Thông qua “Nhà Thờ Đức Bà Paris”, Victor Hugo đã khắc họa cái nhìn mới về cuộc sống, về văn học nghệ thuật, ông đã thay thế những trật tự, sự quân bình của khuynh hướng cổ điển bằng những điều phóng túng, vô trật tự, thiếu quân bình trong cuộc sống thời đại mình. Khiến tác phẩm trở nên quyến rũ hơn trong mắt người đọc, mở ra trong lòng họ những sự thức tỉnh mới, giàu ý nghĩa nhân sinh, và ở tận cùng của chiều sâu tư tưởng, người đọc còn bắt gặp, lắng nghe được tiếng kêu tha thiết về thân phận con người, về sự đấu tranh không ngừng và cả nỗi đau tột cùng của con người trước số phận, mỗi nhân vật là một sự hài hước bi đát.

- Review Nhà thờ Đức Bà Paris
- Tóm tắt Nhà thờ Đức Bà Paris
Review Nhà thờ Đức Bà Paris
Thằng gù nhà thờ Đức bà (Nhà thờ đức bà Paris) đã được viết cách đây gần 200 năm và đến nay vẫn không ngớt người tìm đọc. Cuốn tiểu thuyết làm sống lại toàn cảnh Paris thời kỳ trung cổ ở thế kỉ XV, thời kì cách chúng ta cả 600 năm. Đây là sản phẩm của trí tưởng tượng phong phú dựa trên các tài liệu dày công nghiên cứu của tác giả.
Với ngòi bút điêu luyện, tinh xảo, tác giả đã tái hiện lại toàn cảnh nhà thờ Đức Bà Paris những năm thế kỉ XV. Đó là một tòa nhà của thời kì quá độ từ kiến trúc Roman sang Gô tích, “một di tích khổng lồ”. Ở nhà thờ Đức bà, các kiểu kiến trúc được lai tạp, hòa hợp tạo nên một sự dị biệt, độc đáo, hấp dẫn các nhà sử học, những nghệ sĩ và những người nghiên cứu các công trình cổ. “Tòa nhà thờ trung tâm đầy sinh lực này là một quái vật thần thoại giữa bao nhà thờ cổ của Paris; đầu nó thuộc cái này, chân tay thuộc cái kia, mông thuộc cái nọ, gần như thuộc của mọi cái”. Đúng như nhà sử học Giuyn Misơlê nhận xét vào năm 1833: “Cạnh ngôi nhà thờ cổ kính, V.Hugo xây dựng một tòa nhà thờ lớn khác bằng thi ca, cũng vững chắc như nền móng, cũng ngất cao như dãy tháp của tòa nhà thờ nọ”. Thông qua Thằng gù nhà thờ Đức bà, tác giả lên án sự tàn phá của con người với những công trình nghệ thuật thời trung cổ. Không phải thời gian tàn phá chúng mà chính con người đã tàn phá chúng không thương tiếc.
Với ngòi bút hóm hỉnh mà không kém phần sâu sắc, những cảm xúc tưởng chừng như chỉ có thể cảm nhận mà khó nói thành lời đều được tác giả diễn đạt dễ dàng bằng ngôn từ, bằng những hình ảnh ví von, liên tưởng hết sức thú vị: “…như có bàn tay vô hình cất đi khối nặng từ lâu vẫn đè nén giọt lệ trong tim, cô òa khóc; và nước mắt càng tuôn chảy, cô càng thấy nó cuốn đi mọi cay đắng và chua chát nhất của đau khổ.”; thứ cảm xúc bị dồn nén được diễn tả bằng thứ ngôn từ hoa mĩ, tráng lệ mà vô cùng sâu sắc khiến người đọc cảm thấy những dòng cảm xúc đó như cũng đang chảy trong huyết quản: “…chàng đâu có biết biển cả ham mê của con người sẽ nung nấu và sôi sục cuồng điên đến độ nào khi ta cự tuyệt nó mọi lối thoát, biển cả đó tích tụ, dâng lên, tràn bờ, đào xới tâm can, bật thành nức nở bên trong và quằn quại âm thầm, tới khi biển phá vỡ đê, chảy lạc dòng…”. Những lời lẽ ấy đẹp đẽ nhưng tiềm tàng một thứ cảm xúc tiêu cực đến tuyệt vọng.
Trong truyện có nhiều đoạn mang tính triết lý nhân sinh rất thú vị, ví dụ như: “Chao ôi! Frollo, mi là con nhện, Frollo, mi cũng là con ruồi! – Mi bay tới khoa học, tới ánh sáng, tới mặt trời, mi chỉ lo sao tới được khoảng rộng, tới ánh sáng rực rỡ của sự thật muôn đời; nhưng trong khi lao vào khung cửa sổ chói lọi mở sang thế giới bên kia, thế giới của ánh sáng, trí tuệ và khoa học, hỡi con ruồi mù quáng, nhà bác học điên rồ, mi đã không trông thấy cái mạng nhện tinh vi do số mệnh giăng ra giữa mi và ánh sáng, mi liều lĩnh đâm đầu vào, hỡi gã điên khốn khổ, và bây giờ thì mi giãy giụa, vỡ đầu xẻ cánh, giữa những vòi sắt của định mệnh!”
