Lần cập nhật gần nhất February 24th, 2021 - 02:28 pm
Bức xúc không làm ta vô can là 26 mẫu chuyện với 26 góc nhìn khác nhau đầy thú vị. Cung cấp cho người đọc một góc nhìn trực diện, thẳng thắng và tỉnh táo, xoay quanh những vấn đề, những góc khuất đằng sau những hào nhoáng của xã hội hiện đại nói chung và đất nước Việt Nam nói riêng: tâm lý đám đông, công lý, sắc tộc, môi trường, sự phân hóa giàu nghèo và những hiện tượng xã hội khác
Mình tin sau khi đọc xong, người đọc sẽ có cái nhìn đời, nhìn người với một con mắt mới, rõ ràng hơn và sâu sắc hơn, sống có trách nhiệm, sống đúng với bản thân mình hơn.
Review Bức xúc không làm ta vô can (2)
Sau khi đọc “Thiệc, ác và smartphone” và “Điểm đến của cuộc đời”, tôi mới quay trở lại với “Bức xúc không làm ta vô can” – được xuất bản trước hai cuốn kể trên. “Bức xúc không làm ta vô can” là một tập hợp những bài nghị luận XH về nhiều đề tài như nghị lực trong cuộc sống, lợi và hại khi cho con đi du học, những chuyện hài hước châm biếm về giải phẩu thẩm mỹ, sự lố lăng của truyền hình thực tế, lòng tự thiện đặt sai chỗ của du khách vùng cao… Không dễ để viết review cho cuốn này nhưng tôi vẫn muốn “nói” một chút về nó, vì vậy tôi sẽ viết cảm nhận của mình về một số bài trong sách.
Vì không cần phải đọc theo thứ tự đầu đến cuối nên tôi chọn bài “Vẻ đẹp của người đứng một mình” để đọc trước, vì tôi thường đứng một mình nhưng (dĩ nhiên là) không đẹp haha. Bài viết nói về hội chứng nghiện smartphone của con người hiện đại, làm gì, ăn gì cũng phải chụp tấm hình đăng FB (nghe khá giống tôi). Những câu ấn tượng đối với tôi trong bài viết này là
__ “Cái gì không được ghi vào bộ nhớ ĐT, cái đó không tồn tại”.
__ “Chúng ta cần đứng riêng để tìm ra mình, để bảo vệ tư duy độc lập và nuôi dưỡng ý thức trách nhiệm”.
__ “Một mình không có nghĩa là phải tách khỏi người khác một cách vật lý. Một mình là một quan điểm sống, một trạng thái tinh thần độc lập, nó không được đo bởi khoảng cách vật lý giữa một cá nhân và những người xung quanh. Các ẩn sĩ hiện đại không cần thiết phải lên núi. Họ vẫn ở trong XH, yên lặng, quan sát và tìm hiểu thế giới. Họ tự do trước các con sóng của đám đông để có thể quan tâm tới cộng đồng một cách sâu sắc hơn, đóng góp cho cộng đồng một cách hiểu biết hơn”.
Bài “Vẻ đẹp của người đứng một mình” có liên quan một chút đến bài “Vẻ đẹp của người chạy marathon về chót”, không phải liên quan ở từ “vẻ đẹp”, mà liên quan ở chỗ khích lệ ý chí và tinh thần độc lập.
Bài viết về truyền hình thực tế khiến tôi nhớ đến một show truyền hình thực tế của nước ngoài tình cờ xem trên TV: người sản xuất show bỏ con rắn giả vào buồng ĐT công cộng rồi quay lại phản ứng của những người xui xẻo bắt gặp con rắn. Ngay lúc xem thấy chương trình đó, dù chưa đọc bài viết này của tiến sĩ Hoàng Giang, tôi vẫn cho rằng làm chương trình như thế thật là tàn nhẫn. Chẳng có gì để cười trước sự sợ hãi của người khác. Cảm xúc và sự ngạc nhiên của cá nhân nếu bị quay lại không xin phép rồi tung lên cho thế giới xem – đó là hành vi vi phạm nhân phẩm, gây sỉ nhục cho nạn nhân.
