
Trình Gia Dương là anh chàng thư sinh tài giỏi từng đi du học tại Paris ngành phiên dịch cấp cao, là thần tượng của tất cả các thiếu nữ trường đại học ngoại ngữ nơi Kiều Phi đang học, anh chàng này luôn phải chịu sự sắp đặt của gia đình – kể cả tình yêu. Anh yêu thầm một người bạn hơn tuổi từ thuở nhỏ, nhưng cô lại lạnh lùng đi lấy chồng bỏ lại chàng trai tài giỏi trong công việc nhưng khờ khạo trong tình yêu.
Còn Kiều Phi là cô gái có xuất thân nghèo khó luôn phải tự vươn lên trong cuộc sống, để có tiền trang trải học hành cô phải đi làm thêm ở quán rượu – đây là công việc không tránh khỏi điều tiếng thiên hạ nhưng cô luôn tỏ ra mình là cô gái vững vàng và lạc quan. Thế nhưng điều không may đã xảy ra khi cô buộc phải bán mình để lấy tiền chữa chạy cho cha…
- Review Người phiên dịch (2)
- Tóm tắt Người phiên dịch
Review Người phiên dịch (2)
“Người phiên dịch” – Chuyện người, chuyện nghề
Ngồi mất một buổi chiều để đọc hết “Người phiên dịch”, tôi phát hiện ra những ngày nghỉ Tết lạnh lẽo ở quê này, hình như tôi đều đọc những cuốn sách khiến mình ấm hơn.
Câu chuyện người
Kiều Phi là cô sinh viên khoa tiếng Pháp và “Người phiên dịch” gắn chặt với câu chuyện về tình yêu của cô với Trình Gia Dương. Thật kỳ lạ, “Người phiên dịch” luân phiên kể bằng hai ngôi thứ nhất của hai nhân vật chính nhưng tựa như mọi cuốn tiểu thuyết ngôn tình khác, Kỷ Viện Viện ưu ái hơn cho Kiều Phi và dành cho cô những đoạn cảm xúc mà nếu không phải phụ nữ sẽ không bao giờ hiểu. Kiều Phi gặp Trình Gia Dương trong một buổi thuyết trình báo cáo tại Học viện Ngoại ngữ. Những ấn tượng về anh, những lần chạm mặt vô tình với anh và những rung động trước anh lần lượt đến như một sự sắp xếp ngẫu nhiên của cuộc sống. Cô là hầu rượu ở bar, anh thất bại trong cuộc tình đơn phương vô vọng, và rồi họ lấp đầy nhau, ở bên nhau xoa dịu đối phương rồi tự thương tổn chính mình.
Motif của “Người phiên dịch” giống như bao câu chuyện ngôn tình khác. Chàng là hoàng tử nhà thế gia vọng tộc, nàng là cô bé lọ lem nơi thành phố gang thép mịt mù khói bụi. Nhưng, làm nền cho Trình Gia Dương có một Trình Gia Minh vùng vẫy, đối kháng với gia đình nhưng đổi lại, người yêu của anh chấp nhận lùi bước trước gia đình anh và phá bỏ đứa con của hai người. Làm nền cho Trình Gia Dương còn có một Húc Đông yêu một người và phải lấy một người khác chỉ vì môn đăng hộ đối. Gia Dương lớn lên trong một thế giới coi trọng xuất thân và giấu kín sự phản kháng của mình đằng sau vẻ ngoài nhu thuận. Anh tự mình sắp xếp công việc làm thêm cho người anh yêu, cùng cô đi du lịch, cùng cô trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp, cùng cô ân ái và cùng cô tự kìm nén chính mình.
