Thông qua sự kết hợp của nhiều câu chuyện giải trí, thông tin đáng giá và lời khuyên thiết thực, Dấn Thân chứng minh sự bất bình đẳng giới ở cả gia đình và tại nơi làm việc vẫn còn rất phổ biến. Cuốn sách khuyến khích phụ nữ tự chủ trong sự nghiệp của mình bằng cách nắm bắt cơ hội và dám ước mơ vươn tới các vị trí lãnh đạo, cũng như kêu gọi cả nam giới và phụ nữ thừa nhận và khắc phục những bất bình đẳng giới hiện nay.

- Review Dấn thân (2)
- Tóm tắt Dấn thân
Review Dấn thân (2)
Sheryl Sandberg là Giám đốc Hoạt động (COO) tại Facebook,cô từng làm việc tại Google và có bằng cử nhân quản trị kinh doanh (BA) về kinh tế học tại ĐH Harvard, Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tại Trường Kinh doanh Harvard. Cô Sheryl Sandberg nằm trong danh sách 50 Phụ nữ Quyền lực Nhất ngành Kinh doanh của tạp chí Fortune, cô có bài TEDTalk gây rúng động nhận xét rằng “phụ nữ đang tự ràng buộc bản thân trong sự nghiệp”.
Quyển sách Dấn thân có hai phiên bản là “Lean in: women, work, and the will to lead” và “Lean in for gradutes”. Phiên bản được dịch sang tiếng Việt là “Lean in: women, work, and the will to lead” (Dấn thân: phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo) được bà Tôn Nữ Thị Ninh viết lời tựa. Dấn thân là một quyển sách viết về “nữ quyền” trong khía cạnh công việc, sự nghiệp.
Mình biết đến sự tồn tại và ý nghĩa của từ “feminist” (nữ quyền) từ hồi học cấp ba, sau khi xem bài phát biểu của Emma Watson về “nữ quyền” cho chiến dịch “He for she”. Theo thời gian cụm từ “feminist” bắt đầu trở nên phổ biến, nghĩa của “feminist” cũng dần bị bóp méo. Nữ quyền không phải là đốt bras, ghét đàn ông mà nữ quyền là từ dùng để chỉ một xã hội quá đề cao nam giới, bị nam giới chi phối; hay nói cách khác nữ quyền giống như bình đẳng giới, nam và nữ có quyền hạn ngang nhau trong mọi mặt. Thông điệp mạnh mẽ mà tác giả muốn truyền đạt trong Dấn thân là “một thế giới bình đẳng là 50% nữ giới tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong công ty, 50% nam giới có quyền lãnh đạo tại gia đình”.
Tác giả đã lồng ghép câu chuyện của bản thân và những người phụ nữ thành công khác để nghiêm túc chỉ ra những khó khăn, rào cản khiến cho phụ nữ dậm chân tại chỗ trong sự nghiệp cũng như các biện pháp khắc phục.
Thứ nhất việc ca ngợi những đức tính truyền thống của phụ nữ đôi khi khiến phụ nữ trở thành tù binh trong chính lâu đài dát vàng dành cho mình. Tiếp theo là “chiến tranh giới” khi phụ nữ không ủng hộ phụ nữ. Người mẹ làm nội trợ lên án ngươi mẹ đi làm 8 tiếng không lo cho con cái. Phụ nữ làm lãnh đạo không lên tiếng vì phụ nữ cấp dưới mà cố gắng hòa nhập vào môi trường làm việc do nam giới chi phối. Và một sự thật được cô Sandberg đề cập tới là chúng ta cần sự giúp đỡ của giới còn lại.
Cứ 28 lãnh đạo là nữ có 26 người đã lập gia đình, 1 người đã từng li hôn, người còn lại là độc thân. Điều đó có nghĩa là người bạn đời – người chồng có tác động đến sự thành công trong sự nghiệp của người vợ. Nói thẳng ra thì người chồng cần giúp đỡ người vợ trong việc chăm sóc con cái (đặc biệt là giai đoạn sau sinh), trớ trêu thay xã hội lại mặc định đó là trách nhiệm của người mẹ. Bên cạnh đó các chính sách (lương, phụ cấp,…) lại không tạo điều kiện để người cha chăm sóc con. Còn ở nơi làm việc khi nhân viên nữ cần đến sự giúp đỡ của sếp là nam, người ta lại mặc nhiên đặt yếu tố tình dục vào mối quan hệ đó, ngược lại nếu là sếp nam – nhân viên nam thì lại chẳng có gì xảy ra.
Từ những hạn chế trên khi phụ nữ muốn thăng tiến trong công việc lại gặp một loạt những nỗi sợ, sự nghi hoặc, tự đánh giá thấp bản thân mình không đủ năng lực, sợ khi mình nổi bật sẽ không được yêu quí và nỗi sợ lớn nhất là không thể trở thành một “người mẹ tốt”.
