Thông qua cuốn sách “Justice – Phải Trái Đúng Sai”, Michael Sandel khiến người đọc nhận ra niềm tin đạo đức thật khó có thể cố định trong nhiều trường hợp và con người với sự phi lý trí của mình đều không dễ dàng lựa chọn một cuộc sống công bằng hay đạo đức như tưởng tượng.
Bản thân chúng ta đều có những khái niệm rất rõ ràng về tốt-xấu trong xã hội nhưng tác giả Michael Sandel luôn thành công trong việc đưa người đọc vào những sự lựa chọn khó nhằn, buộc ta phải xem xét lại cả một hệ thống phải-trái-đúng-sai trong suy nghĩ của mình.
Review Phải trái đúng sai
JUSTICE: what’s the right thing to do?
Ở Việt Nam, Công Lý là một diễn viên hài. Còn ở Mỹ, Justice là tên một nhóm siêu anh hùng (Justice League) được cầm đầu bởi một gã đàn ông có thể đàn áp tất cả bằng bạo lực (Super man) và một gã tỷ phú ưa giấu mặt, thích ra ngoài vào ban đêm (Batman).
Đấy là cách hiểu phổ thông về công lý của cư dân mạng, khá hài hước, tuy nhiên chúng cũng thể hiện một thực trạng bây giờ là phần đa chúng ta hiểu rất mơ hồ, đôi khi cảm tính về vấn đề công lý, công bằng, đúng sai, phải trái. Vì hiểu mơ hồ nên luôn luôn nổ ra những cuộc tranh cãi rất gắt trên mạng khi bàn về các vấn đề xã hội. Câu hỏi “JUSTICE: what’s the right thing to do?” bởi vậy rất cần được trả lời thấu đáo.
“Phải Trái Đúng Sai” của tác giả Michael Sander nằm trong bộ sách giá trị “Cánh cửa mở rộng” do giáo sư Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt chọn lọc giới thiệu. Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nói: “Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình.” “Phải Trái Đúng Sai” đích thực là một tác phẩm khai phóng như vậy.
Tôi có thể viết những lời khen bốc trời cho tác phẩm, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng tác phẩm không hề dễ đọc. Lần đầu tôi đọc “Phải Trái Đúng Sai” mới đến trang 46 tôi đã dừng cuộc chơi. Quá nhiều các thuật ngữ xa lạ: chủ nghĩ vị lợi; chủ nghĩa tự do cá nhân; quyền sở hữu và chính quyền hạn chế; công lý, telos, và danh dự vv… khiến đầu tôi quay mòng mòng. Lần thứ hai đọc lại tác phẩm, kết quả có khá khẩm hơn một chút nhưng cũng chỉ được non trăm trang là tôi lại phải dừng. Ôi giời ơi, bao giờ tôi mới “end game” được đây? (Bỗng dưng muốn khóc)
Động lực khiến tôi tìm đọc lại tác phẩm “khó nhằn” này chính là đại dịch cúm Covit19 hiện tại. Chúng ta đã được chứng kiến hàng loạt những cơn khủng hoảng, việc tăng giá bất thường của các mặt hàng nhu yếu phẩm, việc mạnh tay cách ly các trường hợp nghi lây nhiễm, việc học sinh sinh viên được nghỉ một kỳ nghỉ dài chưa hề có trong lịch sử vv… Tất cả các sự kiện tương tự như vậy đều được Michael Sander phân tích trong tác phẩm của mình. Tôi đọc lại “Phải Trái Đúng Sai” lần thứ ba, say mê như bị thôi miên. Và lần này, các cụ nói cấm có sai “quá tam ba bận”, tôi đã hoàn thành được tác phẩm. Khó đọc, đầy thách thức, nhưng tôi chắc chắn mọi nỗ lực bạn bỏ ra đều tuyệt đối xứng đáng.
Sư huynh tôi từng nói: “Quá trình tư duy để giải quyết vấn đề quan trọng hơn chính kết quả.” Bởi khi chọn rùa mà đạt được kết quả đúng, bạn sẽ chỉ đúng 1 lần trong 1 tình huống cụ thể đó. Còn nếu biết phương pháp tư duy để giải quyết vấn đề bạn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề với những biến thể muôn hình vạn trạng của chúng.
“Phải Trái Đúng Sai” chính là cuốn sách hướng dẫn bạn phương pháp tư duy để giải quyết vấn đề như vậy.
Và khi gấp tác phẩm lại chắc chắn bạn sẽ nói: “Công lý không chỉ là một diễn viên hài.”
Trích đoạn Phải trái đúng sai
THUÊ MANG THAI
William và Elizabeth Stern là một cặp vợ chồng có nghề nghiệp ổn định sống tại Tenafly, tiểu bang New Jersey, ông là nhà hóa sinh, bà là bác sỹ nhi khoa. Họ muốn có con, nhưng không thể có con chung, ít nhất nếu không muốn gây rủi ro cho sức khỏe của Elizabeth – người bị bệnh đa xơ cứng. Vì vậy, họ liên lạc với một trung tâm chữa vô sinh có cung cấp dịch vụ mang thai hộ. Trung tâm đã chạy quảng cáo tìm kiếm “các bà mẹ mang thai hộ” – là người phụ nữ sẵn sàng mang thai em bé, khi sinh ra sẽ trao con cho người khác để đổi lấy tiền công.
