Trong cuộc sống này, không ai có thể tự lựa chọn vận mệnh cho mình, nhưng với “Bến Xe” của Thương Thái Vi, bánh xe “vận mệnh” lại quá đỗi tàn nhẫn và bất công. Thầy Chương đã dùng nghị lực để thách thức rồi đối đầu với chính vận mệnh của mình, mười lăm năm bị bóng đêm tăm tối bủa vây, để rồi khi gặp được Liễu Địch, cô học trò nhỏ như ánh sáng trong đêm tối.
Review Bến xe (2)
Nếu chúng ta có kiếp sau
“Tôi sẽ ở bến xe này …
Đợi em.”Thà chưa từng biết đến cái đẹp để vĩnh viễn không phải đau đáu hướng về cái đẹp. Thà không biết đến cái gì gọi là tình yêu cao thượng, để không phải đau lòng chứng kiến một cái kết bi thương.
Đó là lần đầu tiên mình đọc truyện ngôn tình nhưng không chỉ là ngôn tình.
Đó là lần đầu tiên trái tim mình thổn thức trước tình yêu không thể cao thượng và trong sáng hơn nữa của nam – nữ chính.
Và đó cũng là lần đầu tiên mình khóc…
Bến xe là một câu chuyện dài về cuộc đời ngắn ngủi của người thầy Chương Ngọc và cô học trò nhỏ Liễu Địch. Nam Chính không phải toàn mỹ như các nam chính thường thấy trong ngôn tình, nhưng anh hoàn hảo về nhân cách, về tâm hồn và anh còn là một người thầy dạy văn tuyệt vời nhất. Có thể thầy khiếm khuyết, đôi mắt thầy bị mù, nhưng vẫn còn đó dáng người cao gầy, bộ óc thiên tài, trái tim nhân từ và tâm hồn mạnh mẽ… Còn nữ chính tuy còn là một nữ sinh cấp 3 nhưng đã mang trong mình một trái tim nhân ái. Cô là một con người tài giỏi nhưng cũng không kém phần cố chấp. Và câu chuyện giữa hai người bắt đầu từ việc Liễu Địch nhất quyết muốn giúp thầy Chương Ngọc về văn phòng. Sau đó, cô còn giúp thầy viết lời phê, chữa bài văn cho các bạn. Cô tận tình đưa thầy ra bến xe mỗi giờ tan học…Khi đọc đến những chương cuối, bạn sẽ hiểu cảm giác ám ảnh, chấn động lưu lại qua từng con chữ của tác giả, nó khiến người đọc như chìm vào cảm giác bi thương hòa với nhân vật chính, với một người thầy, với một người đàn ông, với một tâm hồn cao cả đến vậy.
Mình ấn tượng nhất với nhân vật Chương Ngọc. Anh thật sự là một con người tài hoa, lỗi lạc và hơn hết anh có một tâm hồn cao thượng. Anh thà hi sinh bản thân để bảo vệ tôn nghiêm bản thân cũng như cho người mình yêu “danh dự trong sạch và một tương lai tươi đẹp”.
“Vào thời khắc mọi dây đàn bị đứt, chúng đều phát ra tiếng kêu xé lòng, bởi chúng không cam tâm lặng lẽ chết đi.”
“Trong hiện thực cuộc sống, con người không dễ thông cảm cho người sống, mà dễ thông cảm cho người chết. Con người thường nhớ tới khuyết điểm của người sống. Một khi người đó chết đi, con người sẽ dễ nhớ đến ưu điểm của họ”- Chương Ngọc
Và có lẽ cũng vì lí do đó mà dẫn đến cái kết bi thương cho một mối tình chưa kịp nở hoa. Tất cả còn lại chỉ là những kỉ niệm đẹp mà thôi.
Kết: Mình cho rằng đây là một câu chuyện tình yêu hết sức chân thực và ám ảnh. Bởi lẽ nếu chưa đọc thì thôi, nhưng khi đã đọc thì sẽ bạn sẽ khó lòng thoát khỏi hai từ “chấn động” và “ám ảnh”.