Không phải phụ nữ nào cũng muốn theo đuổi sự nghiệp. Không phải phụ nữ nào cũng muốn con cái. Không phải phụ nữ nào cũng muốn toàn vẹn cả đôi. Nói cách khác phụ nữ nên ngừng việc ám ảnh bản thân phải vươn tới sự hoàn hảo do xã hội áp đặt mà hãy phấn đấu, đạt đến sự toại nguyện bền vững. Xã hội nên ngừng việc đánh giá thành công của người đàn ông dựa trên sự nghiệp mà hãy tạo điều kiện cho nam giới tham gia vào việc chăm lo gia đình, nuôi dưỡng con cái.
Cách tiếp cận vấn đề “nữ quyền” trong khía cạnh công việc của tác giả rất khéo léo, tế nhị, không phản cảm, không quá nghiêm túc mà còn pha chút hài hước. Mình thích nhất là chương 4 khi cô Sandberg đưa ra khái niệm “sự nghiệp là khung leo trèo, không phải là một chiếc thang”. Thông qua những câu chuyện mà cô đề cập trong sách, mình nhận ra rằng ai cũng có một khoảng thời gian “kém cỏi” trước khi trở nên “chuyên nghiệp” trong lĩnh vực của mình. Cô liên tục lặp lại việc đừng sợ cơ hội việc làm khác với chuyên môn, có những việc phải bắt tay vào làm mới có kinh nghiệm được, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Ngoài ra tác giả còn chia sẻ những tip ứng xử, đàm phán, thương lượng với sếp và đồng ghiệp cũng như tình yêu mà cô dành cho người chồng của mình.
Đây là một quyển sách đáng đọc với tất cả mọi người, đặc biệt là nữ giới. Nam giới cũng nên đọc để thấu hiểu những khó khăn trong công việc mà bạn đời, con gái, bạn gái, nhân viên nữ của mình sẽ gặp phải. Các bậc phụ huynh cũng nên đọc để dạy cho con gái mình rằng “mọi cơ hội đều rộng mở rộng đối với con khi con là con gái”.
Thật may mắn vì mình đã đọc Dấn Thân trước khi Tốt nghiệp đại học và mình hi vọng sau này khi đi làm mình sẽ có cơ hội được làm việc với những lãnh đạo đáng học hỏi như cô Sheryl Sandberg.
Chúng ta đã đạt được đến bình đẳng giới hay chưa? Câu trả lời là chưa. Bởi “một thế giới bình đẳng là nơi phụ nữ nắm quyền tại một nửa số quốc gia trên thế giới, tại một nửa số công ty trên thế giới, và nam giới phải lo vun vén cho một nửa số gia đình trên thế giới”.
Chúng ta đều nghĩ rằng ở thế kỉ XXI này, bình đẳng giới là một chủ đề quá cũ không có gì để nói. Nhưng thực tế, vấn đề chưa chấm dứt, chỉ là ta chưa nhìn thấy. Sandberg đã thấy và cô đã chỉ chúng ta thấy. Cô cho rằng “chúng ta không thể thay đổi những gì chúng ta không nhận thức được, và một khi đã nhận thức, chúng ta không thể không thay đổi”. Dấn thân đã giúp chúng ta vế “nhận thức”, hơn thế nó còn tạo nên một sự cổ vũ và thôi thúc chúng ta thay đổi vì chính mình, vì giới của mình, và vì toàn thế giới. Theo câu nói đó, quyển sách đã giúp chúng ta 2/3 đoạn đường, một phần vô cùng quan trọng còn lại là ở chúng ta, ở cả hai giới: nam và nữ.
Toàn bộ 300 trang của quyển sách đều nói về một vấn đề duy nhất “bình đẳng giới”. Mọi người có cho rằng dư thừa? 300 trang ấy giúp chúng ta nhận thức, chấn chỉnh những quan niệm sai lầm, đưa ra những bài học, và hơn hết là một lời cổ vũ cực kì có sức nặng. Dư thừa?
Sheryl Sandberg hi vọng cả hai giới đều đọc quyển sách này.
Phái nữ cần đọc để nhận ra những bất bình đẳng mà chúng ta ngấm ngầm cho là bình thường. Chúng ta cần một nguồn năng lượng thôi thúc để dấn thân. Phụ nữ, công việc và quyết tâm lãnh đạo!
Phái nam cần đọc nó vì nam giới là một phần cực kì quan trọng trong phong trào nữ quyền. Bình đẳng không thể đạt được chỉ bằng sự thay đổi và dấn thân từ phía người nữ. Nó cần sự chủ động ủng hộ, khuyến khích và tạo điều kiện từ người nam.
__________
Thật sự đã rất lâu rồi em mới cảm thấy cực kì hứng thú với một quyển sách. Em đã bỏ xem phim chỉ để đọc quyển sách này nhiều nhất có thể. Em tự tin đề cử quyển sách này đến tất cả mọi người, đặc biệt là nữ giới.