Lần cập nhật gần nhất November 19th, 2020 - 09:14 pm
Lời chia tay đẹp nhất thế gian là câu chuyện kể về một người mẹ chịu thương chịu khó. Trong một lần đi kiểm tra sức khỏe bà phát hiện ra mình mắc bệnh ung thư, lúc đầu bà không dám tin là mình đã bị ung thư bởi vì nếu điều đó xảy ra thì những ước mơ mà bà như xây cất căn nhà mới, lo chuyện đại học cho cậu con út sẽ bị dở dang. Cuộc sống của bà thậm chí còn không cho phép có thời gian để mà bi quan. Bà vốn là một người mẹ nội trợ tốt bụng, bà dành cả tuổi thanh xuân của mình để chăm sóc cho gia đình, chồng con và người mẹ chồng bị mắc hội chứng mất trí. Căn bệnh của người mẹ cũng khiến cho các thành viên trong gia định nhận ra một điều rằng họ quá vô tâm, thờ ơ với bà trong suốt bao năm qua. Cũng qua đó họ nhận ra rằng bà là người đáng trân quý biết bao nhiêu.
Lời chia tay đẹp nhất thế gian cũng chính là lời tri ân cuối cùng mà tác giả gửi đến người mẹ quá cố của mình, là bài ca viết dâng tặng người kính yêu.
Review Lời chia tay đẹp nhất thế gian (4)
MẸ, NGƯỜI PHỤ NỮ TUYỆT VỜI NHẤT THẾ GIAN
Cuộc sống đôi khi thật vô thường! Ta chẳng thể nào biết trước khi nào sẽ đi đến cái dốc bên kia của cuộc sống. Sự sống và cái chết luôn gần nhau đến thế. Ta luôn biết rằng đến một lúc nào đó, người thân bên cạnh ta sẽ rời xa ta mãi mãi nhưng bản thân ta lại chẳng dám đối mặt, chẳng thể nào chịu đựng nỗi đau, sự mất mát lớn đến vậy. Từng trang văn, từng câu chữ trong “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” đẹp mà xót xa, đượm buồn. “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” – chia tay người mẹ, người đối với mỗi chúng ta là cả thế giới.
Kim In Hee, người phụ nữ nội trợ, bà dành cả cuộc đời để chăm lo cho gia đình, vun vén hạnh phúc cho những đứa con, chẳng bao giờ than vãn đến một lời. Nhưng người phụ nữ ấy chẳng bao giờ nhận được sự quan tâm từ chồng, con, dù những hành động bé nhỏ nhất. Họ bận bịu với cuộc sống ngoài kia, với những điều lớn lao mà quên mất đi người phụ nữ tần tảo ở nhà, chăm lo cho họ từng bữa ăn, giấc ngủ. Người mẹ ấy, một mình lo liệu tất cả từ bếp núc, dọn dẹp đến chăm sóc người mẹ chồng già lú lẫn, dễ nổi nóng và la hét rồi chịu đựng người em trai chỉ biết cờ bạc, bòn rút tiền mình. Đằng sau bữa cơm thơm ngon nóng hổi, đằng sau mỗi bộ quần áo sạch sẽ, thẳng thớm là biết bao công sức của người mẹ ấy nhưng có ai hiểu điều đó. Họ cứ thế đón nhận tình yêu thương, sự chăm sóc như một lẽ dĩ nhiên. Có những giây phút người mẹ, người vợ ấy cảm thấy tủi thân nhưng lại chẳng dám nói ra vì sợ phiền đến các thành viên trong gia đình. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi, người mẹ ấy ôm hết mọi vất vả, phiền ưu vào mình, chẳng thể san sẻ cùng ai.
