Lời Tự Thú Của Một Bậc Thầy Quảng Cáo là kết tinh trí tuệ sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm, và trải nghiệm của một cái tên đã đi vào huyền thoại – David Mackenzie Ogilvy. Quan niệm của Ogilvy về quảng cáo thiết thực một cách giản dị. Đối với ông, quảng cáo không bán được hàng là quảng cáo vô giá trị. Ông không thích lối quảng cáo màu mè mà mơ hồ, không thích dùng những thuật ngữ xa lạ với đời sống thường nhật của người tiêu dùng. Và không tham gia vào các giải thưởng sáng tạo, bởi giành chiến thắng trong các cuộc thi đó, với ông, lại có thể là điều đáng xấu hổ.

- Review Lời tự thú của một bậc thầy quảng cáo (2)
- Tóm tắt Lời tự thú của một bậc thầy quảng cáo
Review Lời tự thú của một bậc thầy quảng cáo (2)
Không phải dạng quyển sách để đánh bóng tên tuổi và nói lên những lời hoa mỹ, tôi khá bất ngờ khi đọc hết quyển sách này vì những lời chia sẻ chân thành, có phần thẳng thắn (điều mà tôi rất thích) khi đọc sách được viết bởi những người thành công. Được biết về Ogilvy như những công ty quảng cáo lớn nhất Việt Nam, tôi không ngờ bản thân người sáng lập lại có chất cuộc sống thú vị như thế. Là người gốc Scotland, từng bị đuổi học khi đang theo học tại Oxford, trải qua rất nhiều nghề khác nhau như làm đầu bếp ở một khách sạn Paris, người chào hàng tận nhà, công nhân xã hội ở các khu ổ chuột ở Edinburgh, trợ lý nghiên cứu cho Tiến sĩ Gallup, thậm chí còn làm nông dân trồng thuốc lá ở Pennsylvania.
Chính vì những trải nghiệm cuộc sống đã đưa cho ông cái nhìn rất thực tế về bản chất của quảng cáo. Đối với ông, quảng cáo không bán được hàng là quảng cáo vô giá trị. Tôi hoàn toàn đồng tình với triết lý này khi nhận ra đại đa số những người làm marketing (client) và quảng cáo (agency) thậm chí còn không thể nhớ nổi sản phẩm mình quảng cáo đang chiếm bao nhiêu % market share, số lượng thay đổi như thế nào. Nhiều người thậm chí là người trong nghề coi quảng cáo như một phương tiện để giải trí, để sáng tạo hay tệ hơn là vì nó là công việc khá nhẹ nhàng, ngồi văn phòng và có vẻ xa hoa nhưng với Ogilvy quảng cáo là để bán hàng. Ông không thích những thuật ngữ màu mè, hoa mỹ nhưng xa lạ với đời sống của người tiêu dùng, không tham gia vào các giải thưởng sáng tạo thậm chí nếu có dành được giải thưởng thì đó có thể là điều đáng xấu hổ vì hội đồng của các giải thưởng đó đa phần lại đánh giá theo các tiêu chí hàn lâm rời xa với thực tiễn hay công dụng của quảng cáo.
Chương cuối cùng cũng là chương khá ân tượng với tôi khi ông đưa ra quan điểm cá nhân của mình về những vấn đề đang được tranh cãi về bản chất của quảng cáo, có hay không loại bỏ quảng cáo, quảng cáo đóng vai trò như thế nào của cuộc sống. Chia sẻ một cách hết sức chân thành về những ý kiến trên và bản thân ông cũng rơi vào thế lưỡng nan nếu với tư cách là người trong nghề quảng cáo truyền hình là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất nhưng lại không muốn bị chen ngang khi xem truyền hình dưới góc độ là người tiêu dùng. Cá nhân tôi nghĩ quảng cáo vẫn có những vai trò riêng của nó nhưng nó đòi hỏi người làm quảng cáo phải thay đổi cách suy nghĩ của mình tạo ra những quảng cáo thực hơn và cá giá trị hơn. Nhưng cũng phải thừa nhận quảng cáo càng làm cho những tập đoàn lớn ngày càng lớn, rào cản chi phí quảng cáo quá lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sự tập trung hóa tài sản và quyền lực ngày càng lớn và chênh lệch giàu nghèo ngày càng nhiều (ngay cả trong thời đại start-up đang bùng nổ như hiện tại).