Một trong những người phụ nữ phản hồi là Mary Beth Whitehead, một phụ nữ 29 tuổi có hai đứa con, và là vợ của một nhân viên vệ sinh. Tháng 2 năm 1985, William Stern và Mary Beth Whitehead đã ký hợp đồng. Mary Beth đồng ý thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của William, mang thai đứa trẻ và trả con cho William sau khi sinh. Cô cũng đồng ý từ bỏ quyền làm mẹ, do đó Elizabeth Stern có thể nhận con nuôi. Về phần mình, William đồng ý trả cho Mary Beth 10.000 đôla (sẽ trả sau khi sinh con), cộng với chi phi y tế (Ông cũng đồng ý trả khoản phí 7.500 đôla cho trung tâm chữa vô sinh do dàn xếp thỏa thuận).
Sau vài lần thụ tinh nhân tạo, Mary Beth mang thai, và tháng 3 năm 1986, cô sinh một bé gái. Gia đình nhà Stern, chuẩn bị đặt sẵn cái tên Melissa cho cô con gái họ sắp được nhận. Nhưng Mary Beth Whitehead cảm thấy không thể xa rời đứa trẻ và cô muốn giữ lại con. Cô mang em bé bỏ trốn sang Florida, nhưng nhà Sterns có lệnh của tòa án yêu cầu cô giao đứa trẻ. Cảnh sát Florida tìm thấy Mary Beth, em bé được trao cho gia đình Sterns, và cuộc đấu tranh giành quyền nuôi con đã diễn ra ở tòa án bang New Jersey.
Quan tòa sơ thẩm phải quyết định có nên bắt buộc thực thi hợp đồng hay không. Bạn nghĩ việc đúng phải làm là gì? Để đơn giản hóa vấn đề, hãy bỏ qua các vấn đề pháp luật mà tập trung vào các khía cạnh đạo đức. (Hóa ra ở thời điểm đó, tiểu bang New Jersey không có luật cấm hoặc cho phép đẻ thuê).
William Stern và Mary Beth Whitehead đã thỏa thuận một hợp đồng. Về mặt đạo đức, có bắt buộc phải thực hiện hợp đồng này hay không?
Lập luận mạnh mẽ nhất ủng hộ việc thực thi hợp đồng là: thỏa thuận là thỏa thuận. Hai người trưởng thành nhất trí về một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên: William Stern có được đứa con ruột, và Mary Beth Whitehead kiếm được 10.000 đôla cho chín tháng mang thai.
Phải thừa nhận đây không phải là hợp đồng thương mại thông thường. Vì vậy, bạn có thể do dự trong việc buộc thi hành vì hai nguyên nhân sau:
Thứ nhất, bạn có thể nghi ngờ rằng sự đồng ý sinh con và trao con lấy tiền của người phụ nữ đó là do thiếu thông tin. Liệu cô ấy có biết được cảm giác của mình vào thời điểm từ bỏ đứa con không? Nếu cô không biết, mọi người có thể lập luận rằng ban đầu cô không đồng ý vì sự bức thiết của nhu cầu tiền bạc, và do không có đủ kiến thức về điều sẽ xảy ra khi phải chia ly với con.
Thứ hai, bạn có thể hoàn toàn phản đối việc mua bán trẻ em, hoặc việc thuê khả năng sinh sản của phụ nữ, cho dù cả hai bên tự nguyện đồng ý làm vậy. Có thể lập luận rằng việc mua bán này biến trẻ em thành hành hóa và khai thác phụ nữ bằng cách coi sản phụ và việc mang thai là món hàng kinh doanh.
Thẩm phán toàn sơ thẩm R. Harvey Sorkow – người xét xử vụ “Baby M”(tên vụ án) – đã không bị thuyết phục bởi cả hai phản đối trên. Ông ủng hộ việc phải thực thi thỏa thuận, viện dẫn tính thiêng liêng của hợp đồng. Thỏa thuận là thỏa thuận, và người mẹ ruột không có quyền phá vỡ hợp đồng đơn giản chỉ vì cô đã thay đổi ý kiến.
Thẩm phán phản bác cả hai phản đối. Đầu tiên, ông bác bỏ quan điểm coi thỏa thuận của Mary Beth là không tự nguyện, sự ưng thuận của cô vì một lý do nào đó là sai lầm:
“Không bên nào có ưu thế mặc cả. Mỗi bên có thứ mà bên kia muốn. Giá thực hiện dịch vụ đã được hai bên đồng ý và đã đi đến được thỏa thuận. Không bên nào ép bên nào. Không bên nào có chuyên môn để ép bên kia vào thế bất lợi. Không có sự bất tương xứng trong quá trình thương lượng.”