Và rồi, đến một ngày, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Đến giây phút ấy, giây phút chia xa, chẳng bao giờ gặp lại nữa, các thành viên trong gia đình mới nhận ra ý nghĩa to lớn trong sự tồn tại của người vợ, người mẹ ấy, thấm sâu nỗi đau đớn, dằn vặt vì sự vô tâm của chính mình. Đôi khi, chúng ta chỉ mất một giây để biểu thị sự quan tâm với người thân của mình nhưng dường như điều đó lại rất khó khăn. Một bữa cơm gia đình, một nụ cười, một lời hỏi thăm cũng có thể khiến người bên cạnh chúng ta cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Cái chết đến lấy đi người mẹ và để lại trong mỗi thành viên nỗi đau và xót xa. Cuối cùng, họ cũng đã có thể làm cho người mẹ ấy hạnh phúc lần đầu tiên, duy nhất và cuối cùng.
Có phải mỗi chúng ta đều như thế, lao vào vòng xoáy hối hả, bận rộn của cuộc sống hay niềm vui riêng tư để rồi quên đi người thân bên cạnh mình. Khi mất đi rồi, ta nhận ra người ấy quan trọng đến chừng nào, ta mới biết trân trọng. Lời văn của tác giả người Hàn Quốc nhẹ nhàng, bình dị mà khiến ta không khỏi xót xa, chạnh lòng: “Jeong Soo à… dù con quên hết tất cả, quên đi cả khuôn mặt hay nụ cười của mẹ… thì con cũng không được quên con được sinh ra từ bụng mẹ”.
Hãy cầm cuốn sách, lật giở từng trang để hòa mình vào nỗi đau cũng như cảm nhận tình cảm gia đình đẹp đẽ. Có khi nào, ta bất chợt nhận ra rằng cũng từng có lúc thờ ơ, lạnh lùng với người thân như vậy. Đọc cuốn sách để học cách vị tha và yêu thương nhiều hơn. Có những nỗi đau chẳng thể nói, có những vất vả chẳng thành lời, có những câu chuyện chẳng thể chia sẻ nhưng hãy để yêu thương lấp đầy. “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” sẽ giúp bạn biết cách yêu thương đúng nghĩa. Đừng để mọi thứ trở nên muộn màng!
Hãy yêu thương cha mẹ khi còn có thể!
“Thật kỳ lạ.
Khi còn trên đời,
Mẹ chỉ là mẹ thôi.
Chẳng có gì hơn.
Thế nhưng khi bà qua đời
Tôi bỗng có suy nghĩ rằng
Bà chính là cả cuộc đời của mình.”
– Huyền Nguyễn
“Dù con có quên đi tất cả, quên đi cả khuôn mặt hay nụ cười của mẹ… thì con cũng không được phép quên con được sinh ra từ bụng mẹ.”
(Trích Lời chia tay đẹp nhất thế gian)
——
Hôm nọ mình đăng ảnh cuốn Lời chia tay đẹp nhất thế gian và được nhiều bạn quan tâm nên hôm nay có chút review cho mọi người.Lâu lắm rồi mình mới đọc được 1 cuốn sách viết rất hay về tình cảm gia đình, nhất là về người mẹ. Ai trong chúng ta cũng có cho mình 1 cuộc sống riêng và mải miết theo đuổi nó mà đôi khi quên mất đi sự quan tâm, sự hy sinh thầm lặng của người mẹ. Câu chuyện trong Lời chia tay đẹp nhất thế gian chính là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất của mỗi người. Một người mẹ tận tụy với gia đình, hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho chồng con và người mẹ chồng mắc bệnh đãng trí. Trong suốt bao nhiêu năm đó bà chưa 1 lần oán thán vì sự thờ ơ của các thành viên trong gia đình, đối với người mẹ ấy niềm vui chính là nhìn thấy các thành viên khỏe mạnh và vui tươi, cũng vì thế mà bà quên đi sự chăm lo cho chính bản thân mình đến khi mắc bệnh cũng không hay biết. Đến lúc đó các thành viên trong gia đình mới thực sự nhận ra điều gì là đáng trân quý nhất. Vậy họ đã làm như nào để tạo nên 1 lời chia tay đẹp nhất thế gian?
