Lần cập nhật gần nhất October 23rd, 2023 - 01:36 pm
“Sách chỉ phù hợp cho những người đã là đàn ông, hoặc đàn bà. Có thể trở thành đàn ông hoặc đàn bà và cả những người trông có vẻ là đàn ông nhưng thực ra là đàn bà và ngược lại. Những người đã kết hôn hoặc sắp sửa kết hôn, những người đã trải qua hôn nhân hay ở lưng chừng lựa chọn. Những người đang hạnh phúc hay ngập ngừng ly dị…Những em gái đã dậy thì hay xuân thì thiếu nữ…” (Trích FB tác giả)
Review Đàn bà xấu là thất bại của thời đại (2)
“Phụ nữ tuổi từ 18 cho đến 25 giống như quả bóng trong môn bóng đá, tất cả đàn ông trong sân đều giành giựt nhau để chiếm giữ. Phụ nữ tuổi từ 25 cho đến 30 giống như quả bóng trong môn bóng chuyền, gã đàn ông nào cũng muốn đập quả bóng đó sang phía bên kia cho đội bạn, tuyệt nhiên không ai muốn giành giật hay chiếm giữ. Phụ nữ từ tuổi 30 trở đi giống như quả bóng trong môn đánh golf, ai cũng muốn đánh quả bóng đó đi càng xa càng tốt”.
Có lẽ vì bản thân mang giới tính nữ nên tôi luôn ác cảm với những mẩu truyện cười khinh miệt phụ nữ như thế này, cũng như ban đầu tôi đã có ác cảm khi nhìn thấy cuốn “Đàn bà xấu là thất bại của thời đại”. Nhưng có lẽ tựa sách và hình bìa là một cách “PR ngược”, khiến tôi phải lập tức mở sách ra đọc xem tác giả viết gì. Khi hiểu được những thông điệp ẩn sau quyển sách tưởng như đáng ghét này thì tôi đỡ ghét nó hơn, nhưng thú thật thì cuốn này mang đến cho tôi rất nhiều cảm xúc mâu thuẫn nhau.
Nội dung sách được chia thành các phần là “Đàn bà trong mắt đàn ông”, “Đàn ông trong cõi hôn nhân”, “Đàn bà đa sắc” và “Nước mắt đàn ông”. Tôi không đọc theo thứ tự từ đầu đến cuối mà mở mục lục và chọn những bài tôi thích để đọc trước.
Thông điệp thứ nhất tôi nhận được từ quyển sách này: thông qua những bài tản văn và những câu truyện ngắn đậm tính trào phúng, tác giả nêu lên những thói xấu mà phụ nữ hay mắc phải trong cuộc sống hằng ngày, khiến hình ảnh họ trở nên xấu đi trong mắt người khác (tức là đàn ông và phụ nữ khác), như không biết chăm chút ngoại hình hoặc làm bẽ mặt chồng trước người ngoài…
Thông điệp thứ hai từ quyển sách này: tác giả đã vạch trần khá nhiều khoảng tối trong suy nghĩ của đàn ông về phụ nữ, do đó tôi nghĩ phụ nữ chưa kết hôn (và đã kết hôn) nên đọc cuốn này.
Tác giả hơn hai lần nhắc lại câu “từ lúc cưới, tôi luôn nhường nhịn để vợ tôi làm những việc nhỏ tùy theo sức của mình, còn những việc lớn hơn tôi luôn giang tay dành lấy (tiếc thay từ khi lấy nhau đến giờ chưa có việc nào thật sự lớn để tôi làm)”.
Sau đó cũng chính ông chồng đó nói “Em cứ làm những gì em thấy cần thiết, anh không thể làm điểm tựa cho em nhưng sẽ đứng nhìn thất bại của em”.
Tôi cho rằng không có người đàn ông nào nên nói năng kiểu này với phụ nữ, dù quan hệ giữa hai bên là người yêu hay người dưng. Tuy hiểu là tác giả đang châm biếm đàn ông nhưng với bản tính nghiêm túc thái quá của mình thì tôi vẫn tức giận và ngán ngẩm khi đọc câu trên.
Câu nói đọng lại rõ nhất trong tôi sau khi đọc cuốn này là “Lấy vợ xấu, tội con mình”.
Một người thợ sửa chữa thường làm việc ở nhà tôi là một anh có vợ xấu. Trước khi cưới cô ấy vốn đã không có nhan sắc, còn hay ghen. Sau khi cưới cô ấy càng không giữ được vóc dáng thon thả, vẫn ghen dữ dội, thế mà anh chồng ngày ngày đi làm dãi dầu mưa nắng để nuôi vợ nuôi con, hơn 20 năm rồi chưa thấy có dấu hiệu gì là không hạnh phúc. Ngay từ đầu anh ta cũng không có suy nghĩ là cưới vợ xấu thì sau này sinh con sẽ xấu. 98% người bình thường trong xã hội có nhan sắc cỡ trung bình, ngũ quan cân đối không khuyết tật là đủ, còn như diễn viên đứng trước ống kính làm mặt quỷ vẫn thấy đẹp thì chỉ chiếm 2%. Cho nên, nếu nhìn ngoại hình người khác nói chung và phụ nữ nói riêng để quyết định cách đối xử của mình với người ta thì mình vừa sai lầm vừa thiếu sự nhân văn.
