Lần cập nhật gần nhất August 25th, 2022 - 02:16 pm
Rất nhiều đứa trẻ lớn lên thành danh, tử tế và có địa vị. Nhưng cũng rất nhiều những đứa trẻ đã trở thành tội phạm vì ức chế cảm xúc, bị cha mẹ chặn đường tư duy bằng thứ quyền lực tối cao của phụ huynh. Dù là người thành đạt hay thành kẻ phạm tội, điểm chung của những con người này đều ít nhiều có những tổn thương tâm lý, bị ám thị dẫn tới việc ảnh hưởng trong cách cư xử sau này. Và khi những đứa trẻ ấy lớn, rồi cũng sẽ trở thành phụ huynh, những vị phụ huynh ấy cũng lại tiếp tục làm tổn thương con cái mình như cái cách họ bị cha mẹ làm tổn thương ngày xưa. Một vòng lặp luẩn quẩn không biết sẽ kết thúc ở điểm nào.
Review Cha mẹ độc hại (4)
@Nuhado: Mình tổng hợp khá nhiều review Cha mẹ độc hại với mong muốn các bạn hiểu thêm về cuốn sách, cảm nhận được phần nào nội dung mà tác giả muốn truyền đạt, không phân vân về nội dung vì tiêu đề sách hơi nhạy cảm, nghĩ rằng nhà sản xuất cố tình giật tít rồi bỏ qua một cuốn sách hay.
Sau khi đọc cuốn CHA MẸ ĐỘC HẠI đang nổi gần đây, Tôi chưa từng nghĩ cha mẹ “độc hại” thế nào
Cha mẹ tôi không thực sự thuộc một trong các loại cha mẹ độc hại được thảo luận trong cuốn sách này. Họ đôi khi đối xử không đủ đầy, không thỏa đáng, đôi khi kiểm soát, với một chút lạm dụng bằng lời nói hoặc có những lúc lơ là, bỏ mặc cảm xúc và nhu cầu cần được chăm sóc của tôi khi tôi còn nhỏ.
Từ trước đến giờ mọi thứ tôi làm đều nghĩ trước xem là cha mẹ thích hay không, có buồn hay lo lắng hay phải suy nghĩ, ngay cả cố gắng cũng chỉ nghĩ là cố gắng vì cha mẹ, học hành vì cha mẹ, kiếm tiền vì cha mẹ, chưa 1 lần thử nghĩ xem, bản thân ước mơ sống một cuộc sống như thế nào, nên chiều chuộng mình và sống vì mình ra sao. Tôi thậm chí cố làm mọi việc một cách tốt nhất, làm hết mọi thứ trước khi được nhắc nhở, dự đoán hết những thứ nên làm. Tôi sợ làm sai, sợ cái gì không vừa ý thì sẽ phải nghe lời chê trách, đối với tôi, phải nghe lời mắng nhiếc hay mỉa mai từ bố là một điều kinh khủng. Tôi sợ những lần ông to tiếng quát, những lần ông quay đầu lại và trừng mắt nhìn tôi, những điều ấy phải đến trong mơ cũng khiến tôi giật mình. Dần dần, tôi phản ứng với cách cư xử của cha mẹ – tôi gọi đó là những đối xử không đầy đủ, tôi trở nên lầm lì ít nói, ngại tiếp xúc, ngại phải đối mặt và nói chuyện với cha mẹ, và sau này tôi giữ cả thói quen đó với tất cả người lạ mới gặp.
Cho đến bây giờ, vết thương ngày ấy đã lành đi ít nhiều, giữa tôi và cha mẹ vẫn chẳng có gì để tâm sự với nhau. Bây giờ vẫn giữ thói quen về nhà là ngồi lì trong phòng, thức dậy khi mọi người đã ra khỏi nhà, vì không muốn gặp mặt, vì muốn tận hưởng cảm giác một mình. Và mỗi khi bản thân cảm thấy bị đối xử không đầy đủ, sẽ trở nên bất cần và nguội lạnh, và người ta nghĩ về tôi như thể lãnh đạm là một bản chất từ trong cốt tủy.
