Lần cập nhật gần nhất August 19th, 2020 - 09:43 am
Nhắc đến tuổi thơ, ta thường nhớ đến những ký ức êm đềm khi chưa phải lo nghĩ đến cơm, áo, gạo, tiền. Có người cả đời chỉ mong xin được một “vé trở về tuổi thơ”… Nhưng còn “hậu tuổi thơ” thì sao? Hẳn là khá lạ lẫm phải không? Tìm hiểu kỹ hơn một chút, bạn sẽ thấy chúng ta đều đã từng hoặc đang trải qua giai đoạn này, không phải ai cũng vượt qua nó một cách dễ dàng.
“Hậu tuổi thơ” là khái niệm được tiến sĩ Đặng Hoàng Giang đề cập trong tác phẩm mới đây của anh, để chỉ thời điểm “ngưỡng” khi những chàng trai, cô gái không còn trẻ con để được bao bọc, ấp ôm, cũng chưa đủ trưởng thành để định hình rõ ràng tính cách và vững vàng bước qua bất trắc cuộc đời.
Review Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ (3)
“Trên dưới 20 tuổi là quãng thời gian mà người ta gọi là ‘hậu tuổi thơ’ thời kỳ mà người ta bỏ lại tuổi thơ đằng sau, nhưng chưa bước vào thế giới của người lớn”
Với mình thì đây là cuốn sách hay nhất của bác Giang, khác với cách viết của các cuốn khác, cuốn sách này có gì đó ” đời” hơn và ” đau” hơn. Cuốn sách viết vể những người trẻ trên dưới 20 tuổi, về những câu chuyện trên quãng đời học làm người lớn của họ. Thế giới đó có tình yêu lấp lánh, tuổi trẻ nhiệt huyết, những chuyến đi xa vi vu và cả những hoang mang chông chênh tuổi đôi mươi. Mỗi người mỗi chuyện nhưng tất cả đều gói gọn trong chữ ” đau”. Đau từ những câu chuyện trần trụi được bác Giang kể bằng ngôi thứ nhất, nó thật, thật hơn bao giờ hết.
Thế giới của những đứa trẻ vắng bóng người lớn. Bố mẹ ly hôn, con cái phải ở cùng một trong hay thậm chí không ai cả, sang nhà bác ở. Thiếu thốn tình thương khiến họ buông thả bản thân, lầm đường lạc lối.
Thế giới của những đứa trẻ sống nhầm vai,
“Tôi mong có người dìu dắt nhưng lại phải dìu dắt bố mẹ tôi”“Để trưởng thành người ta phải tự lực xây dựng cái tôi, hình ảnh cá nhân của mình. Nhưng mẹ đã làm hộ tôi hết “.
Thế giới của những đứa trẻ sống trong ngục tù yêu thương, “tôi sợ lắm, sợ mình trở nên giống má: không có cuộc sống riêng, không biết yêu thương bản thân mà chỉ hy sinh cuộc sống của mình cho người khác. Má chọn mọi thứ rẻ nhất cho mình nhưng cho con thì không tiếc gì cả. Cái cách của má làm cho mình có cảm giác mắc nợ, mình phải trả nợ” có những đứa trẻ lớn lên như thế, với sự ái kỷ của ba mẹ mình
Mình nghĩ đây là cuốn sách phù hợp cho mọi lứa tuổi, phù hợp cho người trẻ để thức tỉnh, cho cha mẹ để nuôi dạy con cái tốt hơn. Sau từng câu chuyện bác Giang sẽ phân tích tâm lý và đưa ra vài giải pháp
Sau khi đọc xong cuốn sách, thứ mình băn khoăn nhiều nhất là lối sống của bản thân. Gia đình bố mẹ mình sinh ra thời kỳ hậu bao cấp, với họ sự ổn định là trên hết. Ổn định không sai, chỉ là suy nghĩ đó lỗi thời nhưng đã in sâu trong tâm trí ba mẹ. Và ba mẹ luôn muốn con cái theo ý mình, “cá không ăn muối cá ươn”. Thế nên con phải nghe ba mẹ, chọn lấy công việc “ổn định”, kiếm đồng vô đồng ra chứ cuộc sống vô thường lắm. Nhưng mỗi khi mình nghĩ, nếu bây giờ mình từ bỏ ước mơ mình đi theo thứ gọi là “ổn định”, liệu sau này, khi mình bị cuộc sống này mài mòn, mình có trở trên cộc cằn thô lỗ? mình hằn học khi con mình đang loay hoay vẽ bức tranh của nó, quát lên rằng ” học toán xong chưa mà vẽ, vẽ vẽ vẽ rồi cạp đất mà ăn!!”. Đó là điều mình sợ, mình sợ khi mình sống như một con robot chạy theo guồng quay hối hả này, sẽ đến lúc mình xót xa khi nhìn thấy quá khứ của mình trong hình hài con trẻ.
Một cuốn sách đọc để thấu
– Phạm Vy
“Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ dẫn người đọc vào thế giới của người trẻ trên dưới 20 tuổi, lứa tuổi không còn trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Trong thế giới đó có những run rẩy của va chạm thân thể lần đầu, có lấp lánh của tình yêu, có những đêm dài, những chuyến đi xa, những hoang mang và băn khoăn hiện sinh. Nhưng bao trùm lên tất cả, như một tấm màn lớn, là nỗi đau. Nỗi đau từ sự cô đơn của đứa con vẫn được xã hội khen là “trưởng thành” và “ngoan”, từ sự trống rỗng nội tâm của đứa trẻ lớn lên trong một gia đình lạnh lẽo, từ sự tuyệt vọng của người trẻ bị giam cầm trong nhà tù mang tên tình yêu cha mẹ.”