Thực sự khi đọc cuốn sách này mình đã khóc rất nhiều, khóc cho nhân vật và khóc vì chính bản thân cũng đã rất nhiều lần như những đứa con ấy thờ ơ với người đã sinh ra mình. Đây là cuốn sách rất đáng đọc và bất kỳ đứa con nào cũng nên đọc 1 lần. Lối viết của tác giả rất chân thực với các nhân vật rất chi đời thường mà mình có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu hoặc thấy hình ảnh của chính bản thân mình trong đó. Câu chuyện là bài học đắt giá cho những người con, tôn vinh lên giá trị thiêng liêng nhất của xã hội đó chính là tình cảm gia đình.
“Mẹ đơn giản chỉ là mẹ thôi”
– Đinh Thu Thảo
Hành trình tìm về những yêu thương muộn màng…
Nào ai dám chắc mình sống được đến ngày mai, có những người vừa hôm nay cùng bạn la cà quán cà phê nơi góc phố, nói đôi ba câu về dự định cho tương lai thì ngày mai bỗng vĩnh viễn ra đi, có người vừa hôm nay thủ thỉ bên tai bạn những điều ngọt ngào từ trái tim thì bỗng một ngày nằm trên giường với trái tim yếu dần… “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” của Noh Hee Kyung là một bài ca buồn cho những yêu thương muộn màng của người ở lại, của những đứa con chưa kịp làm tròn chữ “Hiếu”.
Tác phẩm kể về Kim In Hee, một bà nội trợ hi sinh cả đời mình để chăm lo cho gia đình. Bà sống những ngày tháng bên người chồng cộc cằn, vô tâm, một tay chăm sóc người mẹ chồng bị căn bệnh của tuổi già làm mờ trí. Những hi sinh của bà tưởng chừng sẽ được đền đáp khi con cái dần khôn lớn nhưng không họ đã vô tình coi đó một nhiệm vụ, một lẽ hiển nhiên của người làm mẹ. Những mệt mỏi, buồn bực của cuộc sống nơi trường học, công ty khiến những đứa con trở nên lạnh nhạt, xa cách… Thế rồi một ngày, Kim In Hee bị chuẩn đoán mắc ung thư tử cung giai đoạn cuối không thể cứu chữa được nữa. Đối mặt với án tử của mẹ, các thành viên trong gia đinh bà nhận ra giá trị của người vợ, người mẹ, nhận ra sự vô tâm, bạc bẽo của chính mình để rồi đau đớn, tự ăn năn, và hối lỗi. Để rồi họ nhận ra những điều thiêng liêng mình đã vô tâm đánh mất “Chỉ là bóng lưng mẹ đang bận bịu nấu nướng thôi cũng có thể khiến cho bầu không khí trong nhà trở nên ấm áp như vậy, trước đây sao cô lại không biết nhỉ?” Để rồi người chồng tưởng như có một trái tim khô cằn lại có những đêm nước mắt lăn dài trên má, để người con gái chưa từng động tay vào việc nhà giờ đây lại phơi những chiếc áo thơm mùi của nắng, để những lời yêu thương được cất lên… Cuốn sách là hành trình tìm về những yêu thương đang dần phai nhạt. Dẫu biết là muộn màng nhưng vẫn “đẹp nhất thế gian”.