Tôi đọc được ở đâu đó rằng tình yêu là chia sẻ, nếu không nói cho đối phương thì sẽ không ai hiểu nhưng cả Kiều Phi lẫn Trình Gia Dương đều giữ cho mình quá nhiều. Anh tự hạ mình vì xuất thân của cô, cô hất bỏ tất cả tình cảm của anh vì tự cho rằng họ không có tương lai. Kiều Phi mạnh mẽ, mạnh mẽ đến nỗi khi chia tay, cô không cho mình đường lùi, một mình gặm nhấm nỗi đau cùng nhung nhớ từ nơi đất Pháp xa xôi. Họ, hành hạ nhau bằng nỗi nhớ, bằng những cuộc gọi ngắn ngủi, bằng cách tìm quên bên người khác nhưng đến cuối cùng thì sao? Dù có tránh né trong những mối quan hệ rối loạn chằng chịt trong cuộc sống, họ vẫn về bên nhau sau tất cả khúc mắc, đè nén và cả hoài nghi. Yêu là không thể định nghĩa nhiều hay ít vì chẳng ai có thể cân đo đong đếm, chỉ có thể chia sẻ và thấu hiểu mà thôi.
Câu chuyện nghề
Kỷ Viện Viện là một phiên dịch viên tiếng Pháp chuyên nghiệp. Còn có ai thích hợp để viết về nghề phiên dịch hơn một phiên dịch viên cơ chứ? Tôi luôn nhạy cảm với những ngành nghề mà các nhân vật trong tiểu thuyết sắm vai, thậm chí tôi đã ném thẳng tay một cuốn ngôn tình vào thùng rác vì nó viết không đúng về nghề của tôi. Bất cứ ai cũng vậy, với ngành nghề của người khác thì có thể mắt nhắm mắt mở vì không hiểu rõ nhưng chắc chắn sẽ săm soi vô cùng khi viết về nghề của mình. “Người phiên dịch” đã nhận được những lời khen của chính những người đang làm phiên dịch, đó giống như một loại bảo chứng chất lượng bên cạnh cái tên Bách Việt để tôi quyết định rinh sách về nhà.
Tiếng Pháp, ngôn ngữ của thi ca, ngôn ngữ của khoa học – là duyên phận để Kiều Phi và Trình Gia Dương gặp nhau, hiểu nhau và đến gần nhau.
Kỷ Viện Viện chăm chút những chi tiết nhỏ, những tình huống đơn giản nhưng lại đầy chất nghề. Thủ thuật khi dẫn đoàn du lịch, rồi ứng phó trong tình huống không nhớ từ để dịch, rồi áp lực công việc, rèn luyện trong nghề được tác giả đưa vào thuần thục và tự nhiên… Trình Gia Dương đã không chỉ một lần nhắc nhở Kiều Phi phải rèn luyện thật nhiều mới có thể thành thục. Nghề nào cũng thế, thiên phú là một phần rất nhỏ còn lại đều phải cần cù siêng năng. Đọc “Người phiên dịch”, người đọc sẽ đi theo Kiều Phi từ khi cô còn ngồi ở giảng đường rồi theo cô đi các tour, cùng cô học hành tại Pháp và rồi về thực tập, làm việc ở Bộ ngoại giao. Những công việc bề bộn được mô tả kỹ lưỡng khiến nghề phiên dịch hiện ra rõ ràng và chân thực.
“Em là cỏ xanh, anh là nắng, cỏ chẳng thể sống nếu thiếu ánh mặt trời”
Trước khi đọc “Người phiên dịch” tôi tự nhủ mình, kể chuyên hai ngôi như thế này nếu người đọc không tập trung sẽ dễ khùng lắm đây ~ nhưng tôi đã nhầm. “Người phiên dịch” là một câu chuyện thực và là một câu chuyện đẹp. Giọng văn nhẹ nhàng khiến những tình huống tưởng như thực ám ảnh trở nên bớt nặng nề, đó là đặc trưng của bút pháp lãng mạn và khiến cuộc sống vốn rất tàn nhẫn này trở nên dễ thở hơn. Cuốn sách rất dày nhưng không khiến độc giả nhàm chán. Tiết tấu câu chuyện chậm rãi và đầy chất nhạc, tựa như tiếng Pháp du dương dễ dàng cuốn người ta vào ảo mộng.
