Lần cập nhật gần nhất December 30th, 2020 - 01:41 pm
Những đứa trẻ bị mắc kẹt là 5 mẩu chuyện ngắn, mỗi truyện ngắn kể về một nhân vật với cuộc sống, môi trường và những câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Nhưng tựu chung tất cả những câu chuyện đều nói về những tổn thương, những ám ảnh không tuổi thơ do cách dạy dỗ của cha mẹ đã để lại những vết sẹo trong lòng mỗi người. Và ngay cả khi đã là người trưởng thành, họ cũng không cách nào thoát khỏi vòng xoáy quá khứ. Từ đó, gây ra những hành vi phạm tội do sự kìm nén những uất ức, những nỗi đau quá lâu dài. Những đứa trẻ bị mắc kẹt là một trong số những cuốn sách hiếm hoi đi sâu vào suy nghĩ của tội phạm, tìm hiểu căn nguyên của tội ác.
Review Những đứa trẻ bị mắc kẹt (2)
“Tôi nghĩ, thế giới này được hình thành dựa trên sự nín nhịn và hi sinh của những người tốt bụng, con số chiếm chưa đến 1% tổng thể. Và tôi có thể khẳng định được điều này: bạn không phải là người tốt bụng… Thế nhưng điều đó cũng không hẳn là xấu. “
Người tốt bụng _Kanae Minato
Lần đầu tiên đọc một quyển sách về tâm lý tội phạm. Có chút ngỡ ngàng bởi những nguyên nhân sâu xa hình thành nên những tên tội phạm lại là những thứ gần gũi thường nhật đến vậy. Khi lật từng trang của quyển sách có lẽ hoặc chắc chắn rằng bạn sẽ tìm thấy hình ảnh của mình lúc nhỏ hoặc cả trong hiện tại.
- Bạn đã từng đố kỵ với anh/chị/em trong gia đình?
- Đã từng bị cha/mẹ áp đặt làm theo ý họ?
- Đã từng quen bạn trai/ bạn gái trong lúc đi học rồi bị cha/mẹ phát hiện và ngăn cấm?
- Đã từng tự cho rằng bản thân xứng đáng hơn để có được những thứ mà người khác đang có?
- Bạn đã từng nghĩ giá như một người nào đó không tồn tại thì đã tốt hơn rất nhiều, đúng không?
Những đứa trẻ bị mắc kẹt là một quyển sách về tâm lý tội phạm làm cho chính người đọc cảm thấy bản thân cũng bị kẹt trong tình thế của thủ phạm. Quyển sách bao gồm 6 chương với 5 câu chuyện khác nhau cùng những tình tiết không dễ dàng đoán trước. Quyển sách được trình bày như một bản ghi âm lại lời tự sự của các nhân vật trong một cuộc phỏng vấn. Lời tự sự có khi là của nạn nhân, khi là của thủ phạm, khi là người thân thiết với thủ phạm hay nạn nhân. Mỗi đoạn tự sự thể hiện cho người đọc cách nhìn nhận của nhân vật đối với hoàn cảnh của bản thân họ hoặc của người khác. Đôi khi lời xác nhận của hai nhân vật lại đối lập mâu thuẫn lẫn nhau làm cho người đọc không thể phân biệt đước đâu là thật đâu là giả. Và tác giả cũng chẳng thèm giải thích điều đó để ngụ ý một điều rằng con người ta chỉ thích dùng đôi mắt của họ để nhìn thấy những điều họ cho là sự thật. Bởi lối tự sự mang góc nhìn cá nhân của từng nhân vật, người đọc có thể bị đồng cảm hoá với kẻ sát nhân bởi những lời biện hộ, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng điều đấy cũng đúng thôi vì đấy chính là dụng ý của tác giả. Những đứa trẻ bị mắc kẹt chính là quyển sách giáo dục cho những bậc làm cha làm mẹ, chỉ ra lối giáo dục sai lầm của họ đối với con cái đã vô tình hình thành nên những đứa trẻ không bao giờ lớn bị mắc kẹt trong cơ thể trưởng thành. Những tổn thương về mặt tâm lý giăng lên một áng mây đen che phủ đứa trẻ khỏi sự trưởng thành từ đó hình thành nên tâm lý chống đối xã hội và những tên sát nhân.
Vụ án đầu tiên xảy ra trong một gia đình có hai đứa con gái mà cách giáo dục đối với hai người lại hoàn toàn khác nhau. Người em gái dường như được bố mẹ nuôi dạy một cách thoải mai hơn thường hay chế giễu người chị lớn tuổi, chưa chồng, thất nghiệp bị bố mẹ quản giáo nghiêm khắc đến mức sinh ra đố kỵ, căm ghét mà lại chẳng nhận ra bản thân vốn căm ghét người em gái đến nhường nào. Và cuối cùng chương truyện kết thúc với lời tự thú của người chị: “Tôi đã diệt rận”.