Thứ hai, ông bác bỏ quan điểm coi việc dùng tiền thuê đẻ giống việc bán trẻ em. Thẩm phán cho rằng William Stern – người cha đẻ – không mua em bé của Mary Beth Whitehead, ông trả tiền cho dịch vụ mang thai đứa con đẻ của mình. “Khi sinh ra, người cha không mua đứa trẻ. Nó là con đẻ – thực sự về mặt di truyền sinh học. Ông không thể mua thứ đã là của mình”. Vì được thụ thai với tinh trùng của William, em bé là con của ông – đó là khởi điểm suy diễn của thẩm phán. Vì vậy, không có vụ mua bán trẻ con nào ở đây cả. Khoản tiền 10.000 đôla trả cho dịch vụ (mang thai), không phải trả cho sản phẩm (đứa con).
Thẩm phán Sorkow không đồng ý với ý kiến coi việc cung cấp dịch vụ như thế là khai thác phụ nữ. Ông so sánh mang thai lấy tiền với việc bán tinh trùng. Vì đàn ông được phép bán tinh trùng, phụ nữ phải được phép bán khả năng sinh sản: “Nếu nam giới có thể cung cấp các phương tiện để sinh sản thì phụ nữ cũng phải được làm vậy”. Nếu không được quyền làm thế – ông nói – là phủ nhận quyền bình đẳng của phụ nữ trước pháp luật.
Mary Beth Whitehead xin phúc thẩm bản án ở Tòa án Tối cao New Jersey. Với ý kiến nhất trí, tòa tối cao lật ngược phán quyết của Sorkow và tuyên bố hợp đồng đẻ thuê là vô hiệu. Nhưng tòa cũng trao quyền nuôi dưỡng bé Baby M cho William Stern với lý do đó là điều tốt nhất cho đứa bé. Không xét tới hợp đồng những tòa án tin rằng gia đình Stern sẽ nuôi dưỡng bé Melissa tốt hơn. Nhưng tòa khôi phục quyền làm mẹ của Mary Beth Whitehead, và yêu cầu tòa cấp dưới xác định quyền thăm con.
Khi viết ý kiến của tòa án, Chánh án Tòa án tối cao Robert Wilentz phủ nhận hợp đồng đẻ thuê. Ông cho rằng nó không thực sự tự nguyện, và cấu thành hành vi bán trẻ em.
Trước tiên, sự ưng thuận bị sai lầm:
“Thỏa thuận mang thai và trao đứa trẻ khi sinh của Mary Beth không thực sự tự nguyện, bời vì cô không thực sự am hiểu: Người mẹ đẻ tham gia hợp đồng trước khi cô biết được sức mạnh của mối dây mẫu tử giữa cô với đứa bé. Cô không bao giờ có được một quyết định hoàn toàn tự nguyện và am hiểu, bởi vì nó rõ ràng bất cứ quyết định nào trước khi sinh đứa bé đều cơ bản là thiếu thông tin.”
Khi em bé đuợc sinh ra, người mẹ có điều kiện tốt hơn để lựa chọn với đầy đủ thông tin. Nhưng lúc đó, quyết định của cô không còn tự do mà bị cưỡng bách bởi “sự đe dọa của một vụ kiện, và sự hấp dẫn của 10.000 đôla tiền thanh toán” khiến quyết định này cũng “không hoàn toàn tự nguyện”. Hơn nữa, nhu cầu về tiền bạc làm phụ nữ nghèo sẽ “chọn” để trở thành bà mẹ mang thai hộ người giàu có, hơn là ngược lại. Chánh án Wilentz cho rằng cả điều này cũng thách thức tính chất tự nguyện của các thỏa thuận như vậy: “Chúng ta nghi ngờ việc các cặp vợ chồng vô sinh thu nhập thấp sẽ tìm được người có thu nhập cao để thuê mang thai hộ”
Vì vậy, sự ưng thuận sai lầm là một trong những lý do để làm hợp đồng vô hiệu. Nhưng Wilentz cũng đưa ra lý do thứ hai căn bản hơn nhiều:
“Bỏ qua những vấn đề như cô ấy cần tiền đến mức độ nào, cũng như tầm quan trọng của việc cô có hiểu được hậu quả không, chúng tôi cho rằng sự ưng thuận của cô không thích hợp. Trong một xã hội văn minh có một số thứ tiền không thể mua được.”
Đẻ thuê tương đương với việc bán con, Wilentz lập luận, và bán con là sai, cho dù có thể tự nguyện. Ông bác bỏ lập luận coi tiền là khoản thanh toán cho dịch vụ mang thai chứ không phải dùng để mua đứa trẻ. Theo hợp đồng, khoản tiền 10.000 đô la chỉ được trả khi trao con và Mary Beth từ bỏ quyền làm mẹ.
“Đây là việc bán một đứa trẻ, hoặc ít nhất bán quyền làm mẹ đứa trẻ, yếu tố giảm nhẹ chỉ là người mua là cha đứa bé… Người trung gian do tối mắt vì lợi nhận đã thúc đẩy vụ mua bán. Cho dù các bên có tư tưởng nào làm động cơ đi chăng nữa thì động cơ lợi nhuận vẫn có vai trò chủ yếu chi phối giao dịch này.”