Lần cập nhật gần nhất June 19th, 2023 - 06:06 pm
Mười lăm năm trời sống như một khuê tú vì mong muốn được lấy một tấm chồng tốt, ai ngờ cuối cùng Liễu Ngọc Như lại phải gả cho một kẻ ăn chơi trác táng nổi tiếng cả Dương Châu. Sau những tháng ngày sầu não, nàng đã giác ngộ ra rằng: “Lấy kẻ ăn chơi trác táng thì việc gì phải làm khuê tú nữa?”
Review Trường phong độ
Cốt truyện Trường Phong Độ được triển khai từ một ý tưởng khá đơn giản. Liễu Ngọc Như cũng như bao thiếu nữ phong kiến, dành cả thanh xuân bồi dưỡng bản thân trở thành hào môn khuê tú chỉ để gả được một tấm chồng tốt. Thân là đích trưởng nữ, nàng lại phải sống khép nép dè chừng bởi vì có một người cha sủng thiếp diệt thê. Chính vì vậy, vị hôn phu Liễu Ngọc Như nhắm tới chính Diệp Thế An – tài tử nức tiếng thành Dương Châu, gia phong đoan chính, lại còn có gia huấn nếu đến tuổi 40 mà chính thê không con mới được cưới thiếp. Quả là tình nhân trong mộng của mọi cô gái. Càng tuyệt vời hơn là Liễu Ngọc Như và Diệp Thế An đã được đính hôn từ nhỏ. Diệp Thế An là hình tượng của một cuộc sống an bình mà Liễu Ngọc Như hướng tới trong suốt tám năm ròng rã kể từ khi gặp được chàng. Liễu Ngọc Như có yêu Diệp Thế An hay không? Nói một cách chính xác, sự hiểu biết của nàng về chàng chẳng qua chỉ là bóng dáng mơ hồ của 8 năm trước, phần nhiều vẫn là về gia phong Diệp gia. Có lẽ, thứ nàng yêu chỉ là cuộc sống an ổn mơ ước nàng sẽ có được sau khi gả cho Diệp Thế An.
Nhưng ông bà ta có câu: Đời không như là mơ. Trời xui đất khiến, Liễu Ngọc Như mơ một giấc mộng, giấc mộng về một kẻ chẳng liên quan gì đến nàng – Cố Cửu Tư. Trong mộng, Cố gia bị kẻ gian hãm hại, Cố Cửu Tư cả người đầy máu, vứt bỏ tôn nghiêm quỳ gối cầu xin mạng sống cho mẹ mình. Kết quả cuối cùng vẫn là châu chấu đá xe, máu đỏ mặt đường. Cố Cửu Tư trong đời thực là người thế nào? Lắm tiền nhiều của, ăn chơi trác táng, quan trọng là rất đẹp trai. Một người như vậy và khuê tú Liễu Ngọc Như như hai đường thẳng song song, nhưng giấc mộng kì lạ đó là như tơ hồng dẫn dắt, khiến Liễu Ngọc Như không khỏi chú ý Cố gia, chú ý Cố Cửu Tư, để rồi hàng loạt chuyện dở khóc dở cười xảy ra khiến cho đôi hoan hỉ oan gia này về chung một nhà, nằm chung một giường, à không, Cố Cửu Tư bị Liễu Ngọc Như đá xuống giường, làm gì được nằm trên giường.
Cố Cửu Tư là một công tử bột chính hiệu. Nhà giàu nức tiếng thành Dương Châu, lại có cậu làm quan trong triều, không ai không nể mặt. Bản thân lại có cái mặt tiền đáng đồng tiền bát gạo. Hễ cậu phóng ngựa trên đường, ai không tặc lưỡi khen một câu “Hay cho thiếu niên phong lưu!”.
Ấy nhưng một Cố Cửu Tư, một Cố gia bề ngoài rực rỡ nhưng ẩn chứa nguy cơ như vậy, lại không phải thứ Liễu Ngọc Như hướng tới. Nhìn cái mặt đào hoa nở rộ của Cố Cửu Tư mà xem, rõ là tướng tam thê tứ thiếp, lại liên tưởng đến giấc mộng của nàng, Cố gia sớm muộn cũng gặp họa. Liễu Ngọc Như cảm thấy đời mình xem như đã tàn. Ngày cưới gả, tân lang Cố Cửu Tư bất mãn dùng dằng, tân nương khóc ướt gối như chết cha chết mẹ.