– Ánh Nguyên
Viết cho Chương Ngọc và cho cả Liễu Địch.
Tôi không rõ mình đọc Bến Xe là khi nào, chỉ nhớ trong kí ức đó là hình ảnh của một thầy giáo Chương Ngọc khiếm thị nhưng uyên bác, đầy lòng tự trọng, hết lòng vì sự nghiệp giảng dạy và một Liễu Địch nhỏ bé, xinh đẹp, giỏi giang.
Cả hai là những con người xa lạ, không quen biết rồi vô tình được kết nối với nhau bằng mối quan hệ thầy – trò. Nhưng đâu ai biết được, sâu trong trái tim đã khô héo từ lâu của người thầy ấy lại dần nảy mầm một thứ ánh sáng đặc biệt gọi là tình yêu.
Từng nói, con người khi cô đơn đã lâu sẽ dễ dàng bị lay động bởi một sự quan tâm dù là rất nhỏ nhặt. Chương Ngọc càng phản kháng từ chối sự giúp đỡ, Liễu Địch càng muốn tiến sâu vào trong tâm hồn của thầy, có lẽ vì cô tò mò. Tôi chưa từng cô đơn, cũng chưa bao giờ cô độc, nhưng tôi nghĩ mình có thể hiểu vì sao Chương Ngọc trải qua bao nhiêu năm làm bạn với bóng tối, kiên cường đến mức không chấp nhận bất kì sự quan tâm của ai lại có thể dễ dàng rung động trước cô gái này.
Tôi luôn tự hỏi tại sao khi viết lên những cảm nghĩ này, mình lại không tài nào đặt bút dùng từ “anh” để nói về thầy Chương Ngọc. Tôi cũng biết, mình không có lý do gì để so sánh thầy Chương Ngọc với giáo sư Dương Lam Hàng bởi cả hai quá khác biệt nhau từ tính cách cho đến hoàn cảnh nhưng với tôi mà nói, thầy Chương Ngọc, thầy thực sự đẹp hơn giáo sư Dương. Tôi chưa bao giờ xem Chương Ngọc là một nam chính trong tiểu thuyết ngôn tình, bởi tôi trân trọng thầy bằng tất cả sự ngưỡng mộ của mình, dù thầy chưa bao giờ là một thầy giáo ngoài đời.
Tôi có thể cảm thông, cũng có thể đồng cảm nhưng tôi chắc mình không bao giờ có thể biết được sự bất lực của Chương Ngọc như thế nào, đau khổ ra sao trước cuộc sống đầy rẫy bất công này.
Cuộc đời mang Liễu Địch đến bên thầy, nhưng cũng chính nó đã đẩy Liễu Địch rời xa thầy. Tôi không thể trách thầy tại sao lại dùng cái chết của mình để đổi lấy sự trong sạch cho Liễu Địch, có lẽ tôi hiểu được triết lý ngày ấy của thầy.
“Con người không dễ thông cảm cho người sống mà dễ thông cảm cho người chết. Con người thường nhớ tới khuyết điểm của người sống. Một khi người đó chết đi, con người sẽ dễ nhớ đến ưu điểm của họ. Vì vậy, dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch, tuy phải bỏ cả mạng sống nhưng phần lớn có thể đạt được mục đích. Chỉ là, khi mỗi sinh mệnh sống tìm cách bảo vệ danh dự, càng nghiệm chứng một cách sâu sắc sự tàn khốc của xã hội.”
Thầy hiểu rõ, chỉ có cái chết mới có thể khiến cho toàn xã hội nhìn lại một lần nữa bằng đôi mắt cảm thông, xót xa, đồng cảm vào tình yêu vốn dĩ đơn thuần, trong trắng của cả hai.
