“Trăm năm cô đơn” là câu chuyện về một dòng họ chạy trốn khỏi cô đơn để rồi phải chết trong cô đơn. Dường như ai ai cũng có cũng có cái cô đơn huyễn hoặc khó chạy thoát của đời mình. Người lớn thì say mê những giấc mơ của họ mà sải bước. Người nhỏ thì lạc trong những đam mê của chúng mà chẳng người lớn nào kịp gọi chúng ra. Rồi đến cả người điên cũng lạc trong mê man trước khi tạ thế.
Review Trăm năm cô đơn (2)
Hơn một tháng vừa rồi, cuốn sách luôn trên tay tôi trước giờ đi ngủ là “Trăm Năm Cô Đơn” (One Hundred Years of Solitude), một tác phẩm văn học của tiểu thuyết gia Gabriel Garcia Marquez.
Kín đặc 500 trang sách, “Trăm Năm Cô Đơn” dường như chứa đựng tất cả mọi thứ. Đó là những mẩu chuyện được ghép nối qua nhiều thế hệ của dòng họ Buendia, dẫn người đọc đi qua những thăng trầm, những niềm hân hoan và nỗi thống khổ xuyên suốt một trăm năm bằng lối hành văn kỳ ảo và đầy lôi cuốn.
…Câu chuyện không tập trung vào một nhân vật chính nào xuyên suốt, mà chồng chéo lên nhau là nhiều mảnh đời, nhiều nhân vật trong cùng một gia đình, tuy sinh ra ở những thời điểm khác nhau nhưng có tên gọi giống nhau – một nét đặc trưng trong văn hoá Mỹ Latin thời kỳ hậu thực dân (post-colonial era).
Mỗi nhân vật trong câu chuyện đều có một hành trình riêng. Nhưng điểm chung kết nối giữa họ không phải chỉ là dòng máu hay tên gọi, mà còn là nỗi cô đơn cùng cực nơi sâu thẳm tâm hồn, thứ khiến họ hoặc quằn quại trong niềm thương nhớ, hoặc tự cô lập mình trong một thế giới riêng, hoặc chìm đắm trong dục cảm của những mối tình bị cấm đoán.
Xen lẫn giữa những phiêu lưu tình ái, những phi vụ làm ăn, những cuộc chơi trác táng, những cuộc chiến tàn khốc… còn là sự ẩn hiện của những hồn ma, của lời tiên tri, của phép thuật… những yếu tố phi thường đặc trưng của dòng “hiện thực kỳ ảo” (magical realism), khiến thế giới hư cấu của “Trăm Năm Cô Đơn” hiện lên đầy phong phú và huyền nhiệm.
Những thế hệ con người sinh ra và chết đi, để lại trong dư vị người đọc niềm man mác như đã cùng họ sống cả một cuộc đời nhiều kỷ niệm.
…Là một người viết, dấu ấn đậm nét nhất cuốn sách để lại trong tôi là những câu văn trùng điệp đầy nhạc tính, vừa mộng mơ sáng tạo, vừa chi tiết đến đáng ngạc nhiên, thể hiện năng lực tưởng tượng siêu việt và… dị thường của tác giả.
Mặc dù tiết tấu truyện nhanh và lướt qua dòng đời của nhiều nhân vật, những hình ảnh được ông khắc hoạ chân thực và trù phú như những trích đoạn được cắt ra từ một cuốn phim, chạm đến giác quan và cảm xúc của người đọc theo những cách đầy khác lạ.
Có thể nói, Gabriel Garcia Marquez đã thật sự “chơi đùa” với tâm trí người đọc. Văn phong của ông xoá nhoà ranh giới giữa tỉnh và mơ, biến hoá cho những gì “thật” mà như “ảo” bởi những phép ẩn dụ giàu biểu tượng, “ảo” mà như “thật” bởi những tình tiết khác thường đầy sống động.
…Mặc dù mạch truyện ấy, lối viết ấy, khiến cuốn sách dường như khó đọc (như những bình luận phổ biến tôi thường thấy), nhưng với bản chất phi lý (absurdity) của câu chuyện, tôi cho rằng những diễn biến lạ lùng của “Trăm Năm Cô Đơn” được viết ra để cuốn bạn trôi theo một chuyến du ngoạn vào cõi mơ, tuy chẳng hề mạch lạc rõ ràng nhưng lại đậm đà những hương vị ngọt đắng của cảm xúc.