Một trong những bài viết khiến tôi buồn cười là bài về cảnh khách tham quan chịu mất tiền + thời gian + sức lực để vào xem bức tranh Mona Lisa tại bảo tàng Louvre ở Paris. Xếp hàng chen lấn như điên chỉ để đứng chụp selfie cách bức tranh 4m qua một lớp kính >> tức là chẳng thấy gì cả. Vốn là một người rất thích đi bảo tàng (đặc biệt sau khi đọc các tiểu thuyết của Dan Brown) nhưng dù có được trả tiền để vào xem bức tranh Mona Lisa tại Louvre, tôi cũng sẽ KHÔNG xem. Thà ngồi yên ổn tại nhà đọc bách khoa về lịch sử nghệ thuật còn hơn.
Một bài viết khác nhất định phải đọc trong cuốn này là “Những hiểm họa bất ngờ khi gửi con đi du học” được viết theo phong cách trào phúng. Tôi thật sự thích nội dung và cả văn phong của tác giả trong bài bày, đọc xong cảm thấy muốn đi du học haha. Nhưng nếu chưa có / không có khả năng đi du học, độc giả vẫn có thể tự rèn luyện cho mình những đặc tính được nêu trong bài viết. Chỉ cần muốn thì sẽ làm được.
Là một người thích đọc sách, tôi đặc biệt lưu ý đến bài viết “Tôn thờ sách là mê tín dị đoan”. Tác giả kể về sự kiện nóng sốt xảy ra vào tháng 7/2014 khi một bức ảnh chụp một đạo diễn và một người mẫu đang ngồi lên sách bị tung lên mạng. Thật ra họ ngồi trên hai cái ghế được kê lên mấy cuốn sách, và đó là ảnh chụp hậu trường, không có khán giả. Giờ đọc cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” thì tôi mới biết chứ năm 2014 tôi không hề biết gì về việc đó, nhưng nếu biết thì có lẽ phản ứng đầu tiên của tôi cũng sẽ phê phán họ, vì lúc đó tư duy của tôi chưa rộng mở lắm. Ngay đến giờ là năm 2020, đã đọc qua (và chê bai) không ít sách, tôi vẫn chưa hề nghĩ mình sẽ ngồi lên bất kỳ cuốn sách nào, nhưng giờ thì tôi cam đoan mình không phản đối / không bài trừ / không phản cảm khi thấy người khác ngồi lên sách, miễn là đừng ngồi lên bìa sách có in hình Lý Quang Diệu hoặc Mẹ Teresa hoặc một số người khác mà tôi kính trọng (tức là có thể ngồi lên bìa sách in hình những ai tôi không kính trọng!).
Thậm chí ngay chính những người lên tiếng chê bai chửi bới đạo diễn và người mẫu đã ngồi lên sách đó, chưa chắc họ là những người đọc + quý sách. Phê phán và hạ bệ người khác thì dễ, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và suy nghĩ với lòng khoan dung mới khó. Hôm qua tôi đọc được một câu rất hay trên tạp chí ELLE rằng “Những người bạn gặp trong cuộc sống hằng ngày, họ không hẳn là người lạ mà chỉ là người mà bạn chưa quen thôi”. Trong một phút bốc đồng đi công kích người khác, sau này lỡ họ là người ban ân cho mình hoặc cứu mình – lúc đó mình sẽ dùng tâm thế gì để đối xử với họ?
Trở lại với bài viết về sách, tác giả Đặng Hoàng Giang viết thế này: “Với tôi, mọi việc khá đơn giản. Nếu một cuốn sách có giá trị với tôi, vì nội dung của nó, hay vì nó là một kỷ niệm, tôi sẽ giữ nó. Nếu không, tôi sẽ nghĩ xem liệu nó có giúp ích hay đem lại niềm vui cho ai đó khác không. Nếu không nữa, thì cuốn đó được bán giấy vụn, để lót nồi, hoặc được xé ra nhóm lửa trại”.
Sách bây giờ không rẻ (thật ra là đắt thấy sợ luôn) nên đem bán giấy vụn, lót nồi hoặc xé nhóm lửa thì cũng tiếc (tiền), nên đối với những quyển sách không thích, tôi sẽ tặng hoặc cho mượn. Nếu sách do người yêu tặng mà sau này chia tay thì tôi sẽ đem trả chứ không xé hoặc đốt, còn những cuốn yêu thích được lưu giữ cả đời thì chắc sau này tôi sẽ di chúc cho ai đó. Nói chung, tuy tự cho rằng mình là mọt sách và có sự tôn trọng nhất định đối với sách / tác giả / dịch giả / thiết kế / biên tập / NXB nhưng tôi không hề xem sách như một linh vật cần tôn thờ một cách điên rồ, cũng không bọc sách để khỏi xài thêm nhựa. Đời sách cũng như đời người, là để đọc và thỉnh thoảng khiến nó lấm lem bụi đất một chút, để đem lại niềm vui và cảm thấy xứng đáng từng giây phút sống, để từ từ cũ đi và dù có chìm vào quên lãng cũng không sao.
