Thông qua cuốn sách này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên chúng ta tập nhìn sâu để hiểu được và tự mình nếm được sự tự do, thầy đưa ra một triết lý trái ngược nhau hoàn toàn nhau về những thứ thuộc về vĩnh cửu và những thứ thuộc về hư không
Review Không diệt không sinh đừng sợ hãi (2)
“Nỗi sợ hãi lớn lao nhất của chúng ta là khi chết, chúng ta sẽ trở thành không. Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và chấm dứt khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái Không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.”
Khi liếc qua tiêu đề cuốn sách, tôi đã tưởng rằng đây sẽ lại là một cuốn sách giáo điều nhàm chán, nặng nề những tư tưởng Phật giáo, những quan niệm nhân sinh cao siêu… Nhưng khi mở cuốn sách, ngay từ những câu chữ đầu tiên, tôi đã cảm thấy một sự cuốn hút đến lạ kỳ. Từ những lời tựa đề đầu tiên đã là một câu chuyện, bước vào cuốn sách cũng là một lời tự thuật về cuộc sống. Không hề giáo điều phi nghĩa, cũng không nặng nề, từng câu từng chữ mang đậm dấu ấn cá nhân của thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhưng cũng đồng thời là tiếng lòng của biết bao nhiêu con người đang cùng hiện diện trên thế giới này.
Đọc hết cuốn “Không diệt không sinh đừng sợ hãi”, tôi lại nhớ về câu thơ “Xuân đang tới, nghĩa là xuân đương qua” trong bài thơ Vội Vàng của nhà thơ Xuân Diệu. Quả thật đúng, có sinh sẽ có diệt, có tử có lão, có tuần hoàn cuộc sống. Tuy nó là lẽ tất yếu của cuộc sống, nhưng ai trong chúng ta cũng sợ nó. Nhưng đối với thiền sư Thích Nhất Hạnh, “chết” chỉ là một ý tưởng, “chết” chỉ là sự biểu hiện khác nhau của đời người.
“Bản chất thực của chúng ta là bản chất không sinh không diệt. Chỉ khi nào ta chạm được vào bản chất chân thực đó, chúng ta mới chuyển đổi được nỗi sợ hãi mình không hiện hữu, đổi được cái lo trở thành hư không”.
Xuyên suốt quyển sách, những quan niệm mà tôi vốn bấu víu cả cuộc đời bỗng chốc bị phơi bày, bị hoài nghi. Những ý niệm về nhân duyên, về cái thực cái hư, đến những khái niệm tôn giáo xa lạ như cõi niết bàn,…. tất cả đều được định hình lại, nhưng không phải bởi những giáo lý của một con người cả đời xa rời trần thế, dành cả tâm trí tu tâm niệm phật, mà bởi chính những lý lẽ, nhưng hiện hữu đời thường. Hiểu thêm về Niết Bàn, qua ví dụ về trái mít, trái sầu riêng, qua đồng xu, qua sóng qua nước, tưởng chừng như vô thực.
Cuốn sách cũng không chỉ gói gọn về sự sinh sự diệt, mà nó còn là toàn cảnh bức tranh cuộc sống. Cảm giác như thể chúng ta đã đi qua nửa cuộc đời mà giờ mới được đánh thức. Ta cứ cho rằng những gì mình biết là đúng, ta cứ mặc định rằng mọi sự phải như thế mà chưa một lần chất vấn căn nguyên của chúng. Chính những quan niệm đã gây dựng nên cuộc sống của ta, lại được thiền sư Thích Nhất Hạnh đem ra bàn luận trong cuốn sách.
“Không diệt, không sinh, đừng sợ hãi” – Cuốn sách đã cứu vớt cuộc đời mình, giúp mình vượt qua quãng thời gian không tìm ra lối thoát.
Cuộc đời đôi khi mang đến những bài học khó khăn hơn những gì mình có thể tưởng tượng. Bạn đã bao giờ tự cào cấu vào tay mình, vì không tin hiện tại là sự thật?
Đêm xuống, nhắm mắt lại, sợ hãi nghĩ đến khi thức dậy, sẽ phải đối diện với thực tại này như thế nào. Đã có lúc, mình muốn bản thân không thức dậy nữa.
