Lần cập nhật gần nhất December 8th, 2022 - 06:20 pm
“Who Moved My Cheese? An Amazing Way to Deal with Change in Your Work and in Your Life” dịch sát nghĩa là “Ai lấy miếng pho mát của tôi? Phương cách tuyệt vời nhất để đối phó với sự thay đổi trong công việc và trong cuộc sống của chúng ta”. Thông qua câu chuyện ngụ ngôn về bốn nhân vật – đại diện cho những phần đơn giản và phức tạp trong con người của chúng ta – cuốn sách đưa ra thông điệp: “Miếng pho mát – những gì chúng ta đang sở hữu – sẽ luôn thay đổi, di chuyển. Chúng ta hãy di chuyển cùng với miếng pho mát, và tận hưởng nó”. Cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích và đánh giá cao. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng một số công ty đã lợi dụng ý nghĩa của cuốn sách để khuyến khích nhân viên tìm công việc mới nhằm giảm áp lực nhân sự của họ.

- Review Ai lấy miếng pho mát của tôi (2)
- Tóm tắt Ai lấy miếng pho mát của tôi
Review Ai lấy miếng pho mát của tôi (2)
HÀNH TRANG KHI ĐỨNG TRƯỚC THAY ĐỔI CỦA CUỘC ĐỜI
Cuộc sống luôn luôn vận động, luôn luôn thay đổi theo từng ngày, hầu hết mọi người đều gặp phải những rắc rối riêng khi thế giới của chính mình “ đột nhiên” xảy ra những biến động. “Ai lấy miếng pho mát của tôi” được tiến sĩ Kenneth Blanchard viết như để giải quyết vấn đề của hầu hết mọi người khi phải đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống.
Câu chuyện được viết dựa trên 4 nhân vật với 4 tính cách đại diện cho những tính cách đơn giản và phức tạp của con người khi đối diện với thay đổi: chú chuột Đánh Hơi luôn sớm phát hiện những thay đổi, chú chuột Nhanh Nhẹn luôn nhanh chóng hành động trước một sự việc, chàng tí hon Ù Lì thường phản đối và chống lại những thay đổi vì sợ rằng điều đó có thể dẫn tới những việc tồi tệ hơn, chàng tí hon Chậm Chạp biết thích nghi đúng lúc khi thấy thay đổi sẽ mang đến những điều tốt đẹp. Qua những hình ảnh đó tác giả muốn gửi gắm những thông điệp giúp độc giả đã, đang và sẽ gặp phải những chới với trước sự đổi thay có thể đưa ra những lựa chọn đúng đắn cho bản thân mình.
Nhà văn cho thấy cuộc đời chẳng có gì là đứng yên mãi mãi. Vì thế con người cũng phải luôn thay đổi, sáng tạo, có những suy nghĩ mới thoát ra những định kiến cổ hủ không còn hợp với thời đại. Chỉ khi ta biết thay đổi và thích ứng với những thay đổi ta mới có thể tìm thấy con đường đúng đắn cho bản thân.Đường đời không bao giờ là bằng phẳng, trên con đường đó luôn ẩn chứa muôn vàn chông gai thử thách. Để có thể tự tin vững bước, mỗi chúng ta cần mang cho mình một suy nghĩ tích cực, có niềm tin vào tương lai phía trước. Sẽ luôn có những lo lắng và sợ hãi bào mòn ý chí quyết tâm khi đi trên con đường mới, khi rời xa những gì đã quen thuộc. Nhưng sẽ chẳng có gì là an toàn cứ mãi đứng im dậm chân tại chỗ. Để không bị mất phương hướng trước đổi thay, con người cũng phải luôn vận động, luôn quan sát xã hội xung quanh, kể cả những gì nhỏ nhất để có thể nhìn ra những thay đổi và nhanh chóng thích ứng với nó. Cuối cùng bạn sẽ nhận ra đi theo những con đường mới sẽ giúp chúng ta thấy được những cơ hội mới.
“Khi vượt lên nỗi sợ hãi của chính mình, bạn sẽ cảm thấy không bị trói buộc nữa”. Con người đa phần cảm thấy chới với khi đứng trước thay đổi do bị nỗi sự từ bên trong con người kìm hãm. Nỗi sợ là thứ có sức mạnh vô cùng, nó điều khiển lý trí, sự minh mẫn, sự can đảm của con người. Chỉ khi vượt qua nỗi sợ người ta mới nhìn thấy một thế giới rộng lớn mở ra trước mắt mà khi xưa bị che mờ bởi màn sương mang tên “sợ hãi”. Nhà văn đã đưa ra những lời khuyên để giúp cho độc giả kéo tấm màn đó lên, bước ra khám phá thế giới.
Có rất nhiều người đã từng lạc lối và nản chí khi gặp phải những thay đổi “bất ngờ” trong cuộc sống. “Ai lấy miếng pho mát của tôi” là một cuốn sách khiến bạn có thêm động lực và giải pháp để sẵn sàng đương đầu với những thay đổi ấy. Cuốn sách mặc dù rất ngắn gọn, đơn giản nhưng những điều ẩn chứa bên trong là những bài học, kinh nghiệm vô cùng quý giá giúp thay đổi con người từ trong suy nghĩ đến hành động. Tác giả không hô hào người ta phải làm này hay điều kia khi đối diện với thay đổi, ông chỉ đưa ra những câu nói, những tư tưởng giúp con người có động lực, có niềm tin đối với con đường mà bản thân đã chọn. Cuốn sách không chỉ được các công ty lớn hay những nhà kinh doanh áp dụng mà nó cũng là một cẩm nang quý báu cho mọi người.