Ngoài sự đố kỵ của những đứa trẻ trong gia đình còn có sự đố kỵ giữa những người đồng nghiệp. Câu chuyện kể về ước mơ trở thành nhà biên kịch nổi tiếng của ba nhà biên kịch trẻ. Rốt cuộc ai mới là người bạn tri âm ai mới là kẻ thù. Rốt cuộc ai là người bị giết và ai là hung thủ cho đến khi đọc hết những trang cuối cùng của chương 2 người đọc mới thực sự được thở phào nhẹ nhõm trước những chuyển biến không ngừng của câu chuyện.
Một vụ hành hung bằng dao làm 15 người bị thương đã xảy ra, thủ phạm là Kuroda Masayuki trước đó đã từng giết 3 người làm 11 người bị thương. Một nhân vật khác xuất hiện là người bạn thuở nhỏ từng sống cùng khu nhà với Kuroda, Amano Yukina. Hai đứa trẻ sống trong hai gia đình có cùng hoàn cảnh là đều có mẹ đơn thân đã thông cảm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Song sau một đoạn tự sự dài, nhiều chi tiết, sự việc mà Amano đã kể lại bị bác bỏ hoàn toàn bởi Kuroda. Như đã nói sự mâu thuẫn về cách nhìn nhận của hai nhân vật làm cho câu chuyện trở nên vô cùng thú vị. Là đứa trẻ sống trong gia đình của người mẹ đơn thân thì tâm lý của những đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng ra sao. Những người làm cha/mẹ đơn thân có bao giờ nghĩ đến điều đó khi họ nuôi nấng đứa trẻ hay chỉ suy nghĩ rằng đứa trẻ này được sinh ra đã có phúc phần lớn lao lắm rồi. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều xứng đáng có được tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Những người trẻ khi quyết định đơn thân nuôi lớn một đứa trẻ hãy suy nghĩ kỹ đến điều này.
Thêm một vụ án mạng xảy ra mà cả nạn nhân lẫn nghi phạm đều được biết đến là người hiền lành, lịch sự, chưa bao giờ gây gỗ với ai, luôn biết chịu đựng và nín nhịn. Họ được nuôi dạy để trở thành những “người tốt bụng”. Song cuối cùng lại bị phản tác dụng và hình thành nên một nhâm cách thẳm sâu trong họ mà không một ai biết đến. Chỉ chờ một ngày thế giới bên trong họ bùng nổ.
Câu chuyện cuối cùng trong quyển sách được chia làm 2 chương. Không có người bị giết cũng không có kẻ sát nhân nhưng lại là câu chuyện đặc sắc nhất với nhiều ngụ ý mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc. Chương đầu là lời tự sự của đứa con gái bị “bà mẹ độc ác” điều khiển cuộc sống cho đến khi trưởng thành. Bất cứ bất hạnh nào đến với cô đều do “bà mẹ độc ác” gây ra: cô không được học những gì mình muốn, bạn bè bị chia rẽ, công việc không như ý, những cơn đau đầu do stress,… Người mẹ đã điều khiển đứa con gái của mình để thực hiện những ước mơ dang dở mà bà chưa có được, biến đứa con gái trở thành công cụ để thực hiện hoá ước mơ của mình. Với cô con gái gia đình là thứ gì đó đáng nguyền rủa còn người mẹ lại là cái cớ ghê tởm để cô rời bỏ quê hương. Ở chương sau, tác giả lật lại câu chuyện theo một hướng khác với lời tự sự của một người bạn cho thấy rằng người mẹ cũng có những nổi khổ riêng, những lí do chính đáng để trông cậy vào đứa con của họ, họ cũng có những nổi niềm không thể nói thành lời, không biết gửi gấm cho ai. Và chỉ có những người con sau khi đã trưởng thành và trở thành mẹ mới hiểu được những nổi niềm ấy.
Sau tất cả câu chuyện, thứ còn đọng lại trong lòng người đọc là những hình ảnh thuở nhỏ, những lần bị tổn thương cũng như những lần tổn thương người khác. Những đứa trẻ bị mắc kẹt không chỉ có một mặt nhằm giáo dục phụ huynh về cách nuôi dạy con trẻ mà mặt khác còn nhắc nhở những đứa trẻ phải biết dùng một đôi mắt khác một trái tim khác để nhìn nhận lại vấn đề của cha mẹ. Hãy thử một lần đọc qua quyển sách để thả mình vào những câu chuyện thời thơ ấu, dõi theo bước chân của những tên hung thủ và tự hỏi rằng liệu bên trong mình có tồn tại “một đứa trẻ bị mắc kẹt”???
– Mộng Vân
“Những đứa trẻ bị mắc kẹt” – “mắc kẹt” ở đâu được cơ chứ? Là lớn rồi vẫn bị ám ảnh bởi quá khứ, bởi những điều ẩn sâu trong tiềm thức không thể lãng quên đi, để rồi cứ vướng mãi, luẩn quẩn mãi không thể thoát ra và để rồi cuối cùng đưa đến những hành động hết sức đau thương.