Ở thằng gù Nhà thờ Đức bà, các nhân vật được V.Hugo xây dựng đều mang tính chất điển hình.
Frollo là một phó giám mục uyên bác, thông thái, một linh mục cứng rắn, một con người buồn bã. Cha mẹ mất sớm, Frollo giành hết tình yêu thương chăm chút cho chú em. Nhưng chú em lại đối lập hẳn với anh, lười biếng, ngu dốt và đàng điếm. “Frollo vùi đầu vào tìm hiểu kiến thức nhân loại, lần lượt nếm mọi trái táo trên cầu trí tuệ, rồi cuối cùng cắn cả vào trái cấm, chẳng hiểu vì đói hay vì chán ngán”. Frollo đã nhận nuôi đứa trẻ quái dị, vô thừa nhận và đặt tên nó là Quasimodo.Quasimodo có vẻ ngoài xấu xí, dường như mọi điểm xấu trên đời tác giả đều đem đặt hết vào anh ta, chân khoèo, lưng gù, mặt chột, tai điếc nhưng có một trái tim tận tuỵ và khi yêu, nó trở lên đẹp đẽ, vĩ đại biết nhường nào.
Một kẻ tài năng đến nỗi bị coi là phù thủy. Một kẻ xấu xí đến nỗi bị gọi là quỷ sứ. Một chủ, một tớ gắn kết keo sơn. Một người ban cho người kia sự sống, dang tay cứu giúp một đứa trẻ vô thừa nhận và hình thù quái dị, nuôi nấng, che chở, dạy dỗ, chẳng khác nào một người cha. Một người rất mực trung thành với người kia bởi lòng biết ơn sâu sắc. Hai con người kì lạ ấy đã trở thành linh hồn của nhà thờ nọ, khiến nhà thờ kì lạ ấy càng thêm bí hiểm.
Phoebus có một diện mạo đẹp đẽ nhưng lại chẳng có một trái tim yêu thương đúng nghĩa. Thứ anh ta có chỉ là những ham muốn cho bản thân. Những ham muốn đó điều khiển anh ta. Những thứ đẹp đẽ mà được bọc bên ngoài bởi cái xấu xa thì không có cơ hội để toả sáng. Những thứ xấu xa được che đậy dưới vẻ đẹp bề ngoài lại dễ dàng đánh lừa người ta.
Ba nhân vật đối diện với một cô gái. Esmeralda xinh đẹp như một thiên thần, đôi chân nhảy múa và giọng hát đều mê hoặc lòng người. Cô gái khiến đàn ông phải mê mẩn, đàn bà phải ghen tị. Cô yêu hết mình một cách ngây thơ, yêu bằng một tâm hồn trong sáng, nhưng tiếc là trái tim lại trao nhầm người.
Ngoài ra tôi vẫn muốn kể đến Gringoire với câu nói: “Thoạt tiên tôi yêu đàn bà, rồi yêu súc vật, giờ đến gạch đá. Yêu gạch đá cũng thú vị như yêu đàn bà và sức vật mà còn bớt bất trắc hơn”. Đây hẳn là một câu nói thật lòng của một người đam mê kiến trúc. Thú thực, cái anh chàng này cũng lầy lội lắm các bạn ạ. Cái khiếu hài hước của tác giả có lẽ truyền cả cho Gringoire này!
Nếu xét về khía cạnh tình yêu thì Thằng gù nhà thờ Đức Bà có thể đặt thêm cái tên là Khi người ta yêu đơn phương.
Đơn phương như Frollo, một thứ tình yêu đoạ đầy, khổ sở và vật vã, một thứ tình yêu độc tài: “Không cần biết em có yêu ta hay không, ta chỉ biết ta yêu em điên dại và em phải là của ta hoặc không là của ai cả! Em phải là của ta hoặc là chết!”. Thứ tình yêu đó không chỉ dừng lại trong suy nghĩ mà còn biến thành hành động đê tiện, bẩn thỉu khiến Esmeralda đã phải thốt lên: “Tình yêu kiểu gì mà kì lạ thế?!” Tình yêu ích kỉ và thù hận đã khiến một cô gái hoạt bát, vô tư, tươi cười, đỏm dáng, nhảy nhót, bay bổng, nhịp nhàng trở thành một kẻ tử tù xanh xao, ủ rũ nhưng vẫn đẹp đẽ; nó cũng biến một linh mục ngoan đạo, mẫu mực thành một tên đồ tể độc ác, điên rồ. Anh ta làm mọi cách để có được người anh ta yêu mà không biết rằng điều đó chỉ càng làm cho cô gái ghê sợ và chạy trốn khỏi anh ta.