Sau hai cuốn “Thiện, ác và smartphone” và “Điểm đến của cuộc đời”, tôi nảy sinh mong muốn viễn vông là được một lần trò chuyện với tác giả Đặng Hoàng Giang, nhưng sau cuốn “Bức xúc không làm ta vô can” thì mong muốn viễn vông đó bị thổi bay mất, vì tôi nghĩ có một số quan điểm không hợp nhau sẽ khiến không khí cuộc trò chuyện trở nên xấu đi. Tuy vậy, lòng yêu thích của tôi đối với sách của tiến sĩ Hoàng Giang vẫn giữ nguyên, tôi sẽ tiếp tục đọc những cuốn sách khác của ông, đồng thời luôn quảng bá sách của ông đến với những bạn đọc khác.
– Camellia Phoenix (Sea, 19-1-2020)
BỨC XÚC KHÔNG LÀM TA VÔ CAN by Đặng Hoàng Giang – Một hồi chuông thức tỉnh
P/s: Bài dài, mong người đọc kiên nhẫn
Với ngòi bút thẳng thắn và đầy tính nhân văn, Bức xúc không vô can của Đặng Hoàng Giang vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về xã hội trong thế giới hiện đại ngày nay, ngòi bút của tác giả thôi thúc chúng ta không ngừng suy nghĩ về trách nhiệm của mỗi cá nhân và chúng ta nên sống như thế nào để góp phần làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn.
Giới thiệu đôi nét về tác giả
Đặng Hoàng Giang là một chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và là một tác giả chính luận. Các quan điểm và góc nhìn của ông xoay quanh những vấn đề mang tính phổ biến trong xã hội, những vấn đề liên quan đến bình đẳng, công lý, và tương quan quyền lực nói chung. Ông đã sinh sống và làm việc tại châu Âu trong vòng 20 năm, hiện tại ông đang sống và làm việc tại Việt Nam.
Giới thiệu về nội dung sách
Bức xúc không làm ta vô can với 26 bài viết là 26 câu chuyện từ quen thuộc như thịt chó, phẫu thuật thẩm mỹ, từ thiện câu like cho đến những vấn đề xã hội mang tính vĩ mô xa xôi như sự ảnh hưởng quan trọng của du lịch đại trà, sính ngoại, sự tàn phá của kinh tế thị trường. Với cách phân tích khách quan và hóm hỉnh, tác giả đã thực sự mổ xẻ vấn đề một cách trần trụi, chân thật và thẳng thắn nhằm mang đến cho chúng ta một cái nhìn khách quan nhất có thể.
Bên cạnh đó cùng với những bình luận sắc sảo kèm với việc đưa ra những giải pháp bất ngờ và đầy trách nhiệm trong việc định hình tư duy của chúng ta và khơi gợi sự tự ý thức bên trong mỗi con người đối với những vấn đề xã hội, sống có trách nhiệm với cộng đồng hơn và luôn ý thức và chất vấn những hành động và suy nghĩ của chính mình.
Vì là một nhà hoạt động xã hội nên những bài viết của tác giả luôn đề cao sự quan trọng của cộng đồng và xã hội nói chung. Đương nhiên, chúng ta không phủ nhận vai trò của từng cá nhân, nhưng với sự tự ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, xã hội sẽ phát triển và văn minh hơn rất nhiều. Với ngòi bút rất thẳng thắn và quan điểm đôi khi gây tranh cãi, tuy nhiên nhìn chung quan điểm của tác giả xoáy sâu vào suy nghĩ và nhận thức của chúng ta, buộc chúng ta phải suy nghĩ và động não.