Trước khi biết đến cuốn CHA MẸ ĐỘC HẠI này, tôi không hề nghĩ đến việc cha mẹ có thể “độc hại” như thế nào, vì trong suy nghĩ của tôi, cha mẹ luôn là người tốt nhất trên đời, và mọi việc họ làm luôn có lí. Nhưng khi đọc, Tôi thấy hình ảnh mình, có thể liên quan đến một số câu chuyện và nó đã đưa ra những cuộc đấu tranh của riêng tôi và khiến tôi đặt câu hỏi cho chính cha mẹ mình. Chúng ta chối bỏ cha mẹ mình độc hại bằng cách hợp lý hóa sự việc, ta sẽ dùng “những lý do tốt” để xua đi những cảm giác đau đớn và không thoải mái.
Ví dụ: Cha mẹ tôi la mắng tôi vì muốn tôi nên người, họ đánh tôi vì muốn tôi sống theo khuôn khổ, họ lựa chọn thay tôi vì họ biết cái nào là tốt nhất, họ kiểm soát tôi vì họ quá yêu thương và cần tôi. Những lời biện hộ trên có một điểm chung: chúng biến những điều không thể chấp nhận được thành có thể. Nhìn bề ngoài thì nó trông có vẻ hiệu quả, nhưng sâu bên trong bạn luôn hiểu rằng đâu mới là sự thật. Những lời khuyên trong quyển sách này, không thực sự áp dụng được với tôi vì tôi không còn bị chi phối nhiều bởi họ nữa, và các tình huống khiến tôi phải “xù” lên cũng không dày đặc và triền miên như hồi trước. Chỉ một điều tôi tiếc nuối duy nhất là, sống trong một mái nhà, nhưng những lời muốn nói sao mà khó khăn quá.
Cuối cùng, tôi muốn nói với các bạn rằng, tôi giới thiệu quyển sách này đến với mọi người vì có thể nó sẽ có ích cho một vài người, tôi biết nhiều đứa trẻ phải chịu nỗi đau đớn và dày vò hơn tôi gấp nhiều lần, bị đánh cắp tuổi thơ và tương lai và thậm chí cả cuộc đời. Tôi không biết chính xác cha mẹ bình thường là gì nhưng cuốn sách này đã nói rõ điều gì là không lành mạnh cho trẻ em và cách đối phó với cha mẹ độc hại.
Ps: CHA MẸ ĐỘC HẠI thực sự là 1 cuốn sách bạn nên đọc!
– Bảo Khánh
SÁCH KHÔNG PHẢI ĐỂ ĐỔ LỖI CHO CHA MẸ MÀ ĐỂ CHÚNG TA CÓ THỂ NUÔI DẠY CON CÁI MÌNH TỐT HƠN
Qua một số bài viết trước mình thấy có rất nhiều bạn có tư tưởng tiêu cực về cuốn sách này, còn riêng bản thân mình thì đây là cuốn sách tâm lý rất hay. Mục đích chính của sách không phải là để chỉ trích và thay đổi cha mẹ cho dù họ phải chịu phần lớn trách nhiệm với những gì họ gây ra. Theo mình thấy mục đích chính mà tác giả muốn truyền tải là cách nhìn nhận về vai trò của mỗi người trong gia đình, trả lại trách nhiệm như đúng vai trò đó và cuối cùng là chúng ta hãy loại bỏ những tư tưởng sai lầm, sống như chính bản thân ta và để cha mẹ là chính họ.
Khi chúng ta còn nhỏ thì chúng ta đều là những người phụ thuộc vào chính cha mẹ về đồ ăn, quần áo và cả hệ tư tưởng của họ. Không phải ai cũng có cách dạy con đúng mà thường là sẽ được truyền qua nhiều thế hệ trước đó, như một đứa trẻ sống trong gia đình có bố mẹ nghiện rượu thì nhiều khả năng cũng trở nên nghiện rượu và truyền lại cho con cái của mình.