Khép lại câu chuyện là một tương lai hạnh phúc lấp lánh trong giọt nước mắt của Kiều Phi. Gia Dương sẽ trở về cùng đứa con nuôi của họ, họ sẽ kết hôn và sẽ sống bên nhau với lời chúc phúc của gia đình anh và niềm tin của cả hai vào tình yêu… tựa như cánh đồng cỏ xanh ngát dưới ánh mặt trời…
“Người phiên dịch” có lẽ là cuốn sách được yêu thích nhất trong giá sách của mình, không hẳn đau khổ như truyện của Tân Di Ổ, cũng không quá ngọt ngào như Cố Mạn, Kỷ Viện Viện mang đến cho người đọc một chút gì đó rất đời mà lại không thực, một cảm giác khó nắm bắt, như thể những con người trong tác phẩm ấy rất bình thường, không giống như trong các câu chuyện soái ca mĩ nữ, trong các bộ phim thần tượng, nhưng lúc giật mình nhìn lại, trong cuộc sống thực này đó mới là những con người khó kiếm.
Giọng văn của Kỷ Viện Viện nhẹ nhàng, đậm chất tự sự, cách dịch của dịch giả cũng không có gì phải bàn. Quyển sách này hồi đó mình có đọc qua convert một lần, có một đoạn Trình Gia Dương đi công tác về, xem phim cùng Kiều Phi, khi ở trên ô tô, hai người hôn nhau, Gia Dương nói:“Phi, anh nhớ em!”, convert chỉ viết thế này: “Ta nghĩ người!” (Anh nhớ em!). Mình là người thường bỏ đại cục mà chỉ chăm chăm vào tiểu tiết, một chữ “Anh nhớ em!” thôi dường như vội vàng, tham lam và cố chấp hơn nhiều, đó mới là Trình Gia Dương mà Kỷ Viện Viện xây dựng.
Mình khá hứng thú với kết cấu truyện, có nghĩa là những dòng tự sự của nam chính và nữ chính đan xen vào nhau. Thường thường, khi viết một câu chuyện tác giả sẽ phải rất đắn đo khi chọn người kể truyện ở ngôi thứ mấy, nếu kể ở ngôi thứ nhất sẽ giúp cho câu chuyện dễ dàng đi sâu vào tâm tư, tình cảm, miêu tả được những biến đổi tinh vi, phức tạp đang diễn ra trong tâm hồn nhân vật, nhưng lại hạn chế trong việc miêu tả bao quát các đối tượng khách quan, khó tạo ra cái nhìn đa chiều, do đó dễ gây nên sự đơn điệu trong giọng văn trần thuật. Viết ở ngôi thứ ba ngược lại có thể tạo cho người đọc cái nhìn khách quan, nhưng lại khó khăn trong việc đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật đặc thù. Ở đây, Kỷ Viện Viện đã khéo léo đan lồng một cách hết sức sáng tạo, để câu chuyện vừa mang tính chủ quan, vừa mang tích khách quan, đơn chiều và đa chiều đều được tận dụng triệt để.
Có một câu nói rất hay được mình lấy ra để viết làm lời đề từ đầu cuốn sách, “Lịch sử của mỗi con người cũng như lịch sử của mỗi quốc gia, sẽ có người nhớ nó giùm bạn.” Tuy nhiên, câu nói này không liên quan gì đến bài cảm nhận của mình. Với “Người phiên dịch” mình nghĩ đến một câu này:“Trên đời luôn tồn tại những điều ngẫu nhiên, nhưng trong ngẫu nhiên luôn tồn tại tất nhiên.”Trình Gia Dương và Kiều Phi gặp nhau là ngẫu nhiên.Nhưng Trình Gia Dương và Kiều Phi Yêu nhau đó là tất nhiên.Thực ra cái gọi là “Tình yêu” vốn không kỳ diệu như chúng ta vẫn tưởng. Tình yêu cũng như thời trang, quần áo đẹp đôi khi nhờ tủ kính, có rất nhiều người thích hợp, và mỗi người cũng có thể thích hợp với thật nhiều thứ. Hôm nay, nếu ta không mặc được váy ngắn thì ta có thể mặc quần jean, thậm chí là một chiếc pyjama thôi thì vẫn có thể miễn cưỡng gọi là quần áo. Cái gọi là độc nhất vô nhị vốn không hề tồn tại.