Trong suốt quá trình theo dõi câu chuyện, tôi luôn mong chờ một phép lạ sẽ xảy ra khiến thầy sáng mắt, nhưng cuối cùng hy vọng của tôi vẫn là con số không. Tôi không thất vọng, cũng không oán trách bởi tôi biết, mạch truyện tác giả đưa ra đã rất logic và hợp lý. Bởi giả sử thầy Chương Ngọc sáng mắt, thì cũng không thể thay đổi được cái nhìn của mọi người về mối quan hệ thầy giáo – học trò kia.
“Cậu không thể chết, trừ khi, tình yêu của cậu đáng đánh đổi bằng sinh mệnh. Nếu chết, cậu cũng nên chết cho người xứng đáng giành được tình yêu của cậu.”
Một con người đang ở độ tuổi niên thiếu, sự nghiệp đang lên, bỗng chốc bị dập tắt hoàn toàn bởi một ngọn lửa. Mang theo đôi mắt mù lòa, cuộc sống Chương Ngọc trở nên tăm tối đến nghẹt thở, mỗi ngày tẻ nhạt lặp đi lặp lại như một cỗ máy, tôi hiểu rõ, tuổi thanh xuân và cả quãng đời còn lại sau này của thầy đều vùi trong đống tro tàn dưới ngọn lửa ấy.
Nhưng rất rõ ràng khi Liễu Địch xuất hiện, Chương Ngọc không còn cô độc như trước, ít nhất là quãng đường từ trường đến bến xe.
Những con người xung quanh Chương Ngọc chính là xã hội, đã là xã hội thì không bao giờ có lòng tin tuyệt đối, đó là điều tất yếu. Chính vì vậy, chỉ có cái chết mới có thể biến sự nghi ngờ kia trở thành sự đồng cảm mà thôi.
Thầy hiểu điều đó và chọn cho mình một kết thúc buồn chỉ để đổi lấy danh dự và sự trong sạch cho Liễu Địch, thầy muốn bảo vệ cô gái đã vẽ lên cuộc sống tuy ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ cho thầy.
Chương Ngọc nợ Liễu Địch một lời xin lỗi, nợ một lời cảm ơn, nợ một lời hứa, nợ một lời tỏ tình, nợ một đời. Nhưng ai sẽ thay thầy nói ra điều đó sau khi thầy ra đi? Chỉ mong rằng kiếp sau còn có thể gặp lại.
“Liễu Địch, thứ tôi có thể cho em trong cuộc đời này, chỉ là danh dự trong sạch và một tương lai tươi đẹp mà thôi. Thế nhưng, kiếp sau, nếu tôi có đôi mắt sáng, tôi sẽ ở bến xe này…. đợi em.”
Trích dẫn Bến xe
“Con đã từng nói, sinh mệnh và linh hồn của con đã hòa nhập vào sinh mệnh và linh hồn của thầy Chương. Bây giờ, con chính là thầy, thầy chính là con, tác phẩm thầy chưa hoàn thành, con sẽ viết thay thầy; mơ ước thầy chưa thực hiện, con sẽ thực hiện giúp thầy; Con đường thầy chưa đi hết, con sẽ tiến bước thay thầy; Huy hoàng thầy chưa kịp tạo ra, con sẽ tạo giúp thầy. Con sẽ vì thầy sống vui vẻ, sống ngoạn mục. Con sẽ cùng thầy bước ra khỏi bóng tối, đi tới ánh sáng!”
“Con sẽ không yêu bất kì người đàn ông nào. Sinh mệnh và linh hồn của con đã hòa nhập cùng thầy Chương, sao con có thể dung nạp người khác?”
“Con sẽ không oán trách số phận nữa. Con cám ơn ông trời vì đã cho con một tình yêu lâu bền nhất, cao thượng nhất, thuần khiết nhất, mãnh liệt nhất, sâu sắc nhất trên cuộc cõi đời này. Bao nhiêu người sống ở đời có được một tình yêu như vậy? Con còn điều gì không hài lòng?”