“Lấy nước đường xa” miêu tả chân thật sự bất hạnh của những đứa trẻ sống trong các trại tị nạn, nạn nhân của các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang,… những đứa trẻ mồ côi với cuộc sống đầy mất mát đau thương, buộc phải vượt qua bằng niềm tin và chút hi vọng nhỏ nhoi.
Review Lấy nước đường xa (2)
Một cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng nhiều vấn đề to lớn trong đời thực, không chỉ tồn tại ở quá khứ mà còn ở hiện tại, có thể là cả tương lai nếu chiến tranh và những tranh chấp chính trị tôn giáo cứ xảy ra liên miên khiến những người dân lâm vào cảnh khốn khổ, đặc biệt là trẻ em.
Cuốn sách là một câu chuyện hay với lối kể nhẹ nhàng, tường thuật song song hai cuộc đời của hai đứa trẻ, hai con người, nhưng cùng chung số phận. Trong phạm vi từng ấy trang giấy, có lẽ tác giả cũng chỉ tường thuật lại được một cách ngắn gọn, có những đoạn mình thấy diễn biến sự việc hơi chóng vánh, có những đoạn lại cụt lủn, hơi chẫng, có lẽ vì không đủ dữ kiện để kể lại chính xác tường minh nên tác giả đã chỉ lướt qua. Mình đã tưởng cuốn này cũng giống như bao cuốn tiểu thuyết khác, khi nói về chiến tranh, sẽ có drama và cái kết buồn thương khôn xiết phản ánh thực tế. Nhưng mừng thay vì nó có cái kết bất ngờ và không thể tuyệt vời hơn nữa, như mở lối hi vọng và khẳng định khát khao sống mãnh liệt.
Đây là cuốn đầu tiên mình tiếp cận với cuộc sống của trẻ em Châu Phi dù đã từng nghe qua, đọc qua nhiều bài báo về cuộc sống chẳng mấy dễ dàng gì của những đứa bé đó. Điểm mình thích nhất ở “Lấy nước đường xa” có lẽ là sự trở về của nhân vật chính, đứa trẻ lớn khôn, may mắn được học tập và trở về quê hương để cứu giúp cuộc sống của những con người khốn khổ nơi đó.
Cuốn sách giống như lời cảnh tỉnh về tranh chấp giữa những tộc người khác nhau có liên quan tới hồi giáo, khiến mình có nhiều liên tưởng sâu chuỗi kiến thức về vài cuốn mình đọc trước đây (ngàn mặt trời rực rỡ, con đường hồi giáo) và mình cũng giật mình chợt nghĩ tới diễn biến chiến tranh gây ra ở Afghanistan của nhóm người Taliban các trang báo điện tử thường nói gần đây.
Chiến tranh xung đột chính trị tôn giáo dù ở bất cứ nơi đâu cũng khiến người khốn khổ mãi chỉ là người dân hiền lành, phụ nữ, trẻ em vô tội phải di cư tới các trại tị nạn của quốc gia láng giềng mà cũng chẳng nơi nào rỗng rãi dư chỗ để chứa chấp họ. Thật là đau xót quá. Mình đã không khóc, mình không khóc gì cả khi đọc cuốn này, bởi vì trước đây khi mình đọc “Ngàn mặt trời rực rỡ” mình đã phải đau đớn hơn rất nhiều lần, không phải vì chai sạn, mình chỉ là đã phỏng đoán được những trường hợp xấu nhất.
Dù có lấy đi nước mắt hay không, “Lấy nước đường xa” vẫn có ý nghĩa tuyệt đối với mình trong thời gian giãn cách nhàn rỗi, giúp mình mường tưởng hiểu ra giá trị của người trẻ hôm nay, giá trị của sự phấn đấu học tập không ngừng nghỉ. Hóa ra rằng, chúng ta sống để làm gì, nếu chỉ vì ích kỷ cho mình mình hôm nay, hay sống vì tất cả mọi người xung quanh, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn nữa.
Câu chuyện diễn ra ở Sudan, có 2 nhân vật chính và 2 câu chuyện được lồng vào nhau theo mạch thời gian, tuy nhiên mình sẽ chỉ review về phần của nhân vật nam- Salva.
Bắt đầu từ những năm 1985, đất nước rộng nhất châu Phi- Sudan xảy ra nội chiến giữa những người Hồi giáo và phe không theo Hồi giáo. Salva là một cậu bé 11 tuổi, sống trong một gia đình khá giả trong vùng, được đi học, tuy nhiên vì nội chiến lan đến bất ngờ, cậu bị cuốn vào dòng người chạy loạn. Trong đoàn người di tản, đa số nam giới đã bị ép phải gia nhập phiến quân, còn Salva do còn nhỏ nên được thả đi. Tuy vậy đoàn người gồm đa số phụ nữ, người già vẫn không chào đón cậu, vì cậu làm chậm bước di chuyển của họ, lại làm tốn thêm thức ăn. Cậu bé vừa hoang mang vì không biết là đang đi về đâu, vừa phải đi cùng những người lạ, không biết khi nào sẽ được đoàn tụ cùng gia đình.