Ai trong chúng ta cũng có một đứa trẻ không bao giờ chịu lớn, để mà cứ hằn sâu, rồi gieo nên những ích kỉ, hận thù. Đứa trẻ ấy có thể sợ hãi vì những lời quát mắng của mẹ cha, những mỉa mai, soi mói của người đời, hay là bị ép vào những nguyên tắc mà bố mẹ mong muốn để rồi cứ khép mình, cứ ấm ức, cứ tự ti, thậm chí bị dồn vào “bước đường cùng” của cảm xúc và ngay cả cảm giác được tự do trong chính tâm hồn mình cũng là một điều quá xa xỉ.
Là thể loại trinh thám nhưng đậm chất tình, “Những đứa trẻ bị mắc kẹt” đưa đến nhiều cảm xúc mang tính người hơn là cảm giác sợ hãi. Một cuốn sách gần 300 trang, với 5 án mạng, xót xa thay khi cả nạn nhân và thủ phạm đều là đã từng những đứa trẻ “bị mắc kẹt” trong chính gia đình mình, từ chính cách hành xử của người lớn và cách nhìn của những người xung quanh… để tuổi thơ qua đi, chỉ còn trong tâm trí “những đứa trẻ không lớn lên ấy” cảm giác hận thù, phẫn uất đến ngột ngạt…Có thể khẳng định rằng, tuổi thơ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong cuộc đời chúng ta. Đó là hành trình đầu tiên cho quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người, cũng là giai đoạn mà mọi hành vi tốt xấu, phải trái đúng sai đều được ghi nhớ một cách rõ nét và sâu đậm nhất. Mọi đứa trẻ đều xứng đáng được lớn lên trong tình yêu thương, sự cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia. Hãy để gia đình là cái nôi bình yên nhất để mà dù cuộc sống ngoài kia có mệt mỏi thế nào, có đau khổ ra sao thì vẫn luôn có một nơi để quay trở về, để được nâng niu và ấp ôm cho qua hết đi những ngày giông bão.
“… Nếu có một điều ước thì tôi mong rằng cậu ấy sẽ sống thật hạnh phúc dưới bầu trời này…”
– Lê Trang
Trích dẫn Những đứa trẻ bị mắc kẹt
“Cậu ấy đã không được sống những ngày hạnh phúc. Vậy mà tôi lại đi nói với cậu ấy về việc tôi đang sống rất hạnh phúc. Hơn thế, tôi lại còn kể cho cậu ấy nghe về chuyện tôi đã có người yêu. Chắc chắn là cậu ấy cảm thấy bị phản bội lần nữa sau một khoảng thời gian dài không gặp: Nhờ có ai mà mày có được hạnh phúc?…”
“Hồi nhỏ, trong cuốn truyện cổ tích “Nàng tiên cá” của Andersen mà mẹ đã mua cho tôi, có viết rằng: Nàng tiên cá đã có được đôi chân, nhưng cùng với mỗi bước chân nàng bước lên bờ là cảm giác đau đớn vô cùng, giống như đang bước đi trên dao vậy.
Tôi vẫn nhớ, khi đó, với tâm hồn trẻ thơ của mình, tôi vừa đọc vừa thương nàng tiên cá: “Dù có thích hoàng tử đi chăng nữa thì nàng tiên cá có cần phải chịu đựng đau khổ đến thế để được sống trong thế giới loài người hay không?” Trong khi, thế giới của người cá không phải là một nơi khó sống, mà ngược lại, còn được miêu tả như một thế giới vô cùng lấp lánh khiến tôi lại càng cảm thấy khó hiểu hơn. Tôi thầm nghĩ, giá mà nàng cứ sống vui vẻ trong thế giới người cá có phải tốt hơn không? Nhưng nàng tiên cá đã trót biết về thế giới bên ngoài. Tôi cứ nghĩ rằng, vì biết nên điều này là đương nhiên nhưng rồi tôi nhận ra không phải như vậy.
Nỗi đau này có lẽ cũng giống với nàng tiên cá.”
“Những người không thể biến cảm xúc đố kị của mình thăng hoa thành sức mạnh lạc quan lại hầu như là đàn ông…”
“Kể từ lúc mối quan hệ của tôi với mẹ tôi trở nên không tốt đẹp lắm, thi thoảng tôi đã nghĩ mình không nên sinh ra trên cõi đời này. Tôi cứ tưởng tượng ra một thế giới mà mình không tồn tại, ở đó mẹ tôi và những người bạn của mẹ đang cười đùa vui vẻ. Mỗi lần như vậy, tôi lại có ý nghĩ muốn biến mất khỏi thế giới này…”
“Tôi nghĩ, có lẽ mình có trí tưởng tượng mạnh hơn những người bình thường khác – Nó chỉ là hơi khác một chút về mặt ý nghĩa so với trí tưởng tượng phong phú. Bởi vì tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra những thứ tươi đẹp cả. Ngay cả những thứ không đâu khi đã chui vào sâu trong não của tôi cũng trở thành những hình ảnh tưởng tượng tăm tối đau khổ đến mức tôi muốn nôn ọe hay hét lên và cứ thế lan tỏa trong đầu tôi.”