Những tổn thương khi còn nhỏ mà chúng ta phải gánh chịu sẽ ăn sâu vào tiềm thức khiến chúng ta quên mất bản thân, quên đi cách bộc lộ cảm xúc, quên đi cách thể hiện đúng vai trò của mình. Và đây là một vũng lầy mà càng vùng vẫy chúng ta lại càng chìm xuống nhanh hơn. Cách duy nhất để giải quyết là hiểu nó và đối mặt với nó. Những tổn thương, suy nghĩ tiêu cực đó rất khó để bỏ đi mà chúng ta phải thay nó bằng những suy nghĩ tích cực bằng cách rèn luyện hằng ngày như những bài tập mà tác giả có hướng dẫn
Ví dụ như chương 11 tác giả có hướng dẫn cách chúng ta thay vì phản ứng thì hãy phản hồi. Như một thói quen trong quá khứ chúng ta sẽ phản ứng phòng vệ bằng cách nói “Cha mẹ sai rồi…” thì hãy suy nghĩ và phản hồi lại rằng “Con không đồng tình với cha mẹ về vấn đề này…”. Điều này tuy đơn giản nhưng là một cách để thay đổi vị thế của mình thay vì sa vào một cuộc cãi vã bất tận
Quá khứ đã qua rồi thì không thể nào sửa đổi được dù cho ảnh hưởng xấu của cha mẹ tác động chúng ta như thế nào. Hãy ngừng than thở, oán trách và thay đổi cho cuộc đời mình và những thế hệ sau sẽ tốt hơn. Chúc mọi người sẽ luôn thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình.
– Hoàng Duy
Cha mẹ luôn yêu thương con là đúng, nhưng cha mẹ luôn đúng thì là sai. “Cha mẹ độc hại” – cái tên cũng đã nói lên phần nào nội dung cuốn sách.
Đọc cuốn sách này mình nhận ra rằng nếu chúng ta biết rằng những hành động lời nói tiêu cực của chúng ta với con, một cách vô tình hay cố ý, không những ảnh hưởng đến tâm lý của con hiện tại mà còn để lại các di chứng dai dẳng về sau này, và nó trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống khi trưởng thành của con.
Các hành động tiêu cực có thể là từ lời nói, từ bạo hành thể xác, tinh thần, từ việc bao bọc quá kĩ càng, rồi sợ mất con không dám buông tay cho con được tự do phát triển hay thậm chí là những lạm dụng tình dục. Một lời nói vô tâm dù hoàn toàn thiện chí của cha mẹ có thể là vết thương lòng suốt cả đời con. Làm thế nào để không trở thành cha mẹ độc hại và làm sao để thoát khỏi ảnh hưởng độc hại của họ?
Nhưng bố mẹ lại luôn cho rằng mình làm tất cả là vì muốn tốt cho con mà không nhận ra rằng nó không hợp lý và đang vô tình gây ra sự độc hại đối với con.
Mình nghĩ cuốn sách này đáng để chúng ta đọc, đọc để chắc chắn sau này có con, mình sẽ không vô tình độc hại với chúng.
– Quỳnh Như
BỐ MẸ ĐỘC HẠI LÀ GÌ?
Giống như chất độc hóa học, những thiệt hại cảm xúc gây ra bởi cha mẹ sẽ lây lan suốt tuổi thơ đứa trẻ, cho đến khi trưởng thành, và nỗi đau cũng vậy. Có từ ngữ nào tốt hơn “độc hại” để mô tả những bậc cha mẹ đã giáng xuống đầu con mình những chấn thương, lạm dụng, những lời chê bai, và gần như họ còn tiếp tục làm điều đó khi con cái đã trưởng thành?
