Lần cập nhật gần nhất December 18th, 2020 - 09:25 am
Hữu Phỉ hoàn toàn có thể sừng sững nằm trong top đầu, ưu điểm là cốt truyện rõ ràng, nhân vật sắc sảo, tình tiết thú vị, đặc biệt hiếm gặp ở chỗ Priest đã đẩy hình tượng một “dã nha đầu” thành nữ anh hùng với một khúc tráng ca hào hùng nghĩa khí. Võ hiệp của Pi Pi có yếu tố nhân văn vững chãi, có trải nghiệm của bản thân cô ấy về nhân tính và xã hội, có hài kịch đen mang tính tượng trưng ở mọi nơi, quả là cầm lên rồi không nỡ đặt xuống. Nhược điểm của Hữu Phỉ không phải không có, đó là tuyến tình cảm khá ít, đất diễn cho nam chính không nhiều, tuy nhiên về mặt tình cảm, họ tuyệt đối là một cặp tuyệt phối.
Review Hữu Phỉ (3)
Nhiều năm về trước, ở sông Tẩy Mặc lặng yên êm ả, Tạ Doãn gặp tiểu cô nương ngước mắt thì ngây thơ cụp mắt thì lạnh nhạt. Lúc ấy, đao của nàng vẫn chưa thành hình, thân thủ cũng chưa đẹp đẽ. Ở sân nội viện 48 trại, hắn thậm chí không biết tiểu cô nương đó mang lá gan không sợ trời không sợ đất thế nào mà dám chống lại mẹ nàng, nói “bà thả hắn đi, tôi đứng đây cho bà đánh gãy chân”. Lần sơ ngộ có chút kịch tính ấy, hắn đưa phụ thân nàng đi.
Sau đó duyên trời run rủi, họ gặp lại nhau ở địa lao của Hoắc gia bảo. Hắn giật mình, rong tinh ấy đã thành đại cô nương, hắn nhất thời hơi lúng túng vì mạo phạm giai nhân. Nhưng lúc đó hắn là kẻ lạc quan không hiện thất tình trên mặt, nàng là chày gỗ không để tâm việc gì cả, thế mà không ai thấy ai xa lạ, thật ứng với câu “Có kẻ bạc đầu mà vẫn lạ, Người thì ngả nón đã tri âm”. Hắn chỉ lối thoát cho nàng, nhưng “chày gỗ” mới ra ràng kia rất có khí phách anh hùng gặp chuyện bất bình rút đao tương trợ, liều lĩnh quay lại, đồng thời lỗ mãng va phải mảnh chân tâm sớm đã nguội tàn của hắn.
Hai người ầm ĩ cả quãng đường, hắn luôn thích chọc giận nàng rồi lường trước mà tránh một đao không thể kiềm chế của nàng.
Kỳ thực Pi Pi không thật sự miêu tả nhiều về tình cảm, nhưng khi nhớ lại, tôi phát hiện hóa ra giữa A Phỉ và Mốc Mốc có nhiều chi tiết nhỏ đáng thưởng thức như thế, từng chút từng chút đều toát vẻ vô lại và ngọt ngào.
Tôi cực kỳ thích đoạn ở khách điếm của chưởng quỹ mập, A Phỉ đá một cước văng cả ghế dài và Tạ Doãn tránh một chiêu tung tới, cũng cực kỳ thích Tạ Doãn bỉ ổi mặt dày, võ công bị phong bế cũng không sao cả, biết trốn là được.
Có một chi tiết mà tôi ấn tượng sâu sắc, đó là Tạ Doãn tức giận muốn bốc khói khi Chu Phỉ cãi hắn chạy đi chặn hậu tiện thể chọc tới Thanh Long chúa. Bề ngoài Tạ Doãn là người vô lại láu cá nhưng bản chất vẫn là một thiên hoàng quý tộc quy củ lễ độ, bụng đầy lửa giận mà nghẹn họng không thốt được lời mắng chửi nào, đã thế Chu Phỉ còn rất không tự giác tiếp tục thêm dầu vào lửa.
