Lần cập nhật gần nhất November 7th, 2021 - 06:46 pm
Khi còn ở độ tuổi trẻ trung và sung sức, chúng ta thường mải mê theo đuổi hoài bão tương lai hay đắm chìm trong hồi ức quá khứ mà vô tình lãng phí thời gian ở hiện tại. Song bạn đã bao giờ nghĩ đến cuộc sống lúc về già của mình chưa? Ngay cả khi quãng thời gian nhiệt huyết nhất đã đi qua, cuộc đời vẫn sẽ tiếp diễn, với vẻ đẹp riêng của nó. Hãy cùng nhìn cuộc đời qua đôi mắt của một nhà văn đã bước sang tuổi tám mươi để biết cách trân trọng hiện tại và sống trọn vẹn từng phút giây nhé!
Review Trọn một kiếp đời với sự an nhiên
Cuốn sách được viết bởi một nhà văn tuổi 80!
“Sau khi sống trọn kiếp đời với niềm yêu mến dành cho những người già, theo quy luật của tự nhiên, bản thân tôi cũng già đi theo năm tháng. Thập kỷ này qua đi, thập kỷ khác lại tới – ba mươi là những năm tháng tràn ngập nỗi sợ hãi, bốn mươi thì tôi không có ấn tượng mấy vì còn bận say xỉn, năm mươi là độ tuổi nở rộ nhất vì bước ngoặt cuộc đời, sáu mươi bắt đầu trải rộng những phước lành từ bước ngoặt ấy – thế rồi tôi mắc bệnh ung thư, vợ tôi thì qua đời và hết năm này đến năm khác, tôi chỉ biết lãng du đến một vũ trụ khác. Thế nhưng dù chúng ta có cảnh giác tới mức nào hay nghĩ rằng mình biết rõ những gì sẽ xảy đến đi chăng nữa, tuổi gìa vẫn là một thiên hà xa lạ, đầy rẫy những bất ngờ”. (Trích “Trọn một kiếp đời với sự an nhiên” – Donald Hall)
Donald Hall là một nhà thơ, nhà văn, biên tập viên và là nhà phê bình văn học người Mỹ. Ông từng được bổ nhiệm làm nhà thơ Laureate của Hoa Kỳ từ năm 2006 – 2007, thành viên của Học viện Nghệ thuật và Văn hóa Hoa Kỳ và từng được Tổng thống trao tặng Huân chương nghệ thuật Quốc gia.
Cuộc đời dưới con mắt của nhà văn khi đã bước sang tuổi tám 80 giống như một cuốn sách, cuốn sách ấy ghi lại toàn bộ những trải nghiệm của một con người yêu thơ ca, có nột trầm, nốt bổng, là niềm đam mê sống hết mình vì tuổi trẻ, sự lo lắng, bất an về một điều gì đó chưa xảy đến, và sự đắm chìm trong chính vinh quang mình tạo ra. Đến độ tuổi xế chiều, khi con người ta nhận ra được giá trị đích thực của cuộc sống, ta ban phát đi tình yêu thương cho người trẻ và nhận lại ở họ sự tử tế đi kèm với sự trịch thượng “và đôi khi phản ứng đối với người già lại trỏe thành một màn hài kịch trớ trêu”
“Trọn một kiếp đời với sự an nhiên” là câu chuyện chân thực từ chính cuộc đời tác giả, không văn chương hoa mĩ nhưng cũng không khô khan, cứng nhắc, nó là cuộc hành trình dài mà mỗi người trong chúng ta bất cứ ai cũng sẽ phải trải qua, sự hành xử giữa người với người. Có thể, bạn sẽ thấy mình trong từng câu chữ của tác giả. Đồng thời, xen vào những câu chuyện đó, đôi khi, bạn cũng có cơ hội bắt gặp những khoảnh khắc tuyệt vời trong những góc nhỏ ở phương trời Âu, đâu đó là những bông tuyết trắng quen thuộc nhẹ rơi bên khung cửa sổ ngay giữa tiểu bang New Hampshire, hay bắt gặp khoảnh khắc những chú sóc tinh nghịch nhảy nhót trên những đụn tuyết trước hiên nhà. Ở đó, có một phần thanh xuân, có gia đình, bạn bè và Linda – người vợ mà ông hết mực yêu thương.