Hình tượng người mẹ xuyên suốt tác phẩm đã để lại trong mình rất nhiều ấn tượng. Ngay cả khi sắp rời xa cõi đời, bà vẫn nghĩ cho người mẹ chồng lẩn thẩn của mình, bà vẫn luôn nhớ đến người chồng bà gắn bó cả đời “Dù chồng là người hẹp hòi và cứng nhắc như gỗ đá, nhưng vào những lúc buồn và chạnh lòng như thế này, bà lại chỉ nghĩ đến ông mà thôi”, bà luôn nhắc nhở những đứa con rằng: “Mẹ yêu con”, rằng: “Jeong Soo à… dù con quên hết tất cả, quên đi cả khuôn mặt hay nụ cười của mẹ… thì con cũng không được phép quên con được sinh ra từ bụng mẹ”. Vẻ đẹp trong tâm hồn của người mẹ đã cảm hóa người con gái, mẹ cho cô biết thế nào là gia đình, ý nghĩa thực sự của hôn nhân.
Đây chỉ là một câu chuyện nhẹ nhàng, đơn giản nhưng nó đã chạm vào trái tim mình. Nó khiến mình mỉm cười trước những lời thủ thỉ ngọt ngào về nỗi nhớ mẹ của bố trước lúc mẹ đi xa nhưng cũng làm bật khóc khi suy nghĩ về bản thân, về người mình thương yêu, về tình yêu thương trong cuộc sống này, và đặc biệt là về người mẹ của mình.
“Hãy yêu khi mẹ vẫn còn biết
Đừng chờ đến lúc mẹ ra đi
Ghi lời yêu quý lên bia đá
Đá vô tri nào có nghĩa gì”Cuốn sách “Lời chia tay đẹp nhất thế gian” đã trở thành biểu tượng của gia đình, lấy đi nước mắt của biết bao độc giả trong hai mươi hai năm qua bởi tác phẩm không chỉ phản ánh tâm tư tình cảm của con người thời đại ngày nay. Khi cuộc sống cuốn con người vào những guồng quay, khi chiếc điện thoại đang dần trở thành rào cản ngăn cách những tấm lòng, cuốn sách thức tỉnh con người, nhắc nhở người đọc không ngừng yêu thương khi còn có thể, đừng để ai trở thành “nỗi buồn tiếc” của chính mình… Bởi thứ rộng hơn bầu trời là trái tim chúng ta…
“Nào ai dám chắc mình còn có ngày mai
Dù bạn còn xuân hay mái đầu đã bạc.
Và hôm nay có thể là cơ hội lần cuối
Để bạn mở lòng với những người yêu thương”
“Dù con có quên đi tất cả, quên đi cả khuôn mặt hay nụ cười của mẹ… thì con cũng không được phép quên con được sinh ra từ bụng mẹ…
…Thật kỳ lạ
Khi còn trên đời, mẹ chỉ đơn giản là mẹ thôi.”Ban đầu, mình ấn tượng với văn học Hàn Quốc không phải là qua những cuốn sách, cuốn tiểu thuyết mà chỉ đơn giản là xem phim. Phải thừa nhận rằng, có những câu chuyện đã trở thành một điều gì đó tồn tại mãi trong trái tim mình, về cuộc sống, tình bạn, tình thân, mối quan hệ giữa con người và cả những mặt trái trong xã hội ngày nay.
Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách này đã vô cùng hot trong cộng đồng những người yêu sách và nhận được rất nhiều nhận xét tích cực. Riêng đối với bản thân mình, mình chỉ quyết định mua khi đọc được những dòng tâm trạng vô cùng buồn bã trên. Mình thực sự đã rất xúc động khi chậm rãi thưởng thức cuốn sách này.
“Đừng yêu thương người đã khuất. Nếu người đã khuất đau lòng quá, họ sẽ không bước qua được ngưỡng cửa của thể gian này.”
