Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 - 06:10 pm
Thông qua những câu chuyện thực tế quan sát được từ những trường hợp điển hình xung quanh mình, tác giả Hyenam Kim – một chuyên gia tâm lý học và bác sĩ thần kinh với hơn ba mươi năm kinh nghiệm – sẽ giúp bạn hiểu rõ, trưởng thành là một quá trình không thể tránh khỏi. Chúng Ta Đều Sợ Trưởng Thành sẽ giúp bạn nhìn rõ thực tại, đối diện với quá khứ, để từ đó tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Bạn sẽ biết cách giải quyết những vướng mắc, thoát khỏi sự dựa dẫm vào người khác và bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Những mơ hồ, hoang mang rồi sẽ qua đi, rồi bạn sẽ trở thành một bạn thật hoàn thiện – trưởng thành cả về dáng vẻ lẫn tâm hồn!
Review Chúng ta đều sợ trưởng thành (3)
Chúng ta đều sợ trưởng thành là một cuốn sách mà mình quyết định mua nó vì hình ảnh Peter Pan ở bìa sách và bookmark. Sách rất hay, nhẹ nhàng và đặc biệt Peter Pan được tác giả đem ra để so sánh, làm luận điểm rất nhiều, và đó là điều mình thích ở cuốn sách này.
Từ hồi nhỏ mình đã bị ám ảnh bởi hình tượng Peter pan, và hôm nay ngoài giới thiệu cuốn sách trên mình cũng xin được chia sẻ một số thông tin ngoài lề về cha để của Peter Pan – JM Barrie
Sau khi vở kịch Peter Pan ra mắt vào năm 1904, nó ngay lập tức được khán giả đón nhận nồng nhiệt và biến cái tên Barrie trở thành một nhà văn có tiếng trong truyện thiếu nhi. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, từ năm 1907 đến 1921, lần lượt bốn thành viên nhà Davies bao gồm Arthur (cha bọn trẻ), Sylvia (mẹ), George, Michael qua đời, Barrie đã suy sụp hoàn toàn.
Quãng thời gian đen tối này cũng để lại dấu ấn sâu sắc trong các tác phẩm của James thời kỳ về sau, đó là The Admirable Crichton (nói về căng thẳng xã hội và mâu thuẫn giai cấp). Năm 1937, Barrie qua đời vì bệnh viêm phổi và để lại số tiền thừa kể khổng lồ cho đám trẻ nhà Davies mà ông đã coi như con ruột mình khi còn sống.Khi đặt JM Barrie lên bàn cân so sánh với các tiểu thuyết gia trong lĩnh vực văn học thiếu nhi khác như CS Lewis hay Lewis Caroll, số lượng các tác phẩm của ông ít hơn đáng kể, với thể loại hạn chế hơn nhiều. Tuy nhiên nếu nói về mức độ ảnh hưởng và nội dung bên trong đó, thật khó để phủ nhận những điều mà người đàn ông nhỏ bé này đã làm nên. Đã hơn 100 năm trôi qua kể từ khi tác phẩm được ra mắt công chúng, hội chứng Peter Pan về những người không bao giờ lớn và câu chuyện đời đau lòng về người đàn ông đứng sau thế giới màu nhiệm Neverland đã, đang và sẽ luôn là chủ đề hấp dẫn cho những ai yêu văn học và các câu chuyện tiểu sử hấp dẫn như thế.
Khoảnh khắc nào khiến bạn bỗng dưng nhận ra rằng “À, mình đã trở thành người lớn rồi này?”
Khi lần đầu cầm chứng minh thư trong tay? Khi tiền tiêu vặt và tiền mừng tuổi từng được nhận đều đều trước đó bỗng chốc không còn nữa? Khi biết rằng thế gian này sẽ không đi theo những gì mình muốn? Khi giấc mơ thuở bé trở nên mơ hồ?
Thuở nhỏ, chúng ta nhìn người lớn với ánh mắt ngưỡng mộ và xem họ là những người cao lớn, khỏe mạnh và có thể làm được bất cứ điều gì họ muốn. Ta háo hức và mong đợi được nhanh nhanh chóng chóng trở thành người. Tuy nhiên, hình ảnh thực tế khi trở thành người lớn lại có khoảng cách quá lớn với những gì ta từng mộng tưởng.
