Bốn thoả ước của Don Miguel bao hàm một hệ thống triết lý về vũ trụ và nhân sinh minh bạch, giản dị, trong đó con người là một phần của tự nhiên, hài hoà, sòng phẳng và không giới hạn. Cuối cùng cũng sẽ ổn thôi.
Cuốn sách nói về 4 điều làm chúng ta khổ và cách chúng ta buông bỏ chúng. Những điều này chắc hẳn ai cũng biết, nhưng để nghiệm và thực hành lại là 1 công việc khác.
Review Bốn thỏa ước (2)
Bốn thoả ước là cuốn sách rất tình cờ mình được biết đến nhưng cũng là một trong số vài cuốn mình tâm đắc nhất đi có đủ duyên để gặp và đọc trong năm 2020, một năm khá khó khăn với bản thân mình.
Cuốn sách không dài, nhưng cũng nhờ vậy, sự súc tích và sâu sắc lại khiến bạn nghĩ suy, chiêm nghiệm về nó nhiều hơn. Có thể đây cũng không phải là một cuốn sách thay đổi cuộc đời, mà là để nhắc nhớ và tự đánh giá hành trình trưởng thành của mỗi người, để có thể không đạt được tự do cá nhân thì cũng là đạt được niềm hạnh phúc trong cuộc sống, giải phóng bản thân… theo cách của bạn. Và thỏa ước nào đi nữa, thì cũng là thỏa ước với chính bản thân mình, không ai ngăn được bạn kiên định những điều bạn muốn, trừ… chính bạn.
Bốn Thỏa Ước gần chục năm liền đứng trong top bestseller của the New York Times và được dịch ra 46 ngôn ngữ, truyền tải những chứng nghiệm và minh triết của tác giả về những điều bất cứ ai sống trong đời này cũng trăn trở: sự tồn tại, niềm hạnh phúc, tự do tinh thần…
Thử điểm qua bốn thỏa ước trên con đường hướng tới niềm vui sống đích thực:
Không phạm tội với lời nói của bạn / {Không khẩu nghiệp}
(Be impeccable with your word)Không có gì phải nghi ngờ, sức mạnh vô cùng lớn của con người là nằm ở lời nói. Ngôn từ luôn có khả năng tác động mạnh mẽ đến cảm xúc, tâm trí của người khác và của cả chính mình. Theo tác giả, về phía mình, bạn đừng để lời nói của mình tạo ra cảm xúc và năng lượng tiêu cực. Về phía ngược lại, đừng để những định kiến, quan niệm của người xung quanh ảnh hưởng đến cách bạn đón nhận mọi thứ.
Không vơ hết mọi chuyện vào mình
(Don’t take anything personally)Để không bị tác động bởi lời khen, chê của người khác, không đổ lỗi, quy tội về bản thân mình, biết mình và tự tin hơn trong mọi lựa chọn, quyết định.
Khi bạn còn vơ mọi chuyện vào mình, cho mình là trung tâm của tất cả, cho rằng lời nói nọ, hành động kia đều nhắm tới bạn, thì sự bình an của bạn đâu còn nữa. Tâm trí của bạn mãi chạy theo những gì người khác trao về bạn. Người ta làm những điều đó vì người ta muốn, bạn đón nhận thế nào tuỳ vào bạn muốn. Hãy học cách bình thản và tỉnh thức.Không giả định, phỏng đoán
(Don’t make assumptions)Con người có xu hướng giả định mọi thứ, từ trong tiềm thức. Cách “chữa trị” là hãy thẳng thắn và biết cách bày tỏ thích hợp thay vì giả định, phỏng đoán theo ý mình rồi tự mình kỳ vọng, hụt hẫng, hiểu lầm…điều đó chính là nguồn cơn của tất cả những mệt mỏi, đau khổ trong cuộc sống này, trong các mối quan hệ, từ gần gũi cho tới xã giao.
Hãy làm hết khả năng của mình
(Always do your best)Vì khi làm hết mình trong mọi việc và làm hết mình với ba thỏa ước ở trên, bạn sẽ hạnh phúc ở hiện tại, không tiếc nuối, so sánh.
Đọc và thấu suốt thực sự, rồi áp dụng với tinh thần tích cực thì những điều mới mẻ, an lành sẽ đến trong đời bạn, sớm hoặc muộn.