Thành thật mà nói, nhân vật Cố Cửu Tư làm mình khá bất ngờ. Mẫu nhân vật ăn chơi trác táng hóa tài tử giỏi giang như này không hiếm, nhưng có thể vừa ngây thơ khả ái vừa trường thành chín chắn như này đúng là đãi cát tìm vàng. Nhất là Cố Cửu Tư còn có một tư tưởng cởi mở đến bất ngờ. Trong đa phần các truyện khác, nhân vật nam phong kiến có tư tưởng tiến bộ (sẵn lòng để vợ mình ra ngoài, để vợ làm chủ gia đình,…vv) đều thường là sau khi yêu và chiều nữ chính mà ra. Còn Cố Cửu Tư thì ngay từ ban đầu đã có tư tưởng tân tiến này rồi.
Cố Cửu Tư mỉm cười, nói: “Chúng ta thương lượng nhé. Ta biết nàng cũng chẳng thích gì ta cả. Như vậy đi, sau này nhà giao cho nàng quản. Nàng cũng có thể lấy tiền trong nhà đi làm ăn. Đợi đến khi nàng tự gầy dựng được cơ nghiệp của mình, tự kiếm được rất nhiều tiền rồi, nàng để ý đến ai, hoặc là ta thích một ai đó, chúng ta sẽ hòa ly. Thấy sao?”
….Cố Cửu Tư mặc sức tưởng tượng tương lai tốt đẹp, cậu nghiêm túc lên kế hoạch: “Ta nghĩ kỹ rồi. Phụ nữ các nàng quan tâm đến thanh danh bởi vì muốn gả vào một nhà tốt. Mà gả vào một nhà tốt chính là để sống thật tốt. Vậy nếu như bản thân nàng có thể tự mình sống thật tốt, thế thì nàng không cần phải gả cho ai đó tốt nữa. Không cần gả tốt, vậy thì người đời có nói ra nói vào thế nào cũng đâu quan trọng nữa, đúng không?”
“Đời người cũng chỉ có mấy chục năm, cần gì phải chuốc thiệt thòi vào bản thân, uổng phí một lần được sống. Nàng Liễu này. Đợi khi nàng trở thành một phú thương danh giá, gặp được một người thật tình yêu thương nàng, người đó tất nhiên sẽ cưới nàng. Y sẽ ở bên nàng cả đời. Cả đời chính là như vậy đấy. Nếu không gặp được ai, thì sống một mình cũng chẳng sao cả.”
“Còn ta ấy à, rồi ta cũng sẽ gặp được một cô gái mình thương. Đương nhiên, không gặp được cũng không sao. Ta cảm thấy tự mình chơi xúc sắc cả đời cũng chẳng hề gì. Run rủi gặp được người đó, ta muốn ở bên nàng ấy cả đời. Ta thương nàng, nhất định sẽ không để nàng chịu ấm ức…”
Lúc này đây, Cố Cửu Tư vẫn chưa yêu Liễu Ngọc Như, từng câu từng chữ của cậu không chỉ dành cho riêng Liễu Ngọc Như mà còn là cho phụ nữ nói chung. Một gã ăn chơi trác táng của thời phong kiến mà lại có giác ngộ tân tiến đến cả đàn ông thời hiện đại còn lắm kẻ thiếu hụt như này thì đúng là báu vật. Đáng tiếc, đối với Liễu Ngọc Như, những lời này chẳng khác nào đang bức chết nàng. Nàng là danh môn khuê tú, tư tưởng cổ hủ cắm sâu trong đầu. Một cô gái bị hưu ngay ngày đầu tiên bước qua cửa nhà chồng, chuyện bẽ bàng như vậy, ai còn thiết sống trên đời. Cố Cửu Tư ăn trọn một cái tát của người vợ mới cưới.
