Lần cập nhật gần nhất December 30th, 2020 - 01:38 pm
Chìa khóa của một cuộc sống tốt đẹp không phải là quan tâm nhiều hơn, mà là quan tâm ít đi, chỉ quan tâm tới điều gì là thật, gần gũi và thực sự quan trọng. “Nghệ thuật tinh tế của việc ‘đếch’ quan tâm” sẽ không dạy bạn cách để đạt tới điều này hay điều nọ, mà là làm thế nào để vứt bớt và buông bỏ… Nó sẽ hướng dẫn bạn cách nhắm mắt lại và tin rằng bạn có thể ngã ngửa ra đằng sau mà vẫn ổn. Nó sẽ dạy bạn: ĐỪNG CỐ”
“Trong cuộc sống của tôi, tôi đã từng rất quan tâm về nhiều người và nhiều điều. Tôi cũng đồng thời không quan tâm tới nhiều người và nhiều điều. Những thứ tôi chẳng thèm quan tâm ấy đã tạo nên tất cả những khác biệt.”
Review Nghệ thuật tinh tế của việc 'đếch' quan tâm (2)
Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm – The Subtle Art Of Not Giving A F*ck
Khi Triết Lý Phật Giáo được diễn giải theo một cách không thể New York hơn.
Tôi đọc cuốn sách này vào một trong những cái thời điểm đen tối nhất cuộc đời mình (hoặc ít nhất là tôi cho là như vậy). Và tôi tìm đến cuốn sách trong một niềm hi vọng là sẽ tìm lại được cái gọi là bình yên trong cuộc đời mình bằng cách học cách buôn bỏ và không quan tâm đến cái quỹ cha gì nữa. Ơ thế mà cuốn sách này đúng ra là bộp cho tôi vài cái cực kì đau đớn và ném tôi vào một đống c*t không thể thối hơn và sau đó dạy tôi rằng cái đống c*t ấy tuyệt vời đến như thế nào và tôi nên tận hưởng nó ra sao. Yeah, đây sẽ là những trải nghiệm rất lạ của bạn khi đọc cuốn sách phát triển bản thân có một không hai này. Tôi sẽ không viết quá nhiều về những gì tôi tâm đắc ở cuốn sách này bởi nếu làm vậy thì bài này nó thành bài tóm tắt sách mất! Thêm nữa tôi nghĩ mỗi người sẽ có một trải nghiệm trọn vẹn hơn khi tự đọc, tự cười, tự khóc, tự khó chịu và tự cảm thấy bản thân mình thật bình an khi ngộ ra những điều mà cuốn sách này phản chiếu cuộc đời bạn.
Nói đôi chút về cái ông Mark Manson này. Ổng từng là một người mắc chứng sợ kết nối với xã hội (điểm này khá giống tôi khi còn đi học). Tốt nghiệp đại học vào đúng cái thời điểm không thể nào c*t hơn, chính là cuộc suy thoái kinh tế thế giới năm 2008 (ổng tốt nghiệp năm 2007). Sau một thời gian làm việc thì ổng quyết địch mặc kệ tất cả và đi chu du vòng quanh thế giới để có thể tập trung vào nghiệp viết lách về tư vấn tình cảm của mình (ba cái câu chuyện này ổng sẽ kể cho bạn nghe vào những chương cuối của cuốn sách). Như bạn thấy đấy hắn ta rất … bình thường. Không có một cái gì vĩ đại như những tác giả của những cuốn sách phát triển bản thân trước đây như Zig Ziglar, Tony Robbin, Nappoleong Hill, Robert Kiyosaki v.v…. Chỉ là một bloger đi vòng quanh thế giới với những cuộc vui chơi và hang tá người tình, sau đó thì quay về New York an phận với một người vợ tuyệt vời. Thế nhưng nhờ cái sự bình thường ấy mà Mark Manson đưa cho chúng ta những góc nhìn thật sự đặc biệt và một cuốn sách thật sự lạ trong dòng sách gây rất nhiều tranh cải chính là Self-help.
Có thể nói đây là một cuốn sách vừa gần gủi và dễ hiểu nhưng cũng khó nhằn vãi c*t ra vì dù gì nó cũng còn cả tầng tầng lớp lớp ý nghĩa ở phía sau đó nữa. Dù sao thì Mark cũng áp dụng rất nhiều triết lý phật pháp vào trong cuốn sách này của mình. Cuốn sách này là thật sự rất tuyệt vời cho thể hệ trẻ ngày này, một thế hệ toàn những kẻ ảo tưởng sức mạnh (cơ mà tôi cũng thế thôi).