Sau đây là một vài quan điểm cả tác giả về các vấn đề trong xã hội theo hai hướng vĩ mô và vi mô mà bản thân mình thấy khá thực tế và phải lưu tâm để thay đổi nhận thức của mình:
1. Trước hết, các vấn đề mang tính vi mô:
Câu chuyện: Bức xúc không làm ta vô can
Nội dung xoay quanh những hiện tượng hay vấn nạn mà chúng ta rất hay dễ tiếp cận và trải nghiệm hằng ngày, đặc biệt là những tin tức mang tính “tiêu cực” và gây chú ý đối với cộng đồng như hôi của, trộm cắp, bác sĩ vứt xác bệnh nhân, bảo mẫu đánh đập trẻ em trong nhà trẻ, vv. Chúng ta hay có xu hướng chú ý và tập trung vào những tin tức tiêu cực và gây phẫn nộ như thế này hơn là những tin tức tốt, hay là những tấm gương của người anh hùng cứu giúp một ai đó trên mặt báo. Hay nói cách khác, chúng ta trong vô thức lại quá thờ ơ với tin tốt nhưng lại quá quan tâm đặc biệt với những tin xấu.
Khi chúng ta nhìn thấy trên báo đài hay phương tiện thông tin đại chúng những tin tức xấu trên mặt báo, phản ứng đầu tiên của chúng ta là những cái chẹp miệng, những cái tặc lưỡi, rồi kéo theo sau đó là những cảm xúc bực dọc, cáu kỉnh, muộn phiền và giận dữ, đây là những cảm xúc thường trực trong dư luận.
Vì sao chúng ta lại ưu tiên tin xấu, phải đắm đuối vào chúng thay vì chú ý đến những điều tốt lành? Vì sao chúng ta không chuyền tay nhau nghe về những câu chuyện đẹp mà thay vào đó là sự bực dọc và than phiền về những chuyện không hay? Theo tác giả, tác giả gọi đây là hội chứng “bức xúc”, và đây là những nguyên nhân đằng sau hội chứng này:
Khi chúng ta lên tiếng phê bình hay than phiền, thậm chí sử dụng lời nói để miệt thị ai đó hoặc điều gì đó, chúng ta cảm thấy bản thân mình tốt hơn người khác, đồng thời chứng tỏ với người khác rằng chúng ta không thờ ơ và vô cảm, chúng ta quan tâm và lo lắng cho họ. Điều đó cũng chứng tỏ một điều là chúng ta chỉ là nạn nhân và không liên quan gì đến việc đó.
Theo tác giả, khi chúng ta cảm thấy bức xúc và giận dữ về một vấn đề xã hội nào đó, chúng ta không vô can, chúng ta vẫn phải có trách nhiệm để thay đổi, đóng góp và thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với những bất công hay phi lý ấy. Thể hiện sự bức xúc không loại trừ ta khỏi những vấn đề xã hội đó, nó chỉ mang đến cho chúng ta những cảm giác thoải mái tạm thời vì cho rằng chúng ta vô tội.
“Dần dần chúng ta đâm ra nghiện những cái lắc đầu, những cái chép miệng, lúc thì ta phẫn nộ, khi thì chỉ cười buồn. Cảm giác mình tốt đẹp, đầy sự quan tâm, cộng với sự vô can, không liên đới, không chịu trách nhiệm, là một cảm giác êm ái. Nó cũng xoa dịu những bứt rứt lương tâm thi thoảng nổi lên khi chúng ta lờ mờ cảm thấy mình không đủ dũng cảm để làm hết những gì có thể trước những sai trái trong xã hội. Những lúc đó, cách trấn an bản thân hiệu nghiệm là tỏ ra bức xúc một cách gay gắt.”
Chính vì vậy, thay vì tỏ ra bức xúc và tỏ thái độ không hài lòng, cho rằng mình là vô tội, hãy luôn ý thức được sự thật ấy, thể hiện sự khiêm nhường và tự hỏi bản thân xem mình có thể làm được gì để góp phần ngăn chặn được sự bất công ấy. Đó là việc tối thiểu mà chúng ta có thể làm.
Câu chuyện: Từ Thiện “Câu Like”
Việc từ thiện, làm những công tác thiện nguyện cho người khác là một việc làm đáng được trân trọng và tuyên dương. Nó thể hiện tinh thần vì một cộng đồng tốt đẹp và phát triển hơn, sự gắn kết của đồng bào lẫn nhau và đề cao tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Tuy nhiên, với ngòi bút mổ xẻ vấn đề của tác giả, bác lại cho chúng ta một “cú hích” mạnh vào nhận thức về việc từ thiện trong xã hội ngày nay.