– Lữ Khách
Doanh số sản phẩm tăng 9 lần sau khi đọc “Lời tự thú của một bậc thầy quảng cáo”
Lời đầu tiên trước khi vào bài, tôi phải nói rằng tôi không viết để quảng cáo cuốn sách trên. Nó được xuất bản rất lâu rồi, và tôi cũng không phải là người bán sách hay làm gì về sách. Tôi là người kinh doanh nhạc cụ và đam mê viết lách (trước đây tôi làm báo 4 năm). Bài viết này tôi chia sẻ kinh nghiệm cuốn sách đã thay đổi việc kinh doanh của tôi như thế nào.
Bắt đầu như thế nào nhỉ. Ngày mới bắt đầu kinh doanh nhạc cụ, tôi cũng như tất cả mọi người khác: mở cửa hàng, lựa chọn và nhập thương hiệu, làm một website, tống một đống thông tin về từng sản phẩm trên website, bỏ tiền cho các kênh quảng cáo tới người tiêu dùng và….. ngồi chờ. Việc bán hàng của tôi chẳng có gì nổi trội, có tí lợi nhuận phần lớn do may hơn là khôn.
Cho tới một ngày tôi đọc được lời giới thiệu cuốn sách trên Facebook. Tôi đọc ngấu nghiến và bắt đầu áp dụng, viết bài cho 1 sản phẩm.
Bạn có thể tin được không? Doanh số của sản phẩm đó tăng gấp 9 lần ngay trong tháng đầu tiên và liên tục đạt kỷ lục ở các tháng sau đó. Tới mức nhà sản xuất đồng ý chỉ cho phép tôi và hệ thống của tôi bán sản phẩm đó. Các đối thủ khác rất khao khát được phép phân phối cùng sản phẩm nhưng không được. Họ đành vẫn rao bán sản phẩm đó trên website của họ nhưng để giá thấp hơn chúng tôi rất nhiều (vì thực ra họ chả có sản phẩm, nói giá nào mà chẳng được). Khi khách hỏi mua sản phẩm đó, họ lại kéo sang sản phẩm khác.
Nhưng đó là việc của họ, tôi không can thiệp được. Và việc của tôi là làm gì tốt hơn nữa thay vì nhìn xem họ làm gì.
Cũng cần phải nói qua về tác giả cuốn sách này cho những người chưa biết. Ông David Ogilvy là một bậc thầy viết quảng cáo. Chính ông là người đưa các thương hiệu Rolls-Royce, áo sơ mi Hathaway, Dove, Zippo, American Express… thành các thương hiệu hàng đầu thế giới.
Câu nói dưới đây của David Ogilvy cũng đủ cho bạn biết đẳng cấp của ông ấy và những gì ông ấy đã làm:
“Tôi luôn sử dụng sản phẩm của khách hàng, không phải để nịnh bợ, mà vì phép lịch sự cần thiết.
Tôi mặc áo sơ mi của hãng Hathaway, dùng giá đỡ nến của Steuben, đi xe hơi hiệu Rolls-Royce và luôn dùng xăng Super Sell. Tôi mua com-lê ở cửa hàng Sears & Roebuck. Trong bữa sáng, tôi uống cà phê Maxwell House hoặc trà Tetley và ăn hai lát bánh mì nướng hiệu Pepperidge Farm. Tôi giặt đồ bằng bột giặt Dove, dùng sản phẩm khử mùi của Ban và châm thuốc bằng bật lửa Zippo. Buổi tối, tôi chỉ uống rượu rum Puerto và Schwepps. Tôi đọc các tạp chí và báo được in trên giấy sản xuất tại các xưởng của International Paper. Khi tôi đi du lịch (đến Anh hay Puerto Rico), tôi đặt phòng qua American Express và di chuyển bằng KLM hoặc P&O-Orient Lines.