Bản dịch này của Thanh Hương không đến nỗi tệ đâu, tuy nhiên thì TIKI có cuốn này tiếng Anh và nếu có khả năng thì đọc sách gốc vẫn là một lựa chọn tuyệt vời hơn để bạn cảm nhận được cái sự bựa của thằng cha này. Tôi chắc cũng sẽ đặt mua bản tiếng Anh để đọc lại lần nữa ngay đây. Vì tính chất cuốn này nên tôi dùng lời văn có hơi khác với những review trước đây của mình, mong là bạn không phiền, cơ mà tôi cũng chả quan tâm mấy đâu. Chúc một ngày tốt lành.
Nghệ thuật tinh tế của việc ‘đếch’ quan tâm
Tóm lược:
- Nội dung cần thiết cho con người ngày nay
- Văn vẻ tiếp cận giới trẻ, có chút thô tục nhưng khá thoải mái, hài hước.
- Hơi khó hiểu
- Bố cục có vẻ lộn xộn, không hoàn toàn phục vụ nhan đề, nó không phải kiểu từ ý lớn bổ ra ý nhỏ mà là nhiều những ý vừa
Túm váy lại là cũng đáng để đọc.
Làm rõ một chút:
Đếch quan tâm ở đây không đồng nghĩa với trở nên thờ ơ, vô cảm mà chỉ là thu hẹp phạm vi quan tâm của bạn lại để bạn cảm thấy thoải mái hơn với những điều xứng đáng hơn.
Vào vấn đề:
Tại sao cứ luôn tồn tại những kẻ không thích mình?
Sao cái bọn đáng ghét ấy có thể nói năng không suy nghĩ gì thế hả, ông mày cũng biết tổn thương đóooo! Ừ ông mày làm chưa tốt, nhưng nhưng….
Đấy, nếu cứ quan tâm đến cái chuyện “sa mạc có bao nhiêu hạt cát” thì lấy đâu ra thời gian để quan tâm Dương Dương đẹp trai vô địch thiên hạ hay đọc tạp chí có in hình mấy cô nóng bỏng, quyến dũ.
Vậy nên kệ, kệ cha chúng nó. Đừng quan tâm đến lũ dở hơi ấy rồi tự dằn vặt, ép mình theo một khuôn khổ nào đấy mà mình éo muốn để hài lòng người khác. Nếu cần có sự thay đổi, ắt chỉ là hoàn thiện thêm cái mình đang có, để nó đi từ sai vô tội vạ đến ít sai hơn.
Hãy thôi đay nghiến bản thân và chấp nhận rằng mình là thế. Những thứ mà bạn để tâm đến nó quá mức thì kết quả thường không xứng đáng với năng lực của bạn. Ví dụ bạn dẫn cô em xinh đẹp nào đó đi hẹn hò và bạn muốn thể hiện tài năng bắn súng ngầu lòi của mình nhưng vì quá thấp thỏm nên tạch hết. Tuy nhiên, nếu bạn thờ ơ với việc quan trọng thì bạn sẽ xử lý nó một cách tùy tiện và kết quả bạn biết rồi đấy… Não bộ đúng là khốn khiếp.
Và tôi xin phép bật like với quan điểm của thằng Mark: Hạnh phúc đến từ việc giải quyết các rắc rối.
Ừ, cái thế giới tràn ngập màu hồng nhìn có vẻ đẹp đấy, con người ta sống bất tử và mọi người yêu thương lấy nhau. Ô mà nếu không chết thì tất cả còn giá trị éo gì nữa? Nếu mọi người đều yêu thương nhau thì… Thì sao? Tôi không biết, nhưng đại khái về câu nói của của Joker: “Khi không còn những thằng như tao! Ai sẽ cần đến mày chứ người hùng?” Bạn hiểu chứ?
Chính những điều mà ta nghĩ là xấu xí lại mang lại sự đẹp đẽ mà ta ao ước, vậy đấy.
