Lần cập nhật gần nhất May 30th, 2023 - 05:29 pm
“Đèn không hắt bóng”, liệu nó có phải chỉ đơn giản là ánh sáng từ chiếc đèn phẫu thuật, dù cho thao tác của bác sĩ thế nào, thì nó cũng không để lại bóng, hỗ trợ tốt nhất cho các thao tác phẫu thuật vốn đòi hỏi sự chính xác cao. Hay ẩn đằng sau nó là một ẩn ý nào đó. Ánh sáng của chiếc đèn là hào quang, sự thanh cao mà mọi người thấy khi nhìn vào một người bác sĩ mà không thể thấy được bóng đen, những điều bí ẩn đằng sau họ.
Review Đèn không hắt bóng (2)
“Đèn không hắt bóng” của Watanabe Dzunichi khắc họa cuộc sống tại một bệnh viện tư Nhật Bản trong những năm 70 của thế kỷ trước. Bệnh viện đó như là một hình ảnh thu nhỏ của xã hội Nhật lúc bấy giờ với rất nhiều mặt trái: lừa lọc, dối trá, ngoại tình… Mỗi một con người là một hoàn cảnh, một số phận. Ai trong đó cũng thật bé nhỏ, đáng thương trước nỗi đau và sinh mệnh.
Nổi bật nhất chính là Naoe – vị bác sĩ thiên tài, người hé lộ cho ta thấy khá nhiều góc khuất của nghề y mà có lẽ hiếm có cuốn sách nào dám lột trần. Nhưng tất cả những điều ấy không giúp xoá đi hình ảnh một Naoe lạnh lùng đến vô cảm, chẳng mấy tận tâm với y đạo cũng như mọi thứ xung quanh.
Naoe là một kẻ truỵ lạc đến đáng ghét. Anh đắm mình vào rượu, thuốc, ma tuý và mọi người đàn bà vây quanh mình. Sức hấp dẫn khó cưỡng từ cả vẻ bề ngoài, tài năng và sự lạnh lùng của anh khiến anh có thể dễ dàng ngủ với họ, bất kể họ là ai. Và cũng chính sức hấp dẫn ấy dẫn dụ độc giả tới mức không thể rời trang sách.
Chỉ đến khi bức màn bí mật được vén lên, ta bàng hoàng nhận ra Naoe mới chính là kẻ đáng thương hơn tất thảy. Một bác sĩ thiên tài lại mắc đúng căn bệnh y học hiện đại bó tay. Anh sống truỵ lạc là để tìm kiếm những khoái cảm giúp quên đi những đớn đau cả ở thể xác và tâm hồn, dù chỉ là giây lát. Anh tự xây nên bức tường thành bao bọc mình để che đậy đi cái yếu ớt, bất lực trước sinh mệnh. Anh lạnh lùng trước tất cả để âm thầm lấy mình làm vật thí nghiệm tìm kiếm phương thuốc chữa căn bệnh quái ác. Không cần ai thấu hiểu. Cũng không cần bất cứ sự ghi nhận nào.
Cái chết mà Naoe lựa chọn là minh chứng xác thực nhất cho hình ảnh được lấy làm tiêu đề truyện: Đèn không hắt bóng. Dưới đáy một hồ nước sâu, lạnh lẽo với rất nhiều rễ cây, anh trầm mình để không bao giờ cái xác có thể nổi lên được. Có phải vì anh là thiên tài nên mọi lựa chọn đều thật khác người? Tôi không rõ. Nhưng cái chết ấy đã khiến tôi bật khóc. Nó gieo vào tôi sự ám ảnh tột cùng về sự phù du của kiếp người.
Và đớn đau hơn nữa là tình yêu. Có lẽ đến cuối cuộc đời mình, Noriko cũng không biết Naoe từng thuộc về mình hay chưa. Dù hai người vẫn bên cạnh nhau và Noriko cũng là cô bạn gái “ngoài ánh sáng” duy nhất của Naoe. Trong mối tình ấy, tôi luôn hình dung Noriko giống với hình ảnh một con thiêu thân, chỉ biết lao đầu vào ánh sáng dù đã biết trước mọi điều thiệt thòi nhất sẽ thuộc về mình.
Rất nhiều người khi đọc cuốn sách này thương cảm Noriko, và vì thế, họ ghét Naoe thậm tệ. Nhưng tôi tin Noriko hài lòng, hay ít nhất, cô được an ủi khi mọi hoài nghi, vụn vỡ, đớn đau quanh người đàn ông cô yêu cuối cùng cũng có lời giải đáp.
Khi bạn phải trải qua những giai đoạn bế tắc đến cùng cực trong cuộc đời, thậm chí phải đứng giữa ranh giới sinh tử, bạn sẽ hiểu rằng, một sự lựa chọn dù có tồi tệ đến thế nào cũng sẽ vẫn có thể được tha thứ khi nó xuất phát từ nỗi đau. Tôi tin trong câu chuyện đời của Naoe, người tha thứ cho anh không chỉ có Noriko, mà còn là cả ngàn vạn độc giả khác, giống như tôi.
– HuyenTrang Pham
Đèn Không Hắt Bóng là cuốn sách ám ảnh tột cùng về y đạo, về ý nghĩa sinh mạng của Watanabe Dzyunichi.
Nhân vật chính của tác phẩm là bác sĩ Naoe. Một thiên tài mục rỗng.
Anh trái ngược hoàn toàn với hình tượng bác sĩ thân thiện tốt bụng nghiêm trang thường thấy, Naoe là kẻ buông thả trụy lạc vô cùng. Anh đắm mình trong rượu, thuốc, ma túy và đàn bà.
