“Hồ sơ tư vấn tâm lý – Khi gia đình chỉ là vỏ bọc” giống như một bản ghi chép lại những đoạn hội thoại của các bệnh nhân cùng chuyên gia tâm lý mà đa số họ đều cho rằng mình bị ám ảnh bởi mối quan hệ trong gia đình, sự dằn vặt khi bố mẹ thiếu cảm thông hoặc những đổ vỡ trong tình yêu và hôn nhân. Cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu hơn về cách các chuyên gia tâm lý giúp đỡ bệnh nhân tìm ra nguyên nhân ở bản thân, gỡ bỏ nút thắt xây dựng tam quan đúng đắn, bù đắp những thiếu sót trong tính cách, thoát khỏi những nỗi ám ảnh dẫn đến sa sút. Nhận thức được nguyên nhân bất ổn trong cảm xúc và sửa chữa những khiếm khuyết trong tính cách hơn là chăm chăm vào những mâu thuẫn gia đình.
Review Hồ sơ tư vấn tâm lý (2)
/Lời nói của người lớn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới thế giới quan của trẻ sau này/
Nuôi dưỡng một đứa trẻ như thế nào mới là đúng đắn? Theo từng giai đoạn mỗi đứa trẻ lại có những nhận thức khác nhau, và hiển nhiên người lớn chính là tấm gương phản chiếu rõ nhất hành vi của con cái họ. Hôm vừa rồi mình có về quê, và trong một cuộc trò chuyện mình đã đặt rất nhiều dấu hỏi chấm bởi lời nói và hành vi của những bậc cha mẹ dành cho con cái của mình. Họ vô tư lôi những tâm sự của con cái ra để làm câu chuyện tán gẫu, ép con cái nghe theo những gì bản thân tin là đúng đắn và dùng thái độ bề trên để quyết định mọi thứ và không có giải thích,…
Chẳng hạn, khi cháu mình nói về ước mơ được làm thợ lắp ráp oto, ông ngoại đã chê bai, nghề đấy là không có học, đi làm hàn xì, suốt ngày chui gầm oto, lấm lem. Còn bố mẹ lại nói, “Cỡ như mày lại học được làm kĩ sư cơ, hết cấp 3 cho đi học nghề thôi”. Không có một lời động viên và hỏi rằng tại sao con lại thích nó. Họ áp đặt suy nghĩ của mình lên đứa trẻ, rồi quát nạt con rằng học đi, tại sao hôm nay điểm lại như thế này, chỉ có việc học cũng không xong,…
Thực tế, bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con cái, nhưng họ thường dạy con theo bản năng. Xã hội ngày một thay đổi, mỗi thế hệ lại một khác, bản thân các phụ huynh cũng nên thay đổi để hiểu con cái hơn, thay vì nói câu: “Tao là bạn mày đấy à?” “Mày đang nói chuyện với ai đấy?” hãy để con cái được chia sẻ với bố mẹ nhiều hơn như chính những người bạn của mình.
Thực sự sau khi nghe anh chị dạy con kiểu: “Vì tao là bố mẹ mày, nên mày phải nghe tao, tao đi làm vất vả là vì ai, xem con nhà người ta đi kìa…” Mình đã thấy rất buồn, vì bản thân mình cũng trải qua một khoảng thời gian bị bố mẹ áp đặt như vậy, và mình cũng từng nghĩ rằng nếu bố mẹ không nói với con như thế có lẽ con sẽ làm tốt hơn.
Nghe xong câu chuyện của anh chị, mình nghĩ ngay tới cuốn sách này. Cuốn sách là những đoạn hội thoại giữa chuyên gia tư vấn tâm lý và các bệnh nhân đang mắc kẹt trong những mối quan hệ với gia đình, mỗi người có một câu chuyện, một nút thắt. Làm thế nào để cha mẹ thấu hiểu con cái và con cái cởi bỏ những lớp hàng rào với chính bố mẹ của mình bạn có thể tham khảo thêm trong cuốn sách này và tìm thấy chính những câu chuyện của mình trong đó.
“ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI” LÀ ĐỨA TRẺ NHƯ THẾ NÀO?
Với mình, cụm từ “đứa trẻ bị bỏ rơi” một cụm từ rất buồn. Mình từng đọc một số bài báo nghiên cứu về những tổn thương tâm lý của trẻ em thời thơ ấu; những “đứa trẻ bị bỏ rơi” thường có suy nghĩ không ai cần đến mình, mình chưa đủ tốt và tự ti, ngại chia sẻ.
Có rất nhiều trường hợp trẻ em bị tổn thương phải tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý. Như trường hợp mà mình đã đọc trong cuốn “Hồ sơ tư vấn tâm lý – Khi gia đình chỉ là vỏ bọc”. Cuốn sách là tập hợp những cuộc tư vấn đến từ chuyên gia tâm lý, chủ yếu về những mâu thuẫn trong gia đình.
Bạn nữ sắp tham gia kì thi Đại học, nhưng lại có mâu thuẫn với các bạn và không thể tiếp tục đến trường. Nguyên nhân đến từ hoàn cảnh gia đình, khi bố mẹ bạn ly hôn giấu bạn, mẹ bạn chuyển qua nước ngoài sinh sống, còn bố thì luôn trong trạng thái say mèm. Kể từ ngày mẹ đi, bạn ấy luôn trong trạng thái buồn phiền, không nói năng. Mọi chuyện lên tới đỉnh điểm khi mảnh giấy khích lệ bạn nam cùng lớp của bạn bị cả lớp phát hiện và trêu chọc, khiến cho cảm xúc của bạn ấy bùng nổ, gây gổ với bạn học.
Mình nghĩ rằng ai trong chúng ta, đôi lúc, cũng thấy mình là “đứa trẻ bị bỏ rơi”. Sẽ có những ngày ta tự hỏi: Vì sao mọi người xung quanh không để tâm đến mình, vì sao bản thân không có người bên cạnh để chia sẻ và thấu hiểu? Rõ ràng bản thân chỉ là một đứa trẻ, nhưng sao mình không thể dựa dẫm vào bố mẹ?
Chuyên gia tâm lý, trong trường hợp này đã hóa giải những “nút thắt”, cũng như hồi phục trạng thái bình thường để bạn tiếp tục học tập. Bác sĩ đã chỉ ra những yêu thương của bố mẹ đối với bạn, chỉ là những yêu thương này không nói thành lời bởi cuộc sống cơm áo, và bởi những khúc mắc trong lòng của người lớn. Sau khi hiểu rằng mình nên suy nghĩ sâu hơn và tích cực chia sẻ từ cả hai phía, bạn ấy đã trở nên nhẹ nhõm và vui vẻ hơn rất nhiều.
Có thể thấy, rất nhiều vấn đề tâm lý đến từ chính những gia đình – mối quan hệ tưởng chừng như thân thiết, gắn bó nhất. Từ những câu chuyện có thật trong “Hồ sơ tư vấn tâm lý – Khi gia đình chỉ là vỏ bọc”, ta có thể tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
– Duong Nguyen