À rồi, cuối cùng xin lưu ý rằng đến khi bạn có thể bỏ qua lời lẽ xấu xa của người khác cũng đừng biến mình thành một kẻ tự phụ. “À, kệ cha chúng mày, tao đếch thèm quan tâm, lũ ngu dốt, bố mày perfect lắm”. Thằng Mark sẽ bị người ta nguyền rủa chết đấy. Khi để ý đến sự phê phán của người khác đồng nghĩa rằng bạn sẽ mỏi mệt, tổn thương nhưng thực chất nó cũng thúc đẩy bạn tiến bộ (tạm bỏ qua những đứa quá mỏng manh). Vì thực tế, điều người ta nói liệu về bạn liệu có sai không? Hãy nghi ngờ bản thân mình một chút để trưởng thành thêm một chút, điều đó chẳng có gì sai cả… vì bạn cũng chẳng đặc biệt lắm đâu.
Tóm tắt Nghệ thuật tinh tế của việc 'đếch' quan tâm
Tên bìa của cuốn sách đã rất kiêu và gây tò mò, mới thoạt đầu tôi cứ tưởng chắc cũng là 1 chiêu trò câu view rẻ tiền này nọ. Thế nhưng sau khi nghe một vài reviewer uy tín nói về cuốn sách này thì tôi cũng thắng được tâm lí tò mò và cũng đọc thử. Quả thật thì nó cũng không đến nỗi nào, thậm chí khá chất nữa chứ. Đây là một cuốn sách được viết theo lối tản văn, kể chuyện về những suy nghĩ về chủ đề mà tác giả muốn truyền tải. Tác phẩm này có thể mang tính chất “vả thẳng mặt” đối với những bạn theo phong cách “lạc quan tếu” hay thích “nhắm mắt lại và tượng”. Tuy nhiên cuốn sách này lại không mang những vấn đề quá đao to búa lớn mà chỉ mang theo lỗi nói chuyện trào phúng không quá gắt gao. Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm được tóm gọn lại với 7 chương chính, mặc dù vậy bạn cũng sẽ rất khó đọc cuốn sách này theo chương nếu không đọc nó từ đầu vì dường như mọi chương đều có liên hệ nhỏ nào đó với nhau. Qua 7 chương ta thấy tác giả cho ta thấy thêm được những khuynh hướng suy nghĩ của đa số chúng ta trong cuộc sống.
1. Chấp nhận sự không hoàn thiện:
Chúng ta thường sử dụng câu “không ai là hoàn thiện” nhưng lại thường ép buộc bản thân mình phải hoàn thiện, đó là một điều hết sức phi lí. Từ nhỏ đến lớn chúng ta đều bị ghét so sánh với “con nhà người ta”, ấy vậy mà đến bản thân bạn còn tự làm tổn thương mình với những suy nghĩ tiêu cực về những khuyết điểm của bản thân. Chấp nhận sự không hoàn thiện ở đây không phải là ta bằng lòng với nó mà là thừa nhận sự hiện diện và tồn tại của nó như nó vốn dĩ, từ đó dần dần bù đắp, cải thiện từng ngày, và phát triển bản thân, tuy nhiên đừng cố quá, hãy cứ kiên nhân để nó hoàn thiện mà thôi. Bạn không thể cố tạo dáng cây hoa anh đào cho đúng với dáng cây hoa mai, đó sẽ là một mớ hỗn độn xấu xí mà bạn có thể tưởng tượng ra được.Ví dụ: bạn có một giọng nói ồm ồm rất khó nghe, thứ bạn cần làm không phải là che dấu nó bằng cách nói nhỏ đi để không ai nghe thấy hoặc hạn chế hẳn việc giao tiếp với mọi người xung quanh, việc bạn cần làm thừa nhận điểm hạn chế này, cải thiện nó dần dần, đó mới là cách phát triển đúng đắn.
2. Nhầm tưởng về sự tích cực:
Chúng ta thường mắc phải suy nghĩ này trong đầu, chúng ta thường nghĩ tích cực là phải suy nghĩ to, hành động lớn tuy nhiên nó phải phù hợp với hoàn cảnh và cái “ngưỡng” mà bạn cần vượt qua. Bạn không thể hi vọng mình sẽ đi bộ trong thời gian ngắn từ Sài Gòn ra Hà Nội khi tốc độ của bạn được đo bằng đơn vị đo tốc độ của ốc sên. Những suy nghĩ như vậy vô hình chung giống như đang thổi phồng 1 quả bong bóng màu hồng nhưng thực chất bên trong chẳng có gì ngoài không khí, và khi nó quá sức chịu đựng và vở tung bạn sẽ rất khó để trở về trạng thái ban đầu. Những điều như vậy dần dần sẽ bào mòn ý chí và thể xác bạn mà thôi. Hãy tìm cho mình một mục tiêu hợp lí với bản thân để có thể theo đuổi nó trong một thời gian dài.