Tất cả các ông bố bà mẹ đều có những khiếm khuyết nào đó. Cũng là điều bình thường khi bố mẹ la mắng con cái vào một thời điểm nào đó. Tất cả bố mẹ đều thỉnh thoảng có thể trở nên kiểm soát con cái quá mức. Và bố mẹ cũng chỉ là con người, họ cũng có nhiều vấn đề cá nhân. Và phần lớn trẻ em có thể xử lý với những cơn nóng giận bộc phát của bố mẹ chừng nào mà chúng còn cảm thấy được bố mẹ yêu thương, thấu hiểu. Nhưng có rất nhiều ông bố bà mẹ sở hữu những khuôn mẫu hành vi tiêu cực, nhất quán đối với cuộc sống của đứa con. Đó là những Bố mẹ độc hại – tức là những bố mẹ gây hại cho đứa con.
Không phải lúc nào cũng dễ dàng phát hiện ra cha mẹ bạn có độc hại, hay đã từng độc hại hay không. Rất nhiều người gặp khó khăn trong “mối quan hệ với cha mẹ”. Chỉ riêng điều đó không có nghĩa cha mẹ bạn là kẻ hủy hoại cảm xúc của bạn. Và nhiều người cảm thấy sức chịu đựng của họ lên tới đỉnh điểm, và họ phân vân tự hỏi không biết mình “bị ngược đãi” hay chỉ là “quá nhạy cảm”.
Nếu bạn cũng đang phân vân như vậy, hãy đọc CHA MẸ ĐỘC HẠI ngay để có câu trả lời cho bản thân nhé! Thực sự thì tựa sách nghe có vẻ shock, nhưng trong từng trang sách, bạn sẽ chiêm nghiệm ra rất nhiều điều đó ạ.
– Bảo Khánh
Tóm tắt Cha mẹ độc hại
Nội dung chính của cuốn sách “Cha mẹ độc hại”
Phần 1: Nhà trị liệu tâm lý Susan Forward chỉ ra 6 kiểu cha mẹ độc hại.
Cha mẹ chưa trọn vẹn: Họ không những không đáp ứng được nhu cầu của trẻ, mà trong nhiều trường hợp họ còn mong đợi và yêu cầu con cái phải chăm sóc cho mình. Đứa trẻ sẽ trở thành cha mẹ của chính cha mẹ mình.
Cha mẹ kiểm soát: Họ kiểm soát đứa con khi còn bé cho đến khi nó trưởng thành bằng sự tội lỗi, bằng sự đe dọa, bằng tiền bạc. Thậm chí họ còn kiểm soát con cái khi họ đã chết.
Cha mẹ nghiện rượu: Họ tạo nên một bầu không khí căng thẳng, bất ổn cảm xúc trong gia đình. Mọi sự chú ý của cả gia đình đều dồn vào ông bố bà mẹ bợm rượu.
Cha mẹ bạo hành lời nói: Con trẻ sẽ tin và nội tâm hóa những gì cha mẹ chúng nói bởi chúng không phân biệt được giữa sự thật và lời nói đùa. Liên lục lặp lại những lời nói đùa gây tổn thương con trẻ yếu đuối là hành vi tàn bạo và hủy hoại một con người.
Cha mẹ bạo hành thể xác: Bạo lực là thứ công cụ duy nhất mà cha mẹ độc hại sử dụng để đối mặt với các vấn đề về cảm xúc – đặc biệt là cảm xúc giận dữ.
Cha mẹ lạm dụng tình dục: Loạn luân có lẽ sự trải nghiệm tàn nhẫn, kinh khủng nhất đối với con người. Đó là sự phản bội niềm tin cơ bản nhất giữa một đứa trẻ với cha mẹ nó.
Phần 2: Tác giả gợi mở từng cách giải quyết cho mỗi một vấn đề, giúp đối tượng bị tổn thương có thể thoát khỏi bóng đen và những nỗi đau quá khứ để sống một cuộc sống vui vẻ phía trước.
Trong cuốn sách Toxic parents, tác giả đã đề cập rằng những đứa con của cha mẹ độc hại thường không thể thay đổi được niềm tin của cha mẹ và gia đình mình (đa số trường hợp là thế) nhưng chúng có thể tự thay đổi bản thân và tiếp tục cuộc sống của mình, thoát khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ, và không lặp lại những hành vi tiêu cực giống như cha mẹ mình.