Câu chuyện xoay quanh gia đình một phụ nữ trung niên tên là Kim In Hee. Bà có một ông chồng làm bác sĩ nhưng tính cách rất cộc cằn, vô tâm; một người mẹ chồng đã già, bị bệnh mất trí nhớ, lúc thì mặc sức đánh đập con cái, lúc thì trở thành một đứa trẻ ngây thơ thích làm nũng và tạo ra bao nhiêu sự lộn xộn trong căn nhà; một đứa con gái mải mê với công việc và thứ tình cảm tội lỗi của mình mà không đoái hoài gì đến mẹ; một đứa con trai thi đại học mấy lần không đỗ và luôn về nhà trong bộ dạng say khướt; cùng một đứa em trai suốt ngày đốt tiền vào cờ bạc, bỏ bê gia đình. Cuộc đời của Kim In Hee tưởng như chẳng lộn xộn hơn được nữa thì vào một ngày, bà nhận được tin mình bị ung thư giai đoạn cuối, tất cả mọi nỗ lực chữa trị vào thời điểm này đều đã quá muộn và không có kết quả gì. Một bản án tử dường như đang chờ đợi bà ngay trước mắt và điều đau lòng hơn, bà quyết tâm giấu đến cùng mọi chuyện vì không muốn cuộc sống gia đình phải đảo lộn vì mình.
Cuộc đời người phụ nữ này không hề xa lạ trong xã hội Hàn Quốc và cũng không mới mẻ đối với độc giả Việt Nam. Người phụ nữ là nội trợ trong gia đình, một tay vun vén chăm sóc, lo từng bữa ăn giấc ngủ cho con, là từng chiếc áo cho chồng và phục vụ một bà mẹ chồng mắc chứng mất trí nhớ. Một ngày của bà bắt đầu với việc loay hoay làm bữa sáng trong bếp cho cả nhà, bón cơm cho mẹ chồng, đưa cháu đi học và cả việc giải quyết những đống lộn xộn, bừa bãi mà người mẹ không bình thường gây ra. Bao nhiêu việc khó khăn và vất vả như vậy, nhưng bà không hề kêu than mà chỉ một mực nhẫn nhịn.
Những cô gái, chàng trai, những người đã và đang đọc cuốn truyện này liệu có từng bất giác mà nhớ đến mẹ, đến những chăm sóc, đắng cay mà mẹ chúng ta phải trải qua khi nuôi chúng ta khôn lớn nên người? Tôi nghĩ có lẽ, bất cứ ai trong chúng ta cũng nên dừng lại một chút và tự hỏi: “Có bao giờ
mình cũng đã từng đối xử với người mẹ thân yêu của mình như những đứa con của bà Kim In Heel. Đã bao lâu rồi bạn chưa về nhà? Đã bao lâu bạn không vào bếp nấu cho mẹ bữa cơm hay chỉ đơn giản là phụ mẹ việc nhà? Đã bao lâu bạn không để ý khoé mắt mẹ đã hằn thêm bao nếp nhăn?…”.“Bố ơi, con không thể để me đi như thế này được. Con có lỗi với mẹ quá, có lỗi quá… nên không được. Không thể thế này được. Con có lỗi, con có tội nên không được. Con chỉ xin hãy cho con một lần thôi, chỉ một lần thôi, được làm tròn chứ hiếu. Dù chỉ là một lần thôi, con muốn làm me vui. Bố ơi con cầu xin bố…
…Dù con có nói là con ghét mẹ, nhưng thật ra là con kiệm lời nói thương mẹ đấy thôi…
…Cha mẹ rồi sẽ trở thành “nỗi buồn tiếc” của con cái…
…Trước khi mẹ tôi từ giã cõi đời, toi nào tưởng tượng được rằng người phụ nữ ấy rồi sẽ trở thành “nỗi buồn tiếc” của mình. Nhưng thời ấy, chắc hẳn tôi đã là “nồi buồn giận” của bà…
…Con cái không thể đền đáp lại tất thảy những thứ cha me làm cho mình được…”Cuốn sách vừa là nỗi lòng, nỗi trăn trở của tác giả về một khía cạnh đáng nhìn nhận trong xã hội hiện đại – khi thế giới càng phát triển thì con người ngày càng cách xa nhau, công nghệ đem đến cho chúng ta sự tiện lợi và rút ngắn khoảng cách nhưng cũng đồng thời lấy đi sự kết nối chân thật ngay cả trong chính những gia đình, vừa là nỗi thương xót cho số phận những người phụ nữ Á Đông, khi mà họ luôn đặt chính bản thân họ sau tất cả, để rồi cuối cùng chẳng nhận lại được bao nhiêu.
