Dưới thời thuộc địa, giáo dục nằm giữa hai mô hình đồng hóa và hợp tác. Mô hình 1 là đồng hóa, biến người thuộc địa thành người của Pháp, từng bước san bằng nền văn hóa của họ, buộc họ từ bỏ ngôn ngữ để họ tiến hóa thành người Pháp. Mô hình 2 là giáo dục có sự hợp tác giữa 2 bên: bên thống trị và bên bị trị. Pháp sẽ cải thiện dân bản xứ bằng mọi cách nhưng phải có lợi cho sự thống trị và Pháp để cho người bản xứ làm việc trong bộ máy cai trị của Pháp tại An Nam. Dù được giáo dục dưới mô hình nào, giáo dục cũng là công cụ thực hiện hữu hiệu nhất nằm trong tay kẻ đi chinh phục, “muốn nắm giữ con tim của người bản xứ”.
Review Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa
GIÁO DỤC VIỆT NAM DƯỚI THỜI THUỘC ĐỊA – HUYỀN THOẠI ĐỎ VÀ HUYỀN THOẠI ĐEN
Là người dành nhiều năm nghiên cứu về giáo dục thời thuộc địa và hậu thực dân, tiến sĩ Nguyễn Thụy Phương mong muốn giới thiệu đến độc giả cuốn sách “Giáo dục Việt Nam dưới thời thuộc địa – Huyền thoại Đỏ và Huyền thoại Đen”. Hai thuật ngữ Huyền thoại Đỏ và Huyền thoại Đen được tác giả mượn lại từ sử gia Marc Ferro trong cuốn sách “Lịch sử các nền thuộc địa” của ông, với hàm ý nhận định về di sản giáo dục của chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương., thể hiện 2 quan điểm đánh giá di sản giáo dục mà người Pháp đã để lại cho Việt Nam. Một quan điểm tô hồng ca tụng và một quan điểm chỉ trích phê phán. Hai quan điểm này đều được phát ngôn bởi cả hai phía người thống trị – nhà cầm quyền và người bị trị – và thụ hưởng văn hóa Pháp.
Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng là một ca đặc biệt trong đế chế Pháp. Việt Nam tiền thuộc địa đã có sẵn một hệ thống đào tạo quan bảng, khoa cử lấy khuôn mẫu từ chế độ khoa bảng Nho giáo. Cuối thế kỷ 19, chế độ khoa bảng này mất dần vị trí độc tôn vì khả năng kém thích nghi trước thời cuộc. Chỉ còn tinh thần hiếu học vốn là bản sắc văn hóa Việt vẫn được coi trọng, vì học hành là con đường tiến thân để thành đạt. Người Pháp đã biết cách đặt thuộc tính văn hóa Việt này vào hệ thống giáo dục thuộc địa tại Đông Dương vốn được coi là một hệ thống đầy đủ và kiện toàn nhất trong tất cả các xứ thuộc địa Pháp.
Năm 1923, thống đốc Nam kỳ cho triệu chí sĩ Nguyễn An Ninh lên văn phòng để thẩm vấn và dằn mặt bằng một câu nói này:”Tụi trí thức hả, chúng tôi đâu có cần!” Nguyễn An Ninh đã thuật lại cuộc đối thoại này trên tờ “Chuông rè“ mà ông là người sáng lập. Nguyễn An Ninh là một trong những trí thức chống thực dân tích cực và bài bản thông qua cơ quan ngôn luận, đó là báo chí hoặc do ông sáng lập hoặc do ông đăng bài. Cuộc chạm trán trên tiêu biểu cho mâu thuẫn của chế độ thuộc địa khai hóa mà trong đó những giá trị của cách mạng Pháp được đem ra để phục vụ cho sự thống trị.
Chính sách giáo dục này nằm trong logic của chính quyền thuộc địa, đó là không bao giờ để thuộc địa phát triển bằng chứ đừng nói là hơn chính quốc vì thuộc địa không được phép cạnh tranh với chính quốc. Điểm này đặc biệt rõ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và sản xuất.
Chính sách giáo dục cản bước đó là phân chia thành nhiều bậc – cấp học, cộng với đó là các loại bằng cấp và kỳ thi, tạo nên những vật cản khiến đa số học sinh khó tiếp tục học lên cao được. Như vậy, một thiếu niên Đông Dương học trường làng thì vận may học cao tiến xa là rất thấp, nếu không muốn nói đó như một giấc mơ. Chính một vị đại diện của Bộ Thuộc địa được cử từ chính quốc sang tiến hành một cuộc khảo sát vào năm 1927 cũng chỉ trích chính sách giáo dục này ở các góc độ sau: “quá đào thải, chất lượng giáo dục ‘xoàng’ một phần vì chương trình ‘quá Pháp’ và vì đào tạo đội ngũ giáo viên không đủ.”
Dựa trên những tài liệu văn bản khai thác được từ các trung tâm Lưu trữ nước ngoài, đặc biệt là các văn phạm bản quy phạm pháp luật Của chính quyền thuộc địa Pháp, tác giả đã cố gắng phân tích một cách hệ thống về giáo dục Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung thời thuộc địa, từ đó rút ra những thành tựu và hạn chế của nền giáo dục thời kỳ này.