Vì vậy mới nói, nếu đêm hôm ấy, Trình Gia Dương gặp một cô gái khác đến với anh không chỉ bởi tiền, và Kiều Phi gặp một người đàn ông khác, lên giường với cô không chỉ bởi “mua trinh”, họ cũng sẽ yêu đối phương, đó là tất nhiên. Còn ngẫu nhiên là họ lại gặp phải nhau. Khi tất nhiên và ngẫu nhiên hội ngộ, người ta thường gọi nó là định mệnh.
Trình Gia Dương và Kiều Phi, như hai đường thẳng mệt mỏi tìm đến nhau mà thôi.
Chính vì vậy tình yêu của họ đến rất chóng vánh, và cũng bén rễ thật sâu.
Thực ra mình thấy Kiều Phi là người rất đáng ngưỡng mộ, bởi cô ấy giỏi giang và kiên cường, mạnh mẽ và dí dỏm, thông minh nhưng không kém phần đáng yêu. Hoàn cảnh như Kiều Phi trong xã hội này đâu thiếu, có thể là hơn một chút, kém một phần nhưng nói chung đều xếp cùng vào một cả. Những người có “xuất phát điểm” không tốt thường chia ra làm ba loại: Loại thứ nhất, luôn luôn tự ti về hoàn cảnh của mình, khép kín, ngại giao tiếp. Loại thứ hai, tự ti cùng cực đến tự tôn cùng cực, có thể xù lông bất cứ lúc nào đối với những người mà họ cho là định chọc vào mình. Hai loại này chiếm số đông. Loại thư ba, giống như Kiều Phi, biết mình, biết người. Khi yêu Trình Gia Dương rồi, giống như tâm lý chung của tất cả các cô gái đang yêu, Kiều Phi lo sợ vì mình đã từng làm trong quán bar, sợ bạn của Gia Dương nhận được, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ cô cảm thấy xấu hổ về hoàn cảnh hay về gia đình của mình, ngay cả khi một anh chàng Trình Gia Dương lớn lên trong nhung lụa tìm về vùng thôn quê hẻo lánh, ở lại nhà cô một đêm, thái độ của Kiều Phi cũng không hề lúng túng hay giấu giếm.
Trên đời này có ba thứ mà con người ta không được lựa chọn: Gia đình mình sinh ra, quốc gia mình sinh ra và giới tính của mình. Vì vậy, chẳng có gì phải xấu hổ khi ba thứ đó của mình không hoàn hảo, ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng thể hiện được điều đó. Chỉ có vươn lên con người ta mới không hèn kém, và để vươn lên, ta cần phải có một điều, đó là ý thức được giá trị của bản thân mình, chứ không phải giá trị của đồng tiền mình không làm ra, hay cái vầng hào quang mà gia đình mình mang lại. Kiều Phi là người ý thức rất rõ điều đó. Mình rất tâm đắc câu trả lời của Kiều Phi cho mẹ Trình Gia Dương khi bà ta bắt cô ra một cái giá để rời xa anh, “Cô thử nói xem con trai cô đáng giá bao nhiêu?” Một người không tự tin vào bản thân mình, vào tình yêu của mình thì sẽ không bao giờ nói được câu nói đó.
