Mọi thứ không cần gấp gáp, hiện tại không cần phải chán nản, tương lai tự khắc sẽ được giản hồi. Mọi thứ sẽ nhẹ nhàng như lúc chúng ta quyết định buông tay những thứ nặng nhọc trong đời, miễn là chúng ta có thể chờ được, hiểu được trọng tâm của sự việc thì dầu có phải yên ắng chờ đợi, dù có phải che giấu trăm năm để hạt kia nẩy mầm thì cũng chẳng xá chi. Vì có những sự việc trong đời, ngoài chờ đợi, chúng ta đâu thể làm gì khác được.
Review Muốn an được an (2)
Chùa mà thờ nhiều Phật quá thì làm mất đi sự thông thoáng, tĩnh lặng, người ta không thể tìm được sự yên tĩnh, không thể thật sự sống trong giây phút hiện tại. Ít nhiều người ta sẽ bị kéo theo những tham cầu, những nỗi sợ vô hình về những điều người ta đã làm trong quá khứ hay bất an cho tương lai chưa tới. Ý nghĩa đích thực của chốn thiền môn, của tiếng mỏ, tiếng chuông là đánh thức nỗi lòng đang nhiều dao động, đang chạy đến những nơi đâu đâu mà không có ở trong giây phút hiện tại.
Tiếng chuông nhắc người ta phải trở về với hiện tại để thật sự sống trong hiện tại.
Nếu muốn thỉnh về nhà mình một tượng Phật để nhắc mình phải học theo Người, ta phải chọn một tượng Phật mỉm cười, đừng chọn một tượng Phật có gương mặt u buồn, đừng chọn một tượng Phật mình chưa thật sự hài lòng. Nhất định phải chọn một tượng Phật có gương mặt đang mỉm cười, tượng Phật làm cho mình thấy thanh thản và tĩnh lặng mỗi khi nhìn vào Phật. (Người thợ tạo tác nhiều khi trong lúc làm ra những pho tượng, tâm trạng của họ đang rất khó chịu, đang mang trong lòng nhiều nỗi bực dọc nên những bức tượng Phật được làm ra cũng không thể toát lên sự an nhiên, thanh thoát được).
Chúng ta cũng đừng cho rằng tượng Phật chính là Phật, đó chỉ là hình ảnh của Phật mà thôi, Phật không ở trong tượng Phật. Phật ở trong tâm mọi người, chỉ cần chúng ta quay trở về được với phút giây của hiện tại, chúng ta hiểu được tâm mình, lòng mình thì chính khi ấy Phật đang hiện diện trong ta, ta có tính Phật.
Thiền cũng không phải lên rừng ở yên một mình thì mới thiền hành được, thiền có trong mỗi hơi thở, mỗi bước đi, mỗi câu kinh ta đọc, mỗi lời ta nói, có trong mỗi lần ta nhìn một bông hoa hay mỗi lần ta chơi đùa với một đứa trẻ, hãy nhớ nhịp thở rất quan trọng trong thiền hành và thời gian để thiền hành cần nhất là trước khi đi ngủ vào buổi tối và sau khi thức dậy vào buổi sáng. Thiền hành vào thời gian này còn để nhắc mình cần phải thiền hành suốt cả một ngày.
Hãy nói thêm thật nhiều lời cảm ơn, kể cả trong trường hợp như: mình cho một em bé mấy viên kẹo và em ấy mỉm cười cảm ơn mình. Mình phải nói lời cảm ơn em vì nụ cười của em đã làm cho cuộc sống của mình trở nên rực rỡ hơn, em đã làm mình nhận ra nụ cười của một đứa trẻ trong trẻo và âu yếm biết chừng nào, để mình tự nhìn lại nụ cười của mình để hiểu rằng lâu lắm rồi mình không còn cười trong trẻo, âu yếm như vây, mình phải tập cười – nụ cười chân thành như em bé mình vừa cho mấy viên kẹo.
Hãy biết ơn tất cả những điều làm nên sự sống của mình, cảm ơn một cách thật lòng chứ không phải chỉ vì phép lịch sự hay vì sự xả giao, cảm ơn mà lòng mình thì đang hướng về một điều gì đó chứ không phải đang đặt trong sự cảm ơn của hiện tại.
Cuộc sống không phải chỉ có nỗi buồn, không phải chỉ có cay đắng, hoang mang, không phải chỉ có lo lắng, sợ hãi và cô độc… Cuộc sống vốn dĩ có đầy đủ, có rất nhiều rất nhiều điều kiện để cho bạn một cuộc sống hạnh phúc. Quan trọng là bạn có chịu dừng lại để cảm nhận hạnh phúc hay không.