Việc từ thiện thường được các phương tiện truyền thông, báo đài hay những trang mạng xã hội đặc biệt chú ý đến, đặc biệt là những người nổi tiếng. Họ thường hay đi đến những khu vực cần sự giúp đỡ, hay những khu vực người dân đang đói kém, không tiếp cận được y tế và thức ăn, để họ có thể đến đó để hỗ trợ và quyên góp tiền hoặc những phần quà có thể hỗ trợ họ. Tuy nhiên chúng ta nên nhìn vấn đề một cách hai chiều, những gì chúng ta thường thấy trên mặt báo là những lần từ thiện theo kiểu “câu like”, nhằm mục đích đánh bóng tên tuổi của họ, chứ thực chất không nhằm giải quyết những vấn đề gốc rễ của khu vực đó.
“Người nghèo ở đây chỉ là những cái cớ, những vai quần chúng, không ai quan tâm đến họ hết, cả người viết lẫn người đọc báo. Cái họ quan tâm là người nổi tiếng mặc gì, đi giày ra sao, đi cạnh ai.”
Như vậy, làm từ thiện thế nào cho đúng?
- Thứ nhất, chúng ta nên bắt đầu đặt tâm điểm và sự chú ý vào người nhận chứ không phải người làm từ thiện, những ngôi sao hay người mẫu.
- Thứ hai, chúng ta nên suy nghĩ xem liệu hành động của mình dụng ý thì tốt, nhưng có thể gây tác hại gì không, vì chúng ta không muốn vì “lòng tốt” của mình mà tạo cơ hội cho những người nhận sự giúp đỡ ấy trở nên vô trách nhiệm với cuộc sống của chính họ và xem mọi thứ được ban phát là một chuyện dĩ nhiên.
- Thứ ba, chúng ta nên suy nghĩ xem nên hướng nguồn lực của mình vào đâu để đem lại những lợi ích lớn nhất cho những người hay cộng đồng mình cần trợ giúp.
“Tiền chỉ là một trong các nguồn tài nguyên, thậm chí không phải là nguồn quan trọng nhất. Quan trọng hơn là kiến thức, tài năng, và sức ảnh hưởng của các cá nhân muốn giúp đỡ đồng bào của mình.”
Câu chuyện: Người nghèo không có lỗi
Theo quan điểm của tác giả, không phải lối sống của cá nhân tạo nên sự nghèo đói, mà sự nghèo đói tạo ra những người nghèo. Nghe có vẻ hơi nghịch lý nhưng chính quan điểm này thách thức tư duy của chúng ta suy nghĩ theo một chiều hướng nhân đạo và bao dung hơn với người khác.
Hầu như chúng ta thường hay lên án và đổ lỗi cho những người nghèo là không có chí hướng tiến bộ, không có sự ý thức để vực dậy khỏi sự nghèo đói, không có nghị lực cũng như quyết tâm để thay đổi cuộc sống của mình, nhưng khi chúng ta lên án và chỉ trích họ như thế, chúng ta chỉ đang nhìn vấn đề theo một chiều và phiến diện trong một hệ phương trình, chúng ta chỉ đổ lỗi cho những hành vi của họ thay vì nghĩ đến tới những yếu tố khác tạo nên sự nghèo đói ở họ.
Trong nhiều trường hợp, có thể do họ sinh ra ở những thời điểm nền kinh tế đang suy thoái hay vì khu vực họ sinh sống không có đủ phương tiện hay nguồn tài nguyên thiết yếu để tiếp xúc với những cơ sở hạ tầng hiện đại, hay những bất bình đẳng hay những bất công đang xảy ra tại thời điểm đó. Vì vậy, chúng ta nên tư duy khác biệt để nhìn ra tận sâu gốc rễ nguyên nhân của vấn đề.
Chúng ta nên có một cách nhìn thông cảm hơn, thay vì lên án và chỉ trích, chúng ta hãy tìm cách nhen nhóm một sự tự tin trong bản thân họ, tạo thói quen bắt tay vào việc dù rất nhỏ, kiên nhẫn hướng dẫn, khích lệ để cho họ thấy họ có thể thay đổi và đi những bước đi đầu tiên, hãy cho họ sự hy vọng về chính bản thân họ, một cảm giác họ không phải là thừa thãi”
2. Các vấn đề mang tính vĩ mô
Câu chuyện: Đừng làm giàu trước, dọn dẹp thiệt hại sau
Trong câu chuyện, tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống an sinh xã hội và mức độ an sinh (well-being) của người dân trong một quốc gia.