Sau đó Salva may mắn gặp lại chú mình- một cựu quân nhân sau khi giải ngũ còn được giữ lại khẩu súng và vì vậy có thể săn bắn để lấy lương thực cho đoàn người, và trở thành thủ lĩnh của họ, nhờ đó Salva bớt cô đơn, nhưng vẫn chưa có tin tức gì từ cha mẹ. Đoàn người băng qua sông Nile đi về phía Ethiopia nơi có trại tị nạn. Trên đường đi có 3 ngày băng qua sa mạc, và đối với một đứa trẻ, đó là một thử thách thực sự. Nhưng cuộc hành trình đó đã giúp cậu hình thành nên bản lĩnh của người trưởng nhóm sau này, khi nhớ tới lời dặn của người chú: Hãy nhìn những cây bụi nhỏ (trên sa mạc) kia, cháu chỉ việc đi xa được như chúng nó là đủ. Và như vậy đoàn người đã vượt qua được thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng chưa dừng lại ở đó, vào đúng ngày cuối cùng thì họ đụng độ đám người của bộ tộc đối nghịch, chú của Salva bị họ bắn chết, lương thực bị cướp sạch. Salva lại đối diện với ánh mắt không mấy thiện cảm của đoàn người, giống như lúc đầu. Mặc dù vậy, nhớ lời dặn dò của chú, và biết rằng từ bây giờ phải tự đứng trên đôi chân mình, nên Salva đã tới được trại tị nạn, và ở đó 6 năm.
Thời gian thấm thoắt trôi, đến khi chính phủ Ethiopia sụp đổ và không còn đủ tài chính duy trì trại tị nạn, những người Sudan bị quân đội Ethiopia trục xuất, dồn ép quay lại sông Nile vào đúng mùa nước siết, buộc phải nhảy xuống nơi những con cá sấu đói mồi đang đợi sẵn, bên trên bờ là mũi súng và hòn đạn của quân đội Ethiopia. Vậy mà cậu vẫn sống sót qua tới bờ bên kia, lần này cậu trờ thành thủ lĩnh của một đám vài trăm đứa trẻ, tiếp tục hành trình về một trại tị nạn khác ở Kenya.
Quá trình ở trại tị nạn cũng giúp Salva nghe hiểu được một chút tiếng Anh và làm quen được với tình nguyện viên nước ngoài ở đó. Người này đã dạy Salva học tiếng Anh, bằng cách một ngày chỉ nhẩm đi nhẩm lại một vài chữ. Rồi cơ hội cũng tới, người ta thông báo rằng sẽ có số lượng người nhất định trong trại tị nạn được đưa sang Mỹ sống, cái tên Salva được gọi sau nhiều lần chờ đợi.
Sau khi sang Mỹ, Salva nhận được tin tức về bố mình đang ở một bệnh viện tại Sudan, và đã sang đến nơi để nhận lại, biết được tin tức rằng một anh trai và một em trai của cậu đã mất trong nội chiến. Cậu được bố cậu làm lễ tưới nước lên đầu với ý nghĩa chúc mừng một người được che chở sau hoạn nạn. Từ đó ý tưởng đưa nước về quê hương Sudan của Salva đã hình thành.
Nhưng hành trình biến ý tưởng đó thành hiện thực cũng cần rất nhiều nỗ lực. Vì số vốn và nhân lực cho dự án là không nhỏ, và Salva tự mình đứng ra gây quỹ cho dự án. Salva đến các trường học cộng đồng để thuyết trình về mục đích của mình, lần đầu tiên cậu run tới mức gần như đánh rơi micro, và sâu thẳm trong tâm là nỗi sợ tiếng Anh của mình còn chưa chuẩn, liệu mọi người có ủng hộ không. Lại một lần nữa, cậu nhớ tới những lời của người chú, và những tháng ngày làm thủ lĩnh của đám trẻ, nhớ cách cậu thuyết phục mọi người san sẻ thức ăn nước uống, phân công công việc trên hành trình dài dằng dặc, và cậu lại có dũng khí để tiếp tục.
Những giếng nước đã liên tục được xây dựng, và từ đó nhiều trẻ em không còn phải giành cả ngày đi lấy nguồn nước ít ỏi mà không sạch sẽ, không còn bị cuốn vào cuộc tranh giành giữa các bộ tộc, và có thể được đi học.
Qua cuộc hành trình của Salva, ta sẽ thấy mình may mắn như thế nào, sẽ được truyền cảm hứng về cách con người ta vượt qua nghịch cảnh, nắm giữ hy vọng. Và nhận rõ trách nhiệm phải gìn giữ môi trường trong sạch cho các thế hệ tương lai.
– Dũng