Và cuộc chiến tranh lạnh của hai người khiến người ta dở khóc dở cười.
Tạ Doãn hẳn là người rất chín chắn, nhưng tôi xem cả bộ truyện thì điều ấn tượng sâu sắc nhất là sự ấu trĩ không đáng tin cậy thể hiện ngoài mặt của hắn. Lần nào cũng vậy, chuyện gì hắn cũng nghĩ thấu đáo, hắn là người bị hiện thực và đau khổ mài giũa đến cực hạn mà trở nên chín chắn, thế nhưng ngoài mặt lại cứ nghiêm túc gây chuyện với A Phỉ, đúng là ngọt lịm.
Tôi đọc truyện rất nhiều năm, nhưng chưa từng thích một cô gái nào đến mức như A Phỉ.
Kỳ thực nàng khá phóng khoáng, đánh một trận là quên hết đầy bụng ấm ức, dù nàng có tính xấu không sửa được, có sự ngây thơ hơi lạnh nhạt và lỗ mãng không rành thế sự. Nhưng trong quá trình xuống núi lăn lộn chốn giang hồ, sự ngây ngô ấy đã mài ra lưỡi đao khí phách. Hung tàn, lạnh lẽo, vô thường, nàng bị tiền nhân và hiện thực xô đẩy đến bên vách núi mài ra sự sắc bén không gì cản nổi, đánh đâu thắng đó. Trong thoáng ngẩn ngơ, thỉnh thoảng người khác mới phân biệt được dung mạo mềm mại như thuở ban đầu và sự tỉ mỉ ẩn sau vẻ kiêu ngạo bướng bỉnh của nàng.
Quãng đường họ đi rất gian nan, khiến người ta cảm nhận được sự ngọt ngào và có chút xót xa.
Giống như văn án nói, nguyện người đứng trước mũi đao sắt lạnh, có thể nhìn thấy ánh mặt trời. Đại khái có thể xem là một lời chúc phúc nhẹ nhàng nhỉ.
“Hữu Phỉ” là giang hồ tôi thích nhất, tôi cực kỳ thích đao của A Phỉ, con gái vốn nên như vậy, dù lang sói nắm quyền thì mũi đao sáng ấy vẫn như ánh mặt trời sớm tinh mơ.
8/8/2018 – Bắc Yến Hành (北晏行)
TRẦN THỊ THÙY LAM dịch
Đây là quyển sách đầu tiên tôi xem của Pi Pi, cũng là quyển sách mà tôi cực kỳ rung động.
Lý do thích một quyển sách không gì ngoài ba yếu tố: xây dựng nhân vật, nội dung và cách hành văn. Tạ Doãn không đứng đắn, Chu Phỉ ngầu lòi, Lý Nghiên đáng yêu… đều rất lay động lòng tôi. Doãn ca bề ngoài phong lưu ngả ngớn nhưng thực tế nội tâm lại vô cùng đáng tin cậy. Chu Phỉ xinh đẹp, kiêu ngạo, chính trực, về sau cũng biết bông đùa. Họ đều mang trên mình phong thái nghĩa hiệp. Cơn lũ hiện thực cuốn họ trôi về phía trước, song họ đều không đánh mất bản tâm, lòng vẫn vẹn nguyên chí hướng.
“A Phỉ, ngoài quỷ thần ra, kẻ cất bước giữa thế gian đều là phàm nhân, vì sao con không dám tin, rằng đao trong tay mình có thể không gì không phá?” Đó là cái dũng của quyết chí tiến lên, không sợ hãi, không lùi bước. Cái dũng ấy của A Phỉ không phải là cái dũng của kẻ mãng phu, cô biết rõ trình độ bản thân mình. Có một bài đồng nhân ca “Hữu Phỉ” mà tôi cực kỳ thích, đó là bài “Chỉ bút xuân thu”, tôi nghe đi nghe lại rất nhiều lần, vô cùng thích phần phối âm của nó:
“Hậu nhân của danh môn.” A Phỉ nói: “Không, ta vẫn chưa xứng.”