Để khép lại bài viết này, xin mượn lời của nhà sản xuất truyền hình, người dẫn chương trình nổi tiếng, Oprah Winfrey, nhận định về quyển sách: “This book by Don Miguel Ruiz, simple yet so powerful, has made a tremendous difference in how I think and act in every encounter.”
Tạm dịch: Quyển sách này của Don Miguel Ruiz, giản dị nhưng đầy quyền năng, đã tạo nên sự khác biệt vô cùng lớn đối với cách tôi suy nghĩ và hành động trong mọi cuộc gặp gỡ.”
Bốn thoả ước: Mọi khổ đau xuất phát từ ảo tưởng của chính mình
Trong Phật giáo có “14 điều răn”, thì Bốn Thoả ước chính là 4 điều răn dạy tập trung làm rõ hơn câu nói “Kẻ thủ lớn nhất của đời người là chính mình”.
THOẢ ƯỚC MỘT: KHÔNG PHẠM TỘI VỚI LỜI NÓI CỦA MÌNH
Bằng những ý niệm vô thức, chúng ta thường vô tình đưa những lời “nguyền” vào tâm trí người khác : con không đủ đẹp, không đủ tốt, anh thật kém cỏi,…Mình biết thực ra khi nói bạn không có ý đầu độc hay làm tổn hại tới đối phương, nhưng do cách biểu biện mà nhiều khi đã trở thành vũ khí. Điều này mình đã được làm rõ hơn khi đọc “Sao Hoả- Sao Kim” và hiểu được ngôn ngữ của hai giới là rất khác biệt, vì thế lời nói của người kia đôi lúc vô tình gây tổn thương cho đối phương mà không hề biết.
Không phải với lời của mình cũng có nghĩa là chính bạn không được tiêm nhiễm và gây độc hại cho bản thân bằng lời và ý niệm. Không chỉ nói ra là phạm vào mà ngay cả tác ý, khởi tâm độc hại cũng không được. Vì chỉ có chính bạn là người bạn yêu thương thôi, hãy dành thời gian ôm ấp nó, khen ngợi nó, động viên nó để tâm hồn và cơ thể được che chở. Mọi khởi tâm, tác ý của bạn tiêu cực chưa đưa được ra đến bên ngoài thì đã làm chính bạn đau khổ rồi.
THOẢ ƯỚC HAI: KHÔNG QUY MỌI VIỆC VỀ MÌNH
Tác giả lấy ví dụ cực kì quen thuộc về chuyện người đời chê bai bạn, người ngoài kia chửi vu vơ bạn. Bạn tin chắc họ đang nói mình, bạn tin chắc là họ đang bình phẩm về mình. Điều đó khiến bạn đau khổ hoặc tức giận.
Cùng với cuốn Sao hoả- Sao kim, có thể thấy rằng lời nói của đối phương theo kiểu “cái nhà này mình tôi dọn dẹp” “cái nhà này luôn bừa bộn” ngay lập tức người nam giới sẽ nghĩ thành “anh thật vô trách nhiệm” “anh chẳng giúp được gì cho tôi cả.
Thế là mâu thuẫn xảy ra, với bất đồng mà kì thực, đôi khi người phụ nữ nói thế là có ý “em mệt quá anh có thể giúp em dọn dẹp đươc không?” “em đã cố gắng hết sức nhưng ngôi nhà vẫn bừa bãi chưa theo ý của em, anh thấy nó đã ổn chưa?”
Nếu người phụ nữ không phạm với lời, nghĩa là nói đúng cái sâu thăm mà cô ấy nghĩ thay vì lời nói như dao kia, và nếu người đàn ông không quy mọi việc về mình thì cả hai sẽ không có mâu thuẫn.
THOẢ ƯỚC BA: KHÔNG GIẢ ĐỊNH, PHỎNG ĐOÁN
Đây là căn bệnh thế kỉ, một thứ dẫn tới nỗi khổ đau của toàn nhân loại khi đang yêu nhau, khi đang làm việc chung với nhau, khi tương tác với nhau.
Khi đi làm, mình học được kinh nghiệm: mọi ý muốn của mình sẽ được nói với nhân viên một cách cụ thể nhất, chi tiết nhất, không mặc định nhân viên hiểu ý mình, không giả định là em ấy đã hiểu.
Tất cả phải được đưa ra yêu cầu rõ ràng, xác nhận rõ ràng trước khi hành xử.
Nỗi khổ đau của mình cũng đến từ việc: em tưởng anh hiểu em. Anh là soulmate của em tại sao không hiểu? Nghe quen không?