3. Vượt qua những trải nghiệm tiêu cực:
Sự chấp nhận trải nghiệm tiêu cực bản thân nó lại là một trải nghiệm tích cực. Điều này cũng đi kèm với việc tự vấn bản thân bạn có thể chấp nhận những nỗi đau nào? Nói dễ hiểu là mọi thành quả trong cuộc sống luôn được đánh đổi bởi những trải nghiệm trước đó, có thể đau đớn, mất mát và khi vượt qua những điều như vậy và bạn đạt được cái đích đến thì chung quy lại nó chính là những trải nghiệm tích cực. Ví dụ: Bạn của bạn hỏi về quá trình vô địch của đội bạn, bạn bắt đầu kể về những lỗi của đội bóng, chơi tệ ra sao để rồi bị dẫn bàn, sau đó đội bạn cố gắng tập trung hơn, phối hợp ra ăn ý ra sao, đội bạn đã cố gắng như thế nào, đã chạy như thể hôm nay là ngày cuối hạn sử dụng tính năng chạy của cặp chân và ngày mai nó chỉ dùng để đi bộ hay diện vài chiếc quần jeans sành điệu. Khi bạn kể xong những tình trải nghiệm kinh khủng ấy bạn nhận ra quá trình bạn vượt qua những trải nghiệm đó chính là một trải nghiệm tích cực và hạnh phúc siết bao.
4. Tiết kiệm sự quan tâm:
Bạn có bao giờ để ý, khi ta kể về khoảng thời gian mà ta hạnh phúc nhất, đa số trong chúng ta đều chọn khoảng thời gian gắn liền với tuổi thơ không? Bởi lúc ấy thực sự trong đầu chúng ta không có quá nhiều nỗi bận tâm như khi trưởng thành. Đơn giản như việc nhớ lại tuổi thơ của tôi là mỗi buổi chiều đi học về liền tháo đồng phục ra và thay bộ đồ bóng đá chạy chân trần ra bãi đất trống gần nhà và chẳng quan tâm đến việc hôm nay có những ai ở đó, chúng nó có mặc đồ đẹp không hay tôi đang mặc bộ quần áo như thế nào. Chúng tôi cứ thế chơi đã đời cho đến khi phụ huynh của một đứa nào đó cầm cái roi trên tay và lôi về nhà, khi về đến nhà tôi cũng chẳng quan tâm đến việc tối nay mẹ tôi sẽ nấu món gì. Thực sự nếu ta dùng năng lượng của bản thân để quan tâm đến quá nhiều thứ không cần thiết bạn sẽ không còn thời gian và năng lượng để làm những việc thực sự quan trọng với bạn.
5. Những rắc rối dễ thương:
Tôi thường có những suy nghĩ về vài ví dụ ngộ nghĩnh nhưng rất thực tế. Vấn đề cần giải quyết của việc nâng cục tạ sau lần đầu tiên là gì, đó là nâng cái thứ 2, sau đó là cái thứ 3,4,5… cho đến khi bạn thấy đủ và rồi ngày qua ngày cơ bắp của bạn cũng phát triển theo. Trong cuộc sống cũng vậy khi bạn giải quyết những vấn đề của cuộc sống, đó sẽ là cách hữu hiệu nhất để bạn phát triển bản thân mỗi ngày. Đừng mong chờ vào việc vào một nhày nào đó sẽ chẳng có vấn đề hay rắc rối nào cần giải quyết, bởi sẽ chẳng bao giờ có ngày đó cả, bản chất của một ngày không có vấn đề cần giải quyết đó chắc chắc là một ngày có vấn đề.
6. Nói “không” nhiều hơn:
Điều này không có nghĩa là bạn phủ định hay từ chối mọi thứ, nó chỉ đơn giản là để cho bạn có điều kiện để nói “có” với một thứ khác phù hợp và cần thiết hơn với bạn mà thôi. Bạn không thể lúc nào cũng đồng ý giúp đỡ một ai đó vì sợ “mất lòng” họ mà bỏ dỡ việc mà bạn đang làm, điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ không mấy tốt đẹp cho bạn lẫn người mà bạn giúp đỡ. Nói “không” đúng lúc cũng làm cho mọi người thấy bạn có nguyên tắc sống của mình và ngày càng tôn trọng bạn hơn đấy.