Từ đầu đến cuối, trong lòng cô luôn mang niềm kính nể.
Doãn ca nói: “Tay cô cầm vũ khí sắc bén, chỉ cần mũi đao hướng về phía trước là có thể vượt mọi chông gai, không chỗ nào không thể đi. Sinh tử, tôn ti, anh hùng hay hèn nhát, vô số con đường đặt dưới chân cô, đúng sai phải trái hiền ngu trung gian, đều chỉ trong một ý nghĩ của cô, còn chưa đủ may mắn sao?” Tôi thật sự rất cảm động, nghe đi nghe lại rất nhiều lần. Đoạn sau là “Cô có biết đa số người sống ở đời, hoặc bị hạn chế bởi xuất thân, hoặc bị hạn chế bởi tư chất, đều chỉ có thể phó mặc cho số mệnh, không thể làm chủ, chưa bao giờ có cơ hội lựa chọn?”, giọng anh bàng bạc mang đến cho tôi cảm giác Doãn ca nhìn mọi việc vô cùng thấu suốt. Siêu siêu thích. Một con người lập thể, đa diện, sinh động, đầy sức lay động lòng người. Đoạn đầu Doãn ca sợ A Phỉ bị hỏa thiêu nên lao đi tìm cô, nỗi lo lắng trong nháy mắt ấy, hành vi không lý trí ấy càng khiến anh thêm đầy đặn, thêm khiến người ta yêu thích và rung động.
Văn của Pi Pi luôn phóng khoáng, văn cổ đại tự có cảm giác chính trực mênh mang nhưng lại thể hiện rất nhiều mặt và tinh tế, lơ đãng đi vào lòng người.
Tôi nhớ mãi khi nhìn thấy câu được in trên trang bìa sách “Hữu Phỉ”: “Ánh trăng cô độc tự soi, lòng dạ như băng tuyết”, tôi cảm động ngay tức khắc. Phảng phất như tôi có thể thấy dáng vẻ họ không thẹn với lương tâm, lòng dạ như băng tuyết, đứng ngạo nghễ trong trời đất.
Ngoại truyện của sách không dài nhưng khiến tôi mãi khó bình tâm. Cuộc đời Ân Bái rốt cuộc là lỗi của ai đây, chẳng qua là tạo hóa trêu ngươi, người đành bất lực mà thôi. Bên cạnh chuyện giang hồ của thế hệ trẻ, giang hồ của thế hệ trước cũng khiến người ta xúc động. Một giang hồ được vẽ nên chỉ với dăm ba câu: mỹ nhân ca múa, thỏa thuê uống rượu chơi cờ, các tiền bối giao du với nhau lấy chữ nghĩa làm đầu, chân thành đối đãi. Hào nghĩa giang hồ sống động trên trang giấy.
Hoàng thành thăm thẳm gió mưa có lúc nào ngơi.
Lời tuy ít ỏi nhưng ý nghĩa vô vàn.
Về mặt nội dung, từ đầu đến cuối truyện luôn có sự xen kẽ lẫn nhau. Văn của Pi Pi dường như đa phần đều rất hùng vĩ, rất sâu sắc. Mà sâu sắc nhiều lúc sẽ lộ vẻ khô khan, nhưng văn của Pi Pi lại biết đan cài nhiều tình tiết thú vị gây cười khiến các nhân vật trở nên đầy đặn hơn. Xem tiểu thuyết mà, nhiều lúc chỉ là một thú tiêu khiển, làm thế nào để luôn thu hút độc giả là điều rất quan trọng. Về mặt này, cách hành văn của Pi Pi khiến tôi rất thích, nó không chọc cười nhảm nhí mà biết cách điều hòa, khắc họa nhân vật theo cách tài tình. Tôi cảm thấy câu chữ hay nhất không gì khác ngoài mang đến cho người ta ấm áp. Nó không chỉ là một câu chuyện, nó còn mang đến những thay đổi tích cực cho cuộc sống của chính bạn. Bất luận thay đổi ấy lớn hay nhỏ đều đáng để vui vẻ. Cám ơn văn của Pi Pi mang đến cho tôi niềm vui và cảm xúc, cùng tôi vượt qua một quãng thời gian không ngắn cũng chẳng dài.
