Ở thời điểm Erich Fromm xuất bản “Nghệ thuật yêu”, ông đã trở thành học giả đầu tiên nghiên cứu về “tình yêu” và “năng lực yêu” như một đề tài nghiêm túc để nêu ra trước công luận. Cuốn sách không chỉ hấp dẫn vì nhan đề mà còn vì những hiểu biết sâu về bản tính của con người: Lòng yêu thương. Ông phân tích những hình thái khác nhau của tình yêu dựa trên đối tượng của tình yêu, bàn luận về các tiền đề của nghệ thuật yêu, các phương pháp tiếp cận, và thực hành.
Review Nghệ thuật yêu (2)
Nếu như “Thuật yêu đương” (1961) của cụ Nguyễn Duy Cần là nói về tình yêu nam nữ cho những người đang đau đớn hay mộng mơ về tình yêu. Thì “Nghệ thuật yêu” đem đến nhiều khái niệm cực kỳ thú vị cho người đọc với lời mở đầu rõ ràng:
“Bất cứ ai mong đợi sự chỉ dẫn dễ dãi về nghệ thuật yêu sẽ thất vọng khi đọc cuốn sách này.”
Đàn ông thì cày thành đạt, quyền lực, giàu có,… Phụ nữ thì trở nên hấp dẫn bằng ăn mặc, luyện tập… Và còn là cách cư xử dễ chịu, chuyện trò thú vị, khiêm tốn và thân thiện,…. Đó là quan điểm của hầu hết chúng ta và cộng thêm cái gọi là “thị trường tính cách” đã làm nên những khái niệm để được yêu thương.
Nhưng có thực như vậy? Nếu thực vậy thì đây chỉ là cuốn sách dạy yêu đương xoàng xĩnh thay vì đã được dịch ra 34 thứ tiếng trong suốt 65 năm từ ngày xuất bản (1956).
“Họ xem bao nhiêu bộ phim về những chuyện tình hạnh phúc lẫn bất hạnh, họ nghe hàng trăm bài ca nhạt nhẽo về tình yêu – nhưng hiếm ai nghĩ cần phải học điều gì đó về tình yêu.”
LÝ THUYẾT TÌNH YÊU:
Đầu tiên tác giả diễn giải lý thuyết về tình yêu – dĩ nhiên không thể nào có một khái niệm thống nhất về tình yêu.
Chương 2 thì nói về sự khác biệt, tách biệt và bản chất không thể sống trong cô đơn của con người. Lo âu bị chia cách dẫn đến sự khao khát hòa hợp, kết nối của con người cá nhân. Nên dẫn đến tình yêu.
CHO VÀ NHẬN:
“Tính chất chủ động của tình yêu trước hết là trao [giving], không phải là nhận [receiving]”.
Fromm đã diễn giải rất hay về việc trao đi – không chỉ riêng trong tình cảm nam nữ: “Người tích trữ [hoarder] sẽ có cảm giác lo âu vì lo lắng mất đi cái gì đó, họ là người nghèo, là người nghèo dần đi xét trên phương diện tâm lý.”
BỐN YẾU TỐ CẦN THIẾT TRONG TÌNH YÊU:
Sự quan tâm, trách nhiệm, tôn trọng và sự hiểu biết.
Quan tâm: “Yêu là sự quan tâm có tính chủ động vì sự sống và sự phát triển của cái mà ta yêu.” Ví dụ: bạn yêu mèo mà không cho nó ăn, săn sóc cho nó về vệ sinh cá nhân… thì không thể tin được bạn đang có tình yêu cho mèo.
Trách nhiệm: được hiểu là hành động hoàn toàn tự nguyện muốn làm chứ không phải là nghĩa vụ. Trách nhiệm khi yêu là đáp ứng tự nguyện tinh thần của đối phương.
Tôn trọng: “Tôi muốn người mình yêu phát triển và bộc lộ bởi vì lợi ích và theo cách riêng của người ấy, chứ không nhằm mục đích phục vụ tôi.” ví dụ: Bạn yêu một họa sĩ vì anh ta vẽ đẹp chứ không phải vì tranh anh ta bán chạy.
Muốn tôn trọng thì phải hiểu biết về người đó, quan tâm, trách nhiệm sẽ là mù quáng nếu ta không hiểu người đó. (Họ không thích ăn mà suốt ngày bạn nấu món cá với lòng chân thành thì nó hơi công cốc.) Ngược lại hiểu mà không quan tâm thì là vô nghĩa. Và đừng bao giờ mong muốn hiểu hết về người mình yêu – đó là vọng tưởng. Nếu đi theo hướng tâm lý học thì chỉ có thông qua việc tìm hiểu chính mình thì sẽ hiểu được người khác.
ĐỐI TƯỢNG TÌNH YÊU:
Đồng loại, mẫu tử, nhục cảm, chính mình, Thượng Đế.