– Thanh Huyền
ĐƠN GIẢN TRONG SUY NGHĨ
“Ai lấy miếng pho mát của tôi?” mới đầu khi nghe tựa sách tôi tưởng cuốn sách sẽ mang đến một câu chuyện cười. Nhưng không ngờ đây lại là một câu chuyện ẩn chứa bên trong rất nhiều bài học trong cuộc sống, nó giúp tôi có cái nhìn khác về cuộc sống, cuộc sống vốn dĩ không phức tạp mà là chính chúng ta luôn làm cho nó phức tạp lên, đôi khi chỉ cần bình tĩnh đơn giản hóa vấn đề là chúng ta đã có những giải pháp tối ưu.
Lần thứ hai, tôi đọc lại vẫn rất tâm đắc và ấn tượng với “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” Bởi nó khiến tôi có cảm giác đâu đó có mình ở từng trang sách và những câu châm ngôn khiến tôi càng ngẫm càng thấy thấm. Lật giở những trang đầu tiên, tôi bị thu hút bởi câu nói của Allyson John: “Nếu có ai ban cho tôi một cuộc sống không gặp trở ngại nào thì hấp dẫn thật đấy nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi không còn học được điều gì từ cuộc sống nữa.” Thật sự là vậy, nếu như coi cuộc sống là một biểu đồ nhịp tim thì nó phải lên lên xuống xuống thì chúng ta mới sống được, nếu biểu đồ ấy là một đường thẳng tắp thì trái tim của chúng ta sẽ ngừng đập và sự sống cũng sẽ kết thúc. Vì vậy, chúng ta hãy dũng cảm đối mặt với khó khăn, bởi những khó khăn ấy là điều tất yếu của cuộc sống mà ta phải trải qua và khi vượt qua ta mới cảm nhận rõ rằng mình đang sống.
Lật tiếp những trang tiếp theo chúng ta sẽ được khám phá câu chuyện tìm pho mát của các nhân vật là hai chú chuột Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn và hai con người tí hon: Chậm Chạp và Ù Lì. Các nhân vật đại diện cho những phần đơn giản, phức tạp trong con người chúng ta, thế nên khi đọc xong câu chuyện này, tôi tin bạn sẽ cảm nhận rõ ràng có đâu đó hình ảnh của mình trong câu chuyện này. Những miếng pho mát trong câu chuyện tượng trưng cho những ước muốn, là điều ta mong đạt được trong cuộc sống. Còn mê cung chính là con đường ta phải đi qua để đạt được ước muốn đó, trong mê cung các nhân vật sẽ gặp rất nhiều thử thách để đi tìm kho pho mát cho mình và mỗi nhân vật lại có cách xử lí riêng theo tính cách riêng của họ. Cách xử lí của từng nhân vật là điểm chính mà câu chuyện mang lại cái nhìn mới mẻ về cuộc sống.
“Ai lấy miếng pho mát của tôi?” là một câu chuyện tưởng như giản dị, gần gũi, vậy mà nó lại mang đến cho tôi những bài học ý nghĩa cho cuộc sống của mình. Và không chỉ riêng tôi cảm thấy may mắn, biết ơn khi biết đến cuốn sách mà đó cũng là cảm xúc của rất nhiều độc giả khác khi đọc sách. Hơn hết một số còn bày tỏ những cảm xúc, nhận xét của đọc giả được trích dẫn ở cuối sách, đọc những dòng ấy khiến tôi nhận ra cuốn sách không chỉ khiến thay đổi tư duy về cuộc sống của một số ít người mà là rất rất nhiều người, “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” rất xứng đáng là cuốn sách best seller. Nếu như trước đây tôi hay hoài niệm lại quá khứ và tiếc nuối đủ điều những việc mình không làm được, thì bây giờ câu hỏi mà tôi đặt ra khi gặp vấn đề là: “Mình có thể làm gì ở hiện tại để vấn đề này tốt hơn?” Đôi khi chúng ta đừng nên phức tạp quá vấn đề ở hiện tại, đừng tự trách móc mình khi nhận được kết quả không mong muốn mà hãy nghĩ xem giờ đây chúng ta bước tiếp như thế nào, lại tiếp tục tiến về phía trước và thực hiện ước mơ của mình.
“Lưu ý tới những thay đổi nhỏ sẽ giúp bạn thích ứng tốt hơn với những thay đổi lớn hơn.” – trích “Ai lấy miếng pho mát của tôi”. Câu nói ấy khiến tôi nhận ra đưa ra cách giải quyết vấn đề rất quan trọng nhưng việc cẩn thận trong từng hành động nhỏ còn quan trọng hơn, hãy chú ý đến những biến chuyển của công việc dù là nhỏ nhất, hạn chế sai lầm để bạn có thể thành công mà không mất quá nhiều thời gian.
Hãy thử một lần đọc “Ai lấy miếng pho mát của tôi?”, tôi tin bạn sẽ có những sự thay đổi tư duy lớn về cuộc sống này đấy!
– Nguyễn Hải Yến