“UZBEKISTAN – Giấc mơ màu lam ngọc” là cuốn nhật ký ghi lại những khoảnh khắc đời thường của gia đình nhỏ tại xứ sở Nghìn lẻ một đêm, họ làm quen với những người bản địa, thăm thú những ngôi đền cổ kính, cắm trại trên sa mạc và dạo bước trên thảo nguyên. Qua lời kể gần gũi cùng những hình chân thực trong cuốn sách, người đọc sẽ hiểu thêm về đất nước và con người Uzbekistan cũng như cách gia đình du mục Việt – Ý trở thành công dân toàn cầu, hòa nhập cùng thế giới.
Review Uzbekistan giấc mơ màu lam ngọc (2)
Theo dấu chân của tác giả – du lịch qua những trang sách
Ấn tượng của bạn về Uzbekistan là gì? Một trong những đất nước kết thúc bằng vần “stan”, nằm đâu đó ở phía Trung Á và đoán là có nền chính trị bất ổn; hay đất nước đã đối đầu trực tiếp với Việt Nam trong vòng chung kết U23 Châu Á năm ấy? Thật sự đất nước này khác xa những gì chúng ta nghĩ.
Nếu ai đã từng đọc Chuyện lạ Châu Phi hay biết đến Hảo Phạm Fiori thì chắc cũng đã biết cô ấy và gia đình du mục nhỏ của mình đã dành 10 năm rong ruổi khắp miền Châu Phi khắc nghiệt với những trải nghiệm thú vị mà quý giá. Tiếp nối cuộc hành trình đó, họ lại cơ hội đến với Uzbekistan – xứ sở Nghìn lẻ một đêm với những háo hức và mong chờ…
Cũng như chúng ta, khi chưa tìm hiểu về Uzbekistan, Hảo Phạm Fiori e ngại khi đất nước này gần với “chảo lửa” Afghanistan. Thật may là đường biên giới dài 150 cây số đó có rào chắn an toàn nhất thế giới với hệ thống bảo vệ an ninh nghiêm ngặt.
Và suốt hành trình trên những trang sách của Hảo Phạm, Uzbekistan hiện lên thật đẹp và tuyệt vời. Là một đất nước với nguồn tài nguyên dầu quặng dồi dào, Uzbekistan có những phát triển nhất định. Trong đó, phải kể đến là “Hệ thống tàu điện ngầm sạch nhất thế giới.” được trang uztourism.uz đánh giá. Những công trình ở đây cũng lưu giữ được nét của Liên Xô cũ cùng với nét thiết kế của nghệ thuật dân gian Trung Á đặc sắc, độc đáo tạo nên một thủ đô Tashkent thật hào hoa.
Con người ở đây thì thật là thú vị mà đáng mến. Theo đạo Hồi nhưng họ rất cởi mở. Họ vô cùng hiếu khách, họ “nghiện” trang điểm, họ có đời sống tinh thần phong phú đến nỗi “ai cũng biết chơi ít nhất một nhạc cụ và các môn thể thao trí tuệ”,…Một câu nói của họ khá ấn tượng là “Lênin bảo thế!” – họ nói khi làm điều tốt đẹp ^^
Tác phẩm còn khiến mình rất ấn tượng là câu chuyện dạy con nhỏ của Hảo Phạm – nghiêm khắc mà đầy sự yêu thương với cốt lõi giá trị “Gia đình là mãi mãi”. Những đứa con của chị sống trong môi trường như vậy, được tiếp xúc với những nền văn hóa khác nhau, chắc chắn sẽ lớn lên thật tốt. Và mong rằng cuộc hành trình của gia đình chị nói riêng, của những Bác sĩ xuyên biên giới sẽ được bình an.
—Câu chuyện của một gia đình đa văn hóa—
“Tôi luôn khuyên các con nên tận dụng những cơ hội này để nghe, để ngắm, cảm nhận những nơi đã đi bằng mọi giác quan. Đó chính là điều khác biệt giữa trải nghiệm sống và việc ngồi thoải mái trên đi văng xem phim tài liệu…”
“Hảo Phạm Fiori và chồng đã quyết định từ bỏ cuộc sống ổn định ở Ý để lên đường theo các dự án cứu trợ của một tổ chức nhân đạo, bắt đầu hành trình trở thành công dân toàn cầu. Hơn 10 năm trôi qua, gia đình đa văn hóa của 2 vợ chồng giờ là tổ ấm gồm 5 thành viên.”
Lần đầu tiên nhìn thấy cuốn sách này, mình đã “phải lòng” nó. Phải lòng bởi tựa đề, bởi sắc xanh màu lam ngọc xinh xắn. Ở cuốn sách này, Hảo Phạm Fiori đã kể lại hành trình của gia đình họ khi đến với Uzbekistan, xứ sở Nghìn lẻ một đêm.
Không biết có phải do “duyên”, mà mình hay tìm được và rất thích những cuốn sách chứa đựng đôi nét về một quốc gia nào đó. Uzbekistan cũng vậy. Theo chân hành trình của gia đình đa văn hóa này với lời văn pha chút dí dỏm hài hước của tác giả, mình được biết thêm những điều thú vị và kỳ lạ về con người và văn hóa ở nơi đây, “một đất nước Trung Á ít người biết nằm ở đâu trên bản đồ thế giới”
Lần đầu tiên đặt chân đến sân bay, gia đình chị được đón tiếp như… khách VIP với “đám đông rẽ sang hai bên nhường lối” vì người Uzbek rất mến khách, đặc biệt là người nước ngoài.