Hi vọng tình yêu trong văn Điềm Điềm luôn bền lâu, cũng nguyện mỗi người chúng ta khi đứng trước mũi đao sắt lạnh có thể nhìn thấy ánh mặt trời.
1/5/2019 – Kỷ Hoài (紀淮)
TRẦN THỊ THÙY LAM dịch
Bộ này thuộc top 3 ngôn tình ở Tấn Giang trong vòng nửa năm trở lại đây, mình chấm đc 4+/5. Thể loại là cổ đại, giang hồ, nữ cường.
Nhìn chung kết cấu truyện hơi giống mấy bộ võ hiệp, chỉ khác ở chỗ nhân vật chính là nữ nên năng lực của nữ chính được đề cao và thường gặp tình huống lơ ngơ lượm được bí kíp, trong cái rủi có cái may. Tuy vậy vẫn ko gây cảm giác quá lố, tính cách các nhân vật cả chính lẫn phụ đều rất thú vị. Riêng nữ chính thì phải nói là quá mạnh mẽ, mạnh từ suy nghĩ cho đến hành động, có thể chống lên một mảnh trời để bảo hộ thân nhân, bạn bè mình.
Bối cảnh truyện là vào thời nam bắc phân tranh. Nữ chính là con chủ trại thổ phỉ đặt giữa 2 vùng nam bắc, nơi yên bình duy nhất tách biệt khỏi khói lửa chiến tranh. Vậy nên từ nhỏ ngoài việc luyện đao và vui đùa cùng chúng bạn thì nàng chưa từng phải lo nghĩ điều gì. Cho đến khi cha nàng được mời về giúp Nam triều, 2 năm sau nữ chính cũng bước chân vào giang hồ.
Lần xuống núi này nữ chính vô tình cứu được các huynh đệ của mình, rồi theo chân họ làm tiếp nhiệm vụ đưa gia đình một trung thần về trại. Thế nhưng chẳng may giữa đường lại bị quan quân Bắc triều vây giết nên tất cả đều chết sạch, chỉ còn nàng cùng một cô tiểu thư thoát được. Từ đây hàng loạt biến cố xảy ra và nàng bị cuốn vào những âm mưu, ân oán giữa các phe phái, gia tộc. Nữ chính lúc này hơi ngây thơ, nhưng nàng không ngu ngốc mà lại có khả năng quan sát và suy luận khá tốt. Trong lúc cố gắng tránh mọi phiền phức, nàng vẫn chú ý xâu chuỗi các sự kiện để đưa ra phán đoán thích hợp. Điều mình thích ở nữ chính là tính cách phóng khoáng, bộc trực, thẳng thắn, không chấp nhặt so đo hơn thua. Hơn nữa nàng lại rất nghĩa khí, luôn bước lên trước bảo vệ kẻ yếu, đến độ chỉ cần xuất hiện thì người khác sẽ an tâm mà dựa vào. Nhưng đồng thời nàng vẫn nhận thức rõ năng lực bản thân nên dù có nóng tính đến đâu cũng không làm việc thiếu cân nhắc.
Nam chính thì thuộc dạng lạc quan yêu đời, miệng mồm nhanh nhạy, da mặt hơi dày (lúc bói may rủi còn dùng đồng xu 1 mặt là “vạn sự đại cát”, 1 mặt là “hữu kinh vô hiểm”. Chàng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành của nữ9, đã giúp nàng vượt qua những thời khắc khó khăn nhất để trui rèn một thân đầy bản lĩnh.
