Câu chuyện được viết theo lối song song: quá khứ và hiện tại. Những người đàn ông của tương lai hoài niệm về bản thân trong những năm tháng lưng chừng tuổi trẻ, ngỗ nghịch và dại ngờ. Đó là sự điên cuồng không tên chỉ có ở tuổi trẻ, vĩnh viễn không có lại lần hai. Ba Chàng Ngốc là câu chuyện về một tình bạn trượng nghĩa, một gia đình ấm áp đầy tình thương, về tình người trong xã hội xô bồ hiện tại. Không chỉ dừng lại đó, cuốn sách còn là cái nhìn châm biếm về hệ thống giáo dục đương thời.
Review Ba chàng ngốc
Mẹ tôi đã từng nói: “Trong đời người, sẽ có một vài khoảnh khắc mà con dùng cả năm dài chỉ để đổi lấy vài giây ngắn ngủi như thế”. Một câu nói tuy đơn giản nhưng ẩn sâu trong đó lại là cả một bầu trời chân lí. Quả thật, thanh xuân giống như một ly trà, có đắng có chát nhưng cũng có ngọt bùi, thấm thía. Thoặt đầu thì có sợ sệt, muốn lùi bước nhưng khi trải qua rồi mới thấy tiếc. Tiếc vì không làm hết khả năng của mình để đối đầu với thử thách, cũng tiếc vì nản chí mà đánh rơi cơ hội của mẹ thành công ban tặng. Tôi dường như bị cuốn hút bởi những câu chuyện ấy.Và thế là vô tình tôi phát hiện ra cuốn sách “Ba chàng ngốc” của Chetan Bhagat- một tác giả người Ấn Độ với những ý nghĩa vô cùng sâu sắc.
Chetan Bhagat sinh năm 1974, là một nhà văn đầy tri thức của vùng đất Mumbai. Anh đã được nhận bằng kỹ sư cơ khí của học viện công nghệ Ấn Độ Delhi vào năm 1995, sau đó anh tiếp tục học MBA từ học viện quản lý Ấn Độ Ahmedabad và tốt nghiệp năm 1997. Sách của anh thường đạt được ngay vị trí best seller từ khi mới phát hành và được chuyển thể thành nhiều bộ phim lớn của Bollywood. Nổi bật trong các sáng tác của Bahagat là cuốn sách “Ba chàng ngốc” đầy ý vị.
Cuốn sách kể về tình bạn bất diệt của ba chàng sinh viên Hari, Alok và Ryan chân ướt chân giáo bước vào mái nhà Học viện kỹ thuật Ấn Độ(IIT). Ba chàng trai đến từ ba mảnh đất khác nhau nhưng họ có chung lý tưởng sống cao đẹp và hoài bão đáng mong ước. Họ cùng nhau đối mặt với những hố đen trong cuộc sống và luôn sát cánh bên nhau”. Tác phẩm mang đến rất nhiều ý nghĩa cho độc giả về thành công, tuổi trẻ, và cả những trải nghiệm đầy thú vị.
Lấy bối cảnh từ ngôi trường IIT đứng đầu Ấn Độ, tác phẩm “Ba chàng ngốc” xoay quanh những tình huống dở khóc, dở cười trong cuộc đời sinh viên. Cách xây dựng nhân vật đầy tính họa đã giúp cho “Ba chàng ngốc” trở thành tác phẩm để đời của Chetan Bahagat. Dù cho tác phẩm có tên là “Ba chàng ngốc” nhưng có lẽ họ “ngốc” giống như cách mà Steven Jobs đã từng khuyên các sinh viên trường đại học Stanford trong lễ tốt nghiệp “Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ”.