Và tại sao lại không cơ chứ? Đó chẳng phải là những hàng hóa và dịch vụ tốt nhất trên thế giới hay sao? Tôi nghĩ chúng là tốt nhất và đó là lý do tôi quảng cáo cho chúng”.Trở lại vấn đề tôi đã áp dụng phương pháp gì để viết được bài đạt kết quả bên trên. Tôi đã áp dụng nguyên tắc quan trọng nhất của bậc thầy quảng cáo David Ogilvy khi viết về sản phẩm:
1. Nghiên cứu sản phẩm cả ngàn lần trước khi viết quảng cáo
Ông David Ogilvy đã thực sự làm điều này khi viết quảng cáo cho Rolls-Royce. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, ông đưa ra một cái tít để đời, đưa Rolls-Royce thành đẳng cấp nhất thế giới với chỉ 1 câu nói:
“Với tốc độ 60 dặm/h, tiếng ồn lớn nhất ở một chiếc Rolls-Royce mới là của chiếc đồng hồ điện”.
Bạn thấy không? Trong số hàng ngàn thông tin về sản phẩm,bạn phải đãi cát tìm vàng, chọn lọc 1 thông tin tinh túy nhất,đắt giá bậc nhất để lấy đó làm định vị sản phẩm.
Tôi cũng nghiên cứu sản phẩm rất kỹ. Và thay vì quăng 1 đống thông số kỹ thuật vào sản phẩm cho người đọc mà họ có đọc cũng chẳng hiểu gì, tôi chọn ra những chi tiết tốt nhất và chỉ cho khách hàng rõ. Tôi nói rõ bàn phím của sản phẩm như thế nào, âm thanh như thế nào, mục đích để làm gì… Và tôi đã thành công. Vì giữa một rừng sản phẩm mà khách không biết phải làm gì, tôi là người nghiên cứu và chọn lựa giúp họ, tùy theo mục đích họ muốn.
David Ogilvy cũng nghiên cứu và kết luận: “Càng đưa nhiều thông tin, bạn càng bán được nhiều sản phẩm. Cơ hội thành công của quảng cáo tăng tỷ lệ thuận với số lượng các thông tin về sản phẩm chứa trong quảng cáo đó”.
Vậy nên đừng tống một đống thông số sản phẩm vô hồn cho khách hàng nhé. Bạn nên là người chỉ cho họ rõ ràng nhất bằng các bài viết của mình.2. Viết bài review
Sau khi nghiên cứu kỹ, có thật nhiều thông tin rồi. Bạn nên sắp xếp thông tin thành một bài viết rõ ràng, cụ thể cho khách hàng hiểu rõ từng sản phẩm. Có các điểm cần lưu ý:
Tiêu đề:
“Tiêu đề là nhân tố quan trọng nhất. Trung bình, số người đọc tiêu đề lớn gấp 5 lần người đọc nội dung. Thay đổi tiêu đề có thể tạo nên sự thay đổi tới 10 lần trong doanh số”.
Bạn thấy không? Tiêu đề cực kỳ quan trọng. Nhất là trong thời đại ngày nay (khác xa với thời đại ông David Ogilvy chỉ dùng báo giấy), khách hàng sẽ dễ dàng lướt qua quảng cáo của bạn chỉ bằng cái lướt ngón tay. Vì thế, giật tít sao cho họ không thể không ngừng lại đọc nội dung được (nhưng đừng câu view lừa đảo nhé, khách sẽ giận dữ bỏ qua không mua sản phẩm ngay).
Các bí quyết giật tít:
- Hãy xem khách hàng của bạn là ai để đưa lên tít. Nếu là phụ huynh mua cho con, hay đưa lên tít từ CHO CON, nếu mua đàn để tập, hãy đưa lên từ MỚI HỌC
- Tít nên có mục đích rõ ràng, ví như : Phụ nữ trên 35 tuổi cần làm gì để đẹp hơn?