Những sự đột phá ấy đã góp phần giúp Gabriel Garcia Marquez đoạt giải Nobel văn chương năm 1982, xếp “Trăm Năm Cô Đơn” vào hàng ngũ của những tác phẩm văn học kinh điển của thế kỷ 20.
Tác phẩm của Gabriel Garcia Marquez gợi lên trong tâm tưởng người đọc những suy tư về số phận, về vòng lặp của thời gian, và về tính tiền định (fatalism) của kiếp sống con người.
Trong bức tranh xuyên suốt nhiều thế hệ, những sướng khổ của họ dường như tuân theo một kịch bản chung: những đứa con thừa hưởng từ cha ông từ tên gọi, ngoại hình, cho đến tính cách, ngang bướng theo đuổi ham muốn và lý tưởng của mình để rồi lặp lại những sai lầm của họ năm xưa, và cuối cùng tất cả sẽ bị vùi lấp trong rêu mốc và cát bụi của năm tháng…
…Nhìn chung, “Trăm Năm Cô Đơn” là một cuốn sách không “dễ nhằn”. Nó thử thách người đọc với những tên gọi trùng lặp, những tình tiết rối rắm, những sự kiện khó hiểu.
Nhưng nếu đủ kiên nhẫn, cuốn sách có thể làm thoả mãn những ai say mê sự sáng tạo đầy đột phá và hỗn loạn, hoặc yêu thích những trầm bổng tinh tế và đầy màu sắc của thế giới văn chương.
Đối với tôi, “Trăm Năm Cô Đơn” là cuốn sách nên đọc ít nhất một lần trong đời.
Rating: 9/10
– Hà Minh
BÀN VỀ CÁI ÁN CÔ ĐƠN CỦA DÒNG HỌ BUENDIA VÀ NGÔI LÀNG MACONDO
(Đọc cuốn Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez, giải Nobel văn chương năm 1982)
Trăm năm cô đơn là một cuốn truyện phải nói là cực kỳ lôi cuốn nhưng cũng không hề dễ hiểu, dễ nắm bắt và diễn tả. Rất nhiều người nói rằng đọc mà không hiểu truyện, hoặc không theo được mạch truyện, hoặc bỏ dở.
Có một cô bé trong nhóm có inbox yêu cầu mình review cuốn này. Thú thực là rất vui, vì các bạn trẻ cũng cố gắng tìm đọc những cuốn kinh điển “nặng ký” như vậy, và cũng vui vì bản thân có được chút tín nhiệm của các bạn. Thôi thì “sĩ vị tri kỷ giả tử”. Không chết thì cũng phải liều mà đáp lại sự yêu mến ấy thôi, dù rằng cũng rất lo lắng rằng mình có thể đáp ứng được không. Bản thân mình cũng muốn thử sức vậy. Coi như cứ nêu cảm nhận để mọi người tham khảo nhé.
Mình đọc cuốn này hồi mới du nhập vào Việt Nam. Thời điểm ấy có một cao trào vì tác giả G.M mới nhận Nobel. Cuốn sách được đón chào nồng nhiệt và tạo một cơn sốt thực sự. Lúc ấy mình mới ngoài hai mươi nên cũng đọc không hiểu lắm, chỉ ấn tượng về sự mãnh liệt của cái Libido ấy, ấn tượng về một sự mới lạ về giọng văn, lối viết, về những hiểu biết một vùng đất lạ, những con người với những suy nghĩ, tập tục xa lạ. Và xuyên suốt là một nỗi buồn sâu sắc, dai dẳng, ám ảnh. Câu chuyện về lời nguyền trăm năm nó ghê gớm làm sao.
Cũng như Rừng Nauy và nhiều cuốn truyện thời cận đại này, nếu không có kiến thức về Phân tâm học và Triết Hiện sinh thì khó nắm bắt lắm. Tác giả dẫn chúng ta đi vào chiều sâu tiềm thức với rất nhiểu ẩn ức, sai lạc dẫn đến những diễn biến tâm lý khá kỳ quặc, độc đáo.
Câu chuyện đầy ám ảnh với cái kết thật kinh sợ và nhức nhối. Câu kết ấy nói lên điều gì:
“…thành phố những tấm gương (hay đúng hơn thành phố những ảo ảnh) sẽ bị gió cuốn đi và sẽ bị xóa sạch khỏi ký ức con người trong lúc anh, Aureliano Babilonia, giải mã xong các tấm da thuộc, và tất cả những gì được viết trong những tấm da thuộc này sẽ không được lặp lại và mãi mãi không bao giờ được lặp lại, bởi vì những dòng họ bị kết án trăm năm cô đơn không có dịp may lần thứ hai để trở lại làm người trên mặt đất này”
Vâng, tại sao lại có lời nguyền ghê gớm ấy. Án Trăm năm cô đơn là cái gì. Có lẽ chúng ta thử tìm hiểu xem .