Trở thành người lớn, thái độ của mọi người đối với chúng ta cũng trở nên khác đi. Cuối cùng, ta đã có thể làm được bất cứ điều gì mình muốn, nhưng đồng thời, ta cũng cảm thấy những việc mà mình không thể làm được ngày một tăng lên. Ta thấy ngột ngạt trước trách nhiệm và nghĩa vụ đè nặng lên mình, nỗi lo lắng về tương lai khiến ta trằn trọc mỗi đêm. Những áp lực ta phải đối mặt khi trở thành người lớn khiến chúng ta nhiều khi chỉ ước giá như mình chưa bao giờ lớn lên, giá như mình vẫn còn là một đứa trẻ. Thế nhưng việc trưởng thành có thật sự đáng sợ như vậy?
“Chúng ta đều sợ trưởng thành” dựa trên những kiến thức về tâm lý học, được tác giả Hyenam Kim – chuyên gia tâm lý học có kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc trong ngành – phân tích quá trình trưởng thành thực sự dưới góc nhìn của một chuyên gia, nhưng cũng đồng thời là một người từng tranh đấu rất nhiều với bản thân để trở thành người trưởng thành đúng nghĩa – một người không chỉ trưởng thành về mặt thể xác mà trong cả tâm thức. Nhiều người trong số chúng ta vẫn mang theo bên mình ký ức về những nỗi đau, những tổn thương trong quá khứ, để rồi khiến bản thân mắc kẹt bởi những gánh nặng ngày một chất chứa trên lưng.
Trưởng thành chính là học cách buông bỏ, chấp nhận hiện thực, để lý trí dẫn dắt nhưng vẫn giữ được sức nóng của con tim. Cuốn sách Chúng ta đều sợ trưởng thành với những lời khuyên bổ ích, những bài học sâu sắc cùng cách viết nhẹ nhàng sẽ là cuốn sách dạy ta cách trở thành người trưởng thành đúng nghĩa, để những người trẻ chúng ta “không còn sợ trưởng thành”.
– Phạm Hoài Thương
“Trong thế giới vội vã, đôi khi người ta quên mất việc phải lớn lên. Trưởng thành không chỉ là quá trình lớn lên về mặt thể xác, đó còn là quá trình đấu tranh dai dẳng trong tâm thức. Trưởng thành chính là học cách buông bỏ, chấp nhận hiện thực, để lý trí dẫn dắt nhưng vẫn giữ được sức nóng của con tim.”
Đọc lời giới thiệu cuốn sách Chúng ta đều sợ trưởng thành, mình đã ngay lập tức đặt mua bởi cảm giác gần gũi thân quen mà nó mang lại. Ẩn sâu trong mỗi người lớn đều chứa đựng một đứa trẻ vẫn mang bên mình những tổn thương trong quá khứ. Cuốn sách không chỉ chứa đựng những hướng dẫn bổ ích giúp mình học cách trưởng thành mạnh mẽ hơn, mà còn là những lời ủi an giúp mình vượt qua những ngày chênh vênh khi bắt đầu thật sự bước vào thế giới của những người lớn.
Dưới góc nhìn tâm lý học, tác giả Hyenam Kim – một chuyên gia tâm lý học với mười hai năm kinh nghiệm làm việc tại Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hàn Quốc – đi sâu vào phân tích những tổn thương trong quá khứ (đặc biệt là ở thời thơ ấu) ảnh hưởng như thế nào đến đời sống trong hiện tại và tương lai, cũng như cách chúng ta hành xử. Trở thành người lớn đồng nghĩa với việc chúng ta phải tự gánh vác trên vai những gánh nặng, phải tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của chính mình. Học cách rũ bỏ những tổn thương đã từng trải qua là cách để ta trưởng thành mạnh mẽ hơn, để sẵn sàng đối diện với những gánh nặng đang đợi ta phía trước. Để rồi sau đó, niềm vui, sự tự do và quyền tự quyết đối với cuộc đời mình sẽ là món quà lớn nhất mà sự trưởng thành dành cho bạn.
Trích dẫn Chúng ta đều sợ trưởng thành
“Trong thế giới vội vã, đôi khi người ta quên mất việc phải lớn lên. Trưởng thành không chỉ là quá trình lớn lên về mặt thể xác, đó còn là quá trình đấu tranh dai dẳng trong tâm thức. Trưởng thành chính là học cách buông bỏ, chấp nhận hiện thực, để lý trí dẫn dắt nhưng vẫn giữ được sức nóng của con tim.
Tôi đã trở thành người lớn. Thái độ của mọi người đối với tôi cũng trở nên khác đi. Cuối cùng tôi đã có thể làm được bất cứ việc gì mình muốn, đồng thời, tôi cũng cảm nhận dược những việc mà mình làm không thể làm được ngày càng nhiều hơn. Câu nói “chỉ cần nỗ lực là có thể đạt được tất cả mọi điều” thật dối trá. Trên thế gian này, những chuyện dù có nỗ lực vẫn không thành nhiều vô kể, huống hồ chuyện tìm việc làm khó ngang với hái sao trên trời. Chật vật lắm mới có được việc làm nhưng đó lại không phải công việc tôi hằng mơ ước. Tôi phải cố phối hợp theo tâm trạng của cấp trên, phải miễn cưỡng làm những việc mình không muốn.