Nhân vật chính trong câu chuyện này là Ryan, Alok và Hari, “Ba ngôi sao thời trung học nhưng lại hóa ba chàng ngốc đì đẹt điểm trung bình ngày đại học với đủ trò quậy phá và cũng là ba chàng ngốc sát cánh bên nhau nếm trải tình bạn khắc cốt ghi tâm, nào tình yêu vượt qua mọi rào cản, nào tình thầy trò sáng trong thân thiết, nào tình cảm gia đình sẵn sàng xả thân. Với Alok thì Hari và Ryan là hai người luôn bên cạnh và bảo vệ mình, là người sẵn sàng rời khỏi Kumaon vào nửa đêm khi bố câu ốm. Với Ryan, hai người bạn ấy là hai tri âm, tri kỷ, chỉ có họ mới hiểu nỗi lòng của kẻ thiếu thốn tình thương yêu từ cha mẹ. Còn đối với Hari, họ là những người “đồng lõa” cùng cậu trèo lên ban công nhà cô bạn gái chỉ để chúc mừng sinh nhật.
Với tôi mỗi chàng trai lại để lại sự ấn tượng khác nhau. Alok là một kẻ nhút nhát nhưng ở anh có niềm đam mê bất diệt với ngành kĩ sư, có lòng hiếu thảo đáng quý và tấm chân tình đáng trọng. Khi thầy hiệu trưởng Viruts để Alok phải đứng giữa 2 lựa chọn: Hoặc gia đình hoặc bạn bè, anh đã lựa chọn cách tiêu cực nhất: Tự tử, nghĩa là trốn tránh tất cả. Anh đã chọn nhìn mọi thứ theo hướng tiêu cực. Còn Ryan, lại luôn nhìn mọi thứ với con mắt lạc quan. Thay vì bỏ cuộc hay trốn chạy thực tế, cậu ấy chọn cách đối mặt với nó và tìm cách giải quyết các vấn đề.Chính tinh thần ấy của Ryan đã dạy Alok cách đối diện với cuộc sống và những nỗi sợ hãi: Không phải bằng thánh thần hay cầu nguyện, mà bằng chính thái độ sống của bản thân.Đó là bài học sâu sắc thái độ sống của mỗi con người.
Còn Hari, anh là một người luôn khao khát trở thành một nhiếp ảnh gia chân chính và không quên động viên mình trước sự soi mói của thiên hạ. Anh có một câu nói khiến tôi không bao giờ quên: “Nếu con trở thành một nhiếp ảnh? Con sẽ kiếm được ít tiền hơn, đúng không? Nhà của con sẽ nhỏ hơn, xe hơi cũng nhỏ hơn. Nhưng bố ơi, con sẽ hạnh phúc. Con sẽ thực sự hạnh phúc. Bất kể con làm điều gì, con cũng sẽ làm theo trái tim mình”. Câu nói giúp tôi có thêm động lực để sống với đam mê bởi chúng ta cần yêu công việc mà mình đang làm và đó là lúc mà chúng ta có thể làm những điều to lớn hơn với tâm thế rất thoải mái.
Nhân vật đặc biệt nhất là Ryan, với những câu nói “cực ngầu” để bày tỏ quan điểm như “Hãy theo đuổi sự ưu tú, thành công sẽ theo đuổi bạn” và vô vàn những câu nói, cử chỉ, hành động ấn tượng. Cậu có quan điểm rất rõ ràng về giáo dục, luôn nỗ lực bảo vệ nó và muốn mọi người xung quanh thay đổi một cách tích cực. Ryan nói:“Luyện thi có thể giúp cậu vượt qua 4 năm đại học nhưng sẽ hành hạ cậu 40 năm tiếp theo.Học không phải là việc học thuộc y hệt những từ ngữ trong sách… Học là hiểu những điều đó và có thể diễn đạt bằng ngôn từ của bạn… Cậu có biết vì sao tôi là người thành công đầu tiên không? Vì sao ư? Vì tôi yêu máy móc. Kỹ thuật là đam mê của tôi”. Đừng bao giờ chạy đua chỉ vì người khác cũng làm vậy, hãy cố gắng tiếp thu kiến thức để trở nên vĩ đại hơn.