Bà đưa ra nhiều ví dụ về các nạn nhân bị bạo hành, ngược đãi từ việc hành nghề trị liệu của bà và họ đã có những tiến bộ và phục hồi ra sao trong trị liệu tâm lý. Bà cũng động viên những đứa con của cha mẹ độc hại tiến hành các bước đi cần thiết để giải thoát bản thân họ khỏi nỗi đau do cha mẹ họ gây ra. làm thế nào để điều chỉnh sự tức giận.
Không bao giờ là quá trễ để thay đổi. Cho dù bạn cảm thấy tồi tệ như thế nào trong quá khứ hay bạn có những lối cư xử không lành mạnh ra sao trong hiện tại, bạn vẫn có thể phục hồi từ quá khứ bị cha mẹ bạo hành và có một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa.
Thông điệp chính từ cuốn sách “Cha mẹ độc hại”
Thứ nhất, cuốn sách lên tiếng cho những đứa con từng bị ngược đãi bởi cha mẹ mình, và cung cấp cho nạn nhân những con đường để lấy lại sự tin tưởng và tính tự chủ. Sự chia sẻ trong cuốn sách như là lời tâm sự, lời động viên và luôn nhắc nhở người đọc rằng, dù thế nào bạn sẽ không cô đơn, luôn có người sẵn sàng lắng nghe bạn, cùng bạn vượt qua những giai đoạn tâm lí khó khăn nhất trong cuộc đời.
Thứ hai, có lẽ quan trọng nhất là, lời nhắn nhủ đến những người đã làm cha mẹ, nếu bạn là cha mẹ độc hại, mong bạn nhìn nhận lại bản thân, ko phải là để trách móc mà là sửa chữa. Bạn sẽ không lặp lại những hành vi độc hại lên con cái bạn và vô tình hủy hoại cuộc đời của chúng.
Với những người khác, hi vọng bạn sẽ không trở thành cha mẹ độc hại của con cái bạn sau này.
– sachhaynendoc.net
Trích dẫn Cha mẹ độc hại
Mỗi lựa chọn của bạn dường như đều dính mắc vào mớ tơ vò rối rắm của gia đình. Bạn dần hy sinh đi cảm xúc, lựa chọn và hành vi cá nhân. Bạn không còn là bạn nữa, bạn trở thành một vật kí sinh vào hệ thống gia đình từ lúc nào không hay.
Chẳng có cuộc ly hôn nào vui vẻ. Ly dị luôn là một nỗi đau không thể tránh khỏi cho tất cả mọi người trong gia đình, dù nó có thể là hành động tốt nhất trong hoàn cảnh đó. Song việc cần thiết là cha mẹ phải nhận ra họ ly dị bạn đời của mình chứ không phải gia đình. Cả hai cha mẹ phải có trách nhiệm duy trì kết nối với con cái của họ mặc cho sự chia rẽ trong cuộc sống riêng của họ. Tờ giấy xác nhận ly hôn không phải là tấm bằng cho phép cha mẹ ruồng bỏ con cái mình.
Rất nhiều người làm cha làm mẹ che giấu hành vi bạo hành lời nói dưới lớp vỏ bọc dạy bảo. Để bào chữa cho những lời độc ác và xúc phạm, họ sử dụng phương cách hợp lý hóa, ví dụ như, “cha mẹ chỉ đang giúp con trở thành người tốt hơn thôi”, hoặc là, “thế giới này rất khó sống, cha mẹ chỉ dạy con cách thích ứng với nó”.
Nếu tôi phải chọn giữa việc bị bạo hành tinh thần và thể xác, luôn luôn tôi sẽ chọn bị đánh đập. Anh có thể nhìn thấy vết thương, ít nhất người ta còn thương cảm cho anh. Còn với lời nói ấy hả, nó chỉ khiến mình phát điên. Các vết thương là hoàn toàn không nhìn thấy được. Không ai màng quan tâm đến. Các vết thương trên thân thể liền sẹo nhanh hơn gấp nhiều lần so với những lời lăng mạ và sỉ nhục.