hơn hẵn giá trị của sự thành công. Nhiều công ty đa quốc gia giờ đây họ đang chiêu mộ những nhà kinh doanh đã từng thất bại, vì những người này đã học được những bài học thiết thực và trở thành những nhà quản lý kinh doanh giởi từ chính những thất bại của mình.
Tuy nhiên, có nhiều doanh nhân vẫn có nỗi sợ hãi thất bại. Vì khi họ đã có được một cuộc sống tạm yên ổn, họ bắt đầu e sợ tình trạng đó lung lay. Nhưng, điều duy nhất lôi người ta ra khỏi thành công chính là sự e sợ thất bại. Vì vậy, rất nhiều tài năng đã bị bỏ qua vì thiếu một chút can đảm.
Xã hội đã áp đặt một giá trị hết sức thấp kém và tiêu cực lên kinh nghiệm thất bại. Chúng ta phải thay đổi thái độ của mình đối với những người bị thất bại thì xã hội sẽ có nhiều doanh nhân giỏi, nhiều nhà phát minh tài ba. Nếu quan sát kỹ ta sẽ thấy tất cả những việc phi thường của thế giới đều được thực hiện bằng lòng can đảm và mạo hiểm. Mạo hiểm không phải là liều lĩnh một cách dại dột mà là biết chấp nhận rủi ro. Người duy nhất không mắc sai lầm chính là những người không hề làm gì cả. Đừng sợ sai lầm, miễn là bạn đừng mắc cùng một sai lầm hai lần.
Vậy mà hậu quả của sự thất bại vẫn không được ưa chuộng trong xã hội chúng ta. Thế giới ngày nay yêu mến người chiến thắng và kẻ thất bại không được chấp nhận. Bất chấp sự thật là ta đã thật sự học hỏi được nhiều từ các sai lầm, ta vẫn sẽ bị trừng phạt vì mắc phải sai lầm. Bạn phải sãn sàng đón nhận sự trừng phạt: bạn bè sẽ xa lánh bạn; đừng trông mong sự ủng hộ từ những người khác; ngân hàng sẽ từ chối bạn, thậm chí người thân trong gia đình vẫn không hiểu bạn v.v.. Ngày xưa, khi phòng thí nghiệm của Edison bị bốc cháy, vợ con ông đứng chết lặng, ông mĩm cười và nói: “Vậy là tất cả sai lầm của chúng ta đã ra đi, giờ đây, ta có thể bắt đầu lại từ đầu!” Đừng xem thất bại là một kết cuộc, mà xem nó là một bài học để rèn luyện. Điều quan trọng là bạn không sợ hãi, dao động trước những cuồng phong của xã hội đang dội tới tấp vào bạn. Hãy bình tĩnh để có thể bắt đầu!
A. Neuhrth nói: “Tôi lo lắng vì con tôi đã quá 30 tuổi mà vẫn chưa thất bại. Nếu nó không gấp gáp lên, sẽ quá trễ để chúng thất bại và học được một điều gì từ thất bại đó”. Những người nào chưa từng thất bại, chưa từng tham gia cuộc hành trình đầy khó khăn, gian khổ và đã tìm được sự giàu sang một cách dễ dàng sẽ chẳng biết được làm thế nào tạo nên sự giàu sang mỗi khi họ đánh mất nó.
Những thất bại liên tiếp làm bạn lo sợ đã quá già để thành công.