Lần đầu họ gặp nhau là lúc nữ chính trốn ra khỏi trại, rơi vào cơ quan trận pháp suýt mất mạng và được nam chính cứu. Lần thứ hai nữ chính đi tìm người thì thấy nam chính nhếch nhác trong động đá, hỏi ra mới biết chàng bị bắt nhốt nhưng rất vui vẻ ở lại trò chuyện với bộ xương khô bên cạnh, sau đó còn chỉ cho nữ chính đường ra. Nhìn chung nam chính thân phận đặc thù nên suy nghĩ cũng rất khác thường. Tuy võ công làng nhàng nhưng trên trời dưới đất không việc gì không biết, đến mức nữ chính còn thường xuyên nghĩ tới cảnh chàng rình mò nghe trộm nhà người khác. Mà thật ra cũng gần như thế, chàng từng lăn lộn trong cái bang, từng lên chùa theo hòa thượng, từng làm đủ nghề, đi đủ các nơi, cuối cùng rút ra kết luận là vào thanh lâu viết tiểu khúc là dễ kiếm tiền nhất.
Nam chính ngoài kiến thức rộng thì chỉ được có khinh công là cực cao, hễ xảy ra chuyện thì chuồn biến đi (tự đánh giá: cỡ mình là “xuất thần” nhưng chưa “nhập hóa”, còn thiếu một chút là tới trình “đằng vân giá vũ” :)). Ấy vậy mà có lần đang dẫn đầu cả đám bỏ chạy, phát hiện ra nữ chính còn ở lại đoạn hậu thì chàng lập tức vòng về giúp. Khi mọi việc qua đi, chàng rất giận nhưng nữ chính chẳng để ý. Thế là nàng đi đâu chàng cũng vác cái mặt cau có theo đuôi, để nàng trông thấy mà biết chàng đang dỗi. Rồi đến lúc vì bảo vệ trại của nữ chính mà độc phát chỉ còn chờ chết, chàng vừa sợ nàng lo lắng, áy náy, vừa trông ngóng nàng có thể nhìn ra chút khác thường trong sắc mặt mình. Cuối cùng vẫn là không nỡ để nàng đau lòng nên giấu nhẹm đi.
Xét tổng thể thì thời gian nam nữ chính bên nhau không nhiều, cũng không có cử chỉ thân mật hay lời ngon tiếng ngọt, thế nhưng vẫn có thể cảm nhận được tình cảm sâu đậm họ dành cho nhau, vì dù ở đâu hay đang làm gì, bất cứ lúc nào họ cũng hướng về đối phương. Đoạn cuối nam chính có hơi thảm một chút nhưng tác giả là mẹ ruột nên yên tâm là HE.
Anw, cả truyện không cẩu huyết hay não tàn gì nhưng đây là thời loạn nên có vài tình tiết khá tàn nhẫn. Các nhân vật chính phụ đều có thể xuống tay giết người rất dứt khoát, không đơn thuần chỉ vì chính hay tà mà là hành động dựa trên lập trường và lợi ích của phe mình. Cảnh báo trước khi đọc.
Mình thì ưng nhất mấy đoạn các nhân vật nữ che chở nhau chứ ko phải chảnh chọe tại sao bọn đàn ông không lo cho mình. Như cô em họ của nữ chính ấy, dù bản thân kém cỏi nhưng lúc nguy cấp vẫn theo bản năng chắn đỡ cho cô tiểu thư. Làm người phải thế mới được chứ.
Chỉ có 1 chỗ hơi hơi mất cảm tình là ban đầu nữ chính vì nam chính mà đối đầu với mẹ mình, nhưng nghĩ lại cũng không quá đáng lắm vì mạng là do anh cứu nên mới tin tưởng, với cả nhìn anh khi đó cũng có vẻ tử tế.
– Tran Phg Anh
Tóm tắt Hữu Phỉ
Xem mục lục “Hữu Phỉ” là có thể nhận ra, Điềm Điềm đặt tên quyển rất có tâm, tên quyển đều lấy từ thơ cổ, nên hôm nay tôi viết một bài phân tích về tên quyển, tiện thể học hỏi thêm kiến thức về thơ cổ cũng không tồi.
Bài phân tích này theo quan điểm cá nhân, nếu không đúng cũng xin giơ cao đánh khẽ.