Câu chuyện chúng ta bắt đầu từ việc những con người táo bạo, can đảm, dũng cảm đi theo Jose
Arcadio Buendia lập ra một ngôi làng mới. Cuộc khai phá này bắt đầu bằng hai sự kiện: Cái chết của một người bạn và sự phá vỡ cái Đai trinh tiết. Ta mường tượng như chuyện Cain giết em và Adam ăn trái cấm. Ngôi làng Macondo cũng như Phía đông vườn địa đàng vậy. Một điển tích lấy từ Kinh thánh
Truyện của G.M luôn có rất nhiều ẩn dụ. Sự kiện phá cái Đai trinh tiết phải chăng biểu hiện cho sự giải phóng cái Libido. Sau này xuyên suốt câu chuyện cả dòng họ là cái chất Libido mãnh liệt ấy nó là động lực, là mục đích và là sức chi phối toàn bộ hành động của họ. Còn rất, rất nhiều ẩn dụ kiểu như vậy.Nếu không tưởng tưởng, suy luận thì cũng khó nắm được mạch truyện.
Ngôi làng Macondo ban đầu thật lý tưởng, như ao ước của Lão tử vậy: Quốc tiểu, dân quả. Mọi chuyện suông sẻ trong tự nhiên và bình lặng. Nhưng khi có làn gió của sự phát triển du nhập thì mọi thứ biến đổi. Có lẽ là tác giả muốn ngụ ý về việc du nhập không chọn lọc những cái mới, và bản thân ngôi làng thiếu đi chiều sâu lịch sử và văn hóa để dung hợp những cái mới. Sự chạy theo những kiến thức ấy đã phá vỡ cấu trúc bình yên của cộng đồng.
Dòng họ Buendia chia làm hai nhánh rõ rệt: Những Arcadio và những Aureliano. Một bồng bột, vô lo, sống bằng xúc cảm, thích sống hưởng lạc, một trầm tư, suy tưởng, thích sống bằng lý trí. Đó chính là những Apollo và những Dyonisos . Nhánh nào cũng dường như sống đến cực điểm, không có được sự dung hòa để có thể thăng bằng. Có chút gì của Nietzsche. Và cái thiếu nghiêm trọng của họ có lẽ là vắng bóng Cupido hay Eros-thần Tình yêu với đôi cánh và chiếc cung xinh xinh.
Để ý kỹ ta sẽ thấy cả cuốn truyện đồ sộ mà chỉ có hai Tình yêu thực sự. Một mở ra câu chuyện giữa Ucsula và Jose Arcadio Buendia và một kết thúc giữa Aureliano Babilona và Amarata Ucsula, như một sự sắp xếp cố ý. Cả hai mối tình này đều có tính loạn luân và ám ảnh.
Tình yêu của cặp đôi mở đầu là động lực lập nên ngôi làng trẻ trung, năng động và đầy sức sống. Nhưng rồi cái Libido của Jose bị hướng vào ngả khác và bắt đầu sự mất cân bằng. Một mình năng lượng của bà Ucsula, dù rất mạnh mẽ, cũng chỉ đủ giữ cho dòng họ cân bằng trong một thời gian, không đủ để nó phát triển đúng hướng và lành mạnh được. Dù sao cũng là đàn bà. Bà gắng sức nhưng không thể mưu cầu hạnh phúc cho những đứa con, đứa cháu của bà, vì chúng không được giáo dục đến nơi đến chốn về tình yêu thương. Nỗi ám ảnh của cái đuôi lợn lại càng làm cho bà lạc lối. Nhất là trước những biến động của thời cuộc, chiến tranh, cách mạng… Mọi thứ cứ dần tuột khỏi tay bà.
Và hai nhánh của chúng ta cũng rơi vào vòng xoáy điên rồ ấy. Để rồi cứ lạc hướng mãi. Kẻ đam mê thì cứ mãi đam mê, kẻ ích kỷ thì càng ngày càng ích kỷ, kẻ độc ác thì càng độc ác, kẻ hưởng lạc thì đi đến tận cùng của hưởng lạc. Những Arcadio và Aureliano dù có hoán đổi cho nhau thì vẫn cứ mãi đẩy đến mức điên rồ những cái đặc tính của nhánh mình. Cái Libido không được kiểm soát và hướng vào chính đạo, thiếu đi cái chất men diệu kỳ của tình yêu, càng ngày càng tự tung tự tác, hoành hành tác quái và hủy diệt chính ngay đương sự.