Có lẽ để giảm bớt mức độ đáng ghét của sách, tác giả Hồ Viết Thịnh cũng đưa vào nhiều bài viết là lời khẳng định tình cảm của đàn ông đối với vợ bất chấp ngoại hình của cô ấy, như bài “Yêu vợ nồng nàn dù vòng eo vô đối” và “Yêu em từng ngấn mỡ thừa”, nhưng có lẽ vì tôi là người kém lãng mạn nên không cảm nhận được sự ngọt ngào trong những lời yêu nghe có vẻ rất giả tạo ấy!
“Tôi cho rằng đàn ông bẩm sinh có mấy cái năng khiếu nguy hiểm như sau: Thứ nhất là năng khiếu chiều chuộng, thứ nhì là năng khiếu nấu ăn, thứ ba là năng khiếu chịu đựng. Chẳng biết rủi may thế nào, tôi đủ đầy cả ba năng khiếu đó”.
Bài viết tôi thích nhất trong cuốn này là “Ông chồng không sợ vợ và cái kết bất ngờ” và bài “Thơm mùi bụi”. Ngoài ra, cuốn “Đàn bà xấu…” còn có những bài viết phụ nữ nên đọc để hiểu tại sao đàn ông sợ cưới; Tại sao đàn ông tự cho phép mình “trải nghiệm” nhiều phụ nữ nhưng lại muốn cưới người phải còn trinh; Khi phải chọn giữa vợ và thịt chó thì đàn ông chọn bên nào… Thêm một ý kiến cá nhân của tôi là tuy bìa sách có vẻ dành cho các mẹ bỉm sữa nhưng nội dung lại hợp với các quý cô văn phòng, đọc để hiểu hơn về đàn ông và có thêm rất nhiều ý tưởng để tám với hội chị em bạn dì.
“Tình yêu làm cho đàn ông mụ mị, nhưng tình yêu lại làm cho phụ nữ tỉnh đòn”.
Ngay khi nhìn thấy bìa sách + tựa sách, mình không kiềm chế được mà phải đọc ngay lập tức, để đọc xong còn tìm FB tác giả và phản biện một cách dữ dội, nhưng rất may vì đã hiểu được dụng ý của tác giả nên mình tạm bình tĩnh đọc đến hết. Cần phải nói liền rằng từ “xấu” trong tựa sách ý nói những thói hư nết xấu của phụ nữ chứ không phải đề cập đến nhan sắc, nếu đề cập đến nhan sắc thì mình sẽ không thèm đọc luôn vì đụng chạm đến nỗi đau mặc cảm tự ti của mình!
Nhưng dù tác giả viết cuốn này với thiện ý, mình vẫn soi được các chi tiết tác giả ca tụng sắc đẹp và ngấm ngầm dè bỉu những nhan sắc chỉ vừa đạt hoặc thấp hơn điểm trung bình. Cũng dễ hiểu và không cần phải bất mãn khi cả hai giới nam nữ đều thích tìm người yêu có ngoại hình trên mức trung bình, vì ngoại hình đẹp thể hiện sức khỏe tốt >> khả năng duy trì nòi giống tốt! Tuy nhiên, bên cạnh vài bài viết ít ỏi hé lộ quan điểm của tác giả về nhan sắc phụ nữ, cuốn này vẫn còn nhiều bài viết khác giúp mình hiểu thêm về tâm lý đàn ông, chẳng hạn như:
- Tại sao đàn ông sợ cưới (vì không còn cơ hội bay nhảy)
- Giữa thịt chó và vợ, đàn ông chọn bên nào (bên nào cũng không tha)
- Có nên nói dối để giữ gìn hôn nhân không (nên, có nhiều kiểu nói dối đến nỗi có thể viết thành “Lừa dối toàn thư” luôn ấy chứ)
- Chữ “trinh” của phụ nữ (vấn đề nóng bỏng này có thể tranh luận đến mức phải mua bàn phím mới mà vẫn không thể phân giải)
Những dòng trong ngoặc đơn là suy nghĩ (loi nhoi) của riêng mình, còn nếu chịu khó đọc cuốn này thì bạn sẽ biết được giải đáp của tác giả cho các vấn đề nói trên.