Trong phần Tự yêu mình [self – love] là phần khá quan trọng về việc cắt nghĩa giữa tình yêu chính mình và tình yêu ích kỷ. Qua hai trích sau, mong sẽ giúp mọi người nắm bắt được: “một thái độ tự yêu mình chắc chắn được thấy ở bất cứ ai có khả năng yêu kẻ khác.” Và “người ích kỷ không thể yêu người khác nhưng họ cũng không thể yêu chính mình.”
Tôi xin bỏ qua phần 3 của cuốn sách – khái quát được phần này sẽ khiến bài này rất dài và tôi cam đoan rằng phần 3 này sẽ làm bạn buồn về những ảo tưởng của bạn bấy lâu về tình yêu. Bạn sẽ thấy bị tấn công về mặt tâm lý ngay vì : “Không ai bị ghét nhiều hơn người nói sự thật.” – Plato.
THỰC HÀNH:
Gồm bốn yếu tố:
Kỷ luật: “Khi không làm việc, con người chỉ muốn lười nhác, ườn người ra, hoặc dùng từ dễ nghe hơn là ‘thư giãn’.”
Tập trung: “Thiếu sự tập trung thể hiện rất rõ trong việc chúng ta khó có thể ở một mình.” Cụ thể hóa là ngồi một mình mà không làm và suy nghĩ tính toán bất cứ cái gì, trừ tưởng tượng ra một khung cảnh trắng xóa hay tấm bảng trắng. Có sự tập trung thì việc lắng nghe người mình yêu cũng trở nên dễ dàng hơn.
Kiên nhẫn và hết lòng quan tâm người mình yêu thì tôi không cần khái niệm hóa thì các bạn cũng đã hiểu nó là như thế nào.
KẾT:
“Yêu tức là hiến dâng bản thân mà không cần bảo đảm, trao hết bản thân với tình yêu của mình sẽ sinh ra tình yêu ở người mình yêu. Yêu là một hành động của đức tin, người nào ít đức tin thì cũng ít tình yêu. Người ta có thể nói thêm điều gì về thực hành đức tin?”
– Đồng Vũ
Làm sao có được một tình yêu đúng nghĩa trong xã hội hiện đại
Làm sao ta biết mình đang yêu. Có phải khi ta tương tư một người. Hay ta thấy họ đẹp, họ giàu, hay đơn giản là họ nói chuyện có cảm tình.
Liệu tình yêu có phải là một hợp đồng giữa 2 người. Giống như các chương trình hẹn hò, khi mỗi bên giới thiệu về bản thân, nghề nghiệp, sở thích, quan điểm, mức lương. Nếu thấy việc 2 người phù hợp với nhau (hay nói cách khác là hợp đồng tình yêu này mang lại lợi nhuận tối ưu cho hai bên) thì bọn họ tiến tới hẹn hò và nếu được thì kết hôn.
Hay liệu tình yêu giống như trong thần thoại. Truyện kể là nam và nữ vốn là một cá thể nhưng đã bị thượng để chia tách ra thành 2 và đày xuống nhân gian và nhiệm vụ của họ là tìm được nhau. Và trong nhiều khoảnh khắc ta cứ ngỡ là ta đã tìm được 1 nữa kia. Điều khiến ta tin vào điều này chính là những niềm vui khi ở cạnh nhau và những nỗi buồn hay thậm chí những giọt nước mắt khi xa nhau. Nhưng rồi con người ta sẽ mau quên đi nỗi buồn và niềm vui này nếu gặp được một người mới, có được những cảm xúc mới hơn. Và không biết đến bao giờ con người mới tìm được tình yêu đích thực. Hoặc thậm chí không có cái gọi là ‘tình yêu đích thực’, tất cả chỉ do con người tự ảo tưởng.
Để hiểu thêm về các vấn đề này, chúng ta cùng thử tham khảo cuốn sách NGHỆ THUẬT YÊU – một cuốn sách của Erich Fromm, người đã trải qua cả 2 cuộc chiến tranh thế giới và ông đã khai thác chiều sâu trong bản chất của tình yêu. Cuộc đời của ông đầy thăm trầm, ông là một người Do Thái sống trong thời của Hitler, khi ông đi theo sự nghiệp của mình thì ông phải rời bỏ người yêu và cũng là người bạn thuở nhỏ của mình. Sau này ông trải qua nhiều cuộc hôn nhân rồi đến đổ vỡ, chứng kiến sự ra đi của người mình thương, nhiều người thân của ông đã mất trong trại tập trung của Đức Quốc xã. Một người mang nhiều cay đắng như vậy lại muốn chỉ ra cách yêu đúng đắn cho mọi người, cho rằng việc yêu không tự dưng có mà chúng ta phải học?