Naoe có thể vớ lấy mọi người đàn bà trước mắt để làm tình. Dẫu mới trước đó anh ta đã ngủ với cô con gái thì ngay sau đó anh ta vẫn có thể ngủ với mẹ cô ta. Trong khoái cảm nhục dục Naoe không nhìn vào bất kỳ khuôn mặt nào chân thực, với anh ai cũng như ai. Khác nhau chỉ là người trước mặt có chịu ngủ với anh không. Mà hình như cũng không ai có thể từ chối anh.
Naoe đẹp, thông minh, tài hoa. Thậm chí từ anh luôn tỏa ra thứ mùi nguy hiểm, thứ mà mọi người đàn bà đều say mê.
Anh dùng đàn bà như một thứ thuốc giảm đau, còn họ cũng chỉ coi anh là một công cụ kích thích. Hai bên không ràng buộc nhau. Không có mối liên hệ nào sâu sắc. Ngoại trừ một cô gái thật lòng yêu anh. Noriko – cô y tá trong bệnh viện Naoe làm, người có thể coi là bạn gái anh.
Tôi dùng từ có thể bởi dường như trái tim Naoe cũng không đặt ở nơi Noriko. Trái tim anh tự do trước tình yêu và nó cũng là một sinh mệnh cô đơn trước vạn vật. Naoe cô đơn như chính cái thế giới mà anh đang sống. Một thế giới lạc lõng không có sinh khí, không sự sống đồng nghĩa với không hy vọng.
Naoe có lẽ cũng đã từng hy vọng căn bệnh của mình sẽ khỏi. Bởi anh vẫn còn rất trẻ, còn cả một tương lai phía trước. Chẳng có ai sinh ra đã muốn chết đi. Chúng ta chỉ đối mặt với nó khi không còn con đường nào để lựa chọn.
Đối diện với cái chết Naoe bất lực và rồi buông thả bản thân. Anh vùi mình vào khoái cảm giả tạo, thứ có thể giúp anh quên đi nỗi đau đớn do bệnh tật mang lại. Dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Song song với đời sống trụy lạc của Naoe là những mảnh đời khác, những bệnh nhân khác. Họ có thể già cả neo đơn, có thể khỏe mạnh đủ đầy nhưng tất cả đều đang vật lộn với nỗi đau của mình. Mỗi người chọn một cách khác nhau để sống, cách của Naoe cũng chỉ là một lựa chọn như vậy.
Bệnh viện nơi Naoe sống như một xã hội thu nhỏ. Nó không xa hoa không hoàn mỹ mà đã mục ruỗng thối nát từ bên trong. Đời sống bệnh viện cũng chính là đời sống của xã hội Nhật Bản thu nhỏ. Với đủ mọi ngành nghề, đủ mọi số phận và mọi mảnh đời.
Kể thúc câu chuyện là cái chết của Naoe, tôi xem nó như sự giải thoát cho anh và cho chính tôi. Bởi tôi hiểu nhưng không thể thông cảm với anh. Cách anh chọn buông thả bản thân tôi không đánh giá nó sai hay đúng nhưng về mặt đạo đức nó đi trái hoàn toàn luân thường lẽ phải. Tất nhiên, kết cục của sự “ngược đường” ấy là cái chết, là mọi thứ dừng lại tại giây phút anh trầm mình. Không ai cứu được anh, không ai khỏa lấp được nỗi cô đơn trong anh.
Naoe như ngọn đèn không hắt bóng trong phòng phẫu thuật, sáng lên và lịm đi không để lại một dấu vết nào.
Trích dẫn Đèn không hắt bóng
“Có một điều kì lạ là trên ngưỡng cửa của cái chết, anh đã học được cách nhìn đúng thực chất của những con người, anh đã biết nhìn ra họ không có những lớp sơn bên ngoài. Anh đã vứt bỏ cái chủ nghĩa lý tưởng và niềm tin vào sự công bằng của anh trước đây. Anh đã kiên trì cố gắng nhìn qua cái vẻ màu mè của những con người để nhìn ra cái thiện và cái ác nguyên sơ của họ”.
“Công việc chính là cái nhân tố làm cho con người tự bộc lộ, cái chất xúc tác duy nhất làm cho con người “hiện hình”. Không có những nhân vật “kỵ sĩ” suốt đời chỉ biết cưỡi ngựa, yêu đương và chém giết. Cũng không còn những nhân vật “thượng lưu” sống nhàn hạ bên ngoài lao động, bên ngoài sự xây dựng sáng tạo. Và con người thừa bây giờ là con người không làm cái công việc mà mình đã được đào tạo ra để làm hoặc là làm cái công việc ấy một cách kém cỏi, vô trách nhiệm.”
“Trước mặt mỗi người thầy thuốc, một cách cụ thể hay trừu tượng, thỉnh thoảng vẫn có thể hiện ra một câu hỏi bi đát: phải xử sự như thế nào với một bệnh nhân không phương cứu chữa, một bệnh nhân đang đi dần đến cái chết? Câu hỏi này hiện ra một cách không sao tránh khỏi khi người ta đứng trước những nỗi đau khổ trầm trọng. Đối với người thầy thuốc câu trả lời rất rõ: người thầy thuốc phải chữa bệnh cho đến khoảnh khắc cuối cùng. Anh ta được đào tạo chỉ để làm việc ấy, anh ta có tư cách chuyên nghiệp chỉ trong việc chữa bệnh mà thôi. Và anh ta tuyệt đối không có quyền có một hành động nào đi theo một hướng khác. Vấn đề nên để cho một con người đau khổ một cách vô hy vọng sống tiếp hay không, không thuộc thẩm quyền của người thầy thuốc. Người thầy thuốc không phải là thượng đế và cũng không phải là người thay quyền thiên nhiên trên thế gian. Tất cả các phản xạ của anh ta đều hướng tới nhiệm vụ duy trì sự sống.”