Thông qua cuốn sách “Justice – Phải Trái Đúng Sai”, Michael Sandel khiến người đọc nhận ra niềm tin đạo đức thật khó có thể cố định trong nhiều trường hợp và con người với sự phi lý trí của mình đều không dễ dàng lựa chọn một cuộc sống công bằng hay đạo đức như tưởng tượng.
Bản thân chúng ta đều có những khái niệm rất rõ ràng về tốt-xấu trong xã hội nhưng tác giả Michael Sandel luôn thành công trong việc đưa người đọc vào những sự lựa chọn khó nhằn, buộc ta phải xem xét lại cả một hệ thống phải-trái-đúng-sai trong suy nghĩ của mình.

- Review Phải trái đúng sai
- Trích đoạn Phải trái đúng sai
Review Phải trái đúng sai
JUSTICE: what’s the right thing to do?
Ở Việt Nam, Công Lý là một diễn viên hài. Còn ở Mỹ, Justice là tên một nhóm siêu anh hùng (Justice League) được cầm đầu bởi một gã đàn ông có thể đàn áp tất cả bằng bạo lực (Super man) và một gã tỷ phú ưa giấu mặt, thích ra ngoài vào ban đêm (Batman).
Đấy là cách hiểu phổ thông về công lý của cư dân mạng, khá hài hước, tuy nhiên chúng cũng thể hiện một thực trạng bây giờ là phần đa chúng ta hiểu rất mơ hồ, đôi khi cảm tính về vấn đề công lý, công bằng, đúng sai, phải trái. Vì hiểu mơ hồ nên luôn luôn nổ ra những cuộc tranh cãi rất gắt trên mạng khi bàn về các vấn đề xã hội. Câu hỏi “JUSTICE: what’s the right thing to do?” bởi vậy rất cần được trả lời thấu đáo.
“Phải Trái Đúng Sai” của tác giả Michael Sander nằm trong bộ sách giá trị “Cánh cửa mở rộng” do giáo sư Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt chọn lọc giới thiệu. Giáo sư Ngô Bảo Châu từng nói: “Trang sách chính là cửa sổ mở sang những cuộc đời khác, những thế giới khác. Và cũng là chỗ để ánh sáng mặt trời rọi vào cuộc đời mình.” “Phải Trái Đúng Sai” đích thực là một tác phẩm khai phóng như vậy.
Tôi có thể viết những lời khen bốc trời cho tác phẩm, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng tác phẩm không hề dễ đọc. Lần đầu tôi đọc “Phải Trái Đúng Sai” mới đến trang 46 tôi đã dừng cuộc chơi. Quá nhiều các thuật ngữ xa lạ: chủ nghĩ vị lợi; chủ nghĩa tự do cá nhân; quyền sở hữu và chính quyền hạn chế; công lý, telos, và danh dự vv… khiến đầu tôi quay mòng mòng. Lần thứ hai đọc lại tác phẩm, kết quả có khá khẩm hơn một chút nhưng cũng chỉ được non trăm trang là tôi lại phải dừng. Ôi giời ơi, bao giờ tôi mới “end game” được đây? (Bỗng dưng muốn khóc)
Động lực khiến tôi tìm đọc lại tác phẩm “khó nhằn” này chính là đại dịch cúm Covit19 hiện tại. Chúng ta đã được chứng kiến hàng loạt những cơn khủng hoảng, việc tăng giá bất thường của các mặt hàng nhu yếu phẩm, việc mạnh tay cách ly các trường hợp nghi lây nhiễm, việc học sinh sinh viên được nghỉ một kỳ nghỉ dài chưa hề có trong lịch sử vv… Tất cả các sự kiện tương tự như vậy đều được Michael Sander phân tích trong tác phẩm của mình. Tôi đọc lại “Phải Trái Đúng Sai” lần thứ ba, say mê như bị thôi miên. Và lần này, các cụ nói cấm có sai “quá tam ba bận”, tôi đã hoàn thành được tác phẩm. Khó đọc, đầy thách thức, nhưng tôi chắc chắn mọi nỗ lực bạn bỏ ra đều tuyệt đối xứng đáng.
Sư huynh tôi từng nói: “Quá trình tư duy để giải quyết vấn đề quan trọng hơn chính kết quả.” Bởi khi chọn rùa mà đạt được kết quả đúng, bạn sẽ chỉ đúng 1 lần trong 1 tình huống cụ thể đó. Còn nếu biết phương pháp tư duy để giải quyết vấn đề bạn sẽ giải quyết được nhiều vấn đề với những biến thể muôn hình vạn trạng của chúng.
“Phải Trái Đúng Sai” chính là cuốn sách hướng dẫn bạn phương pháp tư duy để giải quyết vấn đề như vậy.
Và khi gấp tác phẩm lại chắc chắn bạn sẽ nói: “Công lý không chỉ là một diễn viên hài.”