Xin được nhấn mạnh ở đây, ‘nghệ thuật yêu’ mà tác giả muốn nói không chỉ đơn thuần là tình yêu đôi lứa mà bao hàm tất cả tình yêu từ tình yêu cha mẹ, yêu tổ quốc, yêu cuộc sống, yêu thượng đế, yêu đồng loại.
Một triết lí được lưu truyền qua cả nhiều tác phẩm của ông: Thứ đáng sợ nhất trong xã hội hiện đại là cảm giác tách biệt. Nét độc đáo của Erich Fromm là ông kết hợp phân tâm học của Freud và Triết học của Marx.
Và để khắc phục cảm giác tách biệt, con người tìm đến nhau. Có thể dưới hình thức cùng chung một hội nhóm, cùng chung một tín ngưỡng, cùng thờ phụng một cá nhân. Nhưng để nhiều người trở thành một nhóm, họ phải đánh mất cái tôi để hòa mình vào dòng chảy này. Tình yêu thì vô cùng đặc biệt, khi yêu làm loại bỏ cảm giác tách biệt nhưng họ vẫn là chính họ, không cần phải đánh mất bản ngã (nếu yêu đúng cách).
“Yêu một người đúng cách là yêu họ, yêu bản thân mình và yêu tất cả mọi người”.
Tình yêu đôi khi được hiểu như hiện tượng ‘Vị kỷ đôi’. Đó là hai người yêu thương nhau và chống lại thế giới. Theo mình khi yêu không đúng cách như thế này, cả hai sẽ dần tách biệt với cả thế giới và họ bị ràng buộc vào nhau, họ chả thấy gì ngoài đối phương. Đến khi vì một lí do nào đó mà cả 2 không có thể tiếp tục bên nhau được nữa, họ sẽ phải tạo lại sợi dây liên kết với thế giới một cách khó khăn. Càng khó khăn thì càng đau khổ, đó chính là lúc họ tìm đến những chất kích thích hay sự hưởng lạc.
Một quan điểm cốt yếu mà tác giả muốn nhắc tới chính là ‘Cha mẹ ảnh hưởng rất trong quá trình hình thành tình yêu ở trẻ’. Nếu nói 1 cách đúng hơn thì là xã hội định hình cách yêu của cha mẹ, và cha mẹ định hình lại cách yêu ở trẻ. Và ngay cả tình yêu của cha dành cho con cũng khác biệt với tình yêu của mẹ dành cho con và Erich Fromm đã chỉ ra điều đó.
Việc cha mẹ kiểm soát con mình ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bản ngã ở trẻ. Khi lớn lên, chúng sẽ mong đợi ở những người bạn đời của mình phải giống với cha hoặc mẹ của mình. Và điều đấy là không thể.
Mình cứ tưởng đây là một cuốn sách dễ đọc hơn 2 cuốn Xã hội tỉnh táo và Trốn thoát tự do bởi vì chiếc tiêu đề và bìa không thể nào GenZ hơn. Nhưng mình đã phải vò đầu bứt óc với lượng kiến thức tác giả mang lại ở những phần sau của cuốn sách. Đặc biệt là khi nói về tình yêu thượng đế, Erich Fromm khiến mình quay như chong chóng với những lí luận thuần triết học, việc mang thần học, tôn giáo vào lập luận của mình, mình sẽ trích thử 1 đoạn như sau:
Sức mạnh tối hậu trong vũ trụ cũng như trong con người là cái siêu việt hóa cả thế giới khái niệm lẫn thế giới cảm tính. Do đó, cả hai không phải là ‘cái này’ cũng không phải ‘như thế đó’. Mà như Zimmer hiểu: “Không có sự đối nghịch giữa cái thực tồn và cái phi thực trong sự nhận thức có tính phi – nhị nguyên luận đúng nghĩa này.” Trong khi tìm kiếm tính thống nhất đằng sau sự đa thù, các nhà tư tưởng Bà La Môn đi tới kết luận rằng các cặp đối lập mà ta nhận thức phản ánh không phải cái bản chất của vạn vật mà là của tâm trí làm công việc nhận thức. Tư duy tri giác buộc phải ‘siêu việt’ chính mình nếu nó muốn đạt tới thực tại đích thực.
Để đánh giá cuốn sách này, đây là một cuốn sách ‘nhỏ mà có võ’, giá trị nó mang lại rất lớn, khiến tầm nhìn người đọc trở nên bao quát hơn và người đọc cũng phải cần 1 thời gian để nghiền ngẫm mới thấu được. Cũng như những tác phẩm khác của Erich Fromm, mình phải đọc lại ít nhất 2 lần vì muốn nghiền ngẫm tư tưởng của ông.
Nếu bạn muốn tìm hiểu về bộ sách của Erich Fromm, mình nghĩ các bạn nên bắt đầu với Trốn thoát tự do, Xã hội tỉnh táo, Nghệ thuật yêu vì các cuốn theo sau tiếp nối tư tưởng của các cuốn trước nên việc đọc sẽ trở nên trơn tru hơn.