Một số người cho rằng, chỉ có cạnh tranh và đánh bại người khác mới đưa đến thành công, điều đó có nghĩa là đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu. Việc hợp tác với người khác hữu ích hơn việc cạnh tranh với họ. Điều quan trọng là bạn phải thực sự cạnh tranh với bản thân mình. Những nhận thức sai lầm về việc cạnh tranh với người khác khiến ta lo âu đến nỗi nghĩ rằng ta không chịu đựng nỗi thất bại, hoặc cảm thấy đã quá già và không đủ sức để thất bại. Hãy tự đánh giá bản thân bạn, có phải bạn đã quá già? Không ai già đi vì đã sống quá nhiều năm, người ta chỉ già đi vì đã đánh mất lý tưởng của mình. Tướng Arthur đã nói: “Càng tự tin bao nhiêu, bạn càng trẻ trung bấy nhiêu; càng sợ hãi bao nhiêu, bạn càng già cỗi bấy nhiêu”. Điều kiện và lối sống thích hợp cộng với sự thanh thản trong tâm hồn là bạn đã có một cuộc sống trẻ trung, bền bỉ. Qua thống kê, 66% sự việc vĩ đại của thế giới được thực hiện bởi những người đã qua tuổi 60, trong đó 35% thuộc về nhóm thất thập. “Vẻ đẹp thể hình giống như một chai Coca, nó bị hư theo thời gian. Trí tuệ giống như một chai rượu, càng giữ lâu, nó càng trở nên đậm đà hơn”. Hãy quên tuổi tác đi, chỉ nên bắt đầu với các mục tiêu của bạn.
Hay là bạn lo sợ không đạt đến kết quả?
Nhiều người chỉ luôn quan tâm đến kết quả. Khi họ không đạt được thành quả mong đợi trong một khoảng thời gian nhất định, họ bắt đầu dùng các mánh khóe để đạt kết quả mong muốn, bất chấp cả đạo đức và pháp luật. Đạo đức nghề nghiệp có thể phải bị hy sinh vì lợi nhuận, họ đã không hiểu ý nghĩa thực sự của câu: “Gieo nhân gì, gặt quả nấy”. Cái ta “gặt” chính là “quả” của cái “nhân” mà ta đã trồng. Đừng sợ hãi kết quả, hãy quan tâm đến các “nhân” mà bạn đang trồng mỗi ngày. Bí mật của thành công là không lệ thuộc vào kết quả; hãy làm hết sức mình và để cho kết quả tự “chăm sóc” chính nó.
Vậy thành công liên quan đến tài năng? Học vấn? Vận may? Chưa hẵn. Chỉ có sự bền bỉ và quyết tâm giúp bạn sỡ hữu một quyền năng to lớn để đứng lên lại nhiều lần sau mỗi lần ngã. Dường như tự nhiên thường hạ gục các cá nhân bằng vận rủi để tìm ra ai trong số họ sẽ gượng dậy và tiếp tục chiến đấu.
Khi ta cứ thất bại liên tục sau khi đã kiên trì trong một khoảng thời gian dài và thể hiện những nỗ lực cao nhất. Có lẽ, ta phải nhìn lại nơi mình đang đứng và xác định lại liệu ta có thể thực sự đạt được điều mình mong muốn ở đó không. “Khi bạn không thể thay đổi được hướng giá _ hãy điều chỉnh con tàu của bạn”. Kẻ phá sản không phải là kẻ không có một đồng xu dính túi, mà là kẻ không có nỗi một giấc mơ mới. Vì thế, đừng bao giờ quá rập khuôn và nói rằng bạn không thể thay đổi.
Vì, việc không bắn trúng đích chằng phải là lỗi của tấm bia. Để cải tiến mục tiêu của bạn, hãy cải tiến bản thân. Hãy đào tạo lại bản thân trong một công việc hoàn toàn mới mẻ có viễn cảnh tốt đẹp hơn. Như Soichiro Honda đã làm và cuối cùng ông đã làm nên lịch sử. Ông nói: “Những gì người ta nhìn thấy từ thành công của tôi chỉ là 1%, nhưng những gì họ không nhìn thấy lại chiếm 99%; đó là những thất bại của tôi”.
Hãy cho là bạn không thể thất bại. Nếu vậy, bạn sẽ làm gì? Hãy nghĩ thật ky và thành thật với chính mình: Liệu bạn có tôn trọng thay vì khinh thường những người đã cố gằng và thất bại? Liệu bạn có dám làm những điều mà trước đây chưa ai dám làm? Những người dám làm những điều mà trước đây chưa ai dám làm là người dám thất bại…
“Hãy mơ những gì bạn đang mơ
Hãy làm những gì bạn dám làm
Và hãy là cái gì bạn dám là”
(Walter Doyte Staples)