Thông thường, khi đánh giá mức độ phát triển của một đất nước thì GDP (Gross Domestic Product) hay còn gọi là tổng sản phẩm quốc nội được xem là chỉ tiêu quan trọng trong việc giúp một đất nước đi lên. Tuy nhiên, nếu như chúng ta chỉ nhìn vào GDP để nói lên một quốc gia có mức độ phát triển hay đánh giá mức độ hài lòng của người dân thì có lẽ câu trả lời sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên. Nếu dùng GDP là thước đo, thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã bỏ qua những vấn đề xã hội khác như bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường, bạo lực xã hội hay bất công, vv.
Điều quan trọng hơn hết ngoài GDP ra, chúng ta còn phải xem xét thêm nhiều yếu tố như mức độ hài lòng của người dân, xem xét sự đóng góp của họ vào tinh thần chung vì cộng đồng, qua chất lượng dịch vụ công và những yếu tố khác như sức khỏe, y tế, môi trường, và an ninh. Hầu hết các doanh nghiệp đang có xu hướng mở rộng thị phần và ngày càng làm những động thái ảnh hưởng đến môi trường, hao tổn rất nhiều nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, thiệt hại cho môi trường như ô nhiễm, suy thoái hệ sinh thái của các loài sinh vật trong tự nhiên.
Thấu hiểu những tác hại khôn lường của việc chạy theo lợi nhuận, chúng ta hãy có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, chú ý đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân, công nhận và khuyến khích sự đóng góp của người dân vào cộng đồng.
Theo tác giả, thì thay vì đo mức độ phát triển của quốc gia thông qua GDP, chúng ta nên thay bằng GNH (Gross National Happiness) hay còn gọi là Tổng hạnh phúc quốc nội, đây là một thước đo ở quốc gia được xem là hạnh phúc nhất thế giới – Bhutan.
“GNH của họ bao gồm các lĩnh vực kinh điển như: thu nhập, việc làm, chất lượng giáo dục y tế, môi trường, nhưng nó cũng đo hiệu quả của hệ thống quản trị công, đo sức sống của cộng đồng, bảo tồn văn hóa, và việc cân bằng trong việc sử dụng thời gian của người dân.”
Câu chuyện: Vẻ đẹp của người đứng một mình
Như tên của câu chuyện, vẻ đẹp của người đứng một mình vô cùng đẹp và đặc biệt. Vấn đề là hầu hết chúng ta đều quá bận rộn với cuộc sống, đặc biệt là cuộc sống “trên mạng” mà vô tình chúng ta cô lập bản thân khỏi thế giới xung quanh. Dần dần, chúng ta mất đi sự tự nhận thức với thế giới thiên nhiên, với những con người bằng da bằng thịt, thậm chí chúng ta không dám rời chiếc smartphone để thử dành vài chục phút đồng hồ để nghỉ ngơi và chiêm nghiệm về bản thân.
Thời đại ngày nay, với sự phát triển của công nghệ, smartphone đánh dấu sự phát triển của thế giới, nhưng cũng đồng thời trói buộc chúng ta khỏi thế giới thực, chúng ta nhìn nhận giá trị của bản thân thông qua những cái likes, những comments trên Facebook hay Instagram. Chúng ta đắm chìm vào chúng mà không ý thức được điều đó, rồi dần dần thời gian của chúng ta bị lãng phí vào những việc vô bổ và đánh mất chính mình.
Đôi khi chúng ta cần phải tách ra đám đông, khước từ sự chuyên chế của chúng. Đương nhiên, việc đứng một mình không dễ, chúng thách thức chúng ta nên suy nghĩ độc lập hơn, và nhìn lại bản thân chúng ta, kể cả những cảm xúc của mình. Tuy nhiên, đó là đặc quyền mà chúng ta có, chúng ta nên khai thác chúng một cách tốt nhất. Tập cho mình suy nghĩ độc lập, không chạy theo đám đông, sáng tạo theo cách của mình. Điều ý nghĩa nhất trong cuộc đời này là chúng ta biết mình là ai.
Lời kết
Tóm lại, nội dung quyển sách có nhiều vấn đề mà tác giả đưa ra một cách rất thẳng thắn, thực tế và tạo một sự chuyển động mạnh mẽ trong tư duy và cách suy nghĩ của chúng ta về trách nhiệm của bản thân cũng như vai trò của cộng đồng trong việc giúp một đất nước đi lên. Nếu bạn quan tâm đến những vấn đề xã hội và bạn mong muốn cống hiến khả năng cũng như kiến thức của mình cho mục tiêu cao cả hơn thì đây là quyển sách dành cho bạn.