—
Mình đã nhiều lần rơi vào khủng hoảng bởi sự tự dằn vặt bản thân. Gần như bị ám ảnh và bị hấp dẫn bởi những người giỏi hơn mình. Ghen tỵ, tức giận, ao ước, chới với, bất lực và luôn cảm thấy mình kém cỏi.
Có người chị ở công ty hỏi mình: Tuổi thơ có gặp biến cố gì không? – Lúc đó mình cứ nghĩ: Mình chả có biến cố gì cả, nhưng rõ ràng nó cứ gợn trong lòng, hay là có mà mình không biết gọi tên, không nói ra được?
Ừ đúng, cảm ơn cuốn sách đã giúp mình gọi tên tất cả những cảm xúc, mà đáng lẽ mình cần được hiểu từ thủa ấu thơ.—
Lúc này, mình hiểu rằng hạnh phúc hay sự bình an không thể được định nghĩa bằng từ điển hay quan niệm mà cá nhân mỗi người sẽ tự tạo nên hạnh phúc.
Cũng giống như việc, bố mẹ luôn cho rằng, cung cấp đủ tiền, cho con một mái nhà, ăn ngon mặc đẹp, trải thảm công việc, như vậy là họ đã hoàn thành trách nhiệm với con cái. Nhưng không, người con có thể đang rất đau với những bức tường tưởng là vững chắc mà bố mẹ cố gắng tạo ra.
Hơn ai hết, chúng ta cần một sợi dây kết nối giữa con và cha mẹ, đừng để cho bức tường khoảng cách ấy ngày càng lớn dần lớn dần trong tâm hồn những đứa trẻ.
Ai cũng cần phải thức tỉnh, lắng nghe, học cách chữa lành và yêu thương đích thực!
Nếu có thể các bạn hãy đọc cuốn này nhé!
Theo định nghĩa của tác giả, thì mình đã là người lớn, đã đi làm-có gia đình-độc lập về tài chính, nhưng khi lật giở những trang đầu của cuốn sách, lòng mình thắt lại, vì hoàn cảnh của các nhân vật sao giống với những gì mình đã trải qua, nhắc mình về thời kỳ “hậu tuổi thơ” của chính mình, “thời kỳ mà người ta đã để lại tuổi thơ ở đằng sau, nhưng chưa hoàn toàn bước vào thế giới của người lớn”, thời kỳ mà đến nay khi nghĩ đến những hành động, cảm xúc và suy nghĩ lúc ấy mình vẫn còn sợ.
Những nhân vật trong “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” bơ vơ trong thế giới riêng, bởi tuổi thơ họ bị mất kết nối với gia đình, họ có cha mẹ thờ ơ, áp đặt, kỳ vọng cao…họ tìm đến tình dục, chất kích thích, trò chơi điện tử,…thậm chí họ tự làm đau bản thân mình với mong ước có thể lấp đầy sự trống rỗng bên trong, nhưng tất cả đều vô dụng, họ rơi vào một cái hố không đáy.
Chúng ta không thể biết một người đang mang những tổn thương nào trong lòng, bởi vì những tổn thương tâm lý thì không có hình dạng, biểu hiện cụ thể, và bị xã hội đánh giá là lười biếng, vô trách nhiệm. Bên trong họ còn là cảm giác tội lỗi, mặc cảm về giá trị bản thân, sự mâu thuẫn nội tâm.
Cuốn sách quá ám ảnh và khiến người đọc đau sót về một thế hệ trẻ, nhưng bên cạnh những đau khổ, dằn vặt của các bạn, là niềm khát khao được yêu thương, được công nhận, được lắng nghe, được tôn trọng và thấu hiểu, một sự thèm khát mãnh liệt mà người đọc có thể bắt gặp trong mỗi lời kể của từng nhân vật, đó là ánh sáng giúp các bạn ấy luôn cố gắng để không buông trôi, “để lớn lên thành người tử tế”.
Từ những trang đầu, dễ nhận ra “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” là cuốn sách nói về hậu quả của tuổi thơ đầy tổn thương, nhưng khi đi sâu vào cuốn sách, vấn đề được mở rộng ra khi mà những người thân xung quanh họ, thế hệ ông bà, cha mẹ họ cũng mang những tổn thương, họ không được yêu thương nên không biết cách yêu thương, họ không đủ trưởng thành về tâm lý để dìu dắt con, họ làm con cái “nghẹt thở” bởi tình yêu thương của họ, họ là những bậc cha mẹ cô đơn trong thế giới của mình, họ không thể có kết nối lành mạnh với con cái.
Một điều quan trọng trong sự trưởng thành tâm lý của một cá nhân mà xã hội Việt Nam ít quan tâm đến đó là, được trao cho không gian để phát triển bản thể của mình, hình thành ý chí, nghị lực tự thân. Chúng ta thường thấy cha mẹ can thiệp quá sâu vào những quyết định của con và cho đó là việc bình thường, nhưng sự thực nó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình trưởng thành tâm lý của cá nhân ấy.
Bên cạnh việc nêu ra một vấn đề xã hội, cuốn sách cũng ẩn chứa những bài học cho bậc cha mẹ về nhu cầu của con trẻ, cho các bạn trẻ về năng lực phát triển cảm xúc, nhận thức bản thân để trưởng thành về tâm lý.
Là một người đã từng có những tổn thương trong quá khứ, đọc sách này khiến mình hiểu bản thân mình và đồng cảm, bao dung với những người xung quanh. Trong vai trò người con, cuốn sách làm mình thấy cảm thông hơn cho cha mẹ. Trong vai trò người mẹ, cuốn sách giúp mình ý thức được rằng mình phải tự chữa lành và có tâm lý vững vàng để dìu dắt và không làm tổn thương con.