Người Nhạy Cảm: Món Quà Hay Lời Nguyền? chính xác là 1 công trình nghiên cứu công phu, đồ sộ, và đầy tính nhân văn, bởi nó là cuốn sách đầu tiên công nhận giá trị của sự nhạy cảm và xem đó như một điều thiết yếu cho xã hội. Nhạy cảm là một phẩm chất bẩm sinh trong mỗi người, nhưng chỉ có thiểu số mới giữ được trong quá trình trưởng thành.
Nếu bạn may mắn sở hữu sự nhạy cảm, hãy sử dụng đúng cách để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Nếu bạn biết những người nhạy cảm quanh mình, có thể sự hiểu biết về nhạy cảm của bạn sẽ giúp họ thay đổi cuộc đời. Dù là ai trong 2 trường hợp trên, mình đều nghĩ là nên đọc thử cuốn sách này một lần, có rất nhiều kiến thức bổ ích và đáng học hỏi.
Review Người nhạy cảm: món quà hay lời nguyền? (2)
“Con bé nhà tôi cứ oà khóc khi người khác muốn nói chuyện với bé.”
“Cậu con trai nhà tôi chán lắm. Hai mươi tuổi đầu rồi mà cứ lầm lầm lì lì.”
“Tao chẳng hiểu nó vào nhóm làm gì, chỉ gật gù rồi ừ hữ, chẳng được trò trống gì!”
“Mày phải ra ngoài mà giao du với bạn bè đi chứ, cứ ở nhà mãi thành con tự kỉ.”Những câu nhận xét, mắng mỏ, phàn nàn cứ xoay quanh cuộc sống, lảng vảng trong đầu mỗi khi bạn trở về nhà sau ngày dài mệt mỏi và cạn kiệt năng lượng. Bạn thấy mình lạc lõng và chẳng có nơi nào để bạn thuộc về, thế giới này đã bỏ rơi bạn, bạn không thể bắt kịp cuộc trò chuyện với những người bạn trong buổi hẹn, âm thanh và tiếng cười nói khiến bạn căng thẳng, đồng nghiệp cứ hướng sự chú ý và công kích vào bạn dù bạn lắng nghe và đưa lời khuyên khi cần thiết, cha mẹ lo lắng vì bạn ít bạn bè và kém hoà nhập. Không một ai hiểu bạn. Bạn giải thích và cố hoà nhập nhưng tâm trí bạn rệu rã và mệt mỏi vì phải cố gắng thể hiện quá nhiều mà không hiệu quả… Bạn đang thực sự áp lực đến tuyệt vọng!
Nếu bạn đang lạc lối trên con đường tìm lại chính mình, thì cuốn sách này sẽ là chìa khoá cho bạn.
Bạn sẽ tìm thấy trong từng trang sách, sự chân thực và tôn trọng mà bạn hằng kiếm tìm – cho những người có tính cách nhạy cảm. Từ những câu chuyện sinh động của những đứa trẻ sinh ra đã mang nét tính cách nhạy cảm bẩm sinh cho đến cuộc sống và chia sẻ cảm xúc của những người trưởng thành…sẽ được cô đọng thành những lí giải và bài học thực tiễn dành cho ai muốn trân trọng hơn chính mình và đạt tới giá trị của cuộc sống.
Hãy bắt đầu bằng việc: Mô tả trong đầu hoặc viết ra giấy những điều bạn thấy là ưu, nhược điểm của bản thân – càng chi tiết càng tốt. Để nắm bắt được tốt hơn những điều mà cuốn sách muốn truyền tải, định hình rõ ràng những điều bạn biết về chính mình là phần tối quan trọng. Cuốn sách sẽ giúp bạn hiểu phần còn lại.
SỰ NHẠY CẢM lẽ ra phải là một món quà đối với thế giới, thay vì là lời nguyền với những người sở hữu nó…
Trong một xã hội ngày càng ồn ào, phù phiếm và thực dụng, nơi mà lời khuyên tốt nhất đối với một người con trai là làm giàu bằng mọi cách, và lời khuyên tốt nhất đối với người con gái là làm đẹp (cũng bằng mọi cách), thì đâu là nơi tồn tại cho những người nhạy cảm, lãng mạn, theo đuổi sự tĩnh lặng và những giá trị đạo đức?
Lẽ nào những người nhạy cảm cứ phải tìm cách thay đổi bản thân mình, lắng nghe theo những lời thúc giục “nói nhiều hơn”, “mạnh dạn hơn”, “hòa đồng hơn”, “khôn khéo hơn”… mà không thể sống một cách trọn vẹn và hài lòng như tính cách vốn có?
Không đâu bạn thân mến! Điều bạn cần làm chỉ là dừng hoài nghi về bản thân mình, chấp nhận sống với tính cách của mình và dần dần cải thiện thôi. Chỉ bằng cách đi theo thiên hướng của mình, người nhạy cảm mới có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình. Một số lời khuyên cụ thể:
Học cách kiểm soát cảm xúc. Bằng cách kiềm chế những cảm xúc “vượt ngưỡng”, người nhạy cảm mới có thể khai thác triệt để năng lực suy nghĩ của bản thân và dồn năng lượng tạo thành hành động.
Ngừng hoài nghi: Tìm kiếm những giá trị mà bản thân tin tưởng. Những dự án mà bản thân cảm thấy có ý nghĩa. Xây dựng niềm tin vào nó, và nó sẽ là động lực để người nhạy cảm có động lực làm mọi điều khác.
