Lần cập nhật gần nhất July 6th, 2021 - 10:03 am
Biên Niên Cô Đơn được chia thành hai phần đan xen, một phần là câu chuyện tình cảm của chính tác giả, bắt đầu từ dòng tin nhắn gửi cho nhau, cho đến cuộc hẹn, cho đến khi ngỏ lời yêu, quyết định sống cùng nhau cho đến khi những rạn nứt âm thầm xuất hiện cho đến khi một trong hai người nhắn cho nhau câu, “Dừng lại nha.”. Phần còn lại bao gồm những câu chuyện đa dạng màu sắc khác, như truyền thuyết về “Bỉ ngạn hoa”, “Địa ngục tầng 19″, hay có phần dân dã như “Má đòi ly dị”, “Khùng”.
Review Biên niên cô đơn (3)
NHỮNG NĂM DÀI KHỞI NGUỒN
TỪ HAI CHỮ CHIA TAY“Biên niên cô đơn“ – Nguyễn Ngọc Thạch, từ chia tay đến bình yên, từ náo nhiệt đến lặng lẽ, từ hít thở chung một bầu không khí cho đến chẳng còn tồn tại.
Lần đầu tiên được biết đến tác giả Nguyễn Ngọc Thạch và đọc sách của anh, cuốn “Biên niên cô đơn“ mang cho mình một nỗi buồn rất đỗi trưởng thành, không quá vồ vập như tình yêu thuở mới lớn, nó lênh đãng, có phảng phất chút gì đó của sự chấp nhận.
Từng mẩu tiêu đề, như biểu hiện cho từng tính chất trong mỗi cuộc yêu, từng giai đoạn như “tán tỉnh”, “hẹn hò”, “một tiếng yêu”, “ghen” … . Nó chứng minh rằng tình yêu phải được bồi đắp bởi đầy những thứ khác, tình cảm chỉ là thứ làm xuất phát nên một cuộc tình. Nếu cậu có tình cảm, cậu mới có thể có động lực lên kế hoạch tán tỉnh người khác, hẹn hò nhau vào một dịp nào đó để gặp mặt, một chuỗi phản ứng đều được xây dựng nên từ những điều như vậy. Nhưng mà, chính cả chia tay cũng nằm trong chuỗi phản ứng đó.
Trước câu nói chia tay, có phải chúng ta đều có hàng nghìn, hàng triệu những lý do khác nhau để hướng tới chung cùng một mục đích.
Xa rời nhau.
Đã từng coi nhau là chốn yên bình mỗi khi xong việc và tan ca, coi đối phương như là ngòi kim châm nổ những nỗi ưu phiền của mình vỡ tan ra. Vậy mà giờ đây chỉ nhìn nhau lần cuối rồi hẹn gặp nhau sau muôn vàn 8 kiếp. Vậy mà vẫn thấy bình yên, vẫn đủ mạnh mẽ để bước đi như chẳng có gì mà đáng tiếc.
Theo cảm nhận của mình, tác giả đã trải qua những cuộc tình có chóng vánh, có sâu đậm, có cả những cuộc tình bị tác động bởi 1 người thứ 3. Với những câu chữ được viết ra, không còn là một kẻ ngô nghê, si tình, chạy theo người mình yêu nữa, ở đây là một người từng trải, một người khắt khe hơn trong việc có thể yêu thêm một ai đó.
“Dừng lại“, có lẽ là phần kết thúc một mối tình, tại thời điểm như vậy, cả nhân vật và tác giả lẫn người đọc đều cảm nhận được sự kết thúc, sự xa rời mãi mãi. Lúc này, chỉ là do người nào mở lời trước, chứ không còn quan trọng về việc níu kéo nhau lại như thế nào nữa rồi. Nhưng mọi thứ vẫn sẽ cứ tiếp tục:
“Cuộc đời vẫn vậy, không bao giờ vì ai xa ai mà dừng lại giây phút nào“
Chúng ta không cô đơn một mình. Cuốn sách giúp tớ nhận ra rằng, việc chấp nhận là thứ tốt nhất chứ không phải cứ mãi mãi níu kéo sự cô đơn, chia ly. Xa cách ắt là một phần trong cuộc sống, ai rồi cũng sẽ phải trải qua 1-2 lần trong đời trước khi tìm ra được một nửa của mình.
Tớ nghĩ rằng khi đã có quá đủ những ngày bên nhau, giờ còn lại sẽ dành cho những ngày xa cách.
“Mãi nhiều năm về sau tôi mới biết, hóa ra khi chia tay, chúng ta từ bỏ một người tình và giữ lại cuộc tình. Người tình có thể qua đời còn cuộc tình thì trường tồn với thời gian. – Thạch”
Sau chia tay rất khó để cố tình lãng quên đi cuộc tình đã qua. Không có cách nào thay đổi những thói quen trước đây, dù làm đủ mọi thứ nhưng vẫn cứ nhớ nhung. Chẳng biết làm gì ngoài mượn rượu bia giải sầu đến chán nản. Cuối cùng cũng nhận ra khi một người muốn rời đi chúng ta có níu kéo cũng không có tác dụng. Sau tháng năm dài đằng đẵng mọi thứ kết thúc thật rồi. Chia tay rồi, cuộc sống vẫn vậy, dù đêm qua có điên loạn vì tình yêu như thế nào thì sáng sớm ngày mai vẫn đến theo lịch hẹn. Bạn vẫn phải đi làm, vẫn phải sống. Thế nên yêu sao để đừng đau khổ quá nhiều, điều đó đôi khi còn khiến bạn đánh mất niềm tin vào tình yêu.