Từ xưa đến nay, nhân gian quan hệ nói chung và mối quan hệ giữa nam – nữ nói riêng đã tốn bao nhiêu giấy mực, viết thành bao nhiêu sách, thế mà con người hiện đại vẫn cứ mơ hồ về những gì nên làm, người tự cho rằng mình đã trưởng thành vẫn lúng túng như đứa trẻ mới lớn khi đối diện người mình thích… Cuốn sách này của tác giả Hồ Viết Thịnh góp thêm một tiếng nói không quá mới lạ nhưng vẫn mang những điểm ngộ nghĩnh riêng vào kho dữ liệu cổ kim về quan hệ giữa nam – nữ. Phụ nữ trẻ độc thân hoặc thậm chí phụ nữ đã kết hôn đọc cuốn này sẽ hiểu thêm về tâm lý đàn ông, qua đó khéo léo điều khiển họ, à không, khéo léo điều chỉnh cách tương tác ứng xử để mối quan hệ giữa hai bên được hài hòa tốt đẹp hơn. Bên cạnh những thói xấu của đàn ông được tác giả cố ý tự châm biếm, như là
“Đàn ông tìm người yêu thời nay có nhiều dấu ấn của việc câu cá. Nhiều gã tìm đến với chị em, tung hết trăm chiêu ngàn chưởng chỉ để chiếm được trái tim đàn bà. Họ luống cuống cột thật chặt người phụ nữ của mình bằng một thứ tình yêu tràn trề nhục dục. Xong đâu đấy, họ khẽ buông người con gái mà đêm trước vẫn dọa móc tim, móc gan ra chứng minh tình yêu có thật của mình. Và đương nhiên, thuê bao quý khách tạm thời đang tìm thuê bao mới. Họ lại đi câu tiếp một con cá khác, để đem lên bờ, ngắm nghía tháo lưỡi câu rồi thả xuống”.Hoặc
“Trong nhà, tôi luôn nhường nhịn để vợ tôi làm những việc nhỏ tùy theo sức của mình, còn những việc lớn hơn tôi luôn giang tay dành lấy (tiếc thay từ khi lấy nhau đến giờ chưa có việc nào thật sự lớn để tôi làm)”.
Thì nội dung cũng hé lộ một chút tư tưởng của đàn ông về phụ nữ, về những điều chị em thường mắc phải trong cuộc sống và làm mất hình tượng của chính mình dù những hành vi ấy đều xuất phát từ ý tốt, như là không chăm chút ngoại hình sau khi cưới; kiểm soát chồng quá gắt gao theo tâm lý sở hữu; cư xử thiếu tế nhị khiến chồng bẽ mặt trước bạn bè… Biết là trong thế kỷ 21 khi nam nữ bình đẳng và phụ nữ không hề thua kém đàn ông trong bất kỳ lĩnh vực nào, thì để duy trì một mối quan hệ tình cảm thắm thiết và lâu bền vẫn cần tương kính như tân, vẫn cần mỗi bên quên mình một chút, nhường nhịn một chút. Đường thả vào nước chanh, đường phải tan thì nước chanh mới ngọt được.
Tuy mình cho rằng đối tượng độc giả chính của cuốn này là phụ nữ trẻ nhưng trong sách cũng có không ít bài viết đánh trúng tâm lý đàn ông (chưa vợ và đã có vợ) nên nói tóm lại thì cuốn sách này phù hợp với độc giả tuổi từ 18~40. Ngoại trừ cái bìa rất gây ác cảm và gợi đòn thì nội dung cũng không quá đáng ghét, câu chữ rõ ràng đúng chính tả và ngữ pháp (vì tác giả là phóng viên), bên trong có kèm những tranh minh họa hay hay vẽ theo phong cách báo tường. Cuốn sách mỏng nhỏ này vừa có thể đọc giải trí vừa rút ra được nhiều câu chuyện “tiếu lâm mặn” để chém gió lúc trà dư tửu hậu với bạn bè, đọc xong nghe bài này là vô cùng thích hợp.
https://youtu.be/uGG6_ENosS0
- Cáo Biển Non Xanh (Sea, 29-3-2020)
Trích dẫn Đàn bà xấu là thất bại của thời đại
“Đàn ông tìm người yêu thời nay có nhiều dấu ấn của việc câu cá. Nhiều gã tìm đến với chị em, tung hết trăm chiêu ngàn chưởng chỉ để chiếm được trái tim đàn bà. Họ luống cuống cột thật chặt người phụ nữ của mình bằng một thứ tình yêu tràn trề nhục dục. Xong đâu đấy, họ khẽ buông người con gái mà đêm trước vẫn dọa móc tim, móc gan ra chứng minh tình yêu có thật của mình. Và đương nhiên, thuê bao quý khách tạm thời đang tìm thuê bao mới. Họ lại đi câu tiếp một con cá khác, để đem lên bờ, ngắm nghía tháo lưỡi câu rồi thả xuống”.