Một đôi oan gia như vậy, ngỡ như không thể nào giải. Có điều, Liễu Ngọc Như bề ngoài yếu đuối nhu nhược, nội tâm lại mạnh mẽ cứng cỏi. Còn Cố Cửu Tư trông thì có vẻ kiêu căng ngạo mạn, lại ngoan ngoãn nghe lời bất ngờ.
Liễu Ngọc Như cảm thấy đâm lao phải theo lao, quyết tâm nắn chồng thành mẫu chồng lý tưởng của mình. Cố Cửu Tử vì cảm thấy có lỗi với nàng, nhẫn nhịn chiều theo những yêu cầu của Liễu Ngọc Như. Chiều, chiều mãi, cuối cùng lại thành ra cam tâm tình nguyện vượt qua từng đợt tập huấn gà bay chó sủa, Liễu Ngọc Như bỗng phát hiện, ớ anh chồng nhà mình hình như không ngốc, trái lại còn hơi bị thông minh á.
Từ đó về sau đôi vợ chồng này cùng tiến cùng lùi, chăm chỉ phấn đấu vì “một tương lai tốt đẹp hơn”, nhân tiện rải cơm chó cho người đọc.
Một điều mình thích ở đôi này là từ những mâu thuẫn tư tưởng khác biệt ban đầu, hai người sẵn lòng trao đổi, trò chuyện, để rồi từ đó thấu hiểu nhau hơn. Cố Cửu Tư cực kì tôn trọng Liễu Ngọc Như, là sự tôn trọng giữa người với người. Không phải vì yêu mà tôn trọng, mà là tôn trọng rồi dẫn đến yêu. Không có một Cổ Cửu Tư khai sáng tư tưởng, dẫn dắt nàng đi mở mang tầm mắt, hẳn đã không có một phú thương Liễu phu nhân sau này. Không có một Liễu Ngọc Như cứng cỏi cùng cậu vượt qua cảnh tan cửa nát nhà, là động lực để cậu tiến tới, hẳn đã không có một Cố thừa tướng danh chấn thiên hạ sau này. Hai người như thể sinh ra là dành cho nhau. Điều buồn cười là xuyên suốt cả truyện, đôi này lúc nào cũng có suy nghĩ cố gắng phấn đấu để có thể “bao nuôi” nhau. Liễu Ngọc Như vất vả truân chuyên chỉ để kiếm thật nhiều tiền làm hậu phương vững chắc cho Cố Cửu Tử. Cố Cửu Tư thì cố gắng tranh quyền đoạt thế, càng leo càng cao để làm ô dù to lớn cho Liễu Ngọc Như.
1/3 đầu truyện là sự va chạm, thấu hiểu nhau của đôi trẻ. Sang 2/3 sau, cốt truyện mở rộng và đào sâu về quyền mưu, chính trị và tranh đoạt thiên hạ. Và ở đây, tác giác thực sự đã tô điểm thêm cho tác phẩm của mình bằng tư tưởng “Do dân, vì dân”. Với những thể loại tranh đoạt thiên hạ thế này, không thiếu tác phẩm đi theo hướng “đại nghĩa diệt thân”, “một người hi sinh vì mọi người”. Mặc Thư Bạch tạo một lối đi riêng. Lối đi này hiển nhiên không dễ. Làm thế nào để miêu tả cuộc chiến giành thiên hạ đầu rơi máu chảy mà vẫn tràn ngập tình yêu thương giữa người với người? Ý tưởng này vô cùng thử thách với bút lực người viết. Viết kém, câu chuyện trở nên giả tạo, viết tốt, đó chính là tuyệt phẩm. Trường phong độ rơi vào trường hợp sau. Sự trưởng thành qua từng ngày của Cố Cửu Tư, sự bối rối khi đứng trước ngã rẽ làm một chính khách đúng nghĩa hay làm một quan phụ mẫu được miêu tả rõ ràng dễ hiểu. Khoảnh khắc Diệp Thế An vì thù nhà mà phản bội đạo quân tử của mình đối lập với một Cố Cửu Tư xưa nay chẳng biết đạo quân tử là gì lại kiên quyết giữ vững lập trường bảo vệ dân chúng không kém phần xúc động.