- Những cụm từ tưởng như sáo rỗng nhưng rất hiệu quả đưa lên tít: Làm thế nào để, Ngạc Nhiên, Thần Kỳ, Cách Mạng, Sửng Sốt, Phép Thuật, Sự Thực Về, Cơ Hội Cuối Cùng, Nhanh, Dễ Dàng…
Tiêu đề đừng đánh đố người đọc
Đặc biệt nguy hiểm là tiêu đề PHỦ ĐỊNH. Ví như bạn muốn viết là MUỐI CỦA CHÚNG TÔI KHÔNG CHỨA THẠCH TÍN thì nhiều người sẽ đọc lướt và đinh ninh là MUỐI CỦA CHÚNG TÔI CHỨA THẠCH TÍN
Nội dung:
Hãy tưởng tượng bạn than của bạn hỏi: “Tao đang định mua cái …., mày tư vấn tao với”.
Nội dung của bạn phải trả lời được câu hỏi đó giúp khách hàng/độc giả.
Về phần nội dung, dài ngắn không quan trọng. Quan trọng nhất là bạn là người bán hàng, bạn phải nghiên cứu để hiểu sản phẩm của mình hơn ai hết. Và bạn viết sao cho người ta dễ hiểu nhất.Một điều quan trọng, theo kinh nghiệm của tôi, là bạn phải hiểu khách hàng nữa. Mỗi khách hàng mua một sản phẩm với mục đích khách nhau, nên các viết nội dung của bạn phải giải đáp được nhu cầu cho khách.
Việc còn lại là để khách quyết định.
3. Nguyên tắc quan trọng nhất: Hãy chân thành
Chân thành bậc 1: Đừng bao giờ lừa dối khách hàng
Đây là nguyên tắc số 1 của bậc thầy David Ogilvy. Trong cả đời viết quảng cáo, mang lại số tài sản 25 triệu đôla (cách đây vài thập niên), ông luôn trung thành với nguyên tắc này. Ông viết:
“Đừng bao giờ viết một mẩu quảng cáo mà bạn không muốn gia đình mình đọc được. Bạn không thể nói dối chính vợ của mình. Nên cũng đừng nói dối vợ của tôi”.
Chân thành bậc cao nhất: Khiêm tốn thừa nhận
Bạn biết không, Steve Jobs là người đã biến khách hàng thành tín đồ và đưa Apple lên mức thương hiệu Lovemark – mức cao nhất mà thương hiệu đạt tới!
Nó giống câu nói về tình yêu: Lý trí có hàng trăm con mắt – nhưng khi yêu tất cả đều đóng lại”. => Khi khách hàng thực sự YÊU bạn, họ sẽ không quan tâm tới thương hiệu nữa” – Hiếu orion.
Vì thế, bạn cần học cách làm cho khách hàng yêu mến bạn.
Và cách tốt nhất để họ yêu bạn là KHIÊM TỐN, CHÂN THÀNH.
Ngày tôi mới bắt đầu kinh doanh, nhiều khách tới xem hàng và dò hỏi. Thay vì tỏ ra nguy hiểm, lên gân, tôi khiêm tốn nói với khách: Cửa hàng của tôi đang còn nhỏ, hàng cũng không nhiều nên tôi chỉ lấy lợi nhuận ít, lấy đó để anh/chị chọn ủng hộ cửa hàng tôi. Anh/chị cứ tự nhiên so sánh giá các nơi, nếu thấy giá bên tôi tốt thì mong anh/chị ủng hộ.
Rất nhiều khách đã tin tưởng lời nói thật tình đó của tôi. Nhiều người trong số họ tin tưởng tuyệt đối, quyết định mua luôn mà không cần tham khảo thêm các nơi khác. Và tôi bán cho họ với giá mà họ sẽ sẵn sàng giới thiệu bạn bè sau này cho tôi.
Trên đây là chia sẻ chân thành kinh nghiệm của tôi. Nó có thể không phải là chuyên nghiệp nhưng hi vọng sẽ giúp cho bạn ít nhiều. Cảm ơn bạn đã đọc!