“Rồi hoa sẽ nở, rồi đời sẽ tươi” có lẽ là cuốn tản văn mang màu sắc thật khác biệt so với những tác phẩm mà mình đã từng đọc qua: một màu sắc trầm lặng, sâu lắng bên dưới bề mặt bức tranh phức tạp của cuộc sống, không hề giống với những gì mà ta tưởng tượng và trông mong. Đinh Hạo nhìn đời qua lăng kính của một người đã trải qua nhiều chuyện, đã trưởng thành sau những vấp ngã, va chạm và trải nghiệm cuộc đời, gặp nhiều người, nghe nhiều chuyện, thấu hiểu thói đời ấm lạnh trong những đêm buồn bên chén rượu cay. Những câu chuyện kể được lồng ghép một cách sâu sắc giúp chúng ta tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, tìm thấy tình yêu, bù đắp lại những tổn thương và nuối tiếc giữa chúng ta cùng người thân và bạn bè.
Review Rồi hoa sẽ nở, rồi đời sẽ tươi
“Người ôm tôi vào lòng là bố tôi. Người đầu tiên nghe tôi khóc, nhìn tôi cười là bố tôi. Người đàn ông đầu tiên gọi tôi là “cục cưng” là bố tôi. Người duy nhất nói được làm được với tôi là bố tôi. Người duy nhất đã hứa sẽ luôn bên tôi cho đến khi tôi không cần nữa chính là bố tôi.”
Người ta thường nói con trai hay thân thiết với mẹ còn con gái thì lại quấn quít với bố. Có lẽ vì vậy mà các cô gái khi bắt đầu hình thành mẫu hình “nửa kia” lý tưởng sẽ dễ dàng tìm thấy bóng dáng bố mình ảnh hưởng trong đó. Là một người thân thiết với bố từ bé, hay được gọi là “con gái rượu” của bố nên đọc đoạn trích này như nhìn thấy chính mình vậy.
Bố tôi vốn là một người nghiêm khắc nhưng với tôi lại rất dịu dàng. Ngày trước khi vào lớp 1, bố chính là người dạy tôi tập đọc, luyện chính tả để có thể theo kịp bạn bè, bài giảng trên lớp. Mỗi lần được điểm cao, tôi đem về khoe bố, bố lại nhìn tôi cười rất tự hào: “Công sức của bố nữa đấy!”. Cũng vẫn là bố dành cả mùa hè chạy theo giữ đằng sau yên cho tôi tập đạp xe. Vừa nhát vừa vụng về nên mỗi lần bố thả tay là tôi liền ngã sõng xoài, được dịp “ăn vạ” bố mua quà vặt hay một cây kem, một cốc chè. Mặc dù với người ngoài có thể rất lạnh lùng, nghiêm nghị nhưng riêng tôi bố luôn chiều chuộng theo những thói nhõng nhẽo, chẳng mấy khi bị la rầy. Thi thoảng khi về thăm nhà, đi qua khoảng sân tập cũ gần nhà ấy, hay quán chè tôi và bố thường ngồi ăn, tôi lại có dịp hồi tưởng những kí ức giản dị đó và tự nhủ, mùa hè đó vẫn là một trong những mùa hè đẹp nhất, đáng nhớ nhất trong tuổi thơ của tôi.
Ngày xa nhà lên học đại học, bố đưa tôi lên tận nơi, còn nhất định nghỉ lại để sáng hôm sau đèo tôi đi học buổi học đầu tiên cho yên tâm. Ngồi sau xe bố, tôi lại cảm thấy như trở lại làm cô bé cấp 1 tựu trường buổi đầu tiên. Mỗi lần gọi điện về nhà, bố thường “chiếm sóng” điện thoại dặn dò tôi tỉ mỉ đủ thứ từ giữ gìn sức khỏe tới cập nhật tình hình thời sự đến mức tôi kêu váng đầu, tôi trêu bố lo lắng thái quá nhưng thực ra tôi hiểu, đó là cách duy nhất bố biết để thể hiện sự quan tâm với tôi. Có những lúc mất niềm tin và tự ti trong môi trường mới mẻ, xa lạ, choáng ngợp vì cảm thấy ai ai cũng giỏi giang và đẹp đẽ, tôi sẽ nghe thấy lời bố khẳng định chắc nịch: “Con gái của bố cũng đâu có tầm thường, tự tin lên nào!” Lời động viên giản đơn, nghe có vẻ khuôn sáo, nhưng không hiểu sao lại có sức mạnh rất lớn với tôi, có lẽ bởi nó xuất phát từ bố, người hiểu tôi nhất, người tôi tin tưởng nhất.
Bởi vậy, có thể nhiều người có những hình mẫu về một nửa lí tưởng là một hoàng tử bạch mã không tỳ vết, hay một tổng tài cao ngạo coi trời bằng vung, điều tôi tìm kiếm, chỉ là một người đàn ông ấm áp và giản dị như bố mình – một người không chỉ mang đến cảm giác được yêu thương, chiều chuộng mà còn là sự an toàn, tin tưởng. Bởi tôi là kiểu người không thích tranh đấu, không ưa sự gay cấn, bon chen trong tình yêu, tình yêu với tôi là sự thấu hiểu, chở che. Người dạy tôi về điều đó đầu tiên chính là bố. Người tôi đặt niềm tin tối thượng cũng chính là bố. Với tôi, bố chính là vị anh hùng, siêu nhân không cần áo choàng như vậy đấy.
– Hải Vân