Thời gian vẫn cứ trôi, dù lòng người bão giông như thế nào.
…Cuốn sách của Thầy giống như bàn tay ánh sáng, đưa ra và kéo mình đứng dậy khỏi vũng bùn tăm tối ngày đó. Mình hiểu và chấp nhận rằng, mọi sự trên đời đều là nhân duyên.
“Khi nhân duyên đầy đủ, thì sự việc biểu hiện. Khi nhân duyên không còn đầy đủ, thì sự việc rút lui”.
Đến và đi, sinh và tử chỉ là cửa ngõ ra – vào. Không có gì là bất diệt. Cũng không có gì trở thành hư vô.
Ta không mất đi ai cả. Họ vẫn ở đó, chỉ là trong các hình thái khác.
…Mình hiểu rằng không có gì là mãi mãi, điều gì rồi cũng sẽ đổi thay, nhưng không vì đó mà bi lụy, mất niềm tin. Mình trân trọng hơn những gì hiện tại còn đang có.
Đời người là hữu hạn. Không ai biết giây phút đó là khi nào. Và càng không thể biết đâu là lần cuối ta gặp một người. Nên mỗi ngày, mình luôn tự hỏi bản thân:
– Hôm nay, mình đã đối xử tử tế với gia đình và với những người mình gặp chưa?
– Hôm nay mình đã làm được điều gì để giúp đỡ ai đó chưa?
Có thể chỉ đơn giản là không tắt điện thoại nếu có thể nghe, trả lời tin nhắn nếu biết người khác đang chờ.
Yêu thương ai đó thì mình nói ra, ghét bỏ ai đó thì suy nghĩ lại.
Việc gì mình có thể làm thì không từ chối, việc gì có thể bỏ qua thì không giữ trong lòng.
Có những ngày không biết làm gì, thì mình xách túi đi nhặt rác.
“Hãy sống mỗi ngày như chúng ta được cứu thoát từ Mặt Trăng về”.
Nếu bạn cảm thấy chông chênh trong bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời, hãy tìm đến những cuốn sách của Thầy Thích Nhất Hạnh. Lòng nhân hậu và từ bi của Thầy sẽ là phương thuốc chữa lành những vết thương trong trái tim mỗi chúng ta.
Review Không diệt không sinh đừng sợ hãi
“Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là Có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống một cách mới mẻ.”
“Bản chất thật sự của chúng ta có tính cách vô sinh bất diệt. Chúng ta không cần phải đi đâu mới tiếp xúc được bản chất chân thực của mình. Sóng không cần phải đi tìm nước vì chính nó là nước! Chúng ta không cần đi tìm Thượng đế hay Niết bàn, hay bản chất tuyệt đối, vì chúng ta là Niết bàn, là Thượng đế.”
“Tất cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế thì không hiểu được chân nghĩa của nó. Trí não không đưa chúng ta tới giải thoát.”
“Thật ra sống chết diễn ra trong cơ thể chúng ta suốt ngày đêm. Bất kỳ lúc nào cũng có nhiều tế bào chết và nhiều tế bào mới ra đời. Tâm ta cũng vậy. Các ý nghĩ đến rồi đi. Các cảm xúc sinh ra rồi hoại diệt. Biểu hiện, ngừng biểu hiện, liên tục tiếp nối nhau. Không có sinh, không có diệt, chỉ có sự chuyển hóa tiếp tục mà thôi.”
“Nếu bạn có thể thở vào, thở ra và bước đi với tinh thần đã về – đã tới – bây giờ – ở đây thì bạn sẽ thấy mình vững chãi và tự do hơn ngay lập tức. Bạn đã đứng vững được trong hiện tại, ngay tại địa chỉ chính thức của bạn. Không có gì thúc đẩy bạn phải chạy hoặc sợ hãi.”
“Tất cả chúng ta đều có thể hiểu vô thường bằng trí óc, nhưng như thế thì không hiểu được chân nghĩa của nó. Trí não không đưa chúng ta tới giải thoát.”