Sau đó là hành trình ở Tashkent, thủ đô của nước Cộng hòa Uzbekistan, thành phố “thay da đổi sắc qua mỗi mùa”, có các đại lộ, tượng đài hoành tráng “mang đậm phong cách điêu khắc Liên Xô”…
Là những chuyến đi đến các “thành phố cổ đại trên sa mạc mênh mông mà thương nhân thời xưa dừng chân trên hành trình vạn dặm của Con Đường Tơ Lụa”
Con người Uzbek thì có đời sống tinh thần, văn hóa phong phú mà “mỗi người đều biết chơi ít nhất một nhạc cụ”…
Còn rất nhiều điều thú vị khác nữa và đan xen trong đó là những mẩu chuyện về gia đình đáng yêu của tác giả. Ấn tượng với mình hơn cả chính là sự ra đời của cậu út Bibo, “cậu bé đến từ giấc mơ màu lam ngọc”. Mặc dù Bibo cuối cùng được sinh ra ở Thái Lan, nhưng bé đã đến với gia đình họ ở Uzbekistan, “mảnh đất hạnh phúc, và em bé chắc chắn sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc”
Đây không phải cuốn sách hướng dẫn du lịch, cũng không phải một cuốn bách khoa toàn thư về đất nước Uzbekistan. Nó chỉ đơn giản là những ghi chép từ một người vợ, một người mẹ của 3 đứa trẻ Baba, Bubu và Bibo (tên gọi 3 đứa con đáng yêu của gia đình chị). Những dòng ghi chép ấy đã mang đến cho mình cảm giác thích thú khi tìm hiểu về một đất nước và cảm xúc nhẹ nhàng từ những câu chuyện gia đình đầy yêu thương.
“Tạm biệt Uzbekistan – chiếc vương miện long lanh của Trung Á”
Trích dẫn Uzbekistan giấc mơ màu lam ngọc
Lenin bảo thế!
Bác thợ trung tuổi to béo có khuôn mặt đặc sệt Nga ngẩng lên nhìn tôi hỏi: “Cô cần gì?”
“Bác sửa cho tôi cái thắt lưng này với?”
Bác thợ ngắm nghía một hồi rồi bảo: “Cái vòng cổ chó này đẹp đấy.”
“Ấy chết, của con trai tôi đấy ạ!”
Bác thợ và ông khách người Nga cười ha hả, vậy là màn chào hỏi diễn ra tốt đẹp. Trong lúc ngồi chờ bác sửa thắt lưng, tôi tranh thủ ngắm những thứ bác treo trên tường: một con gấu Misha bằng gỗ, một cái đàn ghi ta nhỏ xíu, […] Nhưng thứ khiến tôi tò mò hơn cả là lá cờ đỏ có hình Lenin treo ngay sau lưng bác thợ với dòng chữ: “VINH QUANG THUỘC VỀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA XÔ-VIẾT”.
Ồ một món đồ lịch sử! Tôi bèn hỏi bác thợ: “Cho phép tôi chụp một tấm hình nhé! Tôi thích lá cờ có in hình Lenin này”.
“Cô biết ông ta à?” Bác ngẩng lên hỏi.
“Tôi là người Việt Nam đấy!”
“À, ra thế.”
Tôi đánh vần những chữ in trong tờ giấy dán trên tường: Trẻ em dưới 5 tuổi và người già trên 70 tuổi được sửa giày miễn phí. “Thật vậy ạ?” Tôi hỏi lại cho chắc.
“Lenin bảo thế đấy!” Ông khách Nga nói xen vào trong khi bác thợ gật gù: “Ừ, tôi giúp họ thôi.”
Tôi nghĩ thầm, việc sửa giày chắc chẳng kiếm được bao nhiêu, bác ấy làm thế quả là tốt bụng.
Bác thợ chăm chú sửa chiếc thắt lưng một cách cẩn thận. Sau khi hoàn thiện những đường khâu cuối cùng bằng chiếc máy quay tay, bác đưa lại cho tôi.
“Bác sửa đẹp quá, hết bao nhiêu thế ạ?”
Bác thợ chẳng nói gì, chỉ đưa tay lên hình Lenin và bảo: “Chẳng mất đồng nào hết. Cô mang về đi.”
“Ơ, sao lại thế ạ?”
“Thì Lenin đã bảo vậy mà!” Ông khách Nga tua lại câu cũ. Hình như ông ta có mỗi câu này để nói, nhưng cũng thật đáng mến.
“Ấy không được đâu, tôi muốn gửi tiền bác thật mà! Hơn nữa cậu con trai của tôi lớn hơn 5 tuổi rồi ạ!”
“Không có gì, tôi không lấy tiền.” Bác thợ trả lời dứt khoát, một tay đặt lên ngực tỏ ý chân thành.
Tôi xúc động đến mức chẳng biết nói gì hơn ngoài việc cảm ơn. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao nhiều người ca ngợi về sự hiếu khách và tốt bụng của người Nga đến vậy.
10 ngày sau, tôi cùng con trai quay lại cửa hàng của bác thợ, mang theo chai nước hoa quả và hộp bánh thì thấy bác đang chuẩn bị ra ngoài cùng ông “bạn hữu” hôm trước. Thấy bác, tôi chào lớn: “Đây là cậu bé đã được bác sửa thắt lưng cho, cháu nó muốn đến để cảm ơn. Còn gói quà này là của bác ạ.”
“Gì vậy? Ấy ấy không đâu!” Bác thợ vừa nói vừa xua tay.
“Được mà, Lenin bảo thế đấy!” Tôi ấn gói quà vào tay bác rồi kéo con trai về thật nhanh.
Ông bạn Nga cười ầm lên, còn bác thợ cũng cười rất tươi. “Lenin bảo thế!”