Điều đáng tiếc duy nhất là tác giả có vẻ quá yêu nhân vật của mình, mà cụ thể là Cố Cửu Tư nên đã quay xe giữa chừng, không để cha của cậu – Cố Lãng Hoa chết. Mình khá tiếc nuối tình tiết này. Cố Lãng Hoa là thương nhân, một người cha thương con nhưng không biết cách thể hiện, luôn dùng nắm đấm và những lời mắng để dạy dỗ Cố Cửu Tư. Và cũng Cố Lãng Hoa ấy, khẳng khái hi sinh vì gia đình.
Trong lửa lớn, truyền đến tiếng Cố Lãng Hoa cuồng tiếu rung động.
“Tháng tám thu cao, gió thét già,
Cuộn mất ba lớp tranh nhà ta.
Mảnh cao treo tót ngọn rừng xa
Mảnh thấp bay lộn vào mương sa.”Cố Cửu Tư nghiến chặt mắt đau đớn, Liễu Ngọc Như níu chặt lấy cậu.
“Trẻ con thôn nam khinh ta già không sức,
Nỡ nhè trước mặt xô cướp giật,
Cắp tranh đi tuốt vào luỹ tre
Môi khô miệng cháy gào chẳng được.”Nước mắt Cố Cửu Tư tuôn rới, ánh lửa đã ngập trời, xung quanh đông người chỉ trỏ, Vương Vinh đứng đó mắng nhiếc, nổi giận: “Đi, hồi phủ.”
“Từ trải cơn loạn ít ngủ nghê
Đêm dài ướt át sao cho trót?”Giọng Cố Lãng Hoa dần trở nên khàn đặc. Ông đứng trong ở ánh lửa, xung quanh hừng hực lửa nóng, bất chợt, ông bật cười sang sảng:
“Ước được nhà rộng muôn ngàn gian
Khắp thiên hạ, kẻ sĩ nghèo đều hân hoan,
Gió mưa chẳng núng, vững vàng như thạch bàn!”Vừa dứt lời, xà ngang đứt đoạn, từ trên cao đổ ập xuống.
Âm thanh, con người, bao nhiêu vui buồn tan hợp, bao nhiêu đớn đau biệt ly.
Tất cả đều bị chôn vùi.
Đây là một trong những đoạn khiến mình khóc ướt gối của truyện. Cảnh tượng bi tráng lại diễm lệ. Cố Lãng Hoa chẳng phải tướng quân sa trường, chẳng phải văn nhân mặc khách. Nhưng thời khắc ấy, ông chính là anh hùng, chính là kẻ sĩ tức cảnh nhà tan than van vận nước.
Tiếc là tác giả lại sửa mất cảnh này.
Trường Phong độ chưa hẳn là một bộ truyện hoàn hảo về nhiều mặt, nhưng câu cú gãy gọn, xây dựng nhân vật thú vị và tư tưởng chủ đạo cực kì thuyết phục người đọc. Nam nữ chính chăm chỉ rải đường, bên nhau ngọt ngào không khúc mắt hiểu lầm, luôn hết lòng nâng đỡ nhau. Bối cảnh thiên hạ loạn lạc, có những chuyện trông thấy mà đau đớn lòng, cũng có những chuyện ấm áp dịu dàng. Trong đắng có ngọt, trong ngọt có đắng. Dư vị để lại vô tận. Thời buổi bão hòa như bây giờ, đọc được một bộ truyện vừa đáng yêu vừa hội tụ đấu trí đấu dũng thế này là rất đáng thưởng thức.
– Tran Buu Lam
Tóm tắt Trường phong độ
Liễu Ngọc Như là đích nữ của một gia đình buôn vải nhỏ, phụ thân không thương, mẫu thân yếu đuối, di nương lộng hành. Sống trong hoàn cảnh như thế nên từ nhỏ Liễu Ngọc Như đã học cách nuốt nước mắt vào lòng và luôn hành xử theo khuôn phép để tranh thủ thiện cảm từ người xung quanh. Cô nương bị vây bởi bốn bức tường hậu viện phấn đấu suốt mười lăm năm chỉ để lấy một lang quân như ý, để nửa đời sau mình có người dựa vào.