Duy chỉ có một điều ở Kiều Phi mà mình thất vọng, đó là khi cô quyết định ra đi vì bản thân mình không còn khả năng làm mẹ. Có một điều mình chắc chắn, hy sinh không có nghĩa là cao thượng. Nhưng cuộc náu mình hàng nghìn năm trong bốn bức tường lịch sử, người phụ nữ đã tự cấy vào mình bộ gene đó như một phẩm chất quý báu, đó là sự nhẫn nại, nhu cầu hướng thượng và bao dung. Một khi phụ nữ biết được mình không thể mang thai, thì tất nhiên sẽ lặng lẽ bỏ đi, giống như bản thân mình đã trở thành người hạ đẳng, như thể có lỗi với tất cả đàn ông trong thiên hạ. Phụ nữ tự nghĩ bản thân mình nếu không thể sinh con, thì cũng tương đương như không có tư cách làm vợ, còn đàn ông thì cứ đơn giản thuận theo mà làm kẻ bạc tình. Thế giới này cũng đủ đảo điên, người ta nói người đàn ông là trụ cột gia đình, còn thiên chức của người phụ nữ là làm mẹ. Ấy vậy mà có bao nhiêu kẻ làm cái trụ cụt cong đuôi ăn bám vợ vẫn vỗ ngực tự hào “Ta là đàn ông”, còn dường như người phụ nữ nào sau khi mất đi quyền làm mẹ cũng tự dằn vặt và phủ nhận giá trị của bản thân mình.
Còn về Trình Gia Dương, với mình, đây mới là mẫu đàn ông đáng để tìm kiếm. Bên trong anh ta có những cái rất “con người” mà đôi khi chúng ta bỏ quên. Đó là gì? Là yêu thì nói, là đau thì khóc, là nhớ thì tìm đến bên nhau. Xã hội bây giờ quá nhiều người không bình thường, và những người không bình thường đó dần dần tự cho mình là bình thường, còn những người vốn bình thường thì lại bị gắn cho cái mác bất bình thường một cách oan ức. Trình Gia Dương không phải là một người đàn ông mạnh mẽ, cũng không phải là một người có khả năng làm được mọi điều. Có những cái luôn vượt ngoài tầm với của con người, mà khi đau khổ, người ta tìm phải có điểm tựa, thực tế chứng minh chẳng ai một mình mà sống được cả. Sắp xếp cho sự ra đi của Kiều Phi có lẽ là chút gắng gượng cuối cùng mà anh làm được, sau đó thì gục ngã. Đến với Tiểu Hoa cũng chỉ là phó thác mặc cho nước chảy bèo trôi. Việc Trình Gia Dương chung sống với Tiểu Hoa không phải sợ bố mẹ hay tiếng khen chê người đời, không phải là vì hận Kiều Phi mà đi tìm một bến đỗ khác, càng không phải dạng công tử giàu có hoa thân không hoa tâm, đơn giản đó là sự ra đi của con gió Kiều Phi khiến con thuyền anh mất phương hướng mà thôi.
Cái đáng trân trọng của Trình Gia Dương nằm ngay nơi tình yêu của anh. Một tình yêu trong sáng và thuần khiết nhất. Một khi tình yêu đã xác định, nó ở mức tuyệt đối. Qua một đêm, khi xác định đến với Kiều Phi, cũng chưa bao giờ thấy anh một lần nhớ về mối tình đầu với Minh Phương bao nhiêu năm trời đằng đẵng. Trình Gia Dương không yêu Kiều Phi vì cô là ai của ai, cũng không quan tâm là Kiều Phi của ngày hôm qua hay Kiều Phi của ngày hôm nay, anh yêu Kiều Phi bởi vì cô là chính cô thôi.
Vào cái giây phút khi Kiều Phi nói rằng mình không còn khả năng làm mẹ, kể lại quãng thời gian cô rời anh về quê để phá bỏ đứa con của hai người, Trình Gia Dương, anh không bất ngờ, cũng không truy vấn, anh chỉ đặt tay lên bụng cô và nói, “Em có đau không?” Điều đó đâu phải người đàn ông nào cũng làm được?
Mình nghĩ, trên đời này, bất kì một cô gái nào yêu và được yêu bởi một người có trái tim như Trình Gia Dương thì thật là hạnh phúc.
Và “Người phiên dịch”, đó là một kết thúc hạnh phúc và viên mãn vô cùng. Với mình viên mãn là yêu và được yêu, bản thân người phụ nữ đang yêu đã là một người phụ nữ trọn vẹn, người đàn ông cũng vậy, bởi tình yêu, chỉ riêng bản thân nó thôi vốn đã đẹp lắm rồi!