Qua từng trang, từng trang nhật ký, hình ảnh một cô gái Hà Nỗi sẵn sàng lao vào khói lửa chiến tranh vì không muốn sống hoài, sống phí những năm tháng thanh xuân hiện lên sống động, gần gũi. Với lý tưởng sống đã chọn, chị đã lao vào công việc với một nghị lực phi thường. Chị đã lăn xả vào cứu chữa thương binh, chăm sóc thương binh, tổ chức cho đơn vị di chuyển thương binh, di chuyển địa điểm để chống càn, đi công tác xuống cơ sở. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và hằn dấu giày của những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm. Trong nhật ký của chị có một tình yêu rộng lớn, một tình người gắn với lý tưởng sống, lẽ sống của cuộc đời chị, đó là tình cảm với nhân dân, với đồng đội.

- Review Nhật ký Đặng Thùy Trâm
- Trích dẫn Nhật ký Đặng Thùy Trâm
Review Nhật ký Đặng Thùy Trâm
“Đừng đốt cuốn sổ này, bản thân trong nó đã có lửa rồi”.
Quyển nhật ký mất 35 năm để trở về, tôi rất xúc động khi đọc bức thư của người cựu lính Mỹ – người lưu giữ quyển nhật ký đã kể lại hành trình đưa nó trở về với người nhà của chị, mang những tình cảm thương nhớ, sự kiên cường của chị trong suốt những năm tháng ở chiến trường về với những người thân thương.
Mỗi câu chuyện qua từng trang nhật ký là những vòng quay của bánh xe lịch sử đưa người đọc trở lại với chiến trường xưa. Những bức thư chị viết vội về nhà “giữa tiếng phản lực gào xé không gian” gom góp lại những thương nhớ khôn nguôi về gia đình ở miền Bắc đã làm thành sức mạnh giúp chị vững vàng kề vai sát cánh cùng đồng đội giữa chiến trường ác liệt ghê gớm ấy, bám trụ một bệnh xá huyện nho nhỏ cho đến ngày chị hy sinh.
Tôi là một người con của miền Nam, đọc quyển sách này vào những ngày nắng nóng tháng tư càng làm cho cảm xúc trong tôi dâng trào, tôi biết ơn và vô cùng trân trọng những gì mình được hưởng hôm nay. Những ngày này của 45 năm trước, chúng ta đang đi vào thời khắc của lịch sử, của nền hòa bình, độc lập, tự do mà hàng triệu đồng bào đã dùng chính xương máu của để đổi lấy.Xuyên suốt quyển nhật ký là những câu chữ mộc mạc xen lẫn chút lãng mạn chứa đựng tình cảm sâu nặng của chị cùng những người đồng chí mà chị đã xem họ như anh chị em của mình; vất vả nguy hiểm đi xem bệnh trong đêm, chị vui mừng rơi nước mắt mỗi khi có một ca bị thương được chị cứu sống, chị đau xót cho hoàn cảnh gia đình tang thương của đồng đội mình; rồi lại bàng hoàng khi nghe tin đồng đội hy sinh, chị mang nỗi căm hận chiến tranh đã gây ra cảnh thương vong tàn khốc, giết chết những người thanh niên còn đang hừng hực sức sống của tuổi đôi mươi.
“Thùy ơi! Bi quan đấy ư? Hãy nhìn lại đi, bên cạnh Thùy có bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu thanh niên đã cống hiến tuổi trẻ của họ cho cách mạng, họ ngã xuống mà chưa hề được hưởng hạnh phúc. Sao Th. lại nghĩ đến riêng tư? Đừng nhìn ra Bắc, hãy nhìn ở đây, ở mảnh đất còn nóng bỏng đạn bom, đau thương và khói lửa này”.
Chị rời gia đình từ miền Bắc để vào Nam công tác, cùng những người đồng chí sinh hoạt, chiến đấu ở chiến trường trong hoàn cảnh thiếu thốn, nguy hiểm cận kề nhưng những điều đó cũng không dập tắt được ngọn lửa trong tim chị. Chị gác lại những riêng tư vụn vặt để toàn tâm cho công tác. Tình yêu đôi lứa là tình yêu nhỏ, chị chỉ mang theo một ít nỗi nhớ về nó để hòa vào tình yêu đất nước bao la. Buồn khổ nhưng không bi thương. Tôi không thấy bất kì sự tiêu cực nào qua những lời chị kể. Câu chữ của chị toát lên niềm tin yêu hy vọng mãnh liệt vào cách mạng, tin vào chiến thắng cho dân tộc, tin một ngày thực sự độc lập tự do; như những lời mà người lưu giữ quyển nhật ký đã cảm nhận về chị: “Tôi không hiểu nổi bắt nguồn từ đâu mà một người con gái có thể nhìn thấy cái đẹp của màu xanh giữa chiến trường mịt mù bom đạn, vì sao cô ấy có thể nghe nổi bản giao hưởng êm đềm khi quân Mĩ gần như luôn bám sát sau lưng”.