Cố Cửu Tư là đích tử của nhà giàu số một Dương Châu, được phụ mẫu yêu chiều hết mực, chưa kể còn có cữu cữu giữ chức Lại Bộ Thượng thư. Hắn sống sướng từ nhỏ, thích gì làm nấy mà chả hề quan tâm miệng lưỡi thiên hạ. Mơ ước to lớn đời hắn là được lang bạt giang hồ để hành hiệp trượng nghĩa.
Cuộc đời hai người sẽ vĩnh viễn chẳng giao nhau nếu Cố Cửu Tư không thốt ra câu đùa khiến phụ mẫu hắn hiểu nhầm con mình thích Liễu Ngọc Như. Và thế là chàng thì nghiến răng nghiến lợi còn nàng thì khóc cạn nước mắt để bước vào cuộc hôn nhân bất đắc dĩ.
Ông bà ta đã nói: Gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Chỉ tiếp xúc vài lần với vũng mực đen sì như Cố Cửu Tư đã đủ để Liễu Ngọc Như vứt bỏ hình tượng khuê tú mình dày công xây dựng sau ba ngày thành hôn. Ngày đó, cô khuê tú chuẩn mực cầm đao đến thanh lâu rồi lôi cổ phu quân về và bắt hắn đi trên con đường dùi mài kinh sử kiếm cáo mệnh cho nàng.
Chính từ đây, mối quan hệ được xây dựng từ một trò đùa dần biến thành sự thật.
Càng tiếp xúc với Cố Cửu Tư, Liễu Ngọc Như càng hiểu hắn không phải mực mà là đèn; một ngọn đèn sáng rực tựa ánh mặt trời. Hắn thông minh, chính trực, trọng tình trọng nghĩa. Cố Cửu Tư có thể hết lòng vì huynh đệ thân thiết nhưng hắn cũng có thể nhận hai mươi roi để đòi lại công bằng cho cô thê tử mà hắn bị ép cưới.
Liễu Ngọc Như biết mình quản được Cố Cửu Tư chẳng phải vì nàng giỏi mà vì hắn luôn nhường nhịn nàng. Cuộc hôn nhân này đâu phải lỗi của mình hắn nhưng hắn vẫn gánh hết trách nhiệm và chưa từng trút giận lên đầu Liễu Ngọc Như. Hắn biết nàng vô tội, giận chó đánh mèo nàng thì thật vô lý và quân tử không thể ngu muội làm điều vô lý.
Từ ngày quen Cố Cửu Tư, Liễu Ngọc Như đón nhận rất nhiều lần đầu tiên. Cô nương Liễu gia luôn phải chịu ấm ức kia lần đầu tiên được thử sức với kinh doanh; lần đầu tiên được đi chơi khắp chốn vào ngày sinh nhật; lần đầu tiên có người đứng trước kẻ ức hiếp nàng và khẳng khái tuyên bố, “Nàng thích buôn bán thì ta cho nàng làm, nàng thích dạo phố thì ta cho nàng dạo. Lão tử sủng nàng, thương nàng, là để súc sinh như ngươi sỉ nhục nàng à? Hôm nay lão tử nói cho ngươi hay, lần sau nhìn thấy nàng thì cách xa ba trượng cho ta!”
Đời này, gả cho Cố Cửu Tư chính là may mắn lớn nhất của nàng.
Ban đầu Cố Cửu Tư nghĩ Liễu Ngọc Như là cô nương đậm chất vùng non nước Giang Nam: mảnh mai, điềm đạm, nho nhã. Trong mắt hắn, nàng là cô nương tốt nhưng không phải cô nương hắn thích; mẫu người lý tưởng của hắn là dám yêu dám hận, khoa trương, và thích làm càn.
Song càng quen biết Liễu Ngọc Như, hắn càng hiểu có những sự cứng cỏi chỉ xuất hiện vào thời điểm nhất định. Khi hắn chờ chết dưới lưỡi đao của binh lính, có một nữ tử nhỏ nhắn đứng trên cao đốt lửa đánh lạc hướng cho hắn chạy thoát. Khi hắn gục ngã vì sự vô dụng của bản thân, có một nữ tử ngày thường luôn ăn nói nhỏ nhẹ đã quát, “Đứng lên!” Khi hắn hoang mang trước muôn vàn ngã rẽ, có một nữ tử vĩnh viễn mỉm cười kiên định với hắn, “Có ta ở đây.”