Để rồi trong cái mê cung ấy, họ cứ mò mẫm tìm nhau, mò mẫm tìm hạnh phúc một cách vô vọng. Cũng có những lúc họ gần đến được với tình yêu nhưng rồi cái phần bản năng lại thắng thế đưa họ vào những ngõ cụt. Phải chăng đó như một lời nguyền.
Đến mối tình cuối truyện thì như một sự lỡ làng rồi. Tình yêu ấy dù mãnh liệt và đẹp đẽ nhưng không thắng nổi lời nguyền đó, không đủ cứu rỗi cả dòng họ với bao năm lạc lối, lầm lạc ấy. Hình tượng cái đuôi lợn ám ảnh cả dòng họ, ám ảnh bà Ucsula, ám ảnh chúng ta từ đầu câu chuyện, giờ hiện ra như một định mệnh, một sự trả giá của họ. Cái án trăm năm cô đơn đến bây giờ đã tượng hình rõ nét.
Chúng ta đã dần hiểu trong xót xa, cái án ghê rợn ấy, cái định mệnh khủng khiếp ấy.
Đó chính là cái án, cái kết cục tất yếu của những tâm hồn lầm lạc, thả mình trong dục vọng bất tận, những con người sống mà thiếu đi sự yêu thương, lòng bao dung, sự gắn kết con người.
Cái chất kinh điển tiềm ẩn đến đây đã bộc lộ ra. Vâng, vẫn là cứu rỗi muôn thuở của loài người: Tình yêu thương.
Ở cuốn truyện này, tác giả đã làm một phép nghịch đảo, đưa ra cái phủ định, cái negative để một lần nữa khẳng định cái mệnh đề muôn đời ấy: Một con người, một dòng họ, một cộng đồng, một dân tộc hay cả loài người cũng không thể tồn tại nếu thiếu vắng Tình yêu thương. Thần Eros rút cục vẫn là chất men không thể thiếu trong việc tạo dựng nên cuộc sống loài người. Điều này trong cổ Hy lạp đã nêu rõ trong cái buổi khai thiên lập địa của loài người.
Mình yêu thích những cuốn truyện tuyệt vời như cuốn này. Những định đề xưa như quả đất ấy được đưa ra với những hình thức đặc sắc nhất và sâu sắc nhất, nên vẫn cứ mới mẻ và rất thuyết phục người đọc. Sự hấp dẫn chính là chỗ đó, nó lôi cuốn tự đầu đến cuối. Những ẩn ý rất sâu sa nằm trong từng trang sách kích thích người ta khám phá. Về những thủ pháp của G.Marquez thì thật “kinh khủng”. Những ẩn dụ nó hay đến mức ám ảnh, khiến cho người ta phải suy nghĩ về nó mãi. Cái cách miêu tả tính cách cũng cực kỳ đặc trưng. Mỗi nhân vật sống động như hiện ra trước mắt chúng ta. Hiếm có cuốn truyện nào mà những khái niệm như Tình dục, cái chết, sự đam mê, những mặc cảm… mà khiến ta suy tư, ám ảnh, lưu tâm đến như vậy. Ngòi bút bậc thầy của tác giả đem lại cho chúng ta quá nhiều xúc cảm và hiểu biết.
Với một cuốn sách đồ sộ và lớn như cuốn này thì tham vọng review hết quả là buồn cười nên thực sự mình đắn đo rất lâu mới dám viết. Thôi thì cũng ráng đưa ra chút hiểu biết của mình, ngõ hầu tạo một diễn đàn cho các bạn cùng đến với cuốn truyện rất Kinh điển, rất đáng đọc này. Với các bậc thức giả thì nếu có cảm thấy mình “múa rìu qua mắt thợ”, “đánh trống qua cửa nhà sấm” thì xin được tạ lỗi. Kẻ ngu lậu này cũng vì sự nghiệp đọc sách mà liều chút vậy.
Dĩ nhiên còn nhiều vấn đề trong cuốn sách này mình muốn bàn đến mà sợ quá dài, lan man. Có lẽ có dịp nào sẽ trở lại với các bạn. Ví dụ như sẽ có một bài phân tích về nhân vật đặc sắc nhất: Đại tá Aureliano Buendia. Cũng có nhiều cái để viết. Hẹn với các bạn sau vậy.
– Huy Lâm