Ba chàng trai đã cho tôi thấy những bài học quý giá về sáng tạo, niềm đam mê và lòng dũng cảm bất chấp mọi khó khăn. Nhưng tôi sẽ chỉ yêu thích chứ không cảm phục những chàng trai ấy nếu họ chỉ có tài năng mà không có lòng tốt. Cái mà tôi càm thấy ngưỡng mộ nhất và muốn học tập theo nhất ở tác phẩm này là những nhân vật chính không chỉ nỗ lực, cố gắng cho bản thân mình mà họ còn luôn khao khát cống hiến cho xã hội, cho một cộng đồng tốt đẹp hơn.
Thêm nữa“Ba chàng ngốc”để lại trong tôi sự sâu sắc của tuổi trẻ, cái đẹp đẽ của thanh xuân. “Thanh xuân của ai không mơ hồ”. Nhờ có ba chàng trai năm ấy mà tôi hiểu thế nào là tình bạn chân thành. “Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa”. Nếu tuổi trẻ không phát ra ánh sáng rực rỡ, mọi thứ đều mất đi sức hút.
Như tác giả đã nói ở cuối truyện, cuốn sách này không phải là bí quyết để bạn đỗ vào một “trường đại học hạng nhất”, nó cũng chẳng phải “cẩm nang dạy cách sống sót qua những năm đại học”mà ngược lại thiên truyện là những”tấm gương tày liếp về sự sa ngã nơi giảng đường một khi bạn không biết suy nghĩ cho tử tế”. Hãy lắng nghe con tim lên tiếng và làm những điều mình thích trước đã, nếu sai thì sửa, không hợp thì bắt đầu lại,cứ thế cho đến một ngày bạn sẽ phát hiện ra thứ mà mình đánh đổi mọi giá để theo đuổi.
Qua cuốn sách, tôi đã nhận ra nhiều điều. Thanh xuân ngắn ngủi lắm, hãy biết trân trọng, hãy cứ là chính mình, theo đuổi đam mê và không bao giờ từ chối thành công. “Con người sẽ có ba lần trưởng thành, lần đều tiên là khi phát hiện mình không phải trung tâm của vũ trụ; lần thứ hai là khi phát hiện cho dù bạn có nỗ lực thế nào đi chăng nữa, thì vẫn có một số chuyện khiến bản thân bất lực; lần thứ ba là khi biết bản thân bất lực nhưng vẫn cố gắng dành lấy”. Đọc xong cuốn sách, tôi mới thấy quý trọng thời học sinh THPT. Thật là đáng tiếc khi tới bây giờ mới cảm thấy trân trọng cái khoảng thời gian mà cả cuộc đời sau này cũng chẳng có cách nào để trở về nữa. Điều duy nhất mà tôi có thể làm bây giờ là học và làm theo đam mê bởi “ nếu không có ước mơ thì bạn chỉ có thể làm thuê cho ước mơ của người khác”.
Trích dẫn
“…hãy tin vào bản thân, và đừng khiến cho điểm GPA, những kỳ đánh giá khả năng hay những bước thăng tiến trong công việc trở thành thứ định nghĩa con người các bạn. Cuộc sống còn rất nhiều điều bên cạnh những thứ ấy – gia đình, bạn bè và những mục tiêu và mong muốn của bản thân. Và điểm số mà các bạn đạt được khi xử lý tất cả những khía cạnh này mới thực sự định nghĩa con người của các bạn.”
“Cái chính là nói những câu đúng thời điểm với con gái thôi, chứ ai mà quan tâm có chính xác hay không.”
“Đừng bao giờ học để thành công mà học vì sự ưu tú cho bản thân mình. Đừng chạy theo thành công mà hãy theo đuổi sự ưu tú. Khi đó, thành công sẽ đuổi theo bạn.”