Bạn không cần phải cố gắng kiếm tìm, bạn chỉ tận hưởng thôi. Bạn càng cố gắng tìm kiếm thì bạn càng bị phân tán, càng mất tập trung, càng xa rời giây phút hiện tại. Hạnh phúc thật sự của con người, thật ra chỉ có thể tìm thất trong giây phút hiện tại mà thôi.
Bầu trời sáng nay rất đẹp, mặt biển chiều nay rất bình yên, bông hoa giữa trưa nắng vẫn rực rỡ, bạn vẫn còn được thở dễ dàng, bạn đã biết đọc chữ, bạn vẫn còn được tự do, khỏe mạnh đi tới những nơi mà bạn muốn, bạn vẫn còn mẹ cha bên cạnh… tất cả những điều đó là sự màu nhiệm của cuộc sống, là hạnh phúc của bạn nếu bạn không vội vã đi qua nó, vội vã đi kiếm tìm một cái gì còn chưa rõ hình, rõ ảnh trong tương lai hay trong quá khứ.
Nếu có một đứa con hư hỏng, cha mẹ sẽ làm gì? Thường thì sẽ nhìn sang nhà người hàng xóm, nhìn sang sổ liên lạc của đứa bạn ngồi cùng bàn của con mỗi khi đi họp PH để so sánh, để khuyên con, để trách mắng hay để đau khổ rồi ao ước cho con mình được như con người ta… nhưng thật ra nếu có một đứa con hư hỏng cha mẹ chỉ nên tập trung vào một vấn đề thôi đó là hiểu được đứa con của mình, hiểu vì sao con lại cư xử như vậy, hiểu để cảm thông, để chia sẻ, khi thật sự hiểu rồi thì mới biết thương đúng cách. Chỉ có như vậy mới mong thay đổi được đứa con đang hư hỏng của mình được, mới đủ bao dung, đủ kiên nhẫn đổi thay tâm tính một con người.
Còn nhiều lắm nhưng mình viết đến đây thôi… hi
“Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho ai được, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình. Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ mỉm cười và xinh tươi như một bông hoa, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng.”
Being Peace (Thầy Thích Nhất Hạnh)
Trong cuốn Tư duy tối ưu đã từng nhắc đến mỗi con người có ba cuộc sống:
– Cuộc sống công cộng, nơi chúng ta giao tiếp với người khác tại nơi làm việc, cộng đồng, xã hội
– Cuộc sống riêng tách bạch khỏi cuộc sống công cộng, nơi ta sống một mình, bên gia đình hoặc bạn bè.
– Cuộc sống trong nội tâm sâu kín – tức cuộc sống có ý nghĩa nhất. Nơi gắn kết sự tự nhận thức, lương tâm, ý chí độc lập, trí tưởng tượng sáng tạo.
Có thể nói, cuộc sống trong nội tâm sẽ tác động không ít đến hai cuộc sống còn lại. Và Being Peace (mình thích cái tên này hơn) sẽ dẫn dắt người đọc trở về tiếp xúc với bản thân ngay trong phút giây hiện tại, nguyên thủy nhất, chân thật nhất.
Ngôn ngữ Thầy viết bình dị, không quá khó hiểu. Cuốn sách chẳng quá dày, dễ dàng mang theo đọc mọi lúc mọi nơi. Đặc biệt, những câu chuyện được vận dụng bám sát đời sống thường ngày nên không khiến người đọc thấy cao siêu. Cùng nhiều hướng dẫn thực tập để được bình an mà ai cũng làm được, ngay lúc giây này, phút này.
Trước đây, mình cũng từng như vậy, “đến một trung tâm tu học chúng ta mang theo tất cả những thương tích, những vết thẹo từ xã hội và chúng ta cũng mang theo cả xã hội” để trốn tránh. Mà không hiểu rằng đây phải là nơi “ta có thể trở về với chính mình để hiểu rõ mình, hiểu rõ thực tại và làm lớn mạnh thêm hiểu biết thương yêu trong ta.”
Đọc xong cuốn Đường Xưa Mây Trắng sang đọc cuốn này sẽ thấy dễ hiểu hơn rất nhiều. Có thể vì Đường Xưa Mây Trắng cho ta nắm cái gốc rễ lý thuyết, còn Muốn An, Được An chỉ ta cách vận dụng lý thuyết ấy.
Mình rất thích câu nói của Thầy Thích Nhất Hạnh trong sách: “Cô phải mỉm cười với nỗi buồn của cô, bởi vì cô giàu có hơn nỗi buồn nhiều lắm.”
Being Peace (Muốn An, Được An) – Lại một cuốn sách mà mình trân quý.