Lần cập nhật gần nhất November 20th, 2020 - 10:14 am
Công ty nào cũng có đối thủ cạnh tranh. Ngay cả khi chỉ có một hãng máy bay, hãng đó cũng phải lo ngại sự cạnh tranh đến từ tàu hỏa, xe buýt, ô-tô, xe đạp, và cả những ai thích đi bộ tới nơi họ muốn nữa.
Cựu lãnh đạo công ty Coca-Cola, ông Roberto Goizueta đã nhận ra các đối thủ cạnh tranh của mình. Khi nhân viên báo cáo rằng thị phần của Coca-Cola đang đạt mức tối đa, ông ta nói ngược lại rằng Coca-Cola chỉ chiếm được 2 ounces trong tổng số 64 ounces chất lỏng mà mỗi người trong tổng số 4,4 tỉ người trên toàn thế giới uống mỗi ngày. Ông ta bảo mọi người là: “Kẻ thù của chúng ta là cà phê, sữa, trà và nước.” Và ngày nay, Coca-Cola là nhà phân phối chính về nước đóng chai.
Công ty càng thành công thì sẽ càng thu hút sự cạnh tranh. Phần lớn thị trường đang đầy nhóc cá voi, cá nhồng, cá mập, và cá chép. Trong môi trường đó, chỉ có sự lựa chọn là phải ăn hoặc bị ăn. Hoặc như ví von của nhà khoa học máy tính Gregory Rawlins như sau: “Nếu bạn không phải là một phần của chiếc xe Iu, thì bạn là một phần của con đường để bị cán bẹp.”
Hy vọng là công ty của bạn chỉ thu hút những đối thủ cạnh tranh tốt. Có được đối thủ cạnh tranh tốt là một điều may mắn. Họ giống như những người thầy giúp nâng cao nhận thức và rèn giũa kỹ năng của chúng ta. Đối thủ cạnh tranh bình thường làm chúng ta khó chịu. Còn những kẻ cạnh tranh hèn kém gây ra phiền hà cho những người cạnh tranh chân chính.
Công ty không bao giờ được phép phớt lờ đối thủ cạnh tranh của mình. Hãy luôn cảnh giác: “Thời gian dành cho việc thám sát đối phương chẳng bao giờ lãng phí cả.” Tôn Tử đã dặn dò như thế từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Và các đồng minh của bạn cũng phải tỉnh táo. Nếu bạn muốn trở thành một người cạnh tranh giỏi, bạn cũng phải là một người biết hợp tác giỏi. Bạn không thể là một doanh nghiệp riêng lẻ mà phải là một đối tác, một mạng lưới, một tổ chức kinh doanh nối dài. Và khả năng phát hiện, học hỏi, và làm việc nhanh nhạy hơn của bạn trong mạng lưới đó là lợi thế cạnh tranh vượt trội.
Trước mắt, đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất của bạn chính là kẻ làm giống với công ty của bạn nhiều nhất. Khách hàng không thể nhìn ra sự khác biệt. Công ty của bạn giống như trò sấp-ngửa trong đầu của họ. Vậy hãy làm sao cho khác biệt hóa, khác biệt hóa, và khác biệt hóa.
Theo bậc thầy tiếp thị Theodore Levitt: “Cạnh tranh mới không phải là giữa những gì các công ty sản xuất ra trong các nhà máy của họ, mà là giữa cái họ thêm vào kết quả sản xuất dưới hình thức bao bì, dịch vụ, quảng cáo, cung cấp tài chính, sắp xếp phân phối, kho vận, và những điều khác mà khách hàng coi trọng.”
Cách đánh bại đối thủ là bạn phải tự tấn công mình trước. Hãy làm việc cật lực để sản phẩm của bạn trở thành lỗi thời trước khi đối thủ làm điều đó.
Hãy quan sát các đối thủ ở xa cũng như ở gần. Tôi cho rằng công ty của bạn có lẽ sẽ bị chôn vùi bởi một kỹ thuật đột phá mới hơn là bởi những kẻ cạnh tranh bắt chước một cách tệ hại. Kiểu cạnh tranh chết người thường đến từ một đối thủ nhỏ nhưng nóng bỏng nhiệt tình tìm cách thay đổi luật chơi. IBM đã mắc sai lầm vì đã quá lo ngại về Fujitsu nhiều hơn là một người tên Bill Gates lúc đó còn đang mày mò các chương trình vi tính trong nhà để xe.
Theo dõi kỹ đối thủ cạnh tranh đã là quan trọng, nhưng việc hiểu biết khách hàng còn quan trọng hơn. Chính khách hàng chứ không phải đối thủ cạnh tranh là người xác định kẻ chiến thắng là ai. Phần lớn các thị trường đều bị tràn ngập bởi những người đi câu cùng theo đuổi chỉ vài con cá. Người câu giỏi nhất là người hiểu biết về cá nhiều hơn các đối thủ khác.