Quyển 1: Mưa núi toan sang, gió ngập lầu (chương 1-11)
Trích từ bài “Hàm Dương thành đông lâu” của Hứa Hồn.
“Mây khe vừa nổi, nắng chìm gác. Mưa núi toan sang, gió ngập lầu.” (câu thơ dịch của Trần Trọng San)
Quyển thứ nhất bắt đầu khi các nhân vật xuất hiện và kết thúc ở Chu Dĩ Đường rời nhà ra đi, chủ yếu giới thiệu khái quát về 48 trại.
Chu Dĩ Đường rời đi là thất bại đầu tiên Chu Phỉ khắc cốt ghi tâm, cũng là mắt xích quan trọng trong quá trình trưởng thành của nàng, từ đó nàng biết “lựa chọn” là đạo của kẻ mạnh. Tạ Doãn truyền tin, Chu Dĩ Đường ra đi, bức màn loạn thế được vén lên một góc, chốn đào nguyên trông như hoàn hảo đã che đi một lớp bóng mờ, tức “mưa núi toan sang”, gió đã thổi đến Thục Trung rồi.
Quyển 2: Nhà muôn dặm một ly rượu đục (chương 12-44)
“Nhà muôn dặm một ly rượu đục, Yên Nhiên chưa tạc về sao được.” (câu thơ dịch của Nguyễn Chí Viễn)
Trích từ bài “Thu tứ” (Ngư gia ngạo) của Phạm Trọng Yêm.
Quyển thứ hai tên như ý nghĩa, các thiếu niên giang hồ bước khỏi chốn đào nguyên cũ, lần đầu nhìn ngắm thế giới bên ngoài, cảm giác mới lạ nhanh chóng bị chôn vùi bởi cảnh tiêu điều xơ xác, đích thân trải nghiệm nóng lạnh nhân gian.
Từ chương 15 xuống núi tới chương 95, A Phỉ mới xem như về đến nhà. Những khó khăn trong đó không đếm xuể, đường về quê thăm thẳm xa xăm. A Phỉ không còn giới hạn trong chốn đào nguyên năm xưa nữa mà đã rèn luyện được lưỡi đao qua vô số lần ngàn cân treo sợi tóc.
Quyển 3: Bụi vàng phủ hết anh hùng (chương 45-72)
“Xưa nay trên con đường dưới núi Bắc Mang, bụi vàng cuồn cuộn không biết đã che phủ bao nhiêu anh hùng, đời người luôn có nỗi oán hận như nước quanh năm luôn chảy về đông.” (Kim cổ Bắc Mang sơn hạ lộ, Hoàng trần lão tận anh hùng, Nhân sinh trường hận thủy trường đông.)
Trích “Lâm giang tiên” của Nguyên Hảo Vấn.
Ở quyển này, A Phỉ và Tạ Doãn dính vào ân oán giữa Sơn Xuyên kiếm và Thanh Long chúa. Truyền nhân Bắc đao bỏ mạng, hậu nhân Sơn Xuyên kiếm xen lẫn đám gian tà. Liên tưởng tới sự ngã xuống của Khô Vinh thủ ở quyển 1, không thể không thở dài cảm khái đời người nhiều nỗi hận.
Anh hùng già yếu, mỹ nhân tuổi xế chiều, là điều không giữ được ở nhân gian, cũng là nỗi bi thương lớn nhất khiến người ta xúc động.
Song, A Phỉ mơ thấy Nam đao, Khô Vinh chân khí lưu chuyển trên người nàng, cũng khiến người ta sinh hi vọng, trông ngóng một truyền kỳ của thời đại mới.
Quyển 4: Ánh trăng cô độc tự soi, lòng dạ như băng tuyết (chương 73-95)
“Cảm hoài vầng trăng sáng lẻ loi tự chiếu, bao nhiêu năm quẩn quanh giữa núi non và biển cả mà lòng vẫn sáng trong như băng tuyết.” (Ứng niệm lĩnh biểu kinh niên, Cô quang tự chiếu, Can đảm giai băng tuyết.)