Đơn phương như Quasimodo, luôn âm thầm và lặng lẽ, làm mọi điều cốt sao người anh ta yêu được hạnh phúc, kể cả việc rời xa họ, luôn ở bên khi họ cần một bàn tay che chở, sẵn sàng mang cả tính mạng mình ra để bảo vệ cho người mình yêu. Cả thế giới thu bé chỉ vừa bằng một cô gái, cô là niềm tin, là tình yêu, là sự sống của anh ta. Không có cô, anh ta chỉ còn là tro bụi. Bạn đọc chắc hẳn sẽ nghẹn ngào xót thương cho một tình yêu như thế.
Đơn phương như Esmeralda, yêu mù quáng và mãnh liệt, tha thứ hết mọi lỗi lầm của người mình yêu để được ở bên người ấy, cứ ngỡ người ta cũng yêu mình. Cô cứ đi theo tiếng gọi của trái tim, đi theo giọng nói của Phoebus để rồi bước lên đài treo cổ mà vẫn không biết được rằng với anh ta cô chẳng là gì cả. Anh chàng Phoebus thì ai cũng yêu và chẳng thực sự yêu ai.
Sự lựa chọn sai lầm và mù quáng sẽ phải trả một cái giá đắt. Esmeralda chọn sai người để yêu khiến chính cô và người yêu cô chân thành phải nhận lấy sự đau khổ tột cùng. Tấm chân tình nếu được bọc bằng một lớp vỏ quá xấu xí thì cũng sẽ bị lu mờ, khiến người ta không thể nhìn thấy, càng không thể chạm tới.
Thủ pháp tương phản làm nền cho chuyện tình của họ. V.Hugo đặt cái xấu cùng cực cạnh cái đẹp tuyệt mĩ, đặt cái trong sáng, thánh thiện đến ngây thơ cạnh cái độc ác xấu xa đến tàn nhẫn làm cho tất cả tự nó nổi bật lên, tạo dấu ấn riêng cho tác phẩm. Khi nói về thủ pháp tương phản V.Hugo đã từng nói: “Nghệ thuật hiện đại sẽ thấy không chỉ mọi vật trong thế giới đều là cái đẹp, phù hợp với lòng người mà sẽ cảm thấy cái xấu bên cạnh cái đẹp, cái dị dạng bên cạnh cái xinh xắn, cái thô tục được che giấu đằng sau cái cao cả, cái ác tồn tại sau cái thiện, đen tối và ánh sáng trộn lẫn vào nhau”. Những thứ đối lập nhau lại có sức hút kì lạ với nhau, giống như hai đầu nam châm trái dấu vậy.
Ngoài những phần miêu tả kiến trúc, toàn bộ diễn biến câu chuyện đều đi ra từ suy nghĩ của các nhân vật. Mỗi người đều theo đuổi suy nghĩ của riêng mình và hành động như thể tin chắc điều đó là đúng. Tình yêu của họ chỉ bắt đầu từ ánh nhìn hoặc một cử chỉ đã khiến họ cả đời mong nhớ, cả đời si mê mà lại si mê đến cuồng điên. Sai lầm nỗi tiếp sai lầm tạo nên một bi kịch đau thương đến tàn nhẫn. Phải chăng, yêu hay không yêu ai đã là “định mệnh” không thể thay đổi?!
Nhà thơ Xuân Diệu viết bài Dại Khờ như thể viết cho Esmeralda vậy:
“Người ta khổ vì thương không phải cách,
Yêu sai duyên, và mến chẳng nhằm người.
Có kho vàng nhưng tặng chẳng tuỳ nơi,
Người ta khổ vì xin không phải chỗ.
Đường êm quá, ai đi mà nhớ ngó!
Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương.
Vì thả lòng không kìm chế dây cương,
Người ta khổ vì lui không được nữa.
Những mắt cạn cũng cho rằng sâu chứa;
Những tim không mà tưởng tượng tràn đầy;
Muôn ngàn đời tìm cớ dõi sương mây,
Dấn thân mãi để kiếm trời dưới đất.
Người ta khổ vì cố chen ngõ chật,
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào.
Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao,
Không muốn chữa, không muốn lành thú độc.”Điểm trừ của cuốn sách trong hình, đó là tên các nhân vật được phiên âm ra tiếng Việt. Để viết review này mình phải hỏi anh google về tên các nhân vật để viết được như ở trên.
Lối kể truyện của tác giả chậm rãi nhưng không khiến người đọc thấy buồn ngủ hay chán nản mà ngược lại, vô cùng hứng thú bởi ngôn từ tinh xảo, hài hước , tỉ mỉ nhưng không lan man.
“Thằng gù Nhà thờ Đức bà Paris quả thực là một kiệt tác của loại tiểu thuyết lịch sử thời kỳ lãng mạn chủ nghĩa” – Dịch giả Nhị Ca