Bạn tin rằng con cái bạn phải hiểu rằng bạn vất vả thế nào để nuôi chúng, nghe hiển nhiên ha? Bạn tin rằng người yêu lâu năm phải hiểu rằng bạn thích gì, muốn gì vào ngày sinh nhật. Bạn tin rằng bạn và người ấy rất hợp nhau, sinh ra dành cho nhau, chỉ với vài biểu hiện về sở thích, lời nói, bạn tin là người ấy thích bạn, sẵn sàng cam kết, chỉ với vài hành động đơn thuần như đưa đón, gặp gỡ, đi chơi, tặng quà bạn…
Tất cả chỉ là giả định, suy diễn của bạn. Đến khi nhân viên không hiểu ý bạn làm trái, đến khi chồng tặng sai món quà bạn muốn, đến khi người ấy “biến mất” bạn không hiểu tại sao, cứ như thế hai người sắp cưới tới nơi.
Mình gặp nhiều chuyện buồn cười như này ở trên Tinder vietnam, nghe những câu chuyện kể của những em gái, chàng trai chắc như đinh đóng cột hai người đang hẹn hò, yêu đương nồng thắm lắm, ngày nào cũng tâm sự, cách ngày lại gặp nhau, chàng mua rất nhiều quà cho nàng, chia sẻ mơ ước tương lai (như thể nàng là một phần ở đó) thế rồi bùm, chàng hoặc nàng bốc hơi. Mình chỉ muốn bình luận là: em gái à, người ta có xác nhận hay nói rõ với em về mối quan hệ hay chưa, hay tất cả đều là do em “tưởng thế”.
Khi ấy mình càng nghiệm ra rõ về lời răn “Không suy diễn và giả định, phỏng đoán”.Hãy cẩn thận với suy nghĩ và trí nhớ của mình. Trí nhớ luôn muốn nhớ và ghi chú những điều nó thích. Suy nghĩ thì luôn suy luận ra những điều nó muốn.
Mối quan hệ và sự hiểu ý nhau cần được xác nhận và chia sẻ cụ thể. Như mình đã nói rất rõ với agency về mong muốn của mình, giao rất rõ task cho nhân viên thế mà còn làm sai. Người ở bên mình từ bé tới lớn, còn không hiểu và không biết size giày của mình… Thì tại sao, bạn lại yêu cầu và kì vọng và tự suy diễn rằng người kia đang có cùng suy nghĩ như bạn?
THOẢ ƯỚC BỐN: LUÔN LÀM HẾT KHẢ NĂNG
Mọi thứ hay mọi người bên ngoài là điều bạn không thể kiếm soát. Bạn không thể suy diễn và phỏng đoán được người kia có làm theo đúng ý bạn không. Bạn không thể quy mọi chuyện về mình khi sếp bạn chê dự án này làm không tốt.
Nhưng, bạn có thể kiểm soát và làm chủ một thứ: CHÍNH MÌNH
Chừng nào còn làm việc, còn làm mẹ, còn làm người yêu hay làm vợ, thì chừng đó bạn hãy cố gắng làm hết khả năng và năng lực của mình ở vai trò đó.
Ngày trước mình thường đau khổ, vì mình là thủ khoa đại học rồi, mình đã ngoan rồi, đã tự lập rồi, nhưng tại sao mẹ mình không bao giờ hài lòng của mình. Chê mình dốt, chê mình kém, mình lo toan hết nhà cửa, cơm nước, chợ búa…vậy thế nào mẹ mới hài lòng đây?
Rồi mình nhận ra, không bao giờ bạn đủ với người khác, không bao giờ bạn làm người khác hài lòng trọn vẹn. Điều duy nhất bạn làm được, làm hài lòng chính mình, cố gắng hết sức mình, không ngừng nâng tiêu chuẩn của bản thân.
Đây không phải cuốn sách self-help bảo bạn là: đừng quan tâm thế sự, đừng quan tâm ai bình phẩm gì, cố hết sức là được. Nghe thật sáo rỗng.
Dù lý thuyết chỉ có vậy. Nhưng như mình nói: Không bao giờ ngừng học hỏi, không tự thoả mãn dễ dàng, vừa biết cố gắng, vừa biết điểm dừng, đâu là ranh giới “đủ” cho sự nỗ lực. Nhưng hãy nhớ thoả ước một, phải luôn yêu thương tâm hồn chứ đừng tự trách móc, chê bai nó bạn nhé.