Hy vọng rằng, cuốn sách “Trọn một kiếp đời với sự an nhiên” (Donald Hall) sẽ mang lại cho bạn một suy nghĩ khác về cuộc sống, để biết cách trân trọng hiện tại và sống trọn vẹn từng phút giây. Hãy khoan dung và yêu thương nhiều hơn bạn nhé!
– Hoàng Ngân
Trích dẫn Trọn một kiếp đời với sự an nhiên
“Một đặc trưng khác của tuổi già là ta thường ca đi ca lại những khoảnh khắc gần như đã bị lãng quên trong quá khứ. Có lần, tôi bỗng nhớ ra ông bác Luther của mình, sinh năm 1856, từng kể cho tôi nghe trên chính hiên nhà này rằng ông nhớ những cậu nhóc từ Virginia trở về. Và rồi tôi cứ ngồi lắng nghe người đàn ông với hàng ria mép trắng phau kia hồi tưởng về những tháng năm Nội chiến. Khi ấy tôi mới gần mười tuổi. Đến năm 1938, New England phải hứng chịu sự tàn phá của một cơn bão khủng khiếp. Những ngôi nhà tranh ven biển bị cuốn vào đất liền, điện bị cắt, nhà bị thổi sập – ấy vậy mà ngôi nhà này vẫn hiên ngang trụ vững – và ở vùng nông thôn, cây cối trong rừng đều bật gốc hết cả. Quân đoàn Bảo tồn Dân sự của Roosevelt đã chặt bỏ những cây lớn bị đổ và bảo tồn đống gỗ đó bằng cách dùng chúng lát đường bắc qua các ao hồ. Rất nhiều năm về sau, người dân ở miền Đông vẫn còn nhớ trận cuồng phong năm ấy. Và rồi tới một lúc nào đó, những đứa trẻ mười tuổi từng đạp xe đi giữa những thân cây mới đổ sẽ chẳng còn sống trên đời để hồi tưởng về cơn bão nữa.”
“Hồi nhỏ, tôi rất thích người già, và trong mắt tôi, ông ngoại ở New Hampshire chính là hình mẫu lý tưởng. Thực tình tuổi ông vẫn chưa hẳn là già. Ông mới vừa nhỉnh bảy mươi khi tôi theo ông đi dỡ cỏ phơi khô. Tới tận khi qua đời, ông cũng chỉ bảy mươi bảy tuổi, nhưng trong đầu tôi vẫn ngỡ ông đã già lắm rồi. Ông tôi vốn là một nông dân với độc nhất một con ngựa – tên chú ngựa ấy là Riley – cùng một trang trại tổng hợp kiểu cũ. Ông chăn gia súc, cừu và gà, thậm chí còn nuôi ong và vận hành một xưởng tinh chế đường để nấu nhựa phong thành siro. Quanh năm suốt tháng, ông làm việc quần quật từ sáng sớm tinh sương tới tận khi tối muộn: vắt sữa bò, chăn cừu, dựng hàng rào, đốn gỗ, bón phân, trồng trọt, nhổ cỏ, dỡ cỏ phơi khô, thu hoạch và nhốt gà vào chuồng mỗi đêm để đề phòng lũ cáo. Mỗi độ hè về, tôi lại tới giúp ông làm việc trong trang trại và nghe ông kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Suốt ngần ấy năm, ông tôi lúc nào cũng tất bật làm việc này việc nọ, nụ cười nửa miệng hiền lành đặc trưng luôn nở trên môi mỗi lần ông nhớ lại những chuyện cũ, hay một mình ngâm nga mấy bài thơ từng học thuộc lòng thời đi học.”