Cũng có lúc chị bất lực, hổ thẹn vì chứng kiến những ca thương nặng vì không cứu được ngã xuống mà như chị đã viết: “Mình như tên lính bại trận giơ hai tay để cho kẻ thù tước bỏ vũ khí”. Chị miêu tả nỗi căm thù của chị cũng nóng bỏng như ánh nắng mùa hè tháng tư chói chang ở miền Nam. Mỗi đoạn nhật kí được chị ghi chép lại ngày một nhiều hơn đồng nghĩa với việc đồng đội ngã xuống trước mắt chị cũng nhiều lên. Chị là bác sĩ đồng hành trên chiến trường cho nên chị là người cảm nhận chân thật hơn ai hết sự nghiệt ngã khốc liệt của chiến tranh. Việc chứng kiến bệnh nhân cũng là đồng đội của mình lần lượt ra đi khiến nỗi xót xa trong chị ngày một dâng trào, chị căm phẫn và đã biến sự căm phẫn đó thành sức mạnh và lý do để kiên cường tiếp tục. Dẫu cho có những lúc bất lực và đau xót nhưng chị chưa bao giờ cho phép mình gục ngã; “Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao. Nhưng Thùy ơi! Hãy ghi đi, ghi cho đầy đủ tất cả những máu xương, mồ hôi nước mắt của đồng bào ta đã đổ hai mươi năm nay. Và ở những ngày cuối của cuộc đấu tranh sinh tử này, mỗi sự hy sinh càng đáng ghi, đáng nhớ nhiều hơn nữa”.
“Cuộc sống vô cùng anh dũng, vô cùng gian nan, chết chóc hy sinh còn dễ dàng hơn ăn một bữa cơm. Vậy mà người ta vẫn bền gan chiến đấu. Con cũng là một trong muôn nghìn người đó, con sống chiến đấu và nghĩ rằng mình sẽ ngã xuống vì ngày mai của dân tộc. Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc. Dĩ nhiên con cũng cay đắng vì không được sống tiếp cuộc sống hòa bình hạnh phúc mà mọi người trong đó có con đã đổ máu xương để giành lại. Nhưng có gì đâu, hàng triệu người như con đã ngã xuống mà chưa hề được hưởng trọn lấy một ngày hạnh phúc. Cho nên có ân hận gì đâu!”
Chị hy sinh khi đang cố bảo vệ những đồng chí đang bị thương của mình. Chị sống đầy trách nhiệm, gan lì đến tận giây phút cuối cùng.
Mười năm trước, tôi khi đó với tâm hồn và tư duy của một cô học sinh lớp 9, lần đầu tiên đọc quyển sách này, tôi xúc động và rất nể phục chị. Mấy ngày nay lại có cơ duyên đọc lại nó một lần nữa, quyển sách đã cũ, những con chữ vẫn nằm yên đó, tôi hôm nay đã 25 tuổi rồi. Khi đọc lại, nội dung bên trong đó dẫn dắt tôi qua từng cung bậc cảm xúc, tôi xúc động trước những dòng tâm sự của chị, tôi đồng tình với lý tưởng của chị, tôi khâm phục lựa chọn của chị và hơn hết tôi chiêm nghiệm được những giá trị sâu sắc đằng sau những dòng chữ đó. Tôi nghĩ rằng, trong những năm tháng sau này, một ngày nào đó khi lại một lần nữa lật mở từng trang sách, đọc lại từng dòng chữ này, tôi sẽ lại xúc động, lại cảm thấy tràn trề năng lượng và nhiệt huyết của tuổi trẻ; tôi sẽ lại thầm cảm ơn chị, và cảm ơn người đã giữ lại cuốn nhật ký của chị khỏi ngọn lửa thiêu đốt của chiến tranh, để người mẹ già trước khi từ giã cuộc đời có thể tận tay sờ vào và cảm nhận những tâm tình của con gái bà.
Chị đã nằm xuống hơn nửa thế kỉ, nhưng tinh thần của chị, ngọn lửa mà chị đã thắp lên từ đó mãi mãi cháy sáng và sẽ còn lan tỏa hơn nữa đến chúng ta. Chị đã để lại một thông điệp vô cùng giá trị: hãy thật giỏi trong chuyên môn của chính mình; mang tài trí cùng với tinh thần nhiệt huyết và sức trẻ để cống hiến cho Tổ quốc, cho cuộc đời. Thời chiến bom đạn là giặc, thời bình dịch bệnh là giặc. Tôi đọc về chị – một người bác sĩ anh dũng tận tâm. Tôi nghĩ đến những ngày này, nghĩ đến những bác sĩ đang kiên cường chiến đấu, cống hiến hết mình ở tuyến đầu chống lại cơn dịch bệnh. Tôi hy vọng những người bạn đang đọc bài viết này luôn luôn khỏe mạnh; cầu chúc cho tất cả chúng ta vượt qua được tình hình khó khăn hiện tại, phía trước nghênh đón cuộc sống an vui và giữ mãi được sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.