“Cho đến cuối cùng, vẫn thấy ngập tràn tình thương thật sự giản dị mà ho dành cho nhau, dù không nói gì nhiều. Người ta vẫn cảm nhận được nối đau đớn khắc khoải khi bà mẹ tạm biệt con trai và con gái lần cuối, vẫn xót xa cho buổi cuối hai vợ chồng già ngồi cạnh nhau nói về một ngày không còn chung đường, một người đi, và một người ở lại. Tất cả cuối cùng chỉ còn là một lời giã tử đẹp nhất, cảm động nhất và cũng xót xa nhất….”
Trích dẫn Lời chia tay đẹp nhất thế gian
“Dù con có quên đi tất cả, quên đi cả khuôn mặt hay nụ cười của mẹ… thì con cũng không được phép quên con được sinh ra từ bụng mẹ.”
“Thật kì lạ khi còn trên đời, mẹ chỉ đơn giản là mẹ thôi. Chẳng có gì hơn. Thế nhưng khi bà qua đời, tôi bỗng có suy nghĩ rằng bà là cả cuộc đời của mình.”
“Liệu người phụ nữ ấy có biết,
Rằng tôi yêu bà, yêu bằng cả sinh mạng của mình.
Liệu người phụ nữ ấy có biết,
Kể từ sau tang lễ, đến tận bây giờ,
Ngay cả khủ tôi vẫn khóc vì bà, chẳng sót ngày nào.
Mong bà không biết, làm ơn đường biết…”
“Dù con có nói là con ghét mẹ, nhưng thật ra là con kiệm lời nói thương mẹ đấy thôi.”
“Con cái không thể đền đáp lại tất thảy những thứ cha mẹ làm cho mình được.”
“Nếu xây nhà tôi sẽ làm một cái ban công thật lớn chỗ cửa sổ. Ở đó tôi sẽ trồng hoa và đặt thêm một cái bàn nhỏ nữa. Rồi tôi với mình thỉnh thoảng sẽ cùng nhau uống trà thưởng hoa ở đó. Sáng tối chúng ta đều có thể ngắm mặt trời, ngắm mặt trăng…”
“Trước khi mẹ tôi từ giã cõi đời, tôi nào tưởng tượng được rằng người phụ nữ ấy rồi sẽ trở thành ‘nỗi buồn tiếc’ của mình. Nhưng thời ấy, chắc hẳn tôi đã là ‘nỗi buồn giận’ của bà”
“Cho đến cuối cùng, vẫn thấy ngập tràn tình thương thật sự giản dị mà họ dành cho nhau, dù không nói gì nhiều. Người ta vẫn cảm nhận được nỗi đau đến khắc khoải khi bà mẹ tạm biệt con trai và con gái lần cuối, vẫn xót xa cho buổi cuối hai vợ chồng già ngồi cạnh nhau nói về một ngày không còn chung đường, một người đi, và một người ở lại. Tất cả cuối cùng chỉ còn là một lời giã từ đẹp nhất, cảm động nhất và cũng xót xa nhất….”
“Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ hình ảnh bà lúc lâm chung. Bà không mỉm cười thanh thản, cũng không bị nỗi đâu quấy rầy, cứ như vậy ra đi một cách cứng nhắc. Giờ thì người phụ nữ ấy đã ra đi được năm năm rồi. […] Tôi thật lòng cầu mong, nếu kiếp sau tôi được gặp lại người phụ nữ ấy một lần nữa, nếu như tôi được làm lại con gái út của bà, tôi chẳng còn mong muốn gì hơn”