Dù vậy, tôi đã nghĩ đến yêu đương và kết hôn, chắc hẳn mình sẽ trở nên hạnh phúc, rằng có lẽ mình sẽ không còn cô đơn nữa, nhưng ngược lại, nỗi cô đơn khủng khiếp đã chiếm lấy tôi, còn hơn cả khi chỉ có một mình. Thi thoảng, tôi thấy ngộ ngạt trước trách nhiệm và nghĩa vụ đè nặng lên mình, nỗi lo lắng về tương lai cũng khiến tôi trằn trọc mỗi đêm.
Thành người lớn mới thấy, thế gian này không hề giống với những gì mà chúng ta đã học. Thế gian là một tổ hợp của vô vàn những điều bất công. Có những người đã sở hữu nhiều thứ trong tay từ khi mới lọt lòng, đồng thời cũng có những người không may mắn như thế. Không phải cứ sống hiền lành tử tế thì con người ta sẽ chẳng mắc bệnh, sẽ chẳng gặp tai nạn. Đôi khi, chúng ta phải gánh chịu một nỗi buồn thương khi phải để cho những người ta yêu về thế giới bên kia, hoặc nỗi đau khi bị những người tin tưởng phản bội. Nhưng dẫu vậy, tôi nghĩ rằng bản thân mình quá nhỏ bé để có thể dành chiến thắng trong trận chiến với thé gian bất hợp lý này.”
“Từng chút một, cứ mỗi ngày, chúng ta sẽ gặm nhấm khoảng thời gian mang tên “cuộc đời” mà chúng ta được trao cho. Thế rồi nhìn lại mới thấy, sức nặng của khoảng thời gian chúng ta gặm nhấm bây lâu nay dần dần sẽ chất đống lên bên trong ta. Chúng ta gọi đó là sự chín chắn”
“Chúng ta sẽ đánh mất nhiều thứ kể từ ngày sinh ra cho đến lúc lìa đời. Khởi đầu với “cú sốc của sự chào đời” khi lìa xa tử cung của người mẹ, sau đó, chúng ta dần lớn lên, rời xa tuổi thơ, rồi lại rời xa tuổi trẻ. Vậy nên có lẽ cuộc đời chính là, ngay cả vào giây phút chúng ta nghĩ rằng chẳng có gì trên đời để mất nữa, ta sẽ lại đánh mất một thứ gì đấy.”
“Không phải lúc nào người lớn cũng mạnh mẽ. Người lớn cũng dễ bị tổn thương hay buồn khổ. Phải thừa nhận điều đó và trở nên thành thật với những cảm xúc của chính mình.”
“Trong cuộc đời, có những chuyện chúng ta không có cách nào khác ngoài việc phải cố chịu đựng nó.”
“Tất cả những điều chúng ta trải nghiệm trong cuộc sống, dù là niềm vui hay nỗi đau khổ, đều sẽ nói cho chúng ta một điều gì đó, hãy thử lắng nghe mà xem. Tự thân cuộc đời đã là người thầy của chúng ta.”
“Rõ ràng bạn cũng có những giờ phút thấy vui, thấy buồn. Nếu như vậy, hãy tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc ấy. Hãy vứt bỏ những suy nghĩ phức tạp khác, cười thật vui và khóc thật buồn.”
“Sự tự do khi ta tự mang lấy gánh nặng của mình và lựa chọn phương hướng cuộc đời, sự tự do khi ta có thể lựa chọn mình sẽ gặp ai hay sẽ không gặp ai trong khoảng thời gian đi trên con đường đời, có lẽ sẽ là món quà lớn nhất mà ta đạt được nhờ cái giá của việc trưởng thành.”
“Cái đẹp của cuộc sống nằm ở chỗ bạn cảm nhận được những xúc cảm của từng giây phút và tận hưởng nó.”
“May mắn là những người trên thế gian này không có chung suy nghĩ với chúng ta. Vì thế, chúng ta luôn cảm thấy hứng thú với người khác và tận hưởng niềm vui từ việc nhận ra con người của đối phương. Chúng ta cũng bổ khuyết, khuyên bảo và giúp nhau trưởng thành.”
“Không ai là không phải gánh chịu tổn thương. Điều quan trọng là làm thế nào để tránh khỏi những vết thương chí mạng của tình yêu, và làm thế nào để chữa lành sau khi bị tổn thương.”