7. Hãy làm cái gì đó đi:
Các bạn có tin và luật hấp dẫn không? Tôi thì có đấy. Theo thuyết đó thì nếu các bạn không biết phải làm gì và ngồi im một chỗ, bạn sẽ tỏa ra nguồn năng lượng thu hút những thứ cũng ngồi im một chỗ và những thứ cùng nhau ngồi im thì làm sao có thể gặp nhau được? Bởi thế hãy làm điều gì đó đi, bất kì thứ gì bạn quan tâm, các mối liên hệ dây chuyền dần dần sẽ hiện ra và mang đến cho bạn một điều gì đó mới mẻ và khiến bạn muốn gắn bó và dành thời gian của mình cho nó. Bằng cách đó bạn cũng sẽ tìm cho mình được con đường mà mình tự tay tạo ra, đó sẽ là con đường mang tên bạn, vấn đề là hãy bắt đầu đi những bước đầu tiên.
Với một cuốn sách gần 300 trang thì đôi dòng tóm tắt như trên thật sự chả thấm thía gì mấy. Trong cuốn sách tác giả sẽ mang đến nhiều hình ảnh cụ thể từ những ví dụ được mang vào từ đời sống, theo đó mang tới cảm nghĩ của tác giả với những kinh nghiệm trong cuộc sống sẽ mang đến cho các bạn những trải nghiệm mới lạ hay những dòng suy nghĩ ngược chiều. Hãy tự mình cảm nhận theo cách riêng của bạn nhé, cảm ơn đã dành thời gian nhé!
Trích dẫn Nghệ thuật tinh tế của việc 'đếch' quan tâm
”Niềm khao khát đối với những trải nghiệm tích cực bản thân nó đã là một thứ trải nghiệm tiêu cực. Và ngược đời ở chỗ, sự chấp thuận trải nghiệm tiêu cực tự nó lại là một trải nghiệm tích cực”
“Đừng có mong đợi một cuộc đời không rắc rối. Làm gì có chuyện ấy! Thay vì vậy, hãy mong đợi một cuộc đời với toàn những rắc rối dễ thương đi!”
“Toàn bộ việc mà ‘mọi người đều có thể trở nên đặc biệt và đạt được thành tựu vĩ đại’ về cơ bản chỉ là việc ‘thẩm du’ cái tôi của bạn mà thôi.”
“…Vấn đề là khi cái đếch gì bạn cũng quan tâm, thì sức khỏe tinh thần của bạn sẽ giảm sút. Nó khiến bạn trở nên điên đảo với những thứ phù phiếm và giả dối, dành cả đời mình để theo đuổi ảo ảnh hạnh phúc.
Chìa khóa để có một cuộc sống tốt lành là đếch quan tâm; để ý bớt đi, chú ý vào những thứ cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa…”
“Chúng ta càng có nhiều quyền lựa chọn thì ta càng cảm thấy ít hài lòng hơn dù ta có lựa chọn thứ gì đi nữa, bởi vì ta nhận thức được về tất cả những lựa chọn tiềm năng khác mà ta đã bỏ qua.
Nếu bạn cần phải lựa chọn giữa hai mươi tám chỗ khác nhau thì nghịch lý của sự lựa chọn chỉ ra rằng bạn sẽ dành hàng năm trời đau khổ, nghi hoặc, đoán già đoán non về bản thân, băn khoăn về việc liệu mình đã đưa ra được lựa chọn đúng đắn hay chưa và liệu bạn có thật sự tuyết đối hoá hạnh phúc của mình hay không.”
”Nỗi đau là một sợi chỉ không thể gỡ được ra trong tấm vải cuộc đời, và việc giật nó ra không chỉ là một việc làm không tưởng thôi đâu, mà nó còn có tính hủy diệt nữa: cố gắng xé rách nó, sẽ phơi bày mọi thứ đi kèm với nó. Cố gắng xóa bỏ nỗi đau chính là vì quá bận tâm tới nỗi đau. Ngược lại, nếu như bạn có thể không thèm bận tâm tới nỗi đau, thì không có gì có thể cản trở bạn hết.”
“Bạn có bao giờ để ý thấy rằng đôi khi ít quan tâm tới thứ gì đó hơn thì bạn sẽ làm điều đó tốt hơn không? Bạn có thấy rằng thường thì những người ít bận tâm tới sự thành công của một việc nào đó nhất lại là người thật sự đạt được nó? Rằng, đôi khi bạn không thèm quan tâm tới chúng nữa thì mọi thứ cuối cùng lại diễn ra suôn sẻ hơn?”