Khai thác sức mạnh của sự nhạy cảm, tập trung, tập luyện nâng cao (deliberate practice) và trạng thái flow. Điều đó có nghĩa là mạnh dạn nghe theo cảm xúc, chấp nhận việc “đi trốn” khi cần làm những công việc nghiêm túc, cần sáng tạo, hoặc đấu tranh để được lựa chọn địa điểm và thời gian làm việc phù hợp với bản thân mình.
Thể hiện bản thân nhiều hơn: Chỉ bằng cách mạnh dạn thể hiện tiếng nói, đòi hỏi giá trị mà mình tin tưởng, người nhạy cảm mới có thể có được môi trường mà mình mong muốn. Đặc biệt là qua việc viết, hoặc mạng xã hội, 2 công cụ truyền đạt có thế sử dụng hiệu quả.
Đối diện với nỗi sợ: Bằng việc dần dần đối mặt với từng nỗi sợ của mình, người nhạy cảm sẽ có đầy đủ kĩ năng và vị thế để đạt được điều mình mong muốn.
– Lam Vũ
Trích dẫn Người nhạy cảm: món quà hay lời nguyền?
“Khi còn trẻ, tôi có rất nhiều bạn. Nhưng càng lớn tuổi, các mối quan hệ của tôi lại càng thu hẹp lại. Tôi chỉ tìm kiếm những người có thể chấp nhận tất cả những gì tôi làm và người ở lại cuối cùng vì tôi. Bản thân tôi cũng trở nên đặc biệt nhạy cảm hơn và dè chừng mọi thứ xung quanh. Bởi tôi mệt rồi…”
“Sở hữu sự nhạy cảm đồng nghĩa với việc thận trọng, hướng nội và cần nhiều thời gian ở một mình.
Những người không sở hữu đặc điểm tính cách này (số đông) không hiểu được điều đó, họ xem chúng ta là những kẻ nhút nhát, rụt rè, yếu đuối và không hòa đồng. Vì e ngại những cái mác ấy, ta cố tỏ ra mình giống với người khác. Nhưng như thế chỉ khiến ta bị kích thích quá mức và càng thêm mệt mỏi.
Và chính điều ấy đã khiến ta bị dán cái mác điên khùng hoặc tâm thần, đầu tiên là bởi người khác, sau đó bởi chính bản thân ta.”
“Trên thế giới này chẳng nỗi đau nào có thể so sánh được với nhau. Vì mỗi chúng ta đều là một cá thể riêng biệt với những mức độ cảm nhận và ngưỡng chịu đựng tổn thương khác nhau.”
“Khoảnh khắc khiến tôi muốn bật khóc nhất là khi bị tổn thương bởi những lời nói xung quanh. Bản thân chỉ biết tỏ ra không sao rồi từ từ đi tới chỗ một mình mình mà cầm lại nước mắt.
Làm một người luôn nhạy cảm với mọi thứ xung quanh, là khi không ai hiểu được mình, luôn tự ti bản thân về mọi mặt, luôn suy nghĩ về lời nói của người khác trong một thời gian dài… Có những chuyện chẳng đâu vào đâu, sau khi qua rồi bản thân cũng tự thấy chẳng đáng gì, vậy mà lúc ấy lại khóc. Nhiều lúc lại lì lợm, mạnh mẽ quá đến mức tự mình cũng không hiểu nổi mình nữa.”
“Ở độ tuổi đi học, nỗi sợ của bạn có thể tăng mạnh khi nhận ra người khác kì vọng ở bạn nhiều thế nào nhưng đồng thời cũng hiểu những do dự của bạn ít ra sao. ‘Gánh nặng’ kì vọng đè nghiến trên vai khiến bạn chùn bước và hoài nghi bản thân cho đến tận khi trưởng thành.”
“Một vài người nhạy cảm, đôi lúc là tất cả chúng ta, cảm thấy như người ngoài cuộc vì nghĩ không đời nào một người nhạy cảm có thể hòa nhập với thế giới và tồn tại. Họ cảm thấy quá khác biệt, quá yếu đuối và có lẽ quá khiếm khuyết.
Tôi đồng ý rằng bạn sẽ không thể hòa mình vào thế giới theo cách của những người không nhạy cảm hay người mạnh mẽ mà bạn đang ngầm so sánh với bản thân. Nhưng có nhiều người nhạy cảm đã tìm ra con đường thành công theo cách của riêng mình, họ hòa mình vào thế giới, làm những điều vui vẻ và hữu ích nhưng vẫn có đủ thời gian ở nhà, tận hưởng thế giới nội tâm phong phú, yên bình.”
“Một thầy giáo dạy thiền từng kể câu chuyện về người đàn ông không muốn vướng mình vào những căng thẳng của cuộc sống, vì thế ông đã ẩn mình vào trong hang động để thiền đến hết đời. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông ra khỏi hang vì tiếng nước rơi tí tách khiến ông căng thẳng tới không thể chịu nổi.
Tới một mức độ nào đó, bài học ở đây chính là căng thẳng sẽ luôn tồn tại, bởi ta mang theo tính cách nhạy cảm bên mình. Thứ ta cần là cách sống chung với áp lực.”
“Bản thân tôi là kiểu người dễ khóc, dễ cười; đôi khi thích thu mình lại; đôi khi lại muốn gặp gỡ và hòa nhập cùng mọi người. Vui, buồn, bực tức, khó chịu, cảm thấy lạc lõng, không ai hiểu mình, suy nghĩ nhiều về những thứ thoáng qua và dù chỉ một kích thích nhỏ thôi cũng khiến tôi trầm lặng…
Có người nói tôi cầu toàn, có người bảo tôi sống nội tâm, có người lại bảo tôi thích làm quá lên mọi chuyện…. nhưng thực ra tôi chỉ là một người cực kì nhạy cảm (HSP), và có đến 15 – 20% dân số thế giới cũng giống như tôi.”