Liễu Ngọc Như không phải một cô nương tỏa sáng rực rỡ như thái dương, nàng là ánh trăng dịu dàng chỉ đường giữa đêm đen mỗi lần hắn lạc lối.
Đời này, cưới Liễu Ngọc Như chính là may mắn lớn nhất của hắn.
Nhưng Trường Phong Độ không chỉ đơn thuần là chuyện tình giữa hai con người nhỏ bé, đi cùng với sự trưởng thành của họ là hai chủ đề xuyên suốt cả bộ truyện.
Con người có thể vượt qua định kiến dành cho bản thân không?
Mười lăm năm đầu đời, ước mơ của Liễu Ngọc Như là gả cho lang quân tốt và đạt được địa vị cao thông qua hôn nhân. Thật ra cũng khó gọi đây là ước mơ của nàng, vì nó giống như một tiêu chuẩn mà các cô nương đều hướng tới. Họ lẫn Liễu Ngọc Như không biết đến nơi nào khác ngoại trừ chốn hậu viện chật hẹp và cũng chẳng rõ bản thân có thể làm gì ngoài lấy chồng sinh con.
Nhưng Liễu Ngọc Như may mắn được trao cơ hội tỏa sáng trong lĩnh vực kinh doanh. Nhờ đó nàng mới biết bản thân có thể thành lập đội vận chuyển nối liền Bắc – Nam; có thể được gọi là Liễu lão bản chứ không chỉ là Liễu tiểu thư hay Cố thiếu phu nhân; có thể xây dựng học đường lẫn nhà từ thiện để trao cơ hội cho những mảnh đời bất hạnh. Hơn hết, nàng tự hào thành quả này do chính nàng gieo trồng gặt hái chứ chẳng dựa dẫm vào đức lang quân nào cả.
Qua Liễu Ngọc Như và những cô nương quanh nàng như Vân Vân – người xuất thân nghèo khổ và từng nghĩ làm thiếp thôi cũng tốt lắm rồi – bộ truyện cho thấy chỉ cần được trao cơ hội, nữ nhân chẳng thua kém bất kỳ ai. Họ đủ sức gánh vác trách nhiệm trên đôi vai và lúc cần họ sẽ vung đao bảo vệ những điều quan trọng. Liễu Ngọc Như từng bước rời khỏi bốn bức tường hậu viện tù túng và đến cuối cùng, nàng đứng giữa sông nước mênh mông dùng thân giữ đê với quyết tâm lấy cái chết trấn giữ Hoàng Hà.
Còn Cố Cửu Tư thì từ ngày làm quan, dường như xung quanh ai cũng đang ngấm ngầm nói với hắn làm quan phải biết uốn gối khom lưng, kết bè kết đảng, và thiên hạ bá tánh là cái gì đó rất vặt vãnh còn quan trọng nhất là tiền đồ của bản thân.
Song Cố Cửu Tư cho mọi người thấy không chỉ có một cách làm quan. Hắn từ chối lợi dụng chức quyền để làm việc phi pháp; dù trên chiến trường hay khi tham gia cải tạo đê, hắn cũng lăn lộn cùng binh lính và dân chúng; giây phút bá tánh bỏ cuộc, hắn vẫn kiên quyết tuân thủ trách nhiệm của mình.
Hắn bảo, “Vì ta là quan.”
Chính vì là quan – ăn lương thực do bá tánh nuôi trồng và nhận bổng lộc từ tiền bá tánh nộp lên – nên phải làm đến cùng. Nếu là chuyện có lợi cho đất nước lẫn dân chúng thì sao lại không làm?
Cố Cửu Tư từng bước chứng minh trên đời vẫn còn quan chân chính và đến cuối cùng, những vị quan khác tự nguyện theo hắn ngồi chắn trước đại quân chuẩn bị giày xéo Kinh thành với quyết tâm lấy máu thịt bảo vệ Đông Đô.
– Trích từ bài review Trường Phong Độ của bạn Do Minh