Điều mình thích ở cuốn sách này có lẽ là những dòng tâm sự nhẹ nhàng xen lẫn những bài học tình yêu. Cách kể chuyện của Nguyễn Ngọc Thạch vô cùng tự nhiên, không khô cứng dễ đi vào lòng người. Cá nhân mình đánh giá cao phong văn của tác giả.Cuốn sách sẽ là sự lựa chọn cho những ai muốn tìm kiếm một bến đỗ bình yên, câu chuyện tình yêu được kể trong cuốn sách quá đỗi bình dị, tất cả đều được lấy từ chất liệu đời thường cuộc sống. Nó không phải là thứ tình yêu khiến con người mù quáng mà quên đi bản thân, quên đi bản chất vốn có của tình yêu mà nó giống như một thứ tình yêu chấp nhận. Chấp nhận lãng quên nhau sau những tháng năm dài đằng đẵng khi duyên đã cạn.
Có gặp ắt có chia ly – một định luật chúng ta phải làm quen. Bởi cuộc đời không có gì là trọn vẹn phải gặp gỡ nhiều người chúng ta mới có thể tìm được mảnh ghép còn thiếu của cuộc đời mình.
Cuộc sống ấy mà, không phải lúc nào cũng giống như mong đợi của con người. Sẽ có những lúc bạn bất lực trước cơn bão giông của cuộc đời, đó là khi đến chính bản thân còn không biết mình thích điều gì, là những người xung quanh rời đi ngày một nhiều xen lẫn với đó là nỗi cô đơn của người trưởng thành. Nó như gặm nhấm tâm hồn bạn từng chút một thế nhưng bạn phải tập thích nghi với cô đơn.
Những kinh nghiệm, góc nhìn đa chiều về tình yêu thực tế của Nguyễn Ngọc Thạch chắc chắn sẽ thuyết phục được những độc giả khó tính nhất. Biên niên cô đơn – một cuốn sách chữa lành vết thương cho những trái tim vụn vỡ sau chia tay.
Chúc bạn có những trải nghiệm thú vị trên trang sách.
Tôi hơi ngạc nhiên khi một cuốn sách có vẻ giống tản văn lại có màu bìa đen kịt. Hàng chữ “biên niên cô đơn” cũng ảm đạm nhạt màu. Càng thắc mắc hơn về cái tên của tác giả “Nguyễn Ngọc Thạch”. Tôi cho rằng đó là một tác giả nam. Nhưng viết tự sự dưới hình hài của một nhân vật nữ rất uyển chuyển và không hề khiên cưỡng.
Thực ra, tôi vốn không thích những chuyện tình sướt mướt. “Có lẽ nội dung cuốn sách sẽ là những kể lể và khắc hoạ nội tâm quằn quại sau chia tay của nhân vật”. Sau khi đọc lướt tựa đề sách, tôi đã từng nhận định như vậy.
Nhưng mỗi cuốn sách nếu chỉ nhìn qua thì sẽ không bao giờ đánh giá đúng được nội dung phía sau bìa sách. “Biên niên cô đơn” với quy mô hơn 200 trang đưa người đọc đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đằng sau tấm màn đen bí ẩn của bìa sách lại là “chân diện mục của thứ gọi là tình yêu”.
Nội dung cuốn sách phát triển theo hai lát cắt. Lát cắt thứ nhất là Biên niên của một cuộc tình cụ thể từ khi bắt đầu giai đoạn bắt đầu làm quen, tán tỉnh cho đến khi chia tay và hậu chia tay. Lát cắt thứ hai là biên niên của thứ mà chúng ta vẫn gọi là tình yêu bằng cách “bóc dần” những cảm xúc phức tạp giữa hai giới đàn ông và đàn bà. Đi từ những hẹn hò lãng mạn, thứ tình cảm màu hồng phấn nhất cho đến khi trần trụi giữa tình cảm, tình dục, lý trí và thói quen.
Xen lẫn vào đó là những tích cũ chứa đựng triết lý về nhân sinh, tình duyên. Những câu chuyện đời thường, tình cảm của những nhân vật phụ. Mở ra cho độc giả những góc nhìn phong phú hơn về cuộc đời, về sinh tử, về đau khổ và cô đơn.
Cuốn sách đưa người đọc đi du lịch vào tận nơi sâu thẳm tâm can. Dạo qua những thứ hỷ nộ ái ố trầm luân trong tình cảm. Những thay đổi nhuốm màu năm tháng trong suy nghĩ của mỗi con người. Sẽ không mất thời gian cho những ai đang lạc lối trong cô đơn, mất đi ý nghĩa cuộc sống sau chia tay hay đang do dự bước tiếp trong sa lộ vạn ngàn mối lương duyên tình cảm. Đọc để cảm nhận và đi ngược sâu vào khao khát, trống vắng, cô độc của bản thân. Đọc để nhận rõ đâu là tình yêu, đâu chỉ là những rung động và tiếc nuối khẽ gõ cửa cuộc đời rồi không bao giờ trở lại.
Biên niên cô đơn vẫn có một số lỗi nhỏ trong soạn thảo. Có lẽ là một số nhầm lẫn khiến người đọc có hiểu nhầm về “giới” tính của nhân vật. Ngoài ra thì lối sống phóng khoáng của nhân vật nữ có thể sẽ ảnh hưởng đến thường thức và thói quen tiếp nhận tư tưởng của một số độc giả đề cao yếu tố “phẩm hạnh” và “đạo đức”. Nhưng nhìn chung đây là một tác phẩm hay. Lối viết kết hợp giữa những tư tưởng hiện đại trong tình duyên và triết lý cổ điển trong nhân duyên.
Một cuốn sách đáng để các bạn trẻ nghiền ngẫm.