Trích “Quá Động Đình” (Niệm nô kiều) của Trương Hiếu Tường.
Quyển thứ tư đầy mùi khói lửa bao phủ 48 trại – nơi từng là một chốn đào nguyên. Phản loạn trước mắt, đại đương gia ở ngoài, A Phỉ bắt đầu học gánh vác 48 trại, làm thế nào để lập uy, dùng người như thế nào… Còn Tạ Doãn hối hận vì để lộ chút tâm tư “tiểu nhân” của mình.
Nhưng dù A Phỉ cố học làm thủ lĩnh ra sao chăng nữa, cô cũng không có năng khiếu làm lá ngọc cành vàng sợ chết, vẫn xách đao làm châu chấu đá xe. Tạ Doãn cảm thấy mình mang lòng dạ tiểu nhân, nhưng không ngại phát độc mà ngăn chưởng của Cốc Thiên Toàn.
Họ đều có lòng dạ sáng trong như băng tuyết.
Quyển 5: Thơ vạn quyển, rượu ngàn chung (chương 96-120)
“Thơ vạn quyển, rượu ngàn chung, mấy khi nhìn đến hầu vương?” (Thi vạn thủ, rượu thiên thương. Kỷ tằng trứ nhãn khán hầu vương?)
Trích “Tây đô tác” (Giá cô thiên) của Chu Đôn Nho.
Quyển thứ năm viết về hai người Phỉ Doãn, Thấu Cốt Thanh của Tạ Doãn và tâm trạng dao động của A Phỉ. Sau khi trải qua nỗi tuyệt vọng tột cùng, A Phỉ ngộ được cảnh giới “vô thường”, cầm thanh Toái Già đi về hướng ánh sáng.
Tạ Doãn đầu thai vào vương tôn quý tộc, nhưng số mệnh đã định hắn gắn bó với “đại thổ phỉ” chốn núi rừng.
Nơi lòng ta an ổn chính là quê hương, hà tất ngó đến hầu vương?
Quyển 6: Tỉnh giấc xuống đò rời bến sớm, tương tư ngàn dặm vọng trăng lầu (chương 121-157)
Trích “Đối tuyết túy hậu tặng Vương Lịch Dương” của Lý Bạch.
Quyển thứ sáu Phỉ Doãn không thể gặp được nhau, cùng lắm là A Phỉ gặp Doãn lúc không còn ý thức. A Phỉ rời khỏi Đông Hải, trải qua phong ba bão táp chốn giang hồ nhưng luôn mang sợi tương tư thắt vào người Tạ Doãn băng qua sơn thủy, dù cách trở xa xôi ngàn dặm cũng không hề có sự cách ngăn.
Có nỗi tương tư ấy, dù nhất thời bỏ lỡ cũng không sao.
Quyển 7 (quyển cuối): Ráng chiều cò lẻ cùng bay, nước thu trời rộng là đây một màu (chương 158-cuối)
Trích “Đằng Vương các tự” của Vương Bột.
Quyển này là cao trào nội dung và tuyến tình cảm, hai người bị đẩy đến cực hạn rồi hồi sinh, Nam Bắc triều thống nhất, dòng máu nóng lại chảy trong cơ thể Tạ Doãn. Ân Bái, Mộc Tiểu Kiều, Nghê Thường phu nhân, Triệu Uyên, Thẩm Thiên Khu, Ưng Hà Tòng… đủ loại người đan dệt nhau chấn động lòng người, cuối cùng trần ai lắng đọng, Khô Vinh chân khí và Đoạn Thủy Triền Ti đều tỏa sáng rực rỡ.
“Cho nên người đã khuất không phải vô hình vô ảnh, mà vùi chôn trong xương máu người còn sống.”
Giang sơn đời nào cũng có nhân tài, mỗi người một vẻ rạng ngời trăm năm.
23/4/2019 – Ngật Quốc Vương Đích Ngư (吃国王